Học sinh ở trường là… “thượng đế”
13:46', 22/11/ 2008 (GMT+7)

Với quan điểm, phụ huynh học sinh (HS) là khách hàng, HS là “thượng đế”, Trường THPT Quy Nhơn- trường tư thục đầu tiên của tỉnh- đã xây dựng một cách tổ chức quản lý dạy và học mới, năng động và sáng tạo hơn so với mô hình giáo dục truyền thống. Ông Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng của trường đã trò chuyện với PV Báo Bình Định.

 

Ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn đánh trống khai giảng năm học mới 2008 - 2009. Ảnh: Q.H

 

* Tạo môi trường học tập thân thiện

* 3 năm học đã đi qua. Một ngôi trường mới. Một mô hình mới. Và, “quả đã ngọt” ?

- Với những kết quả đạt được sau 3 năm “gieo hạt” (88,5% số HS tốt nghiệp THPT; 25% số HS trúng tuyển vào ĐH,CĐ), đúng là bước khởi đầu tốt đẹp. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. HS “ngồi nhầm lớp” qua mỗi mùa tuyển sinh vẫn còn nặng gánh trên vai nhà trường. Bởi vậy, mục tiêu trường đặt ra là không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, làm cho HS thích ứng với quy chế thi cử mới của Bộ. Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng luôn được đặt thành vấn đề trọng tâm và thường xuyên để giúp HS chọn trường, chọn nghề, vào đời vừa với sức của mình…

* Đối với trường công lập, tất cả đều có sẵn: trường, lớp, giáo viên, HS… Vậy mà quản lý đã khó… Còn trường tư thục thì sao. Vượt qua những khó khăn của bước khởi đầu, chắc không đơn giản ?

- Đối tượng quản lý nào cũng có những khó khăn riêng. Nhưng có “bột” thì vẫn dễ “gột nên hồ” hơn. Trường tư xuất phát điểm từ con số không. Để có một ngôi trường mới khang trang, chúng tôi đã phải lo toan, từ thủ tục đất đai đến vốn đầu tư, tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh, kê khai nộp thuế… Nhưng việc khó khăn hơn cả là, làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Trò học yếu, kèm theo đó là không muốn học, ồn ào, quậy phá… Lớp học như một buổi “chợ chiều” làm nao lòng thầy cô giảng dạy. Thầy giảng đúng chuẩn kiến thức chương trình, trò không hiểu. Mọi lý thuyết về phương pháp dạy học đều vô hiệu, không tương thích giữa dạy và học.

Để thầy và trò có tiếng nói chung, trò học được cách dạy của thầy và thầy dạy tích hợp được kiến thức cho trò, theo chuẩn kiến thức chương trình quy định là cả một vấn đề khó khăn. Với quan điểm “HS, phụ huynh HS là khách hàng” và từ thực tiễn nhà trường đã tìm ra phương pháp dạy học thích ứng. Từ đó, giữa thầy và trò, rút ngắn dần khoảng cách qua từng học kỳ, từng năm học. Thầy dẫn dắt trò chiếm lĩnh được tri thức cơ bản, đủ sức vượt qua được những mùa thi.

* Phụ huynh, HS là khách hàng và quan hệ với nhà trường… bình đẳng. Một quan điểm không mới trong triết lý giáo dục nhưng nhà trường đã quan tâm thực hiện điều đó! Vậy nhà trường làm những gì?

- Có thể nói, với điểm xuất phát gần 70% “đầu vào” thuộc diện “ngồi nhầm lớp” và trên 50% thuộc đối tượng “khó bảo” mà đạt được những con số nêu trên là cả một sự nỗ lực to lớn. Kể ra đầu việc thì nhiều lắm. Nhưng tổng thể vận hành của guồng máy, tạo nên những con số đó là “Hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ hướng vào HS” với những quy trình công việc được hoạch định theo nguyên tắc “Phải làm đúng ngay từ đầu”.

Có thể đơn cử một số việc làm như: Trường tiến hành quá trình giáo dục làm cho HS yêu trường, mến lớp với các chuyên đề học tập, sinh hoạt ngoại khóa phong phú, hấp dẫn, giúp các em nhận thức bản thân, xây dựng thái độ sống tích cực và có phương pháp học tập hiệu quả. Trường đã xây dựng hẳn một nhà đa năng rộng trên 600 m2 để HS hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; đầu tư hệ thống phát thanh nội bộ để HS hát Karaoke trực tuyến trên mạng trong những giờ giải lao, tặng nhau những bài hát ưa thích. Hướng dẫn HS tiến hành các hoạt động để rèn luyện kỹ năng sống như “Eating out”, “Hành trình theo dòng tri thức”, “Ai là bác học” và các hoạt động “Nhịp sống trẻ” sôi động…

Bao trùm lên tất cả, trường xác định trong đội ngũ giáo viên, công nhân viên thái độ giảng dạy và phục vụ: phụ huynh và HS là khách hàng, phải phục vụ tốt khách hàng của mình thì trường mới tồn tại và phát triển. Trên tinh thần đó, xuyên suốt quá trình hoạt động, trường đã tìm cách thỏa mãn cao nhất nhu cầu học tập của HS. Ví dụ như, tổ chức cho HS bỏ phiếu tín nhiệm giáo viên. Nếu giáo viên nào có quá 25% số HS không tín nhiệm, trường sẽ gởi thư cảm ơn và thôi không hợp đồng giảng dạy nữa. HS được nhận xét công tác quản lý của nhà trường sau mỗi học kỳ, mỗi năm học. Hàng tháng, hiệu trưởng tổ chức họp giao ban với ban cán sự, ban chấp hành chi đoàn theo khối lớp và hàng ngày HS có thể phản ảnh, đưa ra yêu cầu... qua “Thùng thư gởi Hiệu trưởng”. Từ đó, trường sẽ xử lý, điều chỉnh mọi hoạt động giảng dạy và quản lý để phục vụ tốt nhất cho HS.

Từ năm học 2008- 2009, trường đã ứng dụng công nghệ e-learning vào dạy học, bước đầu đã có hiệu quả, giúp HS hứng thú học tập và tự tìm nhiều nguồn tư liệu trên internet để bổ sung vào bài học, thay vì chỉ học từ sách giáo khoa và nghe giảng. Theo đó, thầy cô giáo cũng phải thường xuyên cập nhật và đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của HS theo hướng “thầy thiết kế, trò thi công”, chuyển dần quá trình dạy học của thầy thành quá trình tự học của HS.

 

Học sinh Trường THPT Quy Nhơn. Ảnh: Q.H

 

* Trường tư có hơn trường công ?

* Mở trường tư thục, không ai đặt nặng vấn đề đầu tiên là lợi nhuận. Nhưng nếu không có lợi nhuận thì sẽ không có sự tồn tại của ngôi trường?

- Làm kinh tế, ai cũng vì lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng nếu đầu tư giáo dục mà đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thì khó làm lắm. Đầu tư cho giáo dục, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tâm huyết để có thể chấp nhận một tỉ suất lợi nhuận bình quân không cao bằng các ngành nghề kinh doanh khác. Nhưng cuối cùng phải có lợi nhuận, đó là hiệu quả đầu tư, cơ sở tồn tại và phát triển của một ngôi trường.

* Là người tiên phong và đặt nền móng về mở trường tư bậc phổ thông ở Bình Định, ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này?

- Kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ, đó là, phải tự nỗ lực trước khi nhờ người giúp đỡ. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Phải lường hết khó khăn và tin tưởng rằng không có thất bại, chỉ có thử thách. Tuy Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra mở trường tư, nhưng chính sách đó chưa hấp dẫn và còn nhiều rào cản bởi quan ngại “thương mại hóa giáo dục”. Miền xác định nào được thương mại và không được thương mại chưa rõ ràng lắm trong hệ thống luật pháp hiện hành, cũng như còn nhiều ý kiến khác nhau trong công luận.

* Và, một kế hoạch “dài hơi” cho sự phát triển và khẳng định thương hiệu của trường trong tương lai ?

- Từ năm học 2008 - 2009, trường đã có chiến lược phát triển “chiều sâu”, được khởi động với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học để nâng cao chất lượng học tập của HS. Hiện nay, trường đã có gần 100 máy vi tính nối mạng internet, đạt được tiêu chuẩn quy định của Bộ là 10 HS/1 máy vi tính. Và, chiến lược phát triển “mở rộng” với mô hình trường phổ thông đa cấp sẽ được tiến hành. Theo đó, mỗi năm nhà trường sẽ tuyển sinh từ lớp 1, để tự mình tạo ra HS giỏi từ thuở ban sơ “vào trường lớp 1- ra trường tốt nghiệp THPT, vào đại học”. Đó là những mục tiêu mà nhà trường hướng tới để khẳng định thương hiệu trong tương lai.

* Bây giờ, ít người muốn cho con đi học trường tư (vì e ngại trường tư HS yếu, kém, quậy phá…) nhưng sự “cào bằng” của một số trường công cũng đang làm nhiều phụ huynh khao khát có được môi trường khác biệt hơn cho con học tập. Phải chăng đó cũng là một thuận lợi cho những “nhà đầu tư” giáo dục đang muốn tiên phong vào con đường còn lắm gập ghềnh?

- Tôi không nghĩ rằng tất cả phụ huynh đều e ngại khi cho con vào học trường tư. Cái chính là vào trường công, gia đình chỉ phải chi trả khoảng 10% chi phí học tập, số còn lại Nhà nước đài thọ. Với lợi thế đó trường công thu hút toàn bộ HS “trên sàn”… Theo luật bù trừ, khó khăn của đối tượng này sẽ là thuận lợi của đối tượng kia. Giai đoạn nào của sự vật, hiện tượng cũng có thuận lợi và khó khăn riêng, cái chính là chọn đúng cơ hội. Sự thành công trong giáo dục không chỉ là tuyển được những HS giỏi để dạy thành những lao động có chất lượng cao, mà cả làm sao nâng cao giá trị của những hạt gạo “dưới sàng”, để đưa vào đời những công dân tốt. Cơ hội bao giờ cũng gắn liền với một phân khúc thị trường, phát hiện nhu cầu tiềm năng và “bán cái khách hàng cần chứ không bán cái ta có”… là mục tiêu mà các nhà đầu tư hướng tới, giáo dục cũng không là ngoại lệ.

* Cám ơn ông!

  • Quỳnh Hoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)
Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn  (11/11/2008)
Thợ giày đặc chủng  (10/11/2008)
Kỳ 9: Hương vị của dòng sông  (06/11/2008)
Kỳ 8: Trên đất “thang mộc”  (03/11/2008)
Kỳ 7: Ghi dấu lưu dân  (02/11/2008)
Giữ lấy nghề xưa  (01/11/2008)
Kỳ 6: Dòng sông thuỷ điện  (28/10/2008)
Nắm bắt mọi cơ hội và thêm một chút “liều”…  (25/10/2008)
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ  (24/10/2008)
“Tuần Bình Định” ở xóm ghe Vũng Tàu  (22/10/2008)
Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi   (21/10/2008)
Rừng Vĩnh Thạnh cần được bảo vệ!  (20/10/2008)