Cơn sốt gỗ trắc vừa lắng dịu vào cuối năm ngoái thì năm nay, những cánh rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh lại tiếp tục nóng bỏng nạn khai thác gỗ hương trái phép.
|
Gỗ hương thu được tại Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh.
|
* Lâm tặc đổi mới chiến thuật
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Từ khi giá gỗ trắc trên thị trường “tuột dốc” từ 120 triệu đồng/khối xuống còn 20 triệu đồng/khối, lâm tặc chuyển hướng sang khai thác gỗ hương. Rừng trên địa bàn Vĩnh Thạnh lại tiếp tục “chảy máu”. Hiện những cây gỗ hương trong rừng đang bị “nội công, ngoại kích”. Một lực lượng khá đông người ở các tỉnh miền Bắc vào cấu kết với một số người dân địa phương làm lán trại “định cư” hẳn trong rừng sâu lén lút hoạt động khai thác trái phép. Một lực lượng lâm tặc khác cũng hùng hậu không kém luôn rình rập ở các khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Thạnh - Gia Lai chờ cơ hội “tấn công” những cây gỗ hương bên rừng Vĩnh Thạnh. Khu vực nóng bỏng nhất hiện nay là vùng Suối Xem - Định Nhì giáp ranh với huyện K’Bang và vùng Hang Hũ - Tà Điệt giáp ranh với thị xã An Khê (Gia Lai). Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn Vĩnh Thạnh đã xảy ra hơn 200 vụ vi phạm lâm luật, đã xử lý 173 vụ, tịch thu gần 50 khối gỗ từ nhóm 2A đến nhóm 6".
Ông Đoàn Siêng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, cho hay: “Lâm tặc không hoạt động dài ngày trong rừng để lang thang tìm gỗ hương như trước nữa để tránh những đợt truy quét của ngành chức năng, trước khi “ra tay”, chúng cho người đi tiền trạm nhận định vùng rừng có nhiều gỗ hương rồi tung “tổng lực lượng” hàng 40-50 người cùng với 4-5 chiếc cưa máy làm ào ạt trong thời gian ngắn. Đối tượng của chúng là những cây gỗ hương có đường kính 70-80cm trở lên, có nhiều lõi, gỗ đẹp đang được thị trường ưa chuộng và có giá cao đến hơn 40 triệu đồng/khối. Cây vừa được cưa đổ là có lực lượng xẻ thành ván và 1 lực lượng khác “cõng” những tấm ván về ngay nơi “tập kết”. Chúng hoạt động rất “thần tốc”, chỉ trong vòng 1 ngày là đủ “hàng” cho 1 chiếc xe cọc cạch rời rừng”.
Tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi còn được ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Hạt trưởng, cho xem những chiếc xe Honda “cải tiến” chuyên dụng cho việc chở gỗ lậu. Đó là những chiếc xe trông rất bình thường, nhưng khi giở yên xe lên, chúng tôi thấy phần khung xe dùng để đặt bình xăng trống hoác như 1 cái hộc. Ông Quang giải thích: “Chúng đựng xăng trong chiếc can nhựa treo ngoài xe chuyền xăng trực tiếp vào máy, nơi bình xăng được tháo ra sẽ đựng được 6 miếng ván hương, mỗi miếng dài 60cm, dày 10cm. Đậy yên xe xuống là chúng yên tâm đi trên đường mà không sợ bị phát hiện”.
|
Những chiếc xe máy độ chế: chỗ cho bình xăng biến thành hộp đựng gỗ.
|
* Công tác quản lý còn nhiều bất cập
Với địa bàn có gần 30.000 ha rừng tự nhiên, địa hình lại rất hiểm trở có nhiều vùng giáp ranh trong khi lực lượng của ngành chức năng và các chủ rừng quá mỏng nên việc quản lý bảo vệ rừng luôn là thách thức lớn. Mặc dù thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhưng các lực lượng bảo vệ rừng vẫn luôn bị “chậm chân” so với lâm tặc. Thường khi kiểm lâm phát hiện thì “chuyện đã rồi”, cây đã đổ và lâm tặc đã biến mất. Thậm chí những cánh rừng đã được giao khoán cho hộ dân quản lý, bảo vệ cũng không được bình yên. Ông Đoàn Siêng kể: “Năm 2008, chúng tôi giao 1.000 ha rừng nguyên sinh ở khu vực phía Đông sông Kôn cho dân 2 làng Hà Ri và Thanh Quang khoanh nuôi bảo vệ. Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra thì đã phát hiện trong rừng còn hơn 30 khối gỗ hương bị khai thác trái phép, lâm tặc chưa kịp vận chuyển. Chúng tôi đã tập trung những hộ dân có rừng giao khoán bị phá lại để thông báo nhưng mức xử lý đối với họ chỉ có thể là… kiểm điểm và phạt hành chính vài trăm ngàn đồng/hộ vi phạm”. Và ông Siêng thừa nhận, mức xử lý này là không đủ răn đe!
Công tác giao khoán bảo vệ rừng cũng còn nhiều bất cập. Dù tiêu tốn không ít tiền nhưng hiệu quả mang lại không là bao. Ví như cách đây 3 năm, ngành Kiểm lâm tỉnh xây dựng mô hình thí điểm giao khoán 300 ha rừng cho dân làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp) với phương thức hộ nhận khoán được cấp sổ đỏ đất rừng hẳn hoi. Dân Hà Ri hồ hởi nhận khoán với hy vọng sẽ thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng vay vốn đầu tư vào nghề rừng tạo thêm thu nhập như những hộ nông dân dưới miền xuôi. Thế nhưng khi bị ngân hàng từ chối “sổ đỏ rừng”, đầu năm 2008, dân đồng loạt trả lại rừng. Thế nhưng ngành Kiểm lâm vẫn quyết tâm duy trì việc giao nhận khoán. Hiện nay, trên danh nghĩa thì 300 ha rừng nói trên vẫn có chủ nhưng vì sự không còn “ngó ngàng” gì của các hộ chủ rừng nhận khoán “bất đắc dĩ”, diện tích rừng nói trên lâm vào tình trạng… có chủ mà như không.
Về ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nghe cũng rất bi hài. Ông Đoàn Siêng nói thêm: “Khi đến kiểm tra tại nhà 32 hộ dân ở làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim, đây là vùng giáp ranh với xã An Toàn (An Lão), chúng tôi phát hiện nhà nào cũng đang “sở hữu” từ 6-7 khối gỗ. Khi được hỏi vì sao lại đi khai thác lâm sản trái phép thì hầu hết họ đều trả lời: “Mình không chặt thì trước sau gì lâm tặc cũng chặt mất thôi. Thà mình chặt bán kiếm tiền tốt hơn”.
|
Gỗ lại tiếp tục đưa từ rừng ra.
|
* “Cầm máu” cho rừng?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Ninh cho biết: “Phát hiện nạn khai thác gỗ trái phép trong rừng đã khó, ngăn chặn nạn vận chuyển còn khó hơn vì lâm tặc có rất nhiều “con đường gỗ lậu” đưa lâm sản từ rừng ra. Riêng tuyến vận chuyển về Tây Sơn lâm tặc thường đi 2 đường: đường tỉnh lộ 637 và đường phía Đông Bắc sông Kôn về xã Bình Thành (Tây Sơn). Vì thế, cuối năm 2007, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho huyện xây dựng 3 trạm gác tại các điểm nóng: Hà Nhe (Vĩnh Hòa), Gò Lủi (Vĩnh Quang) và K11 (đầu hồ Định Bình). Mới đây chúng tôi phát hiện lâm tặc còn mở thêm đường mới từ xã Vĩnh Thuận đưa gỗ xuống đường tránh hồ Định Bình nên đã đề nghị UBND tỉnh cho lập thêm trạm gác tại phía tây hồ Định Bình trên địa bàn Hang Hũ (Vĩnh Hảo). Phương tiện vận chuyển của chúng thì đủ các kiểu: những chiếc xe đạp “độ chế” bằng sắt rất vững chắc dùng để thồ gỗ từ trên núi xuống; xe Honda “cải tiến”; xe ôtô du lịch. Mới đây, chúng tôi nhận thấy có nhiều chiếc xe dạng thùng đông lạnh chạy nườm nượp trên đường, dù có nghi ngờ nhưng chưa nắm chắc nên không thể chặn lại để kiểm tra được”.
Chốt chặn kỹ là thế nhưng với lực lượng lâm tặc trên địa bàn lên đến con số 208 đối tượng (danh sách ngành Kiểm lâm huyện vừa chốt) thì quả là nan giải cho việc kiểm soát hoạt động của chúng. “Mà hoạt động của chúng càng ngày lại càng ranh ma hơn nữa chứ. Chúng luôn “theo dõi” từng bước đi của anh em kiểm lâm rồi dùng phương tiện thông tin hiện đại thông báo cho nhau để tránh bị truy quét”. Ông Hạt trưởng Kiểm lâm tâm sự.
Tối đó, ông Quang dắt tôi ra những quán cóc trước trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh. Trông quang cảnh khách khứa vào ra, ăn uống rất yên bình nhưng sự thật không phải vậy. Ông Quang cho biết: “Trong số khách vào ra các quán cóc ấy chắc chắn có nhiều đối tượng đang làm nhiệm vụ “thông tin” cho lâm tặc. Ngồi ở đây ăn uống nhậu nhẹt nhưng chúng không rời mắt về phía cổng cơ quan và dễ dàng nhận ra hoạt động của chúng tôi. Anh em xuất quân lúc nào, bao nhiêu người, đi về hướng nào, phương tiện gì chúng đều biết và gọi điện thông báo ngay cho đồng bọn”.
Trước những diễn biến phức tạp như vậy, Vĩnh Thạnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các địa phương được nhìn nhận là “điểm nóng” như các xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp… bằng những buổi họp dân và diễn đàn “Thanh niên, phụ nữ với công tác bảo vệ rừng”. Ông Nguyễn Văn Ninh kiên quyết: “Sau khi xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa 3 đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, trong thời gian tới công tác bảo vệ rừng trên địa bàn sẽ được tăng cường và triển khai chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, để ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, chúng tôi sẽ giao rừng, cho thuê rừng và hỗ trợ gạo cho đồng bào vùng cao canh tác nương rẫy bền vững giai đoạn 2008-2012 để không còn tình trạng lợi dụng sự thiếu thốn của dân mà bọn lâm tặc lôi kéo họ tiếp tay cho chuyện phá rừng”.
|