Khuya ngày 10.11, ông Phan Thanh Dũng (ở xóm 1, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) đã về đến Quy Nhơn, sau đúng ba tháng rong ruổi khắp các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên trên chiếc xe đạp cũ của mình, để tuyên truyền về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Một cuộc trò chuyện với ông Dũng sau chuyến hành trình dài…
|
Ông Dũng thắp hương tại lán Nà Lừa (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
* Chúc mừng ông đã hoàn thành hành trình đầy khó khăn! Điều gì khiến ông nảy ra ý tưởng đi xuyên Việt bằng xe đạp?
- Từ nhỏ, tôi đã rất thích đi xe đạp. Mỗi đêm, tôi phải dạo vài vòng bằng xe đạp rồi mới về ngủ. Khi còn làm giáo viên, tôi luôn mong mỏi được tham gia một giải đua xe đạp, không phải để tranh giành vị trí cao thấp, mà để thể hiện sự dẻo dai của mình. Ở nhà, tôi tự đào hố, luyện thể lực bằng cách bỏ đất vào hai ống quần, cột lại rồi nhảy lên nhảy xuống. Có lẽ nhờ vậy mà suốt hành trình tôi không cảm thấy đau nhức hay cảm sốt gì.
Mấy năm trước, khi xem truyền hình, thấy một trường học ở Nghệ An dạy học trò ý thức khi tham gia giao thông, tôi rất thích. Sau đó, tôi được biết nữ biệt động Huỳnh Thị Kiều Thu đã ba lần vượt Trường Sơn bằng xe đạp khi trên người mang nhiều vết thương. Tôi thực sự cảm phục cô và quyết định sẽ đi xuyên Việt để tuyên truyền về an toàn giao thông.
* Nhưng trên xe ông còn một lá cờ tuyên truyền bảo vệ môi trường. Hẳn nó mới… phát sinh thêm?
- Đúng vậy! Sau một thời gian chuẩn bị, cùng với 500 ngàn đồng và một số đồ dùng cá nhân, đúng ngày 1.5, tôi khởi hành ra Hà Nội (ông Dũng giải thích, lẽ ra ông đi vào ngày 30.4 cho ý nghĩa, nhưng vì chưa… gom đủ tiền nên đành trễ một ngày - PV). Ra đến Thủ đô, tại chùa Bồ Đề, tôi gặp một thầy trụ trì ở TP. Hồ Chí Minh ra. Vị sư này gợi ý: Sao không kết hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường? Đây cũng là vấn đề “nóng” mà. Tôi thấy chí lí quá vì “một mũi tên bắn được hai mục tiêu” nên lãnh thêm một “sứ mạng” mới.
|
Ông Dũng dưới chân đèo Pren. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
* Là “đại sứ” môi trường, trong chuyến vào Nam, chắc hẳn ông không bỏ qua vụ Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải?
- Đáng tiếc là do suốt ngày rong ruổi trên xe, tôi không có thời gian để đọc báo nên không biết vụ việc đó lúc mới xảy ra. Khi xuống tới Năm Căn (Cà Mau) rồi về đến Đà Lạt, tôi mới biết việc này. Thế là tôi quay lại, đến Bà Rịa Vũng Tàu, chụp hình ở một nhánh của sông Thị Vải. Nơi này cách xa vùng ô nhiễm ở Đồng Nai, nhưng nước cũng đục như nước gạo, đủ biết mức độ ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra nghiêm trọng thế nào.
* Đi khắp đất nước, chắc hẳn trong ông có nhiều cảm xúc?
- Đi đến đâu, tôi cũng cố tìm đến những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để hiểu thêm về cội nguồn dân tộc và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương. Tôi đã được đến những nơi như: Khu Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Sen, thăm Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền Hùng, Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… Tôi cũng hiểu thêm về văn hóa các vùng miền và nhận thấy sự khác nhau trong phong tục, cách trò chuyện của người miền Bắc và miền Nam. Qua chuyến đi, tôi cũng kết hợp thăm các con tôi, một cô con gái đang làm công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh và thằng con trai lớn đang đi nghĩa vụ và đóng quân ở Tam Kỳ (Quảng Nam).
Tôi thấy buồn nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP. Hồ Chí Minh. Từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, vậy mà người dân ở đây lại thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, các kênh nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu…
* Ở những nơi ông qua, chắc hẳn mọi người rất tò mò về chiếc xe đạp của ông bởi nó có nhiều chi tiết lạ, và “cõng” trên mình khá nhiều thứ lỉnh kỉnh. Chiếc xe này có gì đặc biệt, thưa ông?
Ông Phan Thanh Dũng, năm nay 57 tuổi, bắt đầu chuyến đi xuyên Việt từ ngày 1.5.2008. Khi đến Tuyên Quang, hay tin mẹ ruột mất, ông quay về lo việc tang chay, mồ mả. Đến ngày 9.8, ông lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh Tây Nguyên và xuống phía Nam. Ngày 10.11, ông về đến TP. Quy Nhơn. |
- Đây là chiếc xe đã gắn bó với tôi suốt 41 năm qua. Ngày ba tôi mất, mẹ lấy số tiền dành dụm được mua chiếc xe này để tôi đi đây đi đó cho đỡ buồn. Nó theo tôi đi dạy học (từ năm 1975 đến 1992), tối tối đi mua da bò về bán, nuôi lũ con ăn học… Nói chung là nó như người bạn tri kỷ của tôi.
Để chuẩn bị cho những chuyến đi xa, điều đầu tiên tôi phải làm là chăm chút cho con “chiến mã”. Tôi không biết có phải chiếc xe này do Pháp sản xuất không, nhưng quả là nó tốt thật. Để an toàn, ngoài hai phanh có sẵn của xe, tôi gắn thêm một phanh phía sau. Tay lái cũng được tôi chế thêm một cái, vừa có thể ngồi đạp, khi cần có thể “nằm” rạp trên tay lái cho đỡ mỏi. Đi xa, biết thế nào xe cũng bị “trật con cóc”, tôi độ bánh trước thêm líp và má phanh để khi cần có thể tháo bánh trước… đổi sang bánh sau cho nhanh. Sợ nhất là bị méo niền. Vì thế, tôi đi rất cẩn thận, nhất là với những đoạn đường gồ ghề… Mọi hỏng hóc của xe trên đường đều do chính tôi sửa chữa bằng bộ đồ nghề đem theo. Có khi, xe bị lủng lốp vào ban đêm, không có nước để thử, tôi phải bơm căng ruột, để gần mặt mình nghe tiếng hơi, biết lỗ xì mà vá… Để đi hết chặng đường dài, tôi phải thay hết ba cặp lốp.
Chính vì rất ưng ý với những phát kiến mới về chiếc xe, tôi đã lấy những bịch đồ che bớt lại để khỏi bị người khác… ăn cắp ý tưởng (cười).
|
Ông Dũng (đội mũ bảo hiểm) trong buổi giao lưu tại Nhà văn hóa thanh niên Phú Yên. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
* Một mình rong ruổi trên đường, ông có thấy nhàm chán?
- Không hề! Vừa đi tôi vừa hát cải lương, hát bội để tôi và… con “chiến mã” nghe nên không thấy mệt và buồn. Khi nào có cảm hứng, tôi dừng lại làm thơ. Tôi dự định sẽ làm những câu đố về các địa danh bằng thơ. Càng đi, càng được nhiều người biết đến, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình là đại diện cho quê hương Bình Định, nên càng thấy tự hào và tự hứa rằng không được làm điều gì để ảnh hưởng đến nơi mình sinh ra và lớn lên. Đã có một anh lái xe tải ở Vinh ngỏ ý cho tôi quá giang ra Hà Nội, nhưng tôi không đồng ý, vì lương tâm tôi không cho phép làm thế.
Trên đường từ Mũi Né (Phan Thiết) trở về, tôi có thêm bạn đồng hành là một nam kỹ sư Hàn Quốc 28 tuổi. Anh này đang thực hiện chuyến đi vòng quanh châu Á bằng xe đạp. Ban đầu, anh ta tỏ ra không tin rằng một người “thấp bé nhẹ cân” như tôi lại có thể xuyên Việt bằng xe đạp. Nhưng khi chúng tôi đến Nha Trang thì anh ta “chịu thua”, vì phải tuân theo “định mức” mỗi ngày chỉ đạp 50 đến 60km chứ không thể đi suốt ngày như tôi được. Tôi tự hào vì ít nhiều đã cho người nước ngoài biết được sức mạnh và sự dẻo dai của người Việt Nam. Và tôi sung sướng vì mình là người vẽ bản đồ Việt Nam bằng chiếc xe đạp.
* Với chỉ vài trăm ngàn làm lộ phí, làm sao ông có thể trải qua ngần ấy quãng đường?
- Tôi được nhận sự hỗ trợ từ hầu hết những nơi mình đi qua, khi thì một vài trăm ngàn, cũng có lúc chỉ là vài cái bánh chưng, chai nước khoáng, chỗ ăn nghỉ… Những khi lỡ bước, tôi cũng có sẵn mùng mền để ngủ vỉa hè.
Chặng đường từ Phú Yên về Quy Nhơn có thể nói là khó khăn nhất. Khi đó, tôi chỉ còn 1.000 đồng trong túi. Ra mua ổ bánh mì, người ta không bán, tôi đành mua cái bánh tráng lót dạ, uống nửa lít nước rồi lại lên đường. Dọc đường, tôi hái lá ngành ngạnh bỏ vào túi nilông, vừa đi vừa ăn. Đi đường đèo gió mạnh có táp vào mặt (vì ảnh hưởng cơn bão số 9 - PV), nhưng ý nghĩ sắp được về lại quê nhà khiến tôi cố gắng hết mình để “nuốt” trọn quãng đường 110km trong một ngày.
|
Suốt 3 tháng qua, bà Nguyễn Thị Hồng - vợ ông Dũng - chỉ biết tin chồng qua báo chí và vài cuộc điện thoại. Ảnh: L.C
|
* Sắp tới, ông có dự định khởi hành nữa không?
- Tôi sẽ liên hệ với Hội Người cao tuổi của tỉnh để tìm thêm những người đồng hành. Sau đó, khoảng mùng 10 Tết Kỷ Sửu, tôi sẽ khởi hành chuyến đi “Quang Trung thần tốc”, đi cả ngày và đêm ra Hà Nội chứ không thong thả như đợt vừa rồi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
|