TIẾN SĨ TỪ DIỆP CÔNG THÀNH:
Nắm bắt mọi cơ hội và thêm một chút “liều”…
8:35', 25/10/ 2008 (GMT+7)

Đó là kim chỉ nam để cậu học sinh Từ Diệp Công Thành vừa “chân ướt, chân ráo” vào TP.HCM làm liền một mạch “kỷ lục học tập” của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, để rồi chớp lấy học bổng toàn phần và hoàn thành xuất sắc khóa học tiến sĩ chỉ với 2 năm tại Trường Đại học Ulsan (Hàn Quốc) trước ngày sinh nhật tuổi 27.

 

Tiến sĩ Thành (bìa phải) tham dự hội thảo quốc tế tại Thái Lan với giáo sư Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

 

* Ước mơ “học vượt”

Suốt 8 năm học tại TP Quy Nhơn, cậu học trò Từ Diệp Công Thành luôn đứng trong tốp đầu của lớp. Năm lớp 9, cả nhà chuyển vào TP.HCM sinh sống. Đó là quyết định đã làm nảy sinh rất nhiều băn khoăn, trăn trở của cha mẹ để hai chị em Thành có nhiều cơ hội học tập. Gia đình lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, còn cậu bé Thành lại hụt hẫng vì sự chênh lệch về trình độ học vấn với các bạn cùng lớp.

* Rồi anh xác định con đường học tập…

- Ngày ấy, mấy quyển sách Toán, Lý, Hóa, Thành gần như nhớ từng bài, từng câu và nhớ luôn các phương pháp giải khác nhau cho mỗi bài tập. Tuy nhiên, đậu đại học chỉ là bước đầu trong sự nghiệp của Thành.

* Ở trường đại học, anh hoàn thành giai đoạn học đại cương chỉ 1 năm, rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu mà chỉ mất 3 năm…

- May mắn, năm Thành đậu đại học, nhà trường đang thử nghiệm chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, cho phép sinh viên học vượt tùy theo khả năng và sự lựa chọn.  Thành đã tận dụng cơ hội này, quyết tâm rút ngắn thời gian học với mục đích ra trường sớm để phụ giúp gia đình, dĩ nhiên kết quả học tập phải được ưu tiên hàng đầu.

Sau một năm đại cương, phải nỗ lực rất nhiều, Thành mới được nhà trường chấp thuận cho học vượt lên cùng các anh chị lớp trên. Một kế hoạch học rất nặng, học cả kỳ hè để có thể theo kịp các anh chị khóa trên được đặt ra. Thành còn nhớ, có lúc Thành học đến 27 tín chỉ (thường tối đa là 22 tín chỉ) và 14 môn trong một học kỳ. Nhưng khó khăn hơn là vừa phải học vượt mà vừa phải đảm bảo kết quả học tập tốt theo cam kết. Tuy nhiên, quan điểm của Thành là phải nỗ lực hết mình và cuối cùng cũng mãn nguyện với tấm bằng đại học loại giỏi ngành điện tử - viễn thông sau 3 năm rưỡi.

 

Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Thành luôn cố gắng tranh thủ thời gian và cơ hội để được trao đổi và trau dồi kiến thức. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

 

* Kế hoạch lấy bằng tiến sĩ trước tuổi “tam thập”...

* Ít người dám nghĩ rằng mình sẽ trở thành tiến sĩ ở tuổi 27, vậy mà anh lại tự đặt ra kế hoạch phải có bằng tiến sĩ trước tuổi “tam thập”. Hình như anh đã  lên kế hoạch?

- Sau khi tốt nghiệp đại học, Thành được giữ lại trường làm giảng viên. Môi trường xung quanh nhiều thầy cô giảng viên giỏi, được sự khuyến khích của gia đình và nhà trường, Thành mong mỏi sẽ đạt được học vị tiến sĩ ở vào cái tuổi “tam thập, nhi lập” để trau dồi thêm nghiệp vụ. Mục tiêu là thế thôi, bởi để thực hiện kế hoạch này đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn trong học tập và nghiên cứu sáng tạo lâu dài, có khi đến 5-6 năm.

Tháng 9.2003, Từ Diệp Công Thành mang ước mơ của cả gia đình và bản thân “bay” sang Hàn Quốc theo đuổi học phần tiến sĩ ngành cơ điện tử của Trường Đại học Ulsan. Câu kết luận của vị giáo sư hướng dẫn người Hàn Quốc Ahn Kyoung Kwan ở Trường Đại học Ulsan là anh phải có 5 năm để hoàn thành khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo tiến sĩ. Nhưng chỉ sau 2 năm, anh đã đề nghị giáo sư cho kết thúc chương trình học tiến sĩ. Vị giáo sư đã không khỏi bất ngờ và lấy làm lạ, nhưng với tất cả các điều kiện, anh đã hoàn thành xuất sắc. Năm ấy, anh 27 tuổi.

Tiến sĩ Từ Diệp Công Thành, sinh ngày 20.10.1978 tại TP Quy Nhơn. Hiện là Phó trưởng khoa cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trưởng ngành cơ điện tử thuộc chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp do Chính phủ Pháp tài trợ; là thành viên Hội Kỹ sư Điện tử quốc tế, Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật quốc tế, Hội Kỹ thuật Hệ thống thủy lực Hàn Quốc, Hội Cơ Điện tử Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội khoa học phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam và TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM.

Thành còn nhớ rất rõ buổi đầu tiên gặp gỡ giáo sư Ahn Kyoung Kwan, bên cạnh những lo lắng về môi trường sống, khí hậu khắc nghiệt, khác biệt ngôn ngữ, câu hỏi đầu tiên của Thành với giáo sư là cần những điều kiện gì để tốt nghiệp tiến sĩ. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý, nhưng Thành cũng không khỏi bàng hoàng về các yêu cầu khắt khe (học 12 môn học trong đó mỗi học kỳ chỉ được phép học 3 môn; công bố ít nhất 3 công trình nghiên cứu khoa học mang tính quốc tế và có thêm 2 công trình đang được xem xét; trước khi tốt nghiệp phải thi 4 môn khoa học tổng quát và trình độ Tiếng Anh phải đạt chuẩn quốc tế TOEIC 650).

Bắt đầu từ đó, một chương trình học tập thật nặng được lên kế hoạch. Học kỳ đầu tiên, Thành đã cố gắng định hướng nghiên cứu khoa học bằng cách đọc và tham khảo rất nhiều bài báo, công trình quốc tế và Thành cũng đã hoàn thành 1 công trình nghiên cứu khoa học. Học kỳ thứ 2, Thành hoàn thành thêm 4 công trình nghiên cứu nữa. Học kỳ 3, Thành hoàn thành thêm 3 công trình quốc tế và tốt nghiệp sớm chương trình trong 2 năm học.

Với luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu nâng cao thực thi điều khiển hệ thống chấp hành sử dụng cơ cấu tác động phỏng sinh học với giải thuật điều khiển thông minh”, anh đã chinh phục được các vị giáo sư khó tính trong hội đồng khoa học. Giáo sư Ahn Kyoung Kwan nói với anh: “Có lẽ bạn là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng hoàn thành xuất sắc khóa học trước thời gian quy định. Bạn không cần phải cảm ơn tôi mà hãy cảm ơn chính bạn”.

 

Hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành tại Trường Đại học Bách khoa TP HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

 

* Cảm giác của anh lúc đó?

- Theo đuổi những kiến thức vô cùng tận của nhân loại không chỉ là ước mơ của riêng Thành mà là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Thành chỉ là người biết nắm bắt cơ hội đúng lúc mà thôi. Nói thật, đến giờ này, mỗi khi nghĩ lại, tôi thật cũng không dám nghĩ mình đã đạt được thành tích học tập như vậy.

* Hy vọng cho người bệnh khớp gối

* Được biết, dự án “Công trình thiết kế và chế tạo thử nghiệm một số thiết bị y tế phục hồi chức năng cho khớp gối” của anh được hình thành trong một dịp rất tình cờ! Anh có thể cho biết cụ thể hơn về dự án này?

- Trong một lần tình cờ đến thăm khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh từ các tỉnh lặn lội vào TP HCM rồi phải ngậm ngùi về quê vì không chữa trị được, Thành quyết tâm đem những kiến thức mình đã học giúp đỡ cho những người khuyết tật, người nghèo được điều trị bệnh mà ít tốn kém. Và dự án này ra đời.

Khớp gối là khớp dễ bị tổn thương nhất trong các tai nạn. Dự án này sẽ giúp các bệnh nhân có được các trang thiết bị tốt trong tập trị liệu, phục hồi, giúp các chuyên gia vật lý trị liệu dễ dàng đề ra các y lệnh khác nhau. Hiện nay, các thiết bị này đang trong quá trình thực hiện thử nghiệm và may mắn nhận được sự hài lòng của bệnh nhân.

Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, anh luôn cố gắng tranh thủ thời gian và cơ hội để được trao đổi và trau dồi kiến thức, tranh thủ thời gian nghỉ hè để sang Pháp nghiên cứu học tập, thực hiện các chuyến tham quan và hợp tác với các giáo sư Hàn Quốc, tham gia các buổi báo cáo khoa học quốc tế của 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản tại Thái Lan… Ý thức về cộng đồng luôn là điều anh quan tâm thông qua việc tham gia các hoạt động đoàn hội. Cuối năm 2007, anh là đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 9 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

 

Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và chế tạo omiri tự hành tránh vật cản. Ảnh: Lê Thu Hiền

 

* Anh có thể “bật mí” chìa khóa đã làm nên thành công của anh?

- Ba mẹ luôn là người ảnh hưởng rất lớn đến con cái và Thành cũng không ngoại lệ. Mọi suy nghĩ, nếp sống và tính cách của Thành luôn có một phần những đức tính của ba và mẹ. Ba mẹ Thành đều làm nghề giáo, thuở nhỏ hình ảnh người thầy thật đẹp và thật cao quí đã hằn sâu trong suy nghĩ của Thành.

Theo Thành, chìa khóa của sự thành công là ngoài việc “giam” mình trong vòng học tập, còn cần phải trui rèn trong thực tế để tăng kiến thức và mạnh dạn nhận lãnh mọi trách nhiệm và cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn. Tất nhiên, cũng không thể thiếu phần cơ hội và chút may mắn.

* Anh ấp ủ những dự định  gì cho tương lai…?

- Với thế mạnh của sức trẻ, Thành sẽ nghiên cứu thật nhiều các thiết bị phục vụ xã hội.

* Một chút riêng tư, những ký ức của anh đối với quê hương?

- Thành rời Quy Nhơn từ lúc còn nhỏ, đến nay cũng đã đôi lần về thăm lại quê hương, thăm mái trường xưa - Trường THCS thị trấn Bình Định - với thật nhiều ký ức và kỷ niệm. Lần về quê gần đây nhất, dấu ấn của quê hương là một Bình Định với nhiều đổi mới và phát triển. Thành đã rất tự hào khi giới thiệu quê hương xinh đẹp của mình cho bạn bè trong nước, quốc tế và họ cũng rất thích thú.

  • Thu Hiền (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ  (24/10/2008)
“Tuần Bình Định” ở xóm ghe Vũng Tàu  (22/10/2008)
Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi   (21/10/2008)
Rừng Vĩnh Thạnh cần được bảo vệ!  (20/10/2008)
Kỳ 3: Thám hiểm núi Nguyễn Huệ  (19/10/2008)
Kỳ 2: Người ở đầu nguồn sông  (16/10/2008)
Sông Côn ký sự  (14/10/2008)
Người của… những công trình nghiên cứu  (13/10/2008)
Chuyện những người nặng lòng với đất  (13/10/2008)
Hỏi chuyện con gái nhà văn Nguyễn Thành Long  (11/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Truyền thuyết Tà Kơn  (06/10/2008)
Chuyện cuộc đời của ông “Nghìn việc tốt”  (06/10/2008)
“Vâng, tôi là một người có HIV”  (27/09/2008)