Sông Côn ký sự
Kỳ 11: Nối những đôi bờ
15:56', 17/11/ 2008 (GMT+7)

Xưa, sông Côn là nơi tấp nập thuyền bè ngược xuôi. Những bến sông rộn rịp, những chuyến đò qua lại… Nay, những cây cầu mới mọc lên nối đôi bờ, cuộc sống ven sông cũng vì thế mà đổi thay. Nhưng, vẫn còn mãi trong ký ức là những cái tên mà mỗi lần nhắc đến lại xốn xang lòng người…

 

Dòng sông lặng chảy soi bóng bờ tre.

 

Sông xưa vương dấu đôi bờ

“Cây Me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm…” (Ca dao). Cùng với cây me trong vườn Nguyễn Huệ, bến Trường Trầu đã trở thành một địa danh nổi tiếng. Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn trầu lớn bên bờ sông Côn, xưa thuộc xóm Trầu (thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn), nay là xóm Hưng Hòa (đội 7, khối I, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Từ thị trấn Phú Phong, qua cầu Kiên Mỹ theo tả ngạn sông Côn về phía đông khoảng 300m là tới bến Trường Trầu.

Theo ký ức dân gian thì xóm Trầu là xóm phồn thịnh nhất của Kiên Mỹ thời bấy giờ. Và con sông Côn khởi nguồn từ miền Tây Sơn thượng đạo, qua Tây Sơn hạ đạo rồi xuống đồng bằng, là mạch giao thông đường thủy nối cao nguyên với đồng bằng, làm cho vùng đất Kiên Thành sớm trở nên sầm uất, bởi đây là một đầu mối mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai miền: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” (Ca dao).

Vang danh không kém bến Trường Trầu là bến Trường Thi. Cái bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan, chính là bến đò Trường Thi hiện hữu trên sông Cửa Tiền (thị trấn Bình Định) cách nhà của Yến Lan không xa. Một phân lưu quan trọng của sông Côn đổ nước ra đầm Thị Nại chảy trước mặt cửa Tiền của thành Bình Định, được mang luôn tên gọi sông Cửa Tiền. Đoạn sông đổ ra đây tương đối rộng, khoảng chừng vài trăm mét. Bên kia sông là xã Nhơn Hòa, bên này sông là xã Nhơn Hưng (An Nhơn). Hai bên bờ sông là hai hàng tre gai chạy dài tít tắp. Phía sau hàng tre, xóm làng trù phú, ruộng vườn xanh mướt, từng luống đậu, giồng khoai mượt mà.

 

Nay mai, cầu An Thái sẽ hoàn thành, nối hai bờ hai làng võ An Thái và An Vinh.

 

Con sông Cửa Tiền vào mùa khô chỉ là bãi cát trắng xóa, vào giữa trưa hơi nóng từ mặt cát bốc lên hầm hập. Cả dòng sông thu hẹp lại thành con lạch rộng chừng chục bước chân và chiều sâu chưa quá gối. Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về, cuồn cuộn phù sa đục ngầu. Bấy giờ, khách sang sông phải lụy đò. Và, đã có một bến đò đi vào văn học, và gắn liền với lịch sử. Bến đò tên là Trường Thi, nằm ở phía Cửa Tiền. Bến đò chỉ hình thành vào mùa nước lớn, tồn tại từ tháng chín cho đến tháng chạp âm lịch. Sau đó, những người chèo đò chuyển đò đi nơi khác, neo ở một đoạn sông sâu hơn; lái đò thì chuyển nghề khác kiếm sống, và lại chờ vào mùa nước lớn, năm sau.

Có những cái bến được đặt tên theo những sản phẩm bán mua tấp nập ở đó. Như bến Gỗ, xưa là địa điểm tập kết gỗ súc từ đầu nguồn chuyển xuống, để từ đó, theo đường lộ đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Không chỉ nổi tiếng vì gỗ, nơi đây còn khắc ghi một dấu ấn lịch sử. Chẳng là bến Gỗ nằm ở phía Tây Bắc thành Hoàng Đế, từ đó, có thể ngược lên sông Côn và xuôi xuống sông Đại An ra cửa Thị Nại. Giữa thành và ngoài thành là những gò, núi rất thuận lợi cho việc dùng binh. Phía nam có gò Vân Sơn, gò Tập là những điểm cao lợi hại bảo vệ cửa nam thành ngoại. Sau gò Tập, lại có núi Long Cốt được coi là "tiền án" của thành, đã từng diễn ra những trận đánh dữ dội giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn.

Hầu hết các bến sông đều nằm nơi nước duềnh doàng, bờ này cách bờ kia hơn cả trăm mét. Nhưng cũng có bến chỉ là chỗ lội. Làng Háo Đức, làng Cẩm Văn cùng ở dọc theo hai bên bờ sông Cẩm Văn, một nhánh của sông Côn. Người hai làng qua lại nhau, nhờ vào một chỗ lội gọi là bến Thùng. Chuyện xưa kể, có anh trai làng Háo Đức vì thương cô gái làng Cẩm Văn, phải lội qua bến Thùng ngày mấy lần để một ngày, họ được thành chồng thành vợ. Ngày cưới, hai họ và cô dâu chú rể cùng… vén quần lội qua sông.

 

Trên cầu Trường Thi.

 

Nói đến bến An Thái, là nói đến một địa danh nổi tiếng của đất võ Bình Định. Bờ bên này sông Côn là làng An Thái, bờ bên kia sông là làng An Vinh – thảy đều là làng võ. Khúc sông rộng đến gần cây số và sâu nhất, quanh năm thuyền bè tấp nập. Phố chợ An Thái sầm uất, hưng thịnh một thời nằm bên An Thái. Nguyễn Nhạc đã từng xuôi thuyền qua bến sông này từ thuở còn là anh Hai Trầu đi buôn trầu trên sông Côn. Cũng bên bến đò này, có một ngày, khi ngược dòng sông Côn, thầy giáo Hiến đã dừng chân và quyết định mở trường dạy học. Trong những người học trò của ông khi ấy, có ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Còn bãi bồi ven sông kia, đã chứng kiến bao lần Lễ hội Đổ Giàn với bao nét đặc sắc, vẫn còn dư vang trong truyền tụng, về một nét phong tục đẹp và lạ của một miền quê võ.

Còn bến đò Thị Lựa, chính là nơi nhánh sông bắc phái chảy xuống Thạch Yển gặp nơi đầu con sông La Vĩ tạo thành ngã ba sông. Tương truyền nhánh sông này do vua Thái Đức sức dân đào sông đắp lũy bao quanh mặt tây bắc thành Hoàng Đế. Bến Thị Lựa người đi qua lại tấp nập từ các xã phía tây đổ về Đập Đá và khu Đông.

Khoảng giữa thế kỷ 20 về trước, giao thông đường bộ chưa phát triển, các nhánh lớn của sông Côn như sông Thạch Yển (bắc phái), sông Gò Chàm (trung phái), sông Tân An (nam phái) là những tuyến giao thông đường thủy vận chuyển hàng hóa, thuyền buồm tấp nập từ biển lên nguồn. Cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, nơi dừng chân của bao thương khách người Việt, người Hoa càng làm cho những phố chợ hai bên sông hưng thịnh, sầm uất như An Thái, Gò Chàm, Đập Đá, Gò Găng, Phú Đa... nổi tiếng. Nguồn lợi thủy sản dồi dào, các làng ven sông sống bằng nghề đánh bắt cá, họ dùng dụng cụ lưới, chài hoặc giăng câu, hình thành nét văn hóa sông nước in đậm dấu ấn của dòng sông…

 

Cầu tre bắc qua Bến Thùng.

 

Bóng đò dáng bến bây giờ tìm đâu

Theo chân người bạn học ở xã Nhơn Thọ, chúng tôi đi dọc bờ sông Côn, từ thị trấn Phú Phong qua Nhơn Hòa, xuống Nhơn An để tìm lại dấu vết của những bến sông xưa.

Bến Trường Trầu giờ chỉ là một bãi bồi vắng lặng nép mình bên chân cây cầu Kiên Mỹ. Từ khi cầu được xây dựng (năm 1998), đôi bờ sông không còn cách trở mỗi khi lũ về. Mỗi dịp xuân đến, người tứ xứ rủ nhau về Tây Sơn dự lễ hội Đống Đa (mồng 5 Tết) đông nghìn nghịt. Người, xe chen nhau qua cầu Kiên Mỹ để được nhìn ngắm bến Trường Trầu, trước khi vào Bảo tàng dự lễ hội, vui chơi… Nay đứng trên cầu Kiên Mỹ, nhìn xuống bến sông, còn đâu cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, những xấp trầu biêng biếc, những buồng cau rịt quả, và cả cái không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn từ bến Trường Trầu… Tất cả chỉ còn trong hoài niệm.

Men theo dọc sông, chúng tôi đến bến An Thái. Sông Côn đang vào mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Ông Lê Lan (78 tuổi), đang sửa soạn đưa đò sang ngang. Ông là người làng An Vinh, làm nghề chèo đò trên bến An Thái đã gần mười lăm năm. Và, bấy nhiêu năm lênh đênh sông nước, cũng đủ neo vào lòng ông lái đò già những nỗi niềm chất chứa giữa lòng sông. Cây cầu An Thái đang xây dựng dở dang, những trụ cầu vững chãi mọc lên giữa dòng nước chảy xiết. Mai đây, khi cây cầu này hoàn thành, những chuyến đò ngang của ông Lan sẽ mãi lùi vào quá vãng. Và hình ảnh ông lão lái đò chỉ còn là chút kỷ niệm lưu giữ bên bến sông quê…

 

Bến Thanh Giang giờ chỉ là một bờ đất sạt lở…

 

Và, không riêng gì bến Trường Trầu, An Thái…  bến Trường Thi thơ mộng ngày nào giờ cũng đã được thay bằng một cây cầu bê tông vững chãi. Có chăng, chỉ là bãi cát vàng hiển hiện sau lưng nhịp cầu bê tông, cái bãi cát vàng đã đi vào “Bến My Lăng” huyền ảo. Có lần, tôi theo bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ Yến Lan, ra đứng nơi đầu cầu và ngó về bãi cát vàng ấy. Tưởng như, vẫn thấy hiện ra trước mắt, ông lái đò ngày nào neo theo trăng lạc giữa bến My Lăng và những bước chân sĩ tử ngày xưa ngược xuôi qua bến sông để đến với Trường Thi Bình Định. Quá khứ hiện về giữa nhịp chảy bất tận của dòng sông…

Đi dọc theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Bến Xe Ngựa (thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn), rẽ sang phải, gặp cầu Háo Đức (thôn Háo Đức, xã Nhơn An). Tôi hỏi thăm một người đi ngược đường. Anh thanh niên chẳng biết rằng, xưa nơi đây là một bến sông rộn rịp người qua kẻ lại. Và, nếu không có người già khẳng định, chúng tôi chẳng thể nào dám tin vào mắt mình. Bến Thùng nổi tiếng ngày xưa giờ chỉ là một… bãi rác tù đọng bên cây cầu tre bắc qua một khúc sông nhỏ, nước cạn lồ lộ đáy bùn. Đâu rồi khung cảnh lãng mạn, hữu tình ngày xưa…

 

Trên dòng nước lũ, cầu Nhạn Tháp chỉ còn mấy nhịp chơ vơ.

 

Chúng tôi đến làng Thanh Liêm (xã Nhơn An), hỏi thăm ông Bầu Nhơn, chẳng mấy người biết. Sau cùng, chúng tôi được một bà lão ngoài bảy mươi kể chuyện xưa. Trong câu chuyện không đầu không đuôi của bà, có hình ảnh ba anh em Bầu Sáo, Bầu Hùng, Bầu Nhơn ngày ngày chống đò đưa người qua bến Lò Heo để sang Đập Đá buôn bán, làm ăn; cũng họ, vào mùa lưu diễn, lại ngược xuôi cùng đoàn hát bội, “lĩnh tờ” khắp nơi trong tỉnh. Giờ đây, những người lái đò ấy kiêm bầu hát ấy đã thành thiên cổ. Bến đò xưa cũng chẳng còn vết dấu…

Từ làng Thanh Liêm, đi thẳng chừng vài cây số là đến bến Thanh Giang. Ông Lê Văn Thức, 62 tuổi, người thôn Trung Lý (xã Nhơn Phong) kể: “Xưa, bến Thanh Giang là nơi qua lại của người hai làng: Thanh Giang (Nhơn Phong) và An Lợi (Nhơn Thành). Giờ bến sông sạt lở, chẳng mấy ai lội qua được, phiên chợ Thanh Giang vì thế cũng vắng hơn…”.

Trong suốt hành trình của mình, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi tìm lại những bến sông cũ. Lớp bụi thời gian đã phủ mờ phần nào những lối xưa. Thế hệ trẻ ngày nay ít người còn biết đến những địa danh một thời. Dù rất cố gắng, chúng tôi vẫn không thể đến được chính xác những địa danh xưa… Hỏi những cái tên như bến Thị Lựa, bến Gỗ… nhìn trong mắt họ, tôi thấy cả sự ngạc nhiên, lẫn lạ lẫm…

 

Ông Lê Lan lái đò đưa khách sang sông. Rồi đây, hình ảnh này chỉ còn trong quá vãng…

 

Bên cạnh sự xuất hiện những cây cầu nối bờ vui như bến Trường Thi, rồi An Thái… còn không ít đôi bờ vẫn cách trở khi mùa lũ về. Chúng tôi đến thôn Quan Quang (xã Nhơn Khánh), nơi cây cầu Nhạn Tháp bị lũ cuốn trôi, chỉ còn trơ lại mấy nhịp cầu lẻ loi giữa dòng nước xoáy. Chị Lê Thị Chín, người dân sống bên cầu, cho biết: “Cầu Quan Quang là cầu thu phí, nhưng chỉ hoạt động được vào mùa khô. Đến mùa lũ, nước chảy mạnh cuốn trôi cầu thì người dân hai xã Nhơn Khánh và Nhơn Hậu muốn qua lại phải đi bằng cầu Phụ Ngọc, cách đây khá xa…”. Người dân sống hai bên cầu đang mong mỏi có một nhịp cầu mới nối đôi bờ, để mùa lũ về, con sông không còn ngăn cách bước chân người…

* * *

Ngày nay, những khúc sông Côn đoạn hạ nguồn cạn dần và hẹp hơn trước. Lâu rồi, chẳng thấy hình ảnh những đoàn thuyền nan trương buồm trong gió đưa hàng ngược xuôi. Và trên sông, cũng không còn hình ảnh những ngư dân tung chài bắt cá, cũng không còn những thợ lặn dưới hóc bụi tre ở những đoạn sông sâu, bắt những con cá chép cá giếc to đến hai ba nắm tay. Ông lái đò rồi cũng chỉ là hình ảnh của quá vãng. Những chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi đã và đang thay dần những chiếc cầu tre lắc lẻo. Mơ ước bao đời của người dân vùng sông nước đã thành hiện thực. Nhưng, vẫn đi mãi cùng thời gian là những bóng đò, dáng bến xa lắc lơ… Đêm đêm, dưới ánh trăng nhập nhòa sóng nước, vẫn nghe đâu đó vọng về tiếng gọi đò ơ dài như nỗi nhớ, ngày xưa…

  • Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang

Kỳ 12: Vang danh những làng võ bên sông

Không biết ngẫu nhiên hay sự sắp đặt của lịch sử mà những làng võ nổi tiếng nhất của Bình Định đều nằm gần xa hai bờ sông Côn. Đi dọc theo sông Côn, đến các làng võ Thuận Truyền, An Vinh, An Thái… để tìm hiểu về những đường roi, đường quyền vang bóng một thời; rồi những thực hư quanh cuốn binh thư “tuyệt đỉnh bí kiếp”…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)
Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn  (11/11/2008)
Thợ giày đặc chủng  (10/11/2008)
Kỳ 9: Hương vị của dòng sông  (06/11/2008)
Kỳ 8: Trên đất “thang mộc”  (03/11/2008)
Kỳ 7: Ghi dấu lưu dân  (02/11/2008)
Giữ lấy nghề xưa  (01/11/2008)
Kỳ 6: Dòng sông thuỷ điện  (28/10/2008)
Nắm bắt mọi cơ hội và thêm một chút “liều”…  (25/10/2008)
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ  (24/10/2008)
“Tuần Bình Định” ở xóm ghe Vũng Tàu  (22/10/2008)
Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi   (21/10/2008)
Rừng Vĩnh Thạnh cần được bảo vệ!  (20/10/2008)
Kỳ 3: Thám hiểm núi Nguyễn Huệ  (19/10/2008)