“Tuần Bình Định” ở xóm ghe Vũng Tàu
11:3', 22/10/ 2008 (GMT+7)

Người ta giàu có cưới nhau đi “trăng mật” là chuyện thường. Nhưng dân ghe Bình Định thì dẫu có nghèo nhưng tháng nào cũng có “trăng mật”. Nếu bạn không tin, thì hãy ghé Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào giữa mùa trăng!

 

Những chiếc ghe biển BĐ đậu san sát

 

Con đường dọc bờ biển uốn cong bao bọc lấy thành phố Vũng Tàu được chia làm hai chặng khá rõ nét. Chặng làm du lịch thoáng đãng và sang trọng từ bãi Sau đến bãi Dâu. Chặng còn lại, ngắn hơn nhiều. Bắt đầu từ nhà thờ Bến Đá cho đến khu vực chợ Bến Đình (thuộc địa phận phường 5 và phường 6) là thế giới rất đặc trưng của cư dân đánh cá: những tấm phênh phơi hải sản trải dài bên đường đi, mùi cá khô nồng nặc và sự ồn ào, náo nhiệt và đôi khi là lộn xộn, nhốn nháo khi cả chục ghe đánh cá cập bờ một lúc. Ở đây, người Bình Định rất đông…

Đoàn viên trên đất khách

Ghé thăm các bến cá dọc cung đường này vào mùa trăng hẳn mọi người sẽ không còn nhận ra đây là xứ miền Nam nữa vì đâu đâu cũng nghe giọng “nẫu”. “Thổ địa” dẫn đường cho tôi biết, đã hơn chục năm nay các bến cá ở đây có rất đông tàu đánh cá (người ta thường gọi là ghe) ngư dân miền Trung neo đậu. Trong đó nhiều nhất là tàu mang biển đăng ký BĐ của ngư dân Bình Định. Hễ đến mùa trăng (từ mùng 10 đến 17 âm lịch hàng tháng) là có rất đông phụ nữ từ miền Trung vào Vũng Tàu đợi ghe của chồng cập bến. Họ sẽ lo chuyện bán hải sản đánh bắt được, tính chuyện lỗ lãi và chuẩn bị cho ghe một chuyến đi biển mới.

Nét đặc trưng của những bà chủ ghe miền Trung so với phụ nữ bản địa, ngoài giọng nói, là họ thường mặc những bộ đồ bộ sẫm màu, áo khoác, găng tay, khẩu trang trùm kín mít và chiếc giỏ xách đi chợ luôn túc trực trên tay như những người đàn bà đi chợ quê chứ không phải toàn túi là túi như phần đông phụ nữ Vũng Tàu.

 

Những bà chủ ghe đậu gần nhau tụ hội bên rổ khoai mì

 

Theo chân một người phụ nữ như thế, tôi lội qua cầu dẫn bằng gỗ cũ kỹ, tồi tàn, đen sẫm vì bị thấm ướt bởi nước rỉ hải sản với mùi tanh rất đặc trưng từ những chuyến chuyển hàng trước đó. Để xuống được ghe, khách phải lên những chiếc đò bé tí và hay lắc lư tưởng chừng khách chỉ cần “cựa quậy” thêm một chút là đò chìm như chơi.

Sau khi len lỏi giữa hàng trăm chiếc ghe đang neo đậu, chúng tôi cũng đến được khu vực đậu ghe của những người đồng hương.

Sau màn chào hỏi bằng tiếng nẫu xịn, tôi được bà con ngư dân ở đây đón tiếp rất niềm nở. Anh Trương Văn Long quê ở biển Đề Gi (Cát Khánh – Phù Cát) vừa nựng đứa con gái có khuôn mặt giống mình như đúc vừa hướng sang người vợ trẻ đang lúi húi nấu cơm, bảo: “Cả tháng mới được vợ nấu cơm cho ăn vài bữa…” để bắt đầu câu chuyện. Anh kể, ghe Bình Định ở đây chủ yếu là người Tam Quan (Hoài Nhơn) và dân biển xã Cát Minh (Phù Cát) với hai nghề chính là đánh cá bằng lưới quây và câu mực. Hỏi chuyện vợ con, anh nói: “Khi ghe cách bờ khoảng 15, 16 hải lý là có sóng di động, tui gọi điện “triệu bả” vô đây! Trên ghe có cả chục người làm nhưng khi ghe cập bến chỉ còn lại có vài người, đa số tranh thủ đón xe về thăm vợ con. Hỏi anh tại sao vợ họ không vào thăm, anh nói: “Chỉ có “bà chủ ghe” mới được ở đây thôi!”, tôi mới vỡ lẽ.

Khi vào bến, có bàn tay của bà chủ ghe dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ trên ghe mới thấy có màu sắc gia đình. Thường thì người đàn bà vào với chồng chỉ đi một mình, nếu có con nhỏ thì em bé được ưu tiên vào thăm ba. Bởi thế, người ta nói vui với nhau rằng những chuyến thăm này là “chuyến đi trăng mật” của vợ ngư dân.

Không biết có phải vì cái lẽ “trăng mật” đó không mà đa phần ngư dân ở đây đều… rất đông con. Người ít cũng bốn, đông thì sáu bảy người. Như anh Trần Quốc Đạt, chủ ghe BĐ 5408, mới 35 tuổi nhưng  cũng làm cha của gần 5 đứa con (nói gần vì đứa thứ 5 vẫn ở trong bụng mẹ ở tháng cuối). Thế nên lần này vợ anh không vào được, “Sợ đẻ dọc đường”, - anh nói, nửa đùa nửa thật.

 

Những phên phơi hải sản dọc bờ biển Vũng Tàu vào mùa trăng.

 

Làm giàu cho xứ người

Một phần nhớ vợ, một phần buồn vì con trăng này ghe anh lỗ hơn chục triệu, một chủ ghe than thở: “Ghe về lỗ hoài, không biết lấy tiền đâu để đưa cho vợ con!”. Đây không phải là chuyện riêng của anh mà là tình hình chung của dân đi biển từ khi giá dầu tăng. Một con trăng mỗi ghe tải trọng cỡ 15 tấn thường cần đến 2.000 đến 2.500 lít dầu, do đó, chỉ cần dầu tăng vài giá là ngư dân lao đao. “Hiện nay giá dầu là 15.500 đồng nhưng giá hải sản vẫn chẳng khác mấy so với hồi giá dầu là 4.000 – 5.000 đồng nên gần như con trăng nào ngư dân cũng lỗ, nhà nước bù lỗ cũng chỉ được phần nào!”, bà Nguyễn Thị Chút, ghe BĐ 5046 gần đó kể thêm.

Ông Trương Mùi, chủ ghe BĐ 6317 nói: “Mang tiếng là chủ ghe chứ một tháng bọn tui chắc gì thu nhập bằng một người “bạn” (bạn từ ngư dân gọi những người làm thuê trên ghe của mình)! Từ hồi ghe khó khăn, họ lên ghe mình làm đều lấy tiền trước vì sợ ghe vô bờ lỗ lấy tiền đâu chia cho họ!”. Trước đó, tôi có nghe một hành khách đi cũng xe đò từ quê vào Vũng Tàu kể: “Dân đi ghe giờ khổ lắm, lên xe thấy ai dỡ theo cơm thì có đến quá nửa là dân ghe. Chẳng mấy ai dám bỏ tiền để vào quán ăn chén cơm nóng cả! Đường vào đây 600 – 700 cây số chứ ít gì!”

Bà Lan, vợ ông Mùi tâm sự: “Chồng ngoài biển thì lo sóng gió, ghe về đến bờ cũng đủ chuyện để lo. Lo thua lỗ cũng chỉ một phần. Ở đất khách lại là bến tàu nên tình hình an ninh trật tự không ổn định lắm. Lợi dụng ghe tàu về đậu đông, bọn đạo chích tranh thủ lên “kiếm ăn” rất dữ. Rồi chuyện tìm “bạn” cũng bị lừa suốt. Do dân ở đây là “dân góp” nên không có gì đảm bảo. Nhiều khi cầm tiền ứng của chủ ghe rồi, họ nói lên bờ uống ky cà phê rồi về khởi hành, nào ngờ đi mất. Tìm lại họ, khó còn hơn tìm chim trời.

 

Bà, cháu và chú chó nhỏ gửi theo ghe.

 

Thế nên, hiếm khi nào có cảnh vợ chồng ngư dân cùng lên bờ vì phải có một người ở lại giữ ghe. Chị Mến, một chủ ghe ở Đề Gi trong lúc ngồi bán mấy thứ cho ve chai kể, ngày thường chị đi mua bán cá ở chợ Gồm (Phù Cát), đến mùa trăng chị vào với chồng. Mang tiếng vào “thành phố du lịch” nhưng chị cũng như anh chưa bao giờ đi đâu xa ngoài khu ghe đậu. “Có việc gì cần thiết thì một người lên bờ, một người ở lại coi ghe. Có khi nào lên bờ đủ vợ đủ chồng đâu mà đi chơi!”. Mùa này ghe chị hoà vốn. “Trước đây, nhiều khi mang mấy vỏ lon bia gặp đồng hương thu mua tui cho luôn. Nhưng nay thì phải bán để kiếm chút đỉnh.” – chị nói như phân trần.

Ông Phạm Văn Chính, quê ở xã Cát Minh nói giọng trầm trầm: “Cha ông để lại cho mình cái nghề thì mình cứ duy trì, như người làm ruộng vậy thôi, có thất bát thì tới vụ vẫn cứ  sạ lúa. Chứ bỏ biết làm gì mà sống! Mấy đứa nhỏ nhà tui, tui cho đi học hết, may ra đổi được nghề sau này…”

Hỏi những người phụ nữ sao không ở lại đây luôn để đỡ công đi lại, họ cười buồn hỏi lại “tiền đâu ra mà ở?”. Giấc mơ “đất lành chim đậu” vẫn cứ xa vời với ngư dân Bình Định. Mà có riêng gì Bình Định, dường như cả miền Trung này cũng thế thôi!

  • Vương Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi   (21/10/2008)
Rừng Vĩnh Thạnh cần được bảo vệ!  (20/10/2008)
Kỳ 3: Thám hiểm núi Nguyễn Huệ  (19/10/2008)
Kỳ 2: Người ở đầu nguồn sông  (16/10/2008)
Sông Côn ký sự  (14/10/2008)
Người của… những công trình nghiên cứu  (13/10/2008)
Chuyện những người nặng lòng với đất  (13/10/2008)
Hỏi chuyện con gái nhà văn Nguyễn Thành Long  (11/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Truyền thuyết Tà Kơn  (06/10/2008)
Chuyện cuộc đời của ông “Nghìn việc tốt”  (06/10/2008)
“Vâng, tôi là một người có HIV”  (27/09/2008)
“Bác sĩ” của… muỗi  (22/09/2008)
Ân Hữu - mảnh đất anh hùng  (15/09/2008)