Nguyên quán Bình Định, nhưng đã bao năm sinh sống ở nước ngoài. Từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện, ông đã tự vươn lên, trở thành GS.TS, là nhà nghiên cứu khoa học có tiếng trên trường quốc tế. Ông là GS.TS Nguyễn Văn Tuấn.
|
TS. Nguyễn Văn Tuấn tham luận tại một hội thảo khoa học tại Montréal (Canada). Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
* Người con của hai vùng đất
* Nguyên quán ở Bình Định, lớn lên ở Kiên Giang và định cư tại Australia. Hình ảnh quê nhà có ảnh hưởng đến ông trong quá trình học tập, làm việc?
- Ba tôi lúc sinh tiền ít nói lắm, nhưng mỗi khi ông nói thì lúc nào cũng nhắc đến miền quê Bình Định, như gián tiếp nhắc cho tôi biết nguồn cội của mình. Quê hương trong tôi là một làng quê nằm ven cánh đồng và bên con sông hiền hòa nơi mình sinh ra; là cái thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành nơi ba tôi xuất thân và bà con tôi vẫn còn sống ở đó; là huyện Phù Mỹ, nơi ông ngoại tôi sinh ra. Hình ảnh quê hương là động cơ thôi thúc tôi vươn lên trong học tập và làm việc. Thú thật, lúc nào tôi cũng nghĩ (hay mơ ước) làm gì để một ngày nào đó người dân quê tôi không còn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mưu sinh hàng ngày.
Sang Australia từ năm 1982, để mưu sinh, ông đi làm phụ bếp. Ngày đi làm, đêm ông học thêm. Sau một thời gian, ông lấy bằng thạc sĩ, rồi bảo vệ thành công luận án TS; tiếp tục làm nghiên cứu sinh hậu TS. Hiện ông là nghiên cứu viên cao cấp ngay tại nơi trước đây ông làm phụ bếp.
* Ông có thể tiết lộ “bí quyết” tự vươn lên cho các bạn trẻ?
- Thật ra thì không có bí quyết gì cả, tùy hoàn cảnh mỗi người mà ứng phó thôi. Khi tôi mới sang Úc, tiếng Anh lôm côm, công việc chưa có, làm gì để vươn lên là một câu hỏi lớn. Bây giờ nhìn lại quãng đường mình đi qua, tôi thấy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn trẻ và những người đi sau.
Trước hết là phải phấn đấu vượt trội. Để vượt trội hơn người khác thì chỉ có hai cách. Một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ; hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều hơn. Để có nhiều thì giờ cho công việc, chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp không cần thiết. Rồi phải có mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Tôi có thói quen mỗi sáng viết ra những việc mình cần làm hôm nay và để danh sách ấy trên bàn, đặng nhắc nhở mình.
Phải biết nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một thế đứng bậc trên khi cạnh tranh với người khác. Bên cạnh đó, để thành công trong khoa học, mỗi người cần chọn cho mình một người thầy giỏi. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường rất tốt để giao lưu với những nhà khoa học giỏi.
Tiếp nữa là biết làm việc theo nhóm và hợp tác, để có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành; qua đó, nâng cao “năng suất” khoa học.
Cuối cùng và đương nhiên là tiếng Anh. Trong khoa học, tôi không ngần ngại mà nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh.
* Ai hay điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến những sự lựa chọn của ông?
- Tôi nghĩ đến hai người: Ba tôi và người thầy thời tiểu học. Ba ít nói chuyện với con cái, nhưng mỗi lần tôi đi xa về, có dịp nói chuyện, ba thường hay nhắc là ba và má rất ít học, nên muốn con cái phải học đến nơi đến chốn. Tôi nhìn ba tôi như là một tấm gương phấn đấu. Ngày ba tôi, một vệ quốc đoàn, bị thương mất một cánh tay, phải giải ngũ, bà con ai cũng lo cho tương lai gia đình tôi. Nhưng ba miệt mài tập làm việc bằng tay trái và ông đã thành công. Đến nay, cả làng tôi khi nhắc đến “Ông Ba Ý”, ai cũng phục là ông có thể phát cỏ, đào đất, viết chữ bằng tay trái, mà làm chẳng kém ai. Từ một thương binh, ba tôi đã tạo dựng được một cơ ngơi có thể nói là vững vàng về mặt kinh tế để anh em tôi đi học. Trong cuộc sống tinh thần, ba tôi cũng là một tấm gương. Ông trung thành với lý tưởng của ông, dù bị tra tấn, ông vẫn không tiết lộ thông tin làm hại đồng chí. Ba cho tôi một bài học lớn là có thể vươn lên và vượt qua nghịch cảnh. Má tôi cho tôi một bài học là phải sống tử tế với mọi người.
Người thứ hai ảnh hưởng đến tôi là thầy Phát, thầy dạy tôi thời tiểu học. Thầy đã qua đời khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ thầy là một nhà giáo đúng mực. Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và tận tụy với học trò. Dù ở trong quê, nhưng mỗi khi lên lớp là thầy vận quần áo nghiêm chỉnh. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Thầy gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.
|
TS Nguyễn Văn Tuấn (trái) đang trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
* “Tôi chỉ làm những chuyện... của mình”
Không đơn thuần là một nhà nghiên cứu, TS. Tuấn còn viết hàng trăm bài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đăng trên các báo trong nước như Tia sáng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Nhân dân…
* Là nhà khoa học, nhà giáo, người viết văn, viết báo, biên khảo… Trong thâm tâm, ông xác định chỗ đứng của mình là ở lĩnh vực nào?
- Có một triết gia, hình như là Jean Paul Sartre, có nói một câu thế này: trí thức là người làm những việc chẳng liên quan gì đến họ, nhưng đó là chuyện mà họ thấy là của họ. Bây giờ nhìn lại những việc mình làm, như viết văn, viết báo, sưu khảo,… là những chuyện tôi thấy là chuyện… của mình. Về khía cạnh này tôi thấy mình là đồ đệ của cụ Nguyễn Khắc Viện, vì cụ ấy cũng làm những việc ít liên quan đến chuyên ngành của cụ. Trong tôi có hai con người: một con người xã hội và một con người chuyên ngành. Con người xã hội thôi thúc tôi tranh luận và phản biện những vấn đề như giáo dục, văn hóa, văn học, khoa học, y tế, môi sinh, xã hội, chất độc da cam… nhưng con người chuyên môn thì chỉ biết có loãng xương. Hai con người nhưng là một: đó là con người Việt Nam.
“Chất độc da cam, dioxin và hệ quả” là cuốn sách của TS. Tuấn, đã được NXB Trẻ ấn hành tháng 7.2004, sau đó, được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về chất độc da cam ở Việt Nam một cách có hệ thống. Sách ra đời đúng vào dịp các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam chuẩn bị thủ tục để kiện các công ty hóa chất ở Mỹ, và đã gây một tiếng vang sâu rộng.
* Ông bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về chất độc da cam. Lý do ông quan tâm đến đề tài này?
- Tuổi thơ và ấn tượng tuổi thơ lúc nào cũng theo đuổi mình và là một trong những động cơ để tôi làm việc. Thuở còn nhỏ, khi đi tản cư tránh giặc, tôi chứng kiến cảnh chất độc màu da cam diệt cỏ như thế nào. Lớn lên, qua tìm hiểu, tôi mới biết đó là một chất mà thế giới lên án. Tôi tự hỏi: một chất mà thế giới lên án như thế tại sao họ lại đem sang sử dụng ở nước ta? Tôi tìm hiểu về “câu chuyện da cam” này suốt hơn 10 năm trời, thu thập đủ dữ liệu và viết thành sách. Tôi hài lòng vì những dữ liệu đó đã giúp ích cho nạn nhân chất độc da cam, và gióng lên được một tiếng nói trên thế giới về tác hại của nó ở Việt Nam. Như tôi đã trả lời phỏng vấn tập san Science của Mỹ, rằng tôi hi vọng công lý sẽ đến với nạn nhân ở Việt Nam, và hi vọng sẽ không có một câu chuyện da cam trong tương lai nữa.
* Mong có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của mình
* Ông có hay theo dõi thông tin về quê nội và quê ngoại không?
- Tôi có nhiều bạn bè gốc Bình Định. Qua họ, tôi vẫn theo dõi tình hình phát triển ở quê nhà. Tôi còn đọc báo Bình Định trên internet. Tôi thật sự vui khi biết tỉnh đã và đang có những dự án phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tôi vẫn tự hỏi: mình có thể làm gì để giúp quê? Và thú thật, cho đến nay, tôi vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng tôi nghĩ đóng góp cho quê nhà thì chỗ nào cũng được, chẳng nhất thiết phải là tại nguyên quán. Tuy nhiên, tôi chỉ mong một ngày nào đó, tôi có dịp ghé thăm quê nội và ngoại và sẽ nói với các bạn sinh viên về những bài học và kinh nghiệm của mình. Thật ra thì ngày đó cũng rất gần, vì tôi dự định cuối tháng 12 này sẽ về Bình Định.
* Cuối cùng, ông có thể cho biết đôi chút về gia đình riêng?
- Như tôi đã nói, bà xã tôi là người gốc Bình Định. Chúng tôi gặp nhau trong một lớp tập huấn ở Kiên Giang, khi đó, bà xã tôi là học viên, còn tôi tham gia giảng dạy. Sau khi sang bên này, chúng tôi thành hôn vào năm 1982. Chúng tôi có hai con trai. Đứa lớn đang thực tập về vật lý trị liệu ở một bệnh viện, còn đứa nhỏ thì đang học trung học. Cả hai đều từng về Việt Nam, nhưng vốn tiếng Việt của chúng thì cần phải trau dồi thêm để không… mắc cỡ khi nói chuyện với bà con!
* Xin cảm ơn TS.
TS. Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1954, là TS. Toán Thống kê, TS. Y khoa Nội tiết học, đứng đầu một lab chuyên nghiên cứu về loãng xương và di truyền học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan; chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Y khoa Quốc gia Australia; GS. Đại học New South Wales. Ông còn là Phó Tổng Biên tập hai tập san quốc tế về loãng xương và nội tiết học; thành viên Hội đồng Biên tập 6 tập san y khoa về xương. Đến nay, ông đã công bố trên 160 công trình và bài báo khoa học và khoảng 100 báo cáo khoa học. Ông đã có 6 đầu sách xuất bản tại Việt Nam. TS. Tuấn đã được nhận bốn giải thưởng quốc gia của Úc và quốc tế; bốn giải thưởng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang và Vietnamnet vì những đóng góp cho khoa học và giáo dục trong nước. | |