Hoa Nam ký sự
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến
14:56', 5/12/ 2008 (GMT+7)

Sáng hôm sau chúng tôi rời Quảng Châu bằng xe ô tô để đến thành phố Thẩm Quyến. Thẩm Quyến cách Quảng Châu 160 km về phía Đông Nam, liền kề với Hồng Kông và cách Ma Cao 40 km về phía Đông Bắc.

 

Cửa ngõ Thẩm Quyến. (Ảnh: CH)

 

Đường từ Quảng Châu đến Thẩm Quyến hoàn toàn là đường cao tốc với nhiều làn tốc độ. Trên đường chỉ toàn ô tô chứ không có bất cứ một phương tiện gì khác. Chiếc "hàng không mặt đất" chở chúng tôi đến Thẩm Quyến hôm ấy chỉ mất hơn một giờ đồng hồ cho chuyến hành trình. Ông Từ Phong Bội nói với tôi: “20 năm trước, muốn di chuyển từ Quảng Châu đến Thẩm Quyến, Hồng Kông và Ma Cao, chúng tôi phải mất hơn 2 ngày. Hồi ấy tuyến đường này chưa thông, phải đi qua nhiều phà lắm”.

Tại Toà Thị chính thành phố, ông Lưu Quân Văn, Phó Chủ tịch Thẩm Quyến rất tự hào khi giới thiệu với chúng tôi về thành phố của mình: "Cách đây 30 năm, Thẩm Quyến còn là một làng chài. Đến nay, thành phố trẻ rộng 2.220 kilômet vuông này đã trở thành một trung tâm kinh tế năng động nhất Trung Quốc. Với dân số hơn 8 triệu người, hơn 300 ngàn doanh nghiệp, năm ngoái Thẩm Quyến đạt GDP gần 100 tỷ USD (cao hơn Việt Nam - NV). Thế mạnh của Thẩm Quyến là công nghiệp điện tử, sản xuất phần mềm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch văn hoá...15 năm gần đây, Thẩm Quyến là thành phố đứng đầu Trung Quốc về kim ngạch XNK và tốc độ tăng trưởng kinh tế...Cùng với Thượng Hải, Thẩm Quyến là thành phố thứ 2 của Trung Quốc có sàn giao dịch chứng khoán với 540 công ty, 35 triệu nhà đầu tư niêm yết. Sàn giao dịch này luôn đạt mức tổng vốn từ 122 tỷ USD (mỗi ngày có 600 ngàn giao dịch, với gần 1 tỷ USD) đã thực sự tham gia chi phối thị trường tài chính tiền tệ quốc nội và quốc tế. Thành công của Thẩm Quyến là do trung ương "cho" chúng tôi về cơ chế chính sách thông thoáng (chứ gần như không cho tiền (cười), để chúng tôi có thể phát huy được các lợi thế và tiềm năng sẵn có".

Đây cũng chính là cơ sở cho những bứt phá ngoạn mục về kinh tế của các địa phương vùng Hoa Nam, đặc biệt là thành phố Thẩm Quyến, khi thành phố này được chọn làm thí điểm cho công cuộc canh tân, thời điểm làn gió mới về tư duy quản lý kinh tế do lãnh tụ Đặng Tiểu Bình khởi xướng và chỉ huy: "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột" hay "Một đất nước, hai chế độ". Và đấy chính là động lực để tăng tốc, chìa khoá để thành công của Thẩm Quyến. Đến nay, Thẩm Quyến thực sự là "một thế lực" của cường quốc kinh tế mới Trung Quốc. Thành phố này có sự đứng chân của hơn 400/500 tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới. Tập đoàn điện tử Foxconn của Đài Loan, đứng thứ 262/500 (đã đăng ký đầu tư vào KKTNH) có nhà máy lớn tại đây. Khu công nghệ cao của tập đoàn này tại Thẩm Quyến thu hút gần 300 ngàn lao động. "Mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ" là khẩu hiệu nổi tiếng của Thẩm Quyến liên tục được duy trì từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay. Và điều đó lý giải là tại sao Thẩm Quyến hiện nay đang là thành phố có nhiều nhà cao tầng nhất thế giới. Người ta không ngạc nhiên ở những khu tập trung đông dân cư của thành phố này có rất nhiều ảnh của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.

Cảng Thẩm Quyến cách cảng Hồng Kông 20 hải lý, hiện đang xếp thứ 4 thế giới về khối lượng container thông qua hàng năm, với sản lượng xấp xỉ 20 triệu TEU. Sân bay Thẩm Quyến nằm trong tốp 50 sân bay lớn nhất thế giới. Từ "xưởng chế tạo của thế giới" (tên khác của Thẩm Quyến) này thông qua Cảng và sân bay Thẩm Quyến, hàng trăm loại sản phẩm chất lượng cao lan toả đi khắp thế giới với số lượng lớn.

Tại toà Thị chính Thẩm Quyến, ông Triệu, cán bộ của Cục Thương vụ Trung Quốc đã gây cho tôi bất ngờ lớn khi chỉ vào chiếc laptop IBM tôi đang tác nghiệp mà phán: "Đây là sản phẩm được sản xuất tại Thẩm Quyến!". Khi thấy tôi trợn mắt lắc đầu và cãi rằng :"Không, đây là hàng hiệu, tôi mua từ chính hãng, rất đắt tiền!". Ông Triệu gật đầu: "Đương nhiên, hãng IBM của Mỹ rất nổi tiếng, nhưng chiếc laptop này được sản xuất tại đây! Và nó có chất lượng giống như sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay bất cứ quốc gia tiên tiến nào khác.". Nói đoạn ông Triệu lịch sự xin phép tôi rồi lật ngược chiếc laptop và chỉ cho tôi thấy dòng chữ Madein China đầy kiêu hãnh được in rất to dưới thương hiệu IBM nổi tiếng.

 

Tác giả tại TP Thẩm Quyến. (Ảnh: CH)

 

Cũng như Đài Loan và Hồng Kông, vấn đề khó khăn nhất hiện nay với Thẩm Quyến là mặt bằng để mở rộng qui mô sản xuất và giá nhân công ngày càng tăng cao. Do đó các nhà đầu tư quốc tế tại Thẩm Quyến đang hướng sự đầu tư vào Việt Nam và rất quan tâm đến các khu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiều chính sách ưu đãi. Ông Lưu Quân Văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định tăng cường công tác quảng bá, XTĐT tại Thẩm Quyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thẩm Quyến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Bình Định và KKT Nhơn Hội. Ông Phó Chủ tịch cũng đã chủ động đưa ra đề nghị là sắp tới đây Thẩm Quyến và Bình Định cần tăng cường tổ chức các đoàn công tác để đẩy mạnh hợp tác phát triển. Đồng thời, các nhà đầu tư nên xây dựng một khu công nghệ cao mang tên Thẩm Quyến tại KKT Nhơn Hội như là thành phố Thẩm Quyến đã làm tại Hải Phòng. Đề nghị này đã được đồng chí Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ đồng ý và đưa ra lời mời với lãnh đạo và giới đầu tư Thẩm Quyến sang thăm Bình Định để khảo sát và triển khai thực hiện ý tưởng trên. Theo đồng chí Vũ Hoàng Hà, đó là một gợi ý hay, nên làm, điều đó không chỉ thể hiện mối quan hệ hợp tác đầu tư có lợi đôi bên về lĩnh vực kinh tế, mà còn biểu hiện cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Đi đầu cho kế hoạch hợp tác này là tập đoàn điện tử ABESTECH đã ký hợp đồng thuê đất tại KKT Nhơn Hội với Công ty Hong Yeung. Tập đoàn này đã nghiên cứu rất kỹ về Bình Định và tỏ rõ quyết tâm đầu tư vào KKT Nhơn Hội. Đây là việc khởi động của kế hoạch nghiêm túc trong chiến lược qui mô của tập đoàn nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng, lan toả ra toàn vùng ASEAN, mà Bình Định là điểm tựa quan trọng trong kế hoạch đó. Với ABESTECH, Bình Định đã tìm được "tiếng nói chung" vì đây là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao mà KKT Nhơn Hội ưu tiên thu hút đầu tư.

Đây được xem như một tín hiệu vui cho KKT Nhơn Hội từ thành phố năng động vào bậc nhất thế giới này.

  • Cát Hùng

Kỳ sau: Nam Ninh - quà tặng môi trường  của hành tinh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)
Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn  (11/11/2008)
Thợ giày đặc chủng  (10/11/2008)
Kỳ 9: Hương vị của dòng sông  (06/11/2008)
Kỳ 8: Trên đất “thang mộc”  (03/11/2008)