Rời An Lão, sông Côn bắt đầu len qua những cánh rừng đại ngàn mênh mông, để bắt đầu đổ qua Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Ở đây, sông tiếp tục hội nguồn, soi bóng những ngọn núi hùng vĩ. Trong những ngọn núi ấy, có núi Nguyễn Huệ (người Bana thường gọi là Kon Srut) huyền thoại. Theo chân người dẫn đường, chúng tôi đã làm một cuộc thám hiểm lên ngọn núi huyền thoại.
|
Toàn cảnh núi Nguyễn Huệ.
|
Đường lên núi thiêng
Chiều hôm trước, theo hướng dẫn của cán bộ UBND xã Vĩnh Sơn, chúng tôi đến làng K2 để tìm người dẫn đường. Thật may khi người thợ rừng đầu tiên tôi gặp đã nhận lời giúp. Đó là Đinh Phin, thường gọi là Bá Uôn.
Đúng hẹn, 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu khởi hành từ ngôi nhà sàn của Bá Uôn. Bá Uôn mang theo một cái rựa đi rừng, còn chúng tôi cắp theo chai nước. Bỏ xe tại một căn nhà ruộng, chúng tôi bắt đầu chuyến bộ hành gian truân. Đầu tiên là băng qua những đồng cỏ với những thân cỏ dại cao tận đầu người. Bá Uôn vừa đi vừa vung rựa phát liên tục để mở đường. Chúng tôi cố gắng để không bị ông bỏ quá xa, nhất là trên một hành trình mà mọi thứ đều lạ lẫm….
Tới bìa rừng, không khí đã thoáng mùi ẩm của lá mục. Bá Uôn dặn tôi phải đi theo bước chân của ông. Ông dùng rựa chặt những cành cây vươn ra trước mắt, thi thoảng lại chém lên những cây cổ thụ để làm dấu. Càng đi sâu lên núi, tiếng ve rừng kêu càng gay gắt. Những tiếng kêu “két két” như phát ra từ những bộ loa khổng lồ.
|
Tảng đá thần trên đỉnh núi Nguyễn Huệ.
|
Leo dốc chừng 20 phút, con đường mòn của những người thợ rừng bắt đầu hiện ra. Cùng với con đường là hàng loạt bẫy thú. Cứ khoảng 5m lại có một cái bẫy. Những cành cây rắn chắc được vót nhọn giương lên, chỉ một chút sơ sẩy, vướng chân vào là… bỏ mạng. Trên đường đi, chúng tôi còn gặp những bánh xe tải được cắt làm đôi, chứa đầy nước. Bá Uôn nói đó là thợ săn làm để nhử chim, thú; bên cạnh mỗi bánh xe, họ sẽ làm một cái lùm lá để ẩn mình, khi có chim, thú đến uống nước, họ sẽ bắn.
Sau gần một giờ leo dốc, chúng tôi đặt bước chân đầu tiên lên đỉnh núi. Khi thấy đằng sau những cây cổ thụ, thấp thoáng bóng trụ đá thần trong truyền thuyết, những mệt nhọc như tan biến.
Bước ra từ huyền thoại
Trước mặt chúng tôi là trụ đá huyền thoại, nơi mà theo chuyện kể của người Bana, trong một thời gian dài những ngày đầu khởi nghĩa, binh lính của Nguyễn Huệ đã trú chân trong những hang đá quanh núi, còn vị chủ tướng vẫn đi đi về về, thoắt ẩn thoắt hiện, khi thì thấy ông xuất hiện ở những hang núi trên Tây Sơn thượng đạo, khi lại thấy ông ngồi sừng sững trên hòn đá thần. Bá Uôn nói, người Bana gọi đó là “Tmo Pôr”. Đá vẫn đứng đấy, sừng sững, dáng thẳng, phần nổi hình lăng trụ, bề mặt rất bằng phẳng. Tuy nhiên, nơi lạch nước dưới chân tảng đá mà theo chuyện kể, vẫn có một con cá sấu thần bơi lội, giữ cho nước luôn sạch sẽ, đã không còn. Đối diện với trụ đá, trên một gốc cổ thụ, ai đó khắc lên những vết khắc, nay chỉ còn đọc được số “1947”.
|
Cỏ lách mọc đầy trên sân bay cũ của Mỹ.
|
Bá Uôn nói, đỉnh núi này rất hoang vắng, những người thợ rừng rất ít khi lai vãng lên đây. Thú rừng giờ cũng vơi, chỉ còn mấy loài thú nhỏ như cheo, mang, chồn… Tuy nhiên, cây rừng thì vẫn còn nguyên. Có những cây cổ thụ lâu năm ba bốn vòng tay người ôm không xuể. Những hang động ngày xưa binh lính Nguyễn Huệ ẩn náu, số thì bị vùi lấp, số thì lâu không có dấu chân người đặt đến nay cây cối mọc đầy.
Dừng chân ở đỉnh núi chưa đầy nửa giờ, chúng tôi bắt đầu tìm đường vào sân bay cũ của Mỹ. Năm 1972, lính Mỹ đã khai phá một mảnh đất rộng khoảng 200m2 ở phía nam của núi, đốn cây, san bằng mặt đất để trực thăng đáp xuống đổ quân. Chúng lưu lại ở đó khoảng ba tháng. Bá Uôn kể, sau ngày giải phóng, ông và một số người dân quanh vùng đã có lần lên đây, nhặt một số vật dụng còn lại. Nhưng đã từ lâu lắm, không ai tìm vào chốn này. Trước mắt chúng tôi, sân bay giờ chỉ là một rừng lách dày đặc, thân cao hơn 2m, không thể chen vào được. Xung quanh rừng lách mọc đầy những bụi chuối rừng. Chẳng có một lối mòn, nên khi quay lại, chúng tôi mất phương hướng. Cũng may, sau một hồi loay hoay tìm kiếm theo những dấu cây, chúng tôi cũng tìm lại được đường xuống núi.
Ra khỏi rừng cây ken dày, bước xuống chân núi, đi bộ chừng nửa giờ nửa, Bá Uôn đưa tôi đến Vườn cam Nguyễn Huệ. Vườn cam nay chỉ là dấu tích và khu vực vườn cam rộng chừng vài cây số vuông. Mí Bình (Đinh Thị Sá), một người sống ngay gần khu vườn cam, nói. “Vườn cam xưa nghe nói rộng hàng chục ha, có cây đường kính 30-40cm, quả vỏ mỏng, rất ngọt, nhưng vào những năm chiến tranh, đã bị chết gần hết do chất độc hoá học”. Dẫu vậy, theo mí Bình, trong tâm khảm người dân Vĩnh Sơn, Vườn cam Nguyễn Huệ vẫn rất thực. Nó thành niềm tự hào của người địa phương khi nói, kể về quê hương mình, thành sự nhắc nhở, trong những câu chuyện người già bên bếp lửa đại ngàn.
|
Một cây cam con mới trồng lại trong Vườn cam Nguyễn Huệ.
|
Vườn cam giờ chỉ còn mấy cây cam do đồng bào Bana trồng sau này. Dưới một cây cam to nhất còn sót lại, chúng tôi nhặt lên một quả chín rụng. Vỏ dày như bưởi, nước nhiều nhưng vị thì chua gắt. Quanh cây cam cao khoảng 3m ấy là những gốc cam nhỏ, mỗi cây được trồng cách nhau khoảng 5m. Bá Uôn nói, đó là những cây cam được thanh niên xã Vĩnh Sơn trồng từ hồi Tết vừa rồi theo dự án khôi phục Vườn cam Nguyễn Huệ của huyện Vĩnh Thạnh.
Chuyện kể bên đống lửa
Theo lời giới thiệu của ông Đinh Xoa, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Sơn, tôi tìm đến nhà Đinh Nương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Ba lần bảy lượt quay đi trở lại tôi mới được gặp ông. Đã hơn năm mươi, nhưng Đinh Nương vẫn còn có thân hình rắn chắc như thanh niên đôi mươi. Vừa đi rẫy về, ông cất cái rựa, khoác bộ quân phục, rồi ra tiếp khách. Trong ngôi nhà sàn khá khang trang, bên đống lửa bập bùng, ông kể cho tôi nghe những câu chuyện lưu truyền từ thời xa lơ xa lắc.
Từ thời xa xưa, Kon Srut vốn là một dãy núi vĩ đại, trên núi có cả đường dẫn lên Trời, người nào trèo lên đến tận đỉnh núi sẽ gặp được Trời. Truyền thuyết Bana kể rằng: có ba mục đồng chăn bò trên núi Kon Srut, vào một buổi chiều tà nhóm lửa nướng “sem soi” (một loại chim rừng, nhỏ như chim sẻ). Khói thơm bốc lên Trời, Trời tưởng là ba mục đồng nướng thịt nai, nên ngỏ ý xin óc nai. Ba mục đồng không cho, Trời tức giận, bèn đánh ba phát, xẻ Kon Srut thành ba phần: Kon Pokpang, Kon Tdon (hai ngọn núi nằm phía đông của Vĩnh Sơn), phần còn lại là Kon Srut (núi Nguyễn Huệ bây giờ).
|
Ông Đinh Nương, người kể chuyện bên đống lửa.
|
Sau khi Nguyễn Huệ và đoàn quân của ông rút đi, Kon Srut càng trở nên huyền bí hơn. Người Bana lên núi săn thú còn thấy những khẩu súng thô sơ, họ gọi đó là “Tlu”. Trong một đêm nọ, có một vị thần đến báo mộng cho dân làng xung quanh rằng để giữ cuộc sống thanh bình, sung túc, hằng năm dân làng phải dâng lễ vật cho hòn đá thần. Kể từ đó, năm nào dân làng cũng góp của cải để sắm lễ vật gồm một con lợn, một con dê và một con gà trắng. Tục lệ này còn duy trì đến tận trước kháng chiến chống Pháp…
Qua câu chuyện của ông Đinh Nương, chúng tôi lại nghĩ đến tín ngưỡng thờ đá của cư dân Đông Nam Á xưa. Đông Nam Á là một trong số ít những khu vực trên thế giới còn bảo lưu được một số phong tục, tín ngưỡng gắn với thờ đá. Và hẳn, hồn đá thiêng trên núi Nguyễn Huệ cũng không nằm ngoài nét văn hoá này. Đáng lưu ý hơn, hòn đá thần này còn được gắn với hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Thờ đá trong tâm thức người Bana hẳn cũng sẽ là một đề tài thú vị đối với những nhà nghiên cứu văn hoá.
Kỳ 4: Kỳ bí Hang Dơi
Vượt cánh rừng nguyên sinh giữa cơn mưa chiều bất chợt, qua con suối Sơn Lang đang ầm ào ca hát, chúng tôi đặt chân đến Hang Dơi. Hang sâu hun hút, cửa hang đầy những khối đá đẹp mê hồn, tựa như được ai đẽo gọt vào lòng núi. Những câu chuyện quanh Hang Dơi với đầy vẻ kỳ bí…
|