Thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất “hút người”. Dân tứ phương hội tụ về đây học tập, làm việc, sinh sống. Trong số ấy, có một đội quân hùng hậu rảo bước mưu sinh bằng nghề bán trái cây dạo là người Bình Định. Cuộc mưu sinh đầy khó khăn nhưng đã thành xu hướng cho những giấc mơ thoát nghèo!
|
“Nghiệp đoàn” trái cây rong Bình Định trên đất Sài Gòn.
|
* Nhọc nhằn nơi đất khách
Trong đợt 1 này, TP Hồ Chí Minh có 15 tuyến đường cấm hàng rong: Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Pasteur, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Cừ. Như vậy, những con đường lớn, khu trung tâm thành phố - nơi hàng rong mưu sinh khấm khá nhất từ trước đến giờ đều bị cấm. Chính vì vậy mà đất làm ăn của “dân rong” càng bị thu hẹp. Họ dồn về đường Điện Biên Phủ (Quận 3), tuy cũng nằm trong danh sách cấm hàng rong nhưng con đường này cách xa các cơ quan hành chính quan trọng, đội an ninh trật tự đô thị ít đi tuần tra hơn. Đây còn là tuyến đường chính, là cửa ngõ ra vào thành phố nên lượng người lưu thông rất lớn.
Đi dọc đường Điện Biên Phủ, bắt đầu từ ngã bảy kéo dài đến tận vòng xoay Hàng Xanh có không dưới 70 xe trái cây, cứ cách từ 3 đến 4m là có một xe. Xe đạp có, xe máy có. Hơn 90% trong số họ là người Bình Định. Và không chỉ ở đường Điện Biên Phủ, những chiếc xe máy cà tàng mang biển số 77 với giỏ trái cây tràn ngập mọi ngóc ngách Sài Gòn.
Mưu sinh nơi đất khách, lại làm cái nghề rong ruổi suốt ngày trên đường, nên chuyện dân bán rong trái cây bị đội trật tự đô thị bắt, phạt tiền, thu giữ đồ nghề... xảy ra như cơm bữa. Đó là những câu chuyện cười ra nước mắt mà tôi được nghe “dân rong” kể lại. Nào là bị người giữ vệ sinh, trật tự quát tháo, nào là nước mắt giọt vắn giọt dài lẽo đẽo theo chân người thi hành công vụ để xin trả lại cái xe đạp cà tàng cùng đồ nghề.
Những câu đối thoại kiểu như thế này ở công an phường diễn ra như cơm bữa:
- Xin xỏ, khóc lóc cái gì. Chúng tôi giữ cái xe đạp với cái giỏ sắt này thì lợi lộc gì. Các bà lì lợm quá, không trả cho chừa!
- Chừa sao được, không trả đành sắm lại đồ nghề, lại tiếp tục đi bán. Nồi cơm các con tôi ở quê chỉ trông cậy vào gánh trái cây này...
Bán trái cây rong không phải là nghề mưu sinh độc quyền của cánh chị em. Giới mày râu, ngay cả những chàng trai trẻ, cũng góp mặt rất đông. Cái giọng Bình Định bị người miền Nam cho là nặng trình trịch, nhăn mặt kêu khó nghe, vậy mà buôn bán lại nhanh nhẹn, khéo léo. Không ít cô gái trẻ ngúng nguẩy than đắt, đòi bớt, xin thêm một quả, cuối cùng cũng vì anh bán hàng dễ thương mà mua thêm ký cam, cân quýt.
|
Xe hàng miệt mài giữa đêm.
|
* “Nghiệp đoàn” trái cây rong
Giới hàng rong trên đất Sài Gòn phần lớn là người Bình Định, trong đó chủ yếu là người ở vùng An Nhơn, Phù Cát (đặc biệt là ở các xã Cát Tường, Cát Trinh, Cát Lâm). Tại sao họ lại thích hợp với nghề bán trái cây dạo đến thế? Chính họ khi được hỏi cũng “ờ há” và hỏi lại tôi: “Sao vậy hè? Người mình nhiều vô kể. Chắc tại người này làm ăn được về rủ người kia, rủ cả nhà, cả họ, cả làng. Cứ thế, hàng chục năm nay”.
Nhưng câu trả lời dễ chấp nhận nhất có lẽ đó là nghề ít vốn, cần sức khỏe, sự cần cù, chịu khó, không quản ngại mưa nắng, hợp với đức tính chịu cực khổ kiên cường của con người miền Trung vốn dạn dày sương gió.
Mỗi ngày bán, hôm nào “hên” thì lãi khoảng 100-120 ngàn đồng, hôm “xui” cũng được 50-70 ngàn đồng. Trừ chi phí ăn ở và chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng họ gởi về nhà hơn triệu đồng, hơn hẳn thu nhập từ nghề nông. Thế nên nam phụ lão ấu mới ùn ùn Nam tiến, ly nông và cả ly hương.
Ở miền Tây đất đai phì nhiêu, thiên nhiên ưu đãi, con người cũng phóng khoáng, chịu ăn chịu chơi chẳng vùng miền nào bằng nên họ lên Sài Gòn chỉ chịu làm những nghề dịch vụ là chủ yếu. Người miền Bắc thường chịu làm những nghề nặng nhọc như cửu vạn, thợ xây... Điều này đã tạo nên nét phong phú, đặc trưng cho mảnh đất tứ phương hội tụ Sài Gòn. Trái cây dạo của người Bình Định chỉ là lát cắt nhỏ trong đời sống của dân nghèo đô thị thập phương nhập cư.
Anh Nguyễn Văn Hùng, quê Cát Tường (Phù Cát) một người lâu năm trong nghề, cho biết: “Mùa nào thức ấy, hết hồng giòn, cam Mỹ... lại đến me Thái, xoài cát Hòa Lộc… Chợ đầu mối nhập về mặt hàng nào nhiều, rẻ, dễ bán là chúng tôi lấy bán loại đó”. Ai cũng biết trái cây rong kém tươi ngon, nhưng giá thường thấp hơn các nơi khác khá nhiều nên bán được nhờ phù hợp với túi tiền người lao động. Cũng theo anh Hùng, dù sao nghề của họ cũng dễ thở hơn so với các bạn người Bắc - thống lĩnh lĩnh vực bán rong đồ ăn thức uống.
Song song với chiến dịch truy quét hàng rong, trên đôi vai của “dân rong” còn gánh thêm giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Khiến đôi vai của họ càng thêm nặng trĩu.
Trong giỏ đồ nghề của dân trái cây rong lúc nào cũng mang theo vài tấm xốp và cây bút lông. Giá liên tục thay đổi. Đừng ngạc nhiên nếu một giờ trước bạn đi ngang thấy bảng giá 1kg nho là 20.000 đồng, lát sau có việc đi ngang, lại thấy các xe đều giương biển 18.000 đồng, rồi 15.000, 12.000… Điều đặc biệt là họ rất “đoàn kết” trong việc đề ra giá bán, không có trường hợp “phá giá” trên cùng tuyến đuờng. Thường vào quãng sau 21 giờ, khi đoàn xe tải dài ngoằng ì ầm tiến vào thành phố, các tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… bắt đầu thưa thớt người qua lại, thì dân rong trái cũng hạ giá, lo bán tống bán tháo để quay về...
|
Nửa đêm, họ lại tập trung về khu trọ.
|
* Nương thân giữa phố Sài Gòn
Một buổi chiều, tôi đi xe máy từ quận 10 xuống khu vực chợ đầu mối để tìm hiểu cuộc sống của những người đồng hương bán trái cây rong. Sau mấy giờ háo hức, kiên nhẫn rồi mệt lả, tôi cũng lọt vô được ngôi nhà số 30 đường số 9, khu phố 4, phường Tam Bình. Tại đây, mỗi đêm có khoảng 200 người tá túc. Ở khu vực quanh chợ đầu mối Thủ Đức thuộc phường Tam Bình, ước tính có khoảng trên 1.000 người Bình Định lưu trú và sống bằng nghề bán trái cây dạo. Họ thuê phòng khoảng 4-5 người với giá 600-700 ngàn đồng/tháng. Thường một nhóm bạn chung xóm, những người thân trong họ hoặc hai cặp vợ chồng rủ thuê chung, còn đa số chọn loại hình lưu trú qua đêm, cứ tối về nhà trọ nộp 5.000 đồng là có chỗ tắm rửa, cất dọn đồ đạc, nấu nướng ăn uống và ngủ. Dù bán ở xa hàng chục cây số, cũng phải lo vượt về, để sáng mai còn đến chợ đầu mối lấy hàng sớm.
Buổi tối, trở về phòng trọ, họ mới được gỡ bỏ cái nón lá hay cái mũ rộng vành, cái khẩu trang đẫm mồ hôi, cái áo khoác bạc màu, mặc bộ đồ thun in hoa mỏng, nhẹ nhàng, sạch sẽ, thong thả xem tivi cùng mọi người. Ấy là cái giờ phút thảnh thơi, vui vẻ nhất. Về xóm trọ, sống trong một không gian tối, ẩm thấp, chật chội nhưng bù lại, tràn ngập tiếng “nẫu” cùng mùi vị thức ăn quê nhà. Rau muống xào tỏi, canh chua cá nục, cá cơm rim mặn… là những món quen thuộc trong bữa ăn tối muộn màng của họ. Họ gọi là “bữa ăn tươi”, cho đỡ ngấy cái mùi cơm hộp, thức ăn “quấy quá” lề đường, cũng là đỡ thấy nhớ nhà, nhớ bữa cơm gia đình thân thuộc đã lâu không được ngồi xới cơm cho chồng, gắp miếng cá lừa xương bỏ vào chén con.
20 giờ 30 phút, khoảng 50 người ngồi dán mắt vào cái tivi cũ chăm chú xem phim “Bỗng dưng muốn khóc”. Câu chuyện của chúng tôi xen giữa những phút quảng cáo. Hết quảng cáo, họ tự ngắt trò chuyện, hoan hỉ dán mắt vào màn hình. Mê say một cách giản dị, những tràng cười vui vẻ xua đi bớt nỗi nhọc nhằn!
Hết phim họ lại trở về phòng trọ. Căn phòng khoảng 50m2 nhưng chứa gần 200 con người. Mỗi người một tấm chiếu 6 tấc, các chị còn có tấm mền, cái gối mỏng, còn các ông sức dài vai rộng cứ nằm san sát nhau. Chuyện trò một hồi, san sẻ nỗi nhớ nhà, kể cho nhau những chuyện vui buồn bán buôn hằng ngày. Các ông ba hoa những chuyện tiếu lâm khiến các chị, các cô cười rúc rích. Độ mươi phút sau, tôi chào mọi người, bước ra khỏi căn phòng gỗ nóng hầm hập, đèn phòng trọ tắt, mọi người chìm vào giấc ngủ mê mệt. Kết thúc một ngày rong, đồng hồ điểm 23 giờ.
Khoảng 4-5 giờ sáng, khu nhà trọ lại nhộn nhịp hẳn. Trang bị khăn áo, đồ nghề, cả đoàn người xe ùn ùn kéo ra chợ đầu mối. Một ngày mới lại bắt đầu với dân rong. Họ tiến vào thành phố lúc trời còn sớm, đồng hành cùng những đoàn xe tải, để tránh kẹt xe, để tìm một chỗ dựng xe đứng bán cho “ngon lành”. Và trở về cùng với những đoàn xe tải trong mịt mù khói bụi và se sắt sương đêm…
|