Hai tuần, hai cơn lũ liên tiếp ập xuống Bình Định. Những làng mạc, thôn xóm dập dềnh trong màu bàng bạc của nước lũ. Đến giờ, nhiều nơi vẫn còn bị lũ “cô lập”, đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn…
|
Cồn Chim vẫn còn bị cô lập trong lũ.
|
Ngày 28.11, sau hơn 10 ngày lũ lớn đổ về, nhóm phóng viên chúng tôi thuê một chiếc thuyền làm chuyến thâm nhập vào vùng rốn lũ Cồn Chim (Phước Sơn), Huỳnh Giản Nam (Phước Hòa) và Bình Thái (Phước Thuận) của huyện Tuy Phước. Sau 8 giờ lênh đênh trên sóng nước, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống với muôn vàn khó khăn của người dân nơi đây.
* Thiếu gạo, thiếu nước sạch
Xuất phát từ bến đò Trường Úc (thị trấn Tuy Phước) xuôi theo dòng Hà Thanh, băng qua đầm Thị Nại đầy sóng gió sau hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được “ốc đảo Cồn Chim”. Thấy bóng con thuyền từ xa, người dân đã tập trung rất đông quanh bờ hướng ra biển nước mênh mông chờ đón. Chúng tôi vừa đặt chân lên bờ đã nghe ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng thôn Cồn Chim, nồng nhiệt: “Các anh là những người đầu tiên đến với Cồn Chim trong những ngày bị lũ cô lập đấy!”. Ông Hải đưa chúng tôi đi thăm những ngôi nhà sập và những gia đình gặp nhiều khó khăn trên “ốc đảo”. Toàn thôn có 215 hộ với 1.200 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản quanh đầm Thị Nại mà đặc trưng của nghề đánh bắt là làm được ngày nào thì ăn ngày đó. Trong những ngày lũ cô lập, không đánh bắt được, hàng trăm hộ dân bị thất nghiệp, cái đói luôn đe dọa. Chị Nguyễn Thị Nở, 29 tuổi, ngồi bên căn nhà bị sập nói trong nước mắt: “Tui cũng như nhiều người dân ở đây chỉ biết ra đầm mò cua, bắt cá, ngày được vài chục ngàn đủ mua gạo, giờ nước cứ ngâm thế này thì chỉ có đói”.
Chúng tôi đến nhà chị Đỗ Thị Mùi, 42 tuổi, lúc hai vợ chồng chị đang cặm cụi dọn dẹp quanh căn nhà bị sóng và gió “xô” sập vào sáng 27.11. Chị tâm sự: Tui không có nghề nên chỉ ở nhà làm việc vặt, chồng tôi thì làm biển. Hôm nào “trúng” cũng được vài chục ngàn đủ mua gạo. Mấy ngày nay, “năn nỉ” lắm tiệm tạp hóa trong thôn mới bán nợ cho 5 ký gạo để cầm cự cho qua đợt lũ”.
Không riêng gì vợ chồng chị Mùi mà nhiều người dân nơi đây trong những ngày qua, đều hết gạo, phải đi mua thiếu nợ. Có người “ký sổ” nhiều quá, ông phó thôn phải đứng ra bảo lãnh, chủ tiệm tạp hóa mới dám bán tiếp.
Nước sinh hoạt hàng ngày của người dân Cồn Chim cũng thiếu trầm trọng. Lâu nay, người dân phải mua nước từ phía Nhơn Hội về. Bây giờ, nước lũ lớn, các ghe chở nước không dám vận chuyển, người dân chỉ biết cầm cự với những giọt nước mưa hứng được mấy ngày qua. Nhiều gia đình lượng nước mưa dự trữ đã cạn, đành phải múc nước lũ về lọc qua bằng phèn chua rồi dùng.
|
Chị Đỗ Thị Mười ở Cồn Chim có nhà sập, hết gạo phải đi mua nợ để cầm cự cho qua đợt lũ. Ảnh: Văn Lưu
|
Trước khi chúng tôi rời Cồn Chim, ông Hồ Láng, 76 tuổi, tha thiết yêu cầu: “Dân Cồn Chim chúng tôi chỉ mong sao được sớm hỗ trợ lương thực, nếu không, mấy ngày nữa chẳng biết lấy gì ăn”.
Chúng tôi đến thôn Huỳnh Giản Nam, đường sá vẫn còn ngập sâu trong nước nên việc đi lại quanh thôn gặp rất nhiều khó khăn. Huỳnh Giản Nam có 280 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu. Do thôn bị cô lập nhiều ngày nên nhiều người dân trong thôn thiếu gạo để nấu. Các đại lý cũng không còn gạo để bán, nhiều nhà phải chấp nhận ăn mì tôm. Ông Phạm Viết Dũng, Trưởng thôn, xác nhận: Trong ngày 27.11, có ba hộ trong thôn hết lương thực, không biết xoay trở đâu ra, họ cầu cứu lên xã và xã cũng chỉ hỗ trợ được mỗi hộ 1 thùng mì tôm.
Nói đến cái ăn, bà Nguyễn Thị Hạnh - một trong ba hộ được xã cứu trợ mì tôm - nhấp nhổm lo lắng: “Nhà không còn hột gạo, xã cứu trợ khẩn cấp cho một thùng mì tôm, nhưng mấy miệng ăn thế này chẳng mấy chốc mà hết veo”.
So với Cồn Chim, Huỳnh Giản Nam, người dân ở thôn Bình Thái có phần đỡ khó khăn hơn. Lương thực tuy có thiếu nhưng không đến mức trầm trọng. Nhưng, hiện người dân ở đây khó khăn bởi chuyện thiếu nước sạch do đường ống dẫn nước về thôn đã bị nước lũ làm vỡ.
|
Hội CTĐ tỉnh cứu trợ khẩn cấp gia đình bà Võ Thị Mẫn (SN 1959, ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, Tuy Phước) có nhà bị sập do lũ. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Xử lý môi trường - ưu tiên một
Tuy Phước là “rốn lũ”, hình như bao nhiêu nước ông trời đổ xuống đều dồn về đây cả. Sống chung với lũ nên quen. Ngay từ giữa năm, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước đã triển khai kế hoạch, cấp phát hóa chất, thuốc men phòng chống dịch. Đối với những địa bàn dễ bị cô lập khi lũ lụt xảy ra, trung tâm đã chủ động cấp thuốc, hóa chất, sẵn sàng cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh. Sau lũ, việc tổng vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu. Ngành y tế đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn, các đội thanh niên xung kích và người dân làm vệ sinh.
Đến nay, Tuy Phước đã cấp 4 đợt thuốc và hóa chất cho 13 xã bị ngập lụt. Hôm chúng tôi đến Trạm y tế xã Phước Sơn, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, trưởng trạm cùng nhân viên đang bù đầu lo vệ sinh môi trường sau lũ. “11/11 thôn ngập thì hết 5 thôn ở vùng khu đông bị chia cắt hoàn toàn. Hôm 21.11, trạm đã họp y tế thôn và cấp thuốc, hóa chất. Ngày 25.11 vừa rồi, trạm cũng đã cấp 300 lọ Chloramin B để y tế thôn hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt tạm thời. Bên ủy ban, thanh niên xung kích cũng đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường ở một số điểm nước rút. Ở những vùng còn ngập nặng, chúng tôi chỉ tạm thời dùng Chloramin B để xử lý nước ăn hàng ngày thôi, chứ chưa thể xử lý vệ sinh môi trường diện rộng được” - chị Vân nói.
Tại xã Phước Hòa, nhiều nơi nước vẫn còn ngập lênh láng. Trạm y tế xã nằm trên đường liên xã cũng bị ngập. Ở phòng làm việc hành chính - nơi cao nhất của trạm - bừa bộn đồ đạc, nền nhà đầy bùn non. Một nhân viên phân bua, hôm trước, nước ngấp nghé vào phòng, anh chị em bảo nhau chất hết đồ lên bàn và giường bệnh. Gì thì được, chứ thuốc men, dụng cụ y tế mà ướt thì không ổn. Mấy ngày nay, từ nhân viên cho đến bệnh nhân đi trong trạm phải xăn quần lội bì bõm.
|
Cán bộ y tế xử lý nước giếng cho người dân ở xã Phước Sơn. Ảnh: Thu Hiền
|
Anh Nguyễn An Khiêm, Trưởng trạm y tế xã Phước Hòa, giở tờ giấy thống kê chi tiết: 9/9 thôn, 1.560 giếng nước và 1.015 hố xí bị ngập trong lũ. Trong đó nặng nhất là thôn Bình Lâm với 546 giếng nước và 546 hố xí bị ngập.
Ông Dương Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm không được để thiếu thuốc cấp cứu và hóa chất xử lý môi trường. Nguồn thuốc hiện nay ở các trạm rất dồi dào, nếu không đủ thì dùng nguồn thuốc của bảo hiểm, cần thiết nữa thì huy động các nhà thuốc ở địa phương rồi Trung tâm bổ sung trả lại. Thời điểm này là lúc ngành y tế vào cuộc, hễ nước rút đến đâu thì đưa nhân lực xuống, nhất là những điểm nóng để cùng với xã triển khai khử trùng giếng nước cho dân và vệ sinh môi trường. Hiện tại, qua giám sát đã thấy có một số người dân bị bệnh tiêu chảy, sốt siêu vi nhẹ chứ chưa có dịch bệnh “ăn theo” sau lũ”.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng lưu ý ngành y tế các địa phương phải kiểm tra chất lượng nước tại các bể dự trữ, giếng nước ở các trường học bị ngập úng để tiến hành khử trùng, tránh xảy ra dịch và lây lan trên diện rộng.
Dù đã triển khai nhiều hoạt động, nhưng đau đầu nhất với ngành y tế hiện nay là một số vùng bị lũ cô lập dài ngày, người dân thiếu thốn về nước sạch, lương thực, cộng với việc di chuyển khó khăn sẽ là điều kiện để các loại dịch bệnh về đường tiêu hóa phát triển.
Theo Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, tính đến ngày 29.11, tổng giá trị thực hiện cứu trợ đến người dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh là 280 triệu đồng. Trong đó, Hội đã xuất nguồn quỹ cứu trợ mua 1.500 thùng mì tôm để cứu trợ khẩn cấp cho người dân 10 huyện bị ngập nặng; đi thăm, tặng quà cho các xã bị cô lập trong lũ như Cát Nhơn, Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát), Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng (Tuy Phước)…; thăm 10 gia đình có người chết do lũ, hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng. CLB những người tình nguyện Hội CTĐ huyện Tuy Phước hỗ trợ 12 triệu đồng để giúp những trường hợp khó khăn trên địa bàn. CLB những người tình nguyện Hội CTĐ Phù Mỹ giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn huyện và hỗ trợ 30 triệu đồng giúp người dân huyện Vĩnh Thạnh. Hiện, Hội CTĐ tỉnh tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong 2 đợt lũ. | |