Giữ lấy nghề xưa
14:3', 1/11/ 2008 (GMT+7)

Thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng (An Nhơn), có nghề truyền thống khảm xà cừ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Nơi ấy có một nghệ nhân đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn say sưa với nghề và không ngừng “truyền lửa” cho thế hệ sau nối tiếp nghề truyền thống của cha ông. Đó là cụ Trần Nhi (84 tuổi), người đã trọn đời giữ hồn cho nghề khảm xà cừ Cẩm Văn.

 

Cụ Trần Nhi thường xuyên theo dõi, chỉ bảo nghề nghiệp cho cánh thợ trẻ. Ảnh: N.T

 

Lúc chúng tôi đến, nghệ nhân Trần Nhi đang hướng dẫn cánh con cháu các thao tác cầm dùi, lia đục... của nghề cẩn xà cừ sao cho thuần thục, chính xác, nhanh nhẹn. Nhìn những động tác của cụ, tôi mới thấy được sự kỳ công, tinh xảo và không kém phần tài hoa của người thợ khảm xà cừ. Dừng tay, cụ vào nhà pha ấm trà mời chúng tôi, rồi thong thả giới thiệu về lịch sử của làng nghề, cũng như cái nghiệp mà cụ theo đuổi cả cuộc đời.

Cụ Trần Nhi nhớ lại: “Tôi bước vào nghề khảm xà cừ năm 15 tuổi. Bài học đầu tiên tôi học được ở cha tôi là làm nghề này đòi hỏi phải khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và đam mê nghệ thuật chạm khắc, còn không thì dễ thất bại, bỏ nghề. Nhờ sự chăm chú học nghề, cộng với sự chỉ bảo tận tình của người đi trước, tay nghề của tôi “cứng” lên rất nhanh. Năm 16-17 tuổi, tôi đã khảm được sản phẩm có hoa văn, họa tiết rất phức tạp, như bình phong tam sơn, câu liễn, câu đối, tủ thờ… với những hình long, lân, quy, phụng... cách điệu; những phong cảnh cổ xưa, những điển tích, điển cố với nét khảm mềm mại, tinh xảo…”.

* Để hoàn chỉnh một tác phẩm khảm xà cừ, người thợ phải trải qua những công đoạn gì, thưa cụ?

- Tuy nhìn thấy đơn giản như vậy, nhưng để hoàn chỉnh một tác phẩm, người thợ khảm xà cừ phải trải qua rất nhiều khâu. Đầu tiên là phải chọn những vỏ trai, ốc xà cừ... có màu sắc đẹp, phù hợp với đề tài tác phẩm. Chẳng hạn, màu xanh, lục, tía dành cho đề tài tre, trúc và các loại cây cảnh khác. Màu vàng dành để thể hiện hoa cúc, hoa mai, ráng chiều. Màu đỏ tía để thực hiện các hình ảnh như đền, chùa, hừng đông... Tùy theo giá trị của vật phẩm mà người thợ khảm chọn trai ốc hoặc xà cừ. Sau khi lựa chọn nguyên liệu phù hợp, các nghệ nhân phải sáng tác bản vẽ trên sản phẩm cần khảm, với những đề tài là các môtip truyền thống, các tích trong văn học dân gian, cổ điển. Tiếp đến là xử lý nguyên liệu: mài, cưa, cắt các mảnh xà cừ phù hợp tác phẩm. Rồi tiến hành hạ mặt tranh khảm: đục mảng nền phù hợp độ dày mảnh xà cừ và khảm xà cừ vào cho khít, phẳng. Sau cùng là dùng dao sắc, nhọn chạm trổ, thêm những chi tiết bổ sung cần thiết và đánh bóng tác phẩm.

 

Cụ Trần Nhi trao đổi chuyện nghề với người con cả Trần Văn Hùng. Ảnh: N.T

 

Một sản phẩm có giá trị cao đòi hỏi phải có đôi bàn tay người thợ giỏi; có chất liệu, nguyên liệu quý, làm ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian. Cái tinh xảo của nghề khảm xà cừ là nghệ thuật ghép, nối các mảnh vỏ trai từ màu hổ phách đến ngũ sắc lóng lánh. Màu sắc thay đổi theo mỗi góc nhìn khác nhau. Một tác phẩm khảm xà cừ đẹp phần lớn do tài chọn màu, sắp xếp màu sắc một cách hài hòa, cộng thêm chút kỹ xảo của từng nghệ nhân. Do vậy, các tác phẩm xà cừ ngoài giá trị về kinh tế, nghệ thuật, thẩm mỹ nó còn chứa đựng cái hồn của nghệ nhân tài hoa, tâm huyết.

* Cả cuộc đời dành cho nghề khảm xà cừ, chắc hẳn cụ gắn bó với làng nghề Cẩm Văn qua từng bước thăng trầm của làng nghề?

- Khảm xà cừ là nghề cổ truyền ở Cẩm Văn, trải qua nhiều thế hệ, kỹ thuật này đã được tôi luyện, nhân lên với nhiều mẫu mã hợp thời trang, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Cách đây hàng thế kỷ, tác phẩm cẩn xà cừ chỉ được thể hiện ở các bộ tam sơn, khay trà, bình phong, câu đối, câu liễn, cơi trầu, tủ thờ, trường kỷ... Hầu hết các sản phẩm này được sử dụng trong triều đình và trong các nhà giàu, có địa vị. Cả làng nghề lúc ấy có vài ba chục gia đình làm nghề, sản phẩm tiêu thụ ở nhiều nơi. Người làm nghề này khá phát đạt, vì các nhà giàu ngày trước họ đặt làm khá nhiều đồ khảm xà cừ.

Những năm sau giải phóng, do kinh tế khó khăn, rất ít người sử dụng đồ khảm xà cừ nên làng nghề dần mai một. Có thời điểm, cả làng nghề chỉ còn một mình tôi làm, nhưng sản phẩm làm ra vẫn không tiêu thụ được. Tôi phải mang hàng đi chào khắp nơi. Hàng có người mua, nhưng tính ra lại lỗ tiền công. Lỗ nhưng mà vẫn vui vẫn còn người mua, người sử dụng các mặt hàng khảm xà cừ. Từ đây, tôi tin tưởng rằng: giữ được nghề, nghề sẽ không phụ, nên đã truyền nghề lại cho cả 5 đứa con trai.

 

Cơ sở khảm xà cừ Hồng Hà do cụ Trần Nhi gầy dựng, hiện nay đã giao lại cho các người con quản lý. Ảnh: N.T

 

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển mạnh trở lại. Hiện nay, ở Cẩm Văn có khoảng 10 cơ sở khảm xà cừ, với cả trăm lao động. Các con tôi đều theo nghề của cha ông và làm ăn rất phát đạt.

* Là nghệ nhân cao niên nhất trong làng nghề, cụ có nhắn nhủ gì với thế hệ sau?

- Để làng nghề tồn tại và phát triển, tôi luôn căn dặn con cháu là phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề; tự tin với nghề truyền thống của quê hương mình. Đồng thời phải làm sao cho mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều thật đẹp, thật chất lượng để khách hàng hài lòng và tín nhiệm. Muốn làm được điều đó, trong quá trình làm nghề các nghệ nhân cần phải nỗ lực, không ngừng học hỏi, chịu khó đọc sách lịch sử, văn hóa nhằm có thể đưa các ý tưởng mới vào những tác phẩm của mình.

Như bản thân tôi, mặc dù không qua trường lớp về hội họa nhưng nhờ có chút năng khiếu và cách nghĩ “học thầy không tày học bạn” nên tôi đã học ở mọi chỗ, mọi nơi, học qua bạn bè, đi đâu thấy bức tranh đẹp là xem xét, ghi nhớ để vận dụng vào tác phẩm của mình. Tôi cũng tích cực đọc sách báo, tranh, ảnh, mua sách hội họa để nghiên cứu thêm... Nhờ vậy, tôi đã tích luỹ được nhiều kiến thức về hội họa và cho ra đời nhiều bức tranh nghệ thuật tôn vinh nghề khảm xà cừ của làng mình.

* Xin cảm ơn cụ về cuộc trò chuyện chân tình này.

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 6: Dòng sông thuỷ điện  (28/10/2008)
Nắm bắt mọi cơ hội và thêm một chút “liều”…  (25/10/2008)
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ  (24/10/2008)
“Tuần Bình Định” ở xóm ghe Vũng Tàu  (22/10/2008)
Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi   (21/10/2008)
Rừng Vĩnh Thạnh cần được bảo vệ!  (20/10/2008)
Kỳ 3: Thám hiểm núi Nguyễn Huệ  (19/10/2008)
Kỳ 2: Người ở đầu nguồn sông  (16/10/2008)
Sông Côn ký sự  (14/10/2008)
Người của… những công trình nghiên cứu  (13/10/2008)
Chuyện những người nặng lòng với đất  (13/10/2008)
Hỏi chuyện con gái nhà văn Nguyễn Thành Long  (11/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Truyền thuyết Tà Kơn  (06/10/2008)