Bước vào xưởng sản xuất giày dép cho bệnh nhân phong của Bệnh viện phong - da liễu trung ương Quy Hòa (Bệnh viện Quy Hòa), chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước những đôi giày, đôi dép “không giống ai”. Chiếc thì chỉ có cái mũi, chiếc thì chỉ có cái gót, lại có cả những chiếc giày có gắn thêm cái cần bằng sắt hoặc lò xo… muôn hình muôn vẻ!
|
Không có giày đặc chủng, bệnh nhân phong bị cụt, rụt chân sẽ di chuyển khó khăn, ngay cả lúc làm những công việc nhẹ nhàng như thế này. Ảnh: Q.K
|
* Đóng giày theo… “toa” bác sĩ
Có lẽ điều mà những bệnh nhân phong ái ngại nhất trong cuộc sống thường ngày là… những bước đi. Bởi hầu hết đôi chân của họ không còn lành lặn, có những đôi chân đã mất cảm giác hoặc không còn đôi bàn chân trên cơ thể nên mỗi bước di chuyển là một sự ám ảnh, một nỗi đau đớn. Thế nhưng từ khi có xưởng sản xuất giày, dép “đặc chủng” và chân giả dành cho bệnh nhân phong ở Bệnh viện Quy Hòa thì nỗi ám ảnh và đau đớn đã bớt đi rất nhiều!
Hầu hết những người thợ trong xưởng đều là bệnh nhân, hoặc là con em của bệnh nhân phong nên trong mỗi sản phẩm của họ làm ra đều đầy ắp những tâm tình. Trong không gian lặng lẽ của bệnh viện, công việc của họ còn lặng lẽ hơn. Như những con ong thợ, họ cần mẫn làm công việc “giảm thiểu nỗi đau” cho những người đang cùng chung số phận. Không như những người thợ đóng giày, dép bình thường là cứ làm theo khuôn, rập, thợ đóng giày dép cho bệnh nhân phong ở Bệnh viện Quy Hòa phải luôn sáng tạo để sản phẩm của họ phù hợp với từng kiểu “dị dạng” của mỗi cái chân bệnh nhân và từng nét đặc thù của những đôi chân tật nguyền.
“Khách hàng” của xưởng sản xuất giày dép, chân giả này rất đa dạng. Người thì cụt hẳn hai chân, người mất một chân, có những bàn chân đã bị mất hẳn những ngón chân, có bàn chân bị mất gót… thế nên giày, dép làm ra chẳng chiếc nào giống chiếc nào. Tất cả đều tuỳ thuộc vào hình dạng chân của bệnh nhân, rồi phải được đo vẽ thật tỉ mỉ mới có thể có được những chiếc giày, dép “ưng ý” với từng người. Anh Lê Văn Quyền, công nhân của xưởng sản xuất, cho biết: “Mình phải mang thiết bị xuống tận giường người bệnh để đo kích cỡ. Nếu gặp những bệnh nhân có bàn chân biến dạng, lồi lõm nhiều thì phải dùng thạch cao đúc thành khuôn giày trước, sau đó dựa vào mẫu để cắt, đục đẽo, gọt tỉa, chỉnh lại cho thật khớp với chân người bệnh. Có những đôi giày chỉ dành riêng cho những bệnh nhân có đôi chân bị mất cảm giác hoàn toàn. Sản phẩm này phải thiết kế làm sao cho đế giày cứng và rộng hơn so với bàn chân nhiều, đồng thời phải gắn thêm cần sắt có dạng lò xo, giúp nâng bàn chân của bệnh nhân lên không cho va quệt hoặc kéo lê dưới đường khi bệnh nhân bước đi”.
|
Anh Lê Văn Quyền (trái) kể chuyện làm giày đặc chủng. Ảnh: V.Đ.T
|
Để làm thỏa mãn sự tò mò của chúng tôi, anh Quyền giới thiệu 1 sản phẩm “độc” của xưởng: “Đôi giày được sản xuất theo “toa” của bác sĩ và người bệnh nào cóù “lệnh” của bác sĩ khoa điều trị thì mới được mang nó. Bởi với bệnh nhân phong, có khi trên bàn chân thấy còn nguyên vẹn là thế nhưng những ngón chân hoặc gót chân đã bị tổn thương, gây đau đớn khi di chuyển. Với những trường hợp này, bác sĩ điều trị phải “kê toa giày, dép” thì chúng tôi mới biết cách mà sản xuất và cấp theo chỉ định. Những bàn chân bị tổn thương ở trước thì chỉ mang giày, dép ở nửa chân phía sau, còn ai đau phía gót chân thì mang ở trước. Tuổi thọ của mỗi đôi giày chỉ có từ 4-6 tháng nên với những bệnh nhân khuyết tật nặng thì phải đo vẽ, đúc khuôn và sản xuất “dài hạn”, ít nhất 3 lần/ năm”.
Bệnh nhân Nguyễn Xi (71 tuổi) là cư dân của TP Quy Nhơn gia nhập vào làng phong từ năm 1950 cho biết: “Khi xưa tôi mang dép là để cho có mang chứ khi bước đi chúng làm tôi đau đớn lắm. Giờ có dép do bệnh viện cấp, dù bệnh có nặng hơn nhưng khi đi chân ít bị đau hơn. Với đôi dép “đặc chủng” chúng tôi có thể đi dạo khắp làng. Lần đầu tiên mang giày “đặc chủng”, thú thiệt tôi mặc cảm lắm vì “chiếc đực chiếc cái” nhưng khi thấy chúng làm chân mình êm ái hơn tôi lại thấy yêu mến chúng”.
* Sản phẩm đi xa
Những chiếc giày, dép tuy “chẳng giống ai” nhưng với hiệu quả trị liệu cao, sản phẩm này của làng phong Quy Hòa đang được chắp cánh bay xa. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Những chiếc giày, dép “đặc chủng” ấy là dụng cụ hỗ trợ giúp người bệnh thuận lợi, an toàn trong sinh hoạt. Ngoài ra chúng còn có tác dụng làm giảm đau đớn và phòng ngừa các tác nhân gây thêm phiền toái cho bệnh nhân. Bởi vì bệnh nhân mất cảm giác ngoại biên, chân bị hột sạn găm sâu vào họ không biết, lở loét họ cũng không hay”.
Qua 7 năm hoạt động, xưởng sản xuất của bệnh viện đã làm ra được 13.767 đôi giày, dép cấp không thu tiền cho bệnh nhân. Yếu tố kỹ thuật của sản phẩm cũng không ngừng được nâng cao sao cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể, nhằm giúp người bệnh sinh hoạt ngày càng thoải mái hơn. Chẳng hạn như một cái chân giả ban đầu có trọng lượng 2,4 kg, nhưng các kỹ thuật viên đã cải tiến, gọt bỏ một số chi tiết không quan trọng để giảm trọng lượng xuống chỉ còn 1,5 kg mà vẫn đảm bảo chất lượng. 1 kg trọng lượng là cả 1 “cục nợ” của những bệnh nhân.
Hiện nay, những người thợ của xưởng sản xuất giày dép của Bệnh viện Quy Hòa không chỉ sản xuất cung ứng cho bệnh nhân của bệnh viện mà còn phải thay phiên nhau đi dọc các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên để làm nhiệm vụ đo chân để sản xuất giày dép cho những người bệnh ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk.
Anh Nguyễn Văn Quế - kỹ thuật viên xưởng giày, tâm sự: “Để đến những nơi ấy chúng tôi phải đi xe đò, mang xe máy theo cho cơ động. Nơi đến xa nhất là xã Ia Chía giáp giới với làng Tar, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đến làng đồng bào dân tộc thiểu số thì phải xuất hành thật sớm, nếu không thì phải đợi chờ nhiều ngày mới gặp được “khách hàng” vì họ đều làm nương rẫy xa nhà. Chúng tôi đo vẽ mẫu giày dép cho từng “khách hàng” rồi đúc khuôn mang về Quy Nhơn sản xuất”. Anh Lê Viết Đức - 1 nhân viên của xưởng giày nêu kinh nghiệm: Bây giờ muốn đến Tây Nguyên “nhận hàng” thì phải đi vào mùa mưa để dễ có nhiều cơ hội tiếp cận với bệnh nhân hơn vì mùa ấy họ thường xuyên có nhà. Vào mùa này, có chuyến chúng tôi mang được về xưởng đến 30 “đơn đặt hàng”.
|
Giày đặc chủng dành cho bệnh nhân phong. Ảnh: V.Đ.T
|
Chuyện đi xa làm giày, dép cho bệnh nhân phong nghe cũng rất gian nan. Anh Nguyễn Văn Quế hồi tưởng lại 1 chuyến đi của mình mà tặc lưỡi: “Cách đây ba năm, tôi cùng người thợ đi Kon Tum. Vừa đến làng Văn Lem thuộc huyện Đăk Tô thì chúng tôi gặp “sự cố”. Hôm ấy tầm tháng 3, sáu rưỡi sáng, anh em tưởng rằng ngôi làng ấy cũng chỉ gần thôi nên nhẩn nha cà phê xong mới xuất hành. Nào ngờ con đường vào làng mấy hôm trước đã bị những cơn mưa “băm nát”, bùn lầy “dìm” con “ngựa sắt” của chúng tôi sâu xuống mặt đường lầy lội. Hì hục mãi 2 người chúng tôi cũng không thể “câu” được chiếc xe lên. May sao có chiếc xe cọc cạch của người bản địa đi ngang, biết chúng tôi là “thợ giày làng phong” họ liền giúp đỡ ra khỏi vũng lầy. Sau đó phát hiện xe bị “chết” máy họ kéo luôn tới tiệm sửa xe. Hai anh em đành lầm lũi cuốc bộ vào làng. Đến làng trễ quá, “bệnh nhân” đi làm hết trọi, lại đành ngồi chờ. Trưa, đói quá không có gì ăn, đành mua tạm mấy gói mì, ngồi nhai khô cho qua bữa. Mãi đến tận 4 giờ chiều, “khách hàng” mới “lót nhót” kéo về làng. Gặp chúng tôi các bệnh nhân rất phấn khởi, không màng đến chuyện cơm nước dù đi rẫy về đã rất đói, họ tập trung để chúng tôi đo vẽ chân. Dù đói đến run tay nhưng chúng tôi nào dám làm sơ sót một chi tiết gì, cứ phải căng mình lên mà làm trong ánh sáng mờ mờ. Công việc của chúng tôi không đơn thuần là nắm bắt kỹ thuật đóng giày, dép mà còn phải biết “phả cái tâm” vào từng sản phẩm để làm giảm thiểu sự đau đớn của bệnh nhân đến mức cao nhất trong sinh hoạt thường ngày của họ”.
Bà Trương Thị Kiều Vân, chuyên viên quản lí và hợp tác quốc tế của Bệnh viện Quy Hòa, cho biết thêm: “Toàn bộ nguyên liệu sản xuất giày dép đều do Hiệp hội cứu trợ bệnh nhân phong Hà Lan tài trợ. Họ thường xuyên cử những chuyên gia giỏi sang đây tập huấn, kiểm định chất lượng sản phẩm xem có đạt chuẩn quốc tế không. Đã có rất nhiều y bác sĩ ở các nước khu vực Đông Nam Á đến Quy Hòa học tập kinh nghiệm sản xuất giày dép và dụng cụ hỗ trợ cho bệnh nhân phong. Mới đây, có đoàn bác sĩ của Lào, Campuchia và sinh viên Mỹ đến bệnh viện học hỏi kinh nghiệm và thời gian sắp tới sẽ có các đoàn bác sĩ Pháp, Bỉ đến tham quan, tìm hiểu”.
|