Còn không làng giá ven sông?
16:42', 27/11/ 2008 (GMT+7)

Ở hai bên dòng sông La Tinh, ranh giới giữa Phù Cát và Phù Mỹ, bà con có nghề truyền thống làm giá. Nhờ những bãi cát trắng bồi ở những khúc sông ngoặt, bà con gieo những hạt đậu xanh xuống cát ẩm và cứ thể nhờ nước và các khoáng chất tự nhiên chúng trở thành những sợi giá dài, món rau sống chính một thời của “người nhà quê”. Món nhà quê ấy nay đã trở thành đặc sản nhưng người làm giá gieo cứ thưa thớt dần…

 

Chị Ánh mang rổ giá chuẩn bị cho buổi chợ sáng ra sông rửa khi trời còn tối mịt nên phải dùng đèn pin.

 

Hoài niệm về làng giá

Tôi không phải là người làng giá nhưng may mắn được làm láng giềng của họ nên cũng “biết” ít nhiều nghề này. Nhiều người quanh vùng vẫn nhớ, trước kia, chỉ riêng mấy bãi cát gần cầu Phù Ly (nay tên cầu Vạn Thiện, bắc qua sông La Tinh trên QL 1A) đã có tới hàng trăm người gieo giá để bán cho hầu hết các chợ quanh vùng như Tân Dân, Bình Long (Phù Mỹ), Phù Ly, chợ Gồm, Hoà Hội (Phù Cát),… Hàng rau sống chợ quê lúc bấy giờ màu trắng bao giờ cũng nổi trội. Những món rau trộn thêm chỉ có vài cọng răm, xà lách, diếp cá,… chứ không phong phú như bây giờ. Vì thế ngày ấy hàng rau sống gần như đồng nghĩa với hàng giá.

Người dân làm giá chủ yếu ở xóm Gò Dưa (thôn Bình Long, Mỹ Hiệp, Phù Mỹ) và một số người vùng khác có gốc gác…Gò Dưa. Tôi vẫn nhớ như in những ngày ấu thơ đi theo lũ bạn mót giá từ lúc trời chưa sáng ở bãi Trường Kinh (thuộc thôn Tân Xuân, Cát Hanh, Phù Cát). Đó là bãi cát rộng nhất vùng. Người nhổ giá lẫn người mót giá đều phải cần đến đèn dầu để chiếu sáng. Gió ven sông khiến những vật sáng này trở nên leo lét nhưng chẳng ảnh hưởng gì nhịp điệu hối hả của mọi người. Dường như, mắt người dạo đó… tinh anh hơn bây giờ!

Việc đầu tiên của người thu hoạch giá là gạt lớp cát bên trên ra xung quanh cho đến khi hiện lên những mầm giá trắng. Tiếp đến sẽ lấy giá ra, giũ bớt cát, vặt gốc và ngọn giá cho đẹp rồi cho vào rổ. Xong việc thì mang giá ra bờ sông để rửa lại. Lúc này, lũ nhóc con mót giá sẽ xới lại ổ cát, xem người ta có sót chỗ nào chưa bứng lên hoặc nhặt nhạnh những cọng giá gãy. Chỉ thế thôi cũng đủ cho tụi trẻ vui như mẹ đi chợ về!

 

Chị Ánh nhổ giá cho bữa chợ chiều.

 

Ngay đoạn sông thuộc bãi Trường Kinh, người ta đắp một đập nước thuỷ lợi để dẫn nước vào các đồng ruộng của xã Mỹ Hiệp. Do đó, nước bên dưới được lọc kỹ nên trong vắt và mát rượi. Nước này, người ta dùng rửa giá trước khi mang ra chợ bán.

Sự thay đổi bắt đầu từ khi người ta mở đường lớn từ QL 1A (đoạn gần chợ Phù Ly, Phù Cát) xuống bãi Trường Kinh để cho xe lấy cát dùng cho xây dựng vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Dân làm giá lâm vào lao đao vì thiếu chỗ canh tác. Nhiều xe lấy cát còn xúc nguyên ổ giá của người dân mang đi như không hề hay biết. Nhưng kẹt nỗi người Phù Cát lấy cát ở đất Phù Cát nên dân Gò Dưa (Phù Mỹ) chẳng thể làm được gì. Vì thế, phần lớn người gieo giá đành bỏ nghề, số ít còn lại tìm kiếm những bãi cát nhỏ khu vực lân cận thay thế.

Người làm giá cuối cùng trên dòng sông La Tinh

Tháng 11 này, tôi về lại quê. Dạo một vòng quanh bãi cát Trường Kinh, sau mấy mùa không cho xe lấy cát nữa cũng đã khôi phục được bãi cát đôi phần. Nghĩ rằng, nghề giá đã có thể trở lại nhưng dạo đến mỏi chân vẫn chẳng tìm được ổ giá nào. Tôi vào hỏi thăm mấy người trong làng mới biết, dân làng giá bây giờ ra chợ mua vài ba ký giá ủ công nghiệp rồi trộn với những loại rau khác để bán. Thỉnh thoảng dùng cho nhà ăn hoặc có ai đặt hàng thì mới ra bãi sông gieo giá. Xóm Gò Dưa giờ còn mỗi chị bốn Ánh vẫn sống bằng nghề giá theo kiểu xưa thôi!

Chị bốn Ánh (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ánh), nhà ở sát bên sông nhưng cạnh nhà chị không có bãi nên phải đi bộ lòng vòng cả cây số đường làng mới đến chỗ làm giá.

Vẫn giữ nghề cũ nghĩa là để có giá bán cho buổi chợ sáng, ngày nào chị cũng phải dậy trước 4 giờ sáng để chuẩn bị, bất kể ngày mưa hay nắng hay, cả mùng 2 Tết. Từ khi có chợ chiều Phù Ly (Phù Cát), cứ 5 ngày, chị đi 8 buổi chợ (5 sáng, 3 chiều) với gần chục ổ giá được tiêu thụ. Vậy nên, liền khi kết thúc buổi chợ sáng về nhà. Chị chỉ kịp ăn vội chén cơm rồi phải ra sông chuẩn bị hàng cho buổi chợ chiều. Vì thế, bãi sông này lúc nào cũng có khoảng chục ổ giá đợi đến ngày thu hoạch. Khi ổ giá này được nhổ lên, lập tức có ổ mới được gieo để bổ sung.

 

Công đoạn gieo giá.

 

Chị Ánh tính, mỗi ổ cần gieo 2 lon đỗ hột (có giá hơn 10 ngàn), thu được khoảng 5 kg giá thành phẩm, mỗi ký giá bán được 5 ngàn. Nhưng chị chủ yếu bán lẻ nên có thể thu được nhiều tiền hơn tý. Như vậy, bỏ công làm lời, mỗi ngày chị cũng thu được 40 ngàn tiền lời từ giá. Đó là chưa kể tiền lãi những món rau khác. Một thu nhập tương đối lớn ở nông thôn.

Vừa thoăn thoắt nhổ giá, chị vừa kể cho tôi nghe về cuộc đời làm giá của mình. Chị đã có 35 năm làm giá, thời con gái, thấy bà con chòm xóm làm rồi bắt chước chứ chẳng được ai truyền nghề. “Hồi mới làm cũng hay bị hư rồi giá không đạt. Sau làm riết thì có kinh nghiệm chứ thực ra nghề này chẳng có bí truyền gì!”, chị thật thà nói. “Trước đây, xóm này ai cũng làm giá nhưng đa phần đều coi như nghề phụ, kiếm thêm đồng ra đồng vào để đi chợ nên khi gặp khó khăn họ nghỉ luôn. Còn tui đây sống chính bằng nghề giá. Nên khó cách mấy cũng phải ráng giữ nghề. Nhà cửa tui bây giờ khang trang rồi tiền cho con cái học hành, tất cả đều từ nghề giá ra. Vậy nên, cả nhà tui ai cũng biết làm giá, từ “ông chồng” người xứ khác cho đến 5 đứa con. Mình không phụ nghề thì nghề chả phụ mình!”

Tôi chợt nhớ đến lời của một người anh trong làng nay đã thành đạt ở miền Nam trong một lần về thăm nhà cứ đòi ăn giá sông. Đại ý rằng, trước đây, khi giá ủ mới xuất hiện người ta chê giá gieo sông bẩn vì nhiều cát, rửa mệt. Nay người ta nhận ra rằng bẩn hoá chất mới đáng sợ chứ bẩn cát là… bẩn sạch. Chẳng mấy chốc người ta sẽ lùng giá sông cho những bữa tiệc đặc sản làng quê.

Và tôi cũng hi vọng thế để tái sinh làng nghề giá đỗ Gò Dưa…

  • Vương Nguyên

Quy trình làm giá tự nhiên ở làng giá

Đỗ xanh sau khi ngâm khoảng 3 giờ đồng hồ, rửa sạch. Chọn chỗ bãi cát cao ráo, sạch sẽ, tránh những chỗ đã gieo giá trước đó, sau đó cào lớp cát khô bên trên, lớp cát ẩm bên dưới làm cho bằng phẳng, rải đỗ lên rồi lấp cát lại, vun cao lên. Cứ để thế, khoảng 5 ngày sau sẽ có giá thành phẩm.

Vậy nếu cứ tránh những chỗ cát đã gieo giá trước đó thì chỗ đâu gieo cho đủ? Xin thưa, vào mỗi năm sông La Tinh đều có thời gian nước lớn. Khi nước sông tràn qua bãi cát, cuốn trôi đi tất cả những chất bẩn trong nó. Khi đó, toàn bộ khu vực cát đã được canh tác trước đó sẽ trở lại trạng thái cát mới như ban đầu.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)
Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn  (11/11/2008)
Thợ giày đặc chủng  (10/11/2008)
Kỳ 9: Hương vị của dòng sông  (06/11/2008)
Kỳ 8: Trên đất “thang mộc”  (03/11/2008)
Kỳ 7: Ghi dấu lưu dân  (02/11/2008)
Giữ lấy nghề xưa  (01/11/2008)
Kỳ 6: Dòng sông thuỷ điện  (28/10/2008)
Nắm bắt mọi cơ hội và thêm một chút “liều”…  (25/10/2008)
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ  (24/10/2008)