Nghề báo đã đưa tôi đôi lần đặt chân đến vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông- những con rồng kinh tế mới đầy sức mạnh, thuộc đất nước Trung Hoa bao la. Trong chuyến đi cùng với đoàn cán bộ của tỉnh Bình Định thăm và làm việc với một số tỉnh của Trung Quốc vừa qua, tôi có dịp khám phá vùng đất Hoa Nam rộng lớn, giàu truyền thống lịch sử văn hoá và năng động về phát triển kinh tế đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng mạnh.
Kỳ 1: Ấn tượng Quảng Châu
Chiếc máy bay Boeing 737 - 700 của hãng hàng không Southerh China Airlines (hàng không Nam Trung Quốc) cất cánh từ phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất trực chỉ thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Với khoảng cách hơn 1.500 km, sau 2 giờ 30 phút bay qua bầu trời các tỉnh Đông Nam bộ và vượt qua biển Đông, các thành phố Ma Cao, Thẩm Quyến và Quảng Châu lần lượt hiện ra dưới cánh máy bay. Tạ Minh, chàng trai người Quảng Tây lấy vợ Việt Nam (đang là trợ lý của ông Từ Phong Bội, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam) tỏ ra rất rạo rực, Minh nói với tôi bằng tiếng Việt khá chuẩn: “Quảng Châu là thành phố lớn thứ 3 (sau Bắc Kinh và Thượng Hải), nhưng lại dẫn đầu Trung Quốc về tốc độ phát triển. Anh thấy đấy, thành phố này hiện đang như một công trường lớn. Kia là tháp truyền hình Quảng Châu cao hơn 300 mét, đang được xây dựng...”.
|
Thành phố Quảng Châu nhìn từ máy bay. (Ảnh: CH)
|
Qua cửa sổ máy bay, theo hướng tay Tạ Minh tôi nhìn thấy tháp truyền hình hình chiếc lọ hoa rất đẹp đang vươn lên trời cao. Thành phố Quảng Châu rộng lớn trải dài dưới cánh máy bay với vô số những toà nhà chọc trời vuông vức xếp ngay ngắn theo một bố cục rất chặt chẽ mà gợi mở. Nhiều dòng sông xanh uốn mình lượn quanh thành phố. Đường giao thông chằng chịt với nhiều tầng cầu vượt. Những tuyến đường trục chính, đường vành đai bao quanh thành phố đang tiếp tục được thi công. Mất gần 20 phút bay ngang bầu trời thành phố này, máy bay mới bắt đầu hạ cánh xuống sân bay quốc tế Quảng Châu, một trong những sân bay lớn nhất thế giới vừa được khánh thành trước dịp Olympic Bắc Kinh 2008. Trên đường rời khỏi sân bay bằng hệ thống thang cuốn ngang, cứ vài giây, chúng tôi lại thấy một máy bay cất và hạ cánh.
A Lý, một thương gia Hoa kiều đang định cư ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh) mới quen cùng chuyến bay nói với tôi rằng:
- Cách đây 25 năm, Quảng Châu rất giống Sài Gòn hiện nay. Do công việc làm ăn, tháng nào tôi cũng sang Quảng Châu vài lần và thấy rằng thành phố này thay đổi rất nhanh qua từng ngày.
Quảng Đông có diện tích 177,9 ngàn Ki-lô-mét vuông (bằng hơn một nửa diện tích Việt Nam), dân số 110 triệu người (nhiều hơn dân số Việt Nam), là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Quảng Đông giáp biển Đông về phía nam (có 4.300 km bờ biển); giáp tỉnh Phúc Kiến về phía đông bắc; giáp các tỉnh Giang Tây và Hồ Nam về phía bắc; giáp Khu tự trị Quảng Tây về phía tây và đảo Hải Nam về phía nam.
Thành phố Quảng Châu nằm trong toạ độ 112,57 đến 114,3 kinh độ Đông và 22,26 đến 23,56 vĩ độ Bắc, rộng 7.434,4 ki-lô-mét vuông (rộng hơn tỉnh Bình Định), dân số 11 triệu người, là trung tâm của vùng châu thổ Châu Giang (vùng Hoa Nam - bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Khiến và Hải Nam) là nơi tụ hợp của 3 dòng sông là Đông Giang, Tây Giang và Bắc Giang. Vùng đồng bằng châu thổ này bao gồm hàng trăm hòn đảo. Quảng Châu vừa là trung tâm vùng Hoa Nam, đồng thời là trái tim vùng kinh tế chế xuất hàng đầu Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố này năm 2007 đạt hơn 100 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 11 ngàn USD, đứng đầu trong 659 thành phố ở Trung Quốc.
Do yếu tố địa lý và lịch sử, Quảng Châu đã sớm có mối quan hệ về thương mại với phương Tây từ thế kỷ 16. Các nhà buôn châu Âu đã đến đây bằng đường biển thông qua eo biển Malacca và biển Đông. Thị trường buôn bán thuốc phiện tại Quảng Châu và những mâu thuẫn về lợi ích khi ấy, đã dẫn đến "Chiến tranh nha phiến", mở ra một kỷ nguyên Trung Quốc bị xâm lược và cai trị bởi Pháp (cai trị Quảng Châu), Anh (cai trị Hồng Kông) và Bồ Đào Nha (cai trị Ma Cao). Vào thế kỷ 19, cũng chính từ các vùng cửa biển này, làn sóng người lao động Quảng Đông di cư đến Đông Nam Á, miền Tây Hoa Kỳ và Canada. Do vậy, Quảng Đông là tỉnh có số Hoa Kiều ở các nước nhiều nhất đất nước và hiện là một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc với GDP đứng đầu trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm ngoái, GDP của Quảng Đông đạt 430 tỷ USD, chiếm 12% tổng GDP toàn quốc (tương đương Đan Mạch và gấp hơn 5 lần GDP của Việt Nam). Quảng Châu và Thẩm Quyến, 2 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông là 2 trong 4 thành phố quan trọng nhất Trung Quốc. Ông Tiêu Chí Hằng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông cho biết: “Quảng Đông là tỉnh hội nhập sớm với bên ngoài. Nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 2 con số. Năm 1998 Quảng Đông vượt Singapore về giá trị tổng sản lượng. Năm 2003 chỉ số này của Quảng Đông đã vượt qua Hồng Kông và năm 2007 vượt qua Đài Loan”.
|
Các nhà đầu tư nhận tài liệu Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào KKT Nhơn Hội. (Ảnh: CH)
|
Điều gì làm nên sự tăng trưởng thần kỳ ấy? Cũng theo Phó Chủ tịch Tiêu Chí Hằng, trong 3 thập kỷ gần đây, Quảng Đông được Chính phủ Trung ương hỗ trợ về cơ chế chính sách, nhằm thu hút làn sóng đầu tư lớn từ bên ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan, Hồng Kông. Quảng Đông cũng đã dang tay đón gần 10 triệu Hoa Kiều từ khắp nơi trên thế giới hồi hương đầu tư làm ăn. Tính cách của người Quảng Đông tựu trung là khẳng khái, quảng đại, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong hơn 3 thập kỷ đi đầu trong đổi mới, đến nay Quảng Đông là một trong những tỉnh có nhiều tỷ phú nhất Trung Quốc. Các nhà đầu tư này đang muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài, trước tiên là các nước ASEAN mà Việt Nam là mục tiên đầu tiên để hướng đến.
Tôi đã tham gia nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào Bình Định ở cả trong và ngoài nước, nhưng Hội thảo XTĐT được tổ chức tại Quảng Châu vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã tạo được ấn tượng mạnh. Mới gần 1 giờ sáng ngày diễn ra Hội thảo XTĐT vào KKT Nhơn Hội, chúng tôi ghé thăm trung tâm tổ chức hội nghị để chủ động cho việc tác nghiệp sau đó, nhưng đã thấy đông đủ nhân viên của Công ty TNHH triển lãm quốc tế Việt Triệu của Quảng Đông và Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam đang thực hiện tổng duyệt lần cuối chương trình Hội thảo. Hội thảo diễn ra với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền và giới đầu tư toàn vùng Hoa Nam. Hội trường với gần 500 ghế ngồi không còn một ghế trống, khiến Ban tổ chức phải tăng cường thêm ghế. Trong suốt hơn 3 giờ đồng hồ các đại biểu hăng hái chất vấn những vấn đề rất cụ thể, chi tiết và chăm chú lắng nghe chủ toạ thuyết trình...
Điều đó mách bảo với tôi rằng, trong số những người đang ngồi trong hội thảo kia, chắc chắn tôi sẽ gặp lại nhiều người trong số họ ở Bình Định trong những đợt sang Việt Nam để đầu tư làm ăn.
(Kỳ sau: Phi thường Thẩm Quyến)
|