Sinh ra là người lành lặn, nhưng chỉ vì sơ sẩy của người chú, cô bé tên Trần Thị Thúy ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân đã trở thành người khuyết tật. Nhà nghèo, là chị cả của một đàn “ngũ long công chúa” nên đã có những giai đoạn Thúy bỏ học giữa chừng. Nhưng cô đã từng bước vượt qua mọi trở ngại, ba lần đạt danh hiệu học sinh giỏi văn cấp tỉnh, và hiện là cô giáo dạy văn trường THPT Hoài Ân. Chuyện của cô giáo trẻ 25 tuổi này như cổ tích ở thời hiện tại…
|
Với Thúy, mỗi ngày lên lớp là một niềm vui.
|
* Luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh
* Thúy còn nhớ tai nạn năm ấy?
- Ba má kể, chuyện xảy ra khi tôi 7 tháng tuổi. Chú khi ấy còn nhỏ đã bế tôi cho ngồi sau ba- ga xe đạp dắt tôi đi chơi, chẳng biết sơ sẩy thế nào mà để tôi rơi xuống đất. Chú sợ quá về giấu cả nhà. Tôi khóc cả tháng nhưng gia đình chẳng hay biết là chuyện gì, đến khi bác sĩ phát hiện tôi bị trật khớp xương chậu thì đã quá muộn. Lớn lên, chính sự di chuyển, đi lại nhiều khiến tôi bị vẹo thêm cột sống, chân đi khấp khểnh. Vậy nhưng, tôi nhanh nhẹn lắm, làm việc chẳng thua ai, chơi các trò của trẻ mục đồng cũng chẳng kém con trai đâu nhé.
* Là chị cả của một đàn em, kể ra cũng vất vả chứ nhỉ?
- Tất nhiên rồi, nhất là nhà mình lại nghèo nữa. Nhưng trong mọi hoàn cảnh tôi luôn cố gắng, không chỉ vì bản thân mình mà còn để làm gương cho những đứa em. Năm lên lớp 8, tôi được tuyển vào đội học sinh giỏi văn cấp huyện. Nhà xa, năm rưỡi sáng tôi đã phải đạp xe đến lớp, mang theo nắm cơm mẹ gói trong lá chuối khô. Trưa, các bạn ra quán ăn thì tôi giấu mình nơi góc lớp, giở nắm cơm với muối ớt, nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ đến các em và ba mẹ một đời lam lũ vẫn không thể lo nổi cho con cuộc sống tươm tất. Chính vì vậy, tôi càng cố gắng. Năm đó, tôi đạt giải khuyến khích môn văn cấp tỉnh. Lên lớp 9 vẫn thế. Năm lớp 12, trường có 11 HS thi cấp tỉnh chỉ mình tôi đạt giải.
Ông Đinh Văn Ất, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Ân:
Giáo viên trẻ Trần Thị Thúy là một người hết lòng vì công việc. Cô ấy nhiệt tình, năng nổ, cởi mở, thân thiện. Là người khuyết tật, nhưng Thúy đầy bản lĩnh, tự tin. Những ngày Thúy về thực tập tại trường, giáo viên trong trường đều đánh giá em ấy có năng lực tốt và tận tụy với nghề. Đó là lý do tôi quyết định nhận Thúy vào dạy hợp đồng ở trường. Dù mới dạy được hơn hai tháng, nhưng Thúy được nhiều học trò yêu mến. |
Tôi gạt bỏ ước mơ vào đại học, tìm việc làm ở Quy Nhơn phụ giúp gia đình. Làm công nhân đông lạnh, rửa chén thuê cho một quán phở ở đường Trần Phú. Được bao ăn ở, tôi góp tiền gởi về quê. Hai năm sau, vào được đại học, tôi đi làm gia sư. Dạy một tuần 30 tiết, rải đều cho các môn Văn, Toán và Anh văn, từ lớp 6 cho đến lớp 12, trong khi vẫn cố duy trì điểm số cao trên lớp. Tôi chỉ ngủ sau một, hai giờ sáng, năm giờ đã dậy.
Ngày về quê thực tập, bà con hàng xóm thấy tôi mặc áo dài cứ ngỡ là đi dự đám cưới, vì chẳng ai có thể tin nổi việc tôi vào Quy Nhơn cùng lúc vừa đi học, vừa đi làm gởi tiền về quê nuôi các em.
* Chuyện cổ tích giữa đời thường
Thúy có vóc người thấp nhỏ, cao chỉ khoảng 1m50, đi hơi niễng sang một bên. Nhưng tiếp xúc với Thúy, chúng tôi thấy cô rất tự tin, thoải mái. Cả con người bé nhỏ này toát lên một nghị lực sống rất mãnh liệt và yêu đời. Nghe chúng tôi nhận xét, Thúy cười, giơ đôi bàn tay nhỏ nhắn của mình ra, đùa: “Ai cũng bảo số tôi có quý nhân phù trợ đấy, đi đâu cũng được người thương. Có lẽ đấy chính là sức mạnh giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn chăng…”.
|
Thúy bên người mẹ nuôi, cô giáo Trần Thị Thu Hiền, cùng thảo luận công việc giảng dạy ở trường THPT Hoài Ân.
|
* “Quý nhân” là…?
- Chính là những thầy cô, bạn bè đã dìu dắt, giúp đỡ, động viên tôi trên con đường học tập. Tôi luôn được trường miễn giảm học phí, đóng góp. Trung thu năm nào, các bạn cũng đến tận nhà trao cho tôi túi bánh trung thu dù không có tiền đóng góp. Tôi trốn. Vậy mà hôm sau đã thấy quà dưới hộc bàn. Thầy tổng phụ trách đội năm cấp 2, luôn đến nhà tặng tôi sách vở, vải may quần áo cho năm học tới. Cấp 3, tôi may mắn gặp được cô giáo dạy văn tên Hiền, luôn giúp đỡ, hỗ trợ tôi từng bài học, bữa cơm trưa và cả những đồng học phí.
Vào Quy Nhơn ôn thi đại học, tôi chỉ đủ tiền đóng học phí một môn, trong túi chỉ còn hai chục ngàn, thì gặp một người đàn ông đến hỏi han. Biết chuyện, chú ấy yêu cầu Trung tâm ghi thêm hai môn học nữa, hoàn toàn miễn phí. Sau này, tôi mới biết đó chính là thầy Nguyễn Quang Cương (Giám đốc Trung tâm Luyện thi 01 Trần Bình Trọng, Quy Nhơn- PV). Rồi thầy còn giúp tôi ở trọ miễn phí, hỗ trợ tôi 200.000 đồng/tháng trong gần nửa năm. Ngay người chủ quán phở vốn khó tính, nhưng vẫn sẵn lòng ứng trước hai tháng tiền lương trong khi tôi mới làm có mấy ngày. Rồi tình cảm gắn bó của những em học sinh, phụ huynh mà tôi dạy thêm trong những năm trọ học ở Quy Nhơn…
Trong cuốn nhật ký luôn mang theo trong cuộc hành trình vượt khó của mình, Thúy không chỉ ghi lại tâm trạng, mơ ước của mình mà cả những trăn trở, suy tư về những cảnh ngộ đáng thương bất chợt gặp trên đường đời. Gặp cụ bà xin ăn ngã bất tỉnh ở chợ, cô dừng lại mua bánh canh đút cho bà ăn rồi mới lên đường. Hay như ông bà đơn thân ở chợ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) mà Thúy nhận làm ông bà ngoại nuôi, thi thoảng Thúy vẫn lên xuống thăm nom. Vào Quy Nhơn, vừa học vừa làm vất vả là vậy, Thúy vẫn sẵn lòng dạy miễn phí cho những cô cậu học trò ở chùa Long Khánh từ 5 đến 7 giờ sáng hoặc bất cứ khi nào mình rảnh…
* Phải chăng vì được nhiều người giúp đỡ nên Thúy muốn giúp đỡ lại người khác?
- Đôi lúc ngẫm lại, tôi thấy mình quá may mắn khi được nhiều người thương mến và giúp đỡ như vậy. Không ít bè bạn thương tôi quá vất vả mà vẫn “bao đồng” các lớp dạy miễn phí, bảo: “Bộ muốn dệt cổ tích giữa đời thường hả?”. Tôi lại nghĩ, đó chỉ là đền đáp chút tình mà cuộc sống đã ban tặng cho mình. Chuyện tôi nhận dạy kèm miễn phí hai môn Anh văn, Văn cho em Quang Minh Hải (72 Lý Tự Trọng - Quy Nhơn) vì tôi biết em có năng lực. Quả thật, em ấy đậu khá cao vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Hai năm cùng những người bạn gắn bó với lớp học ở chùa Long Khánh là quãng thời gian hạnh phúc của tôi. Nhờ nó mà tôi cảm thấy mình vẫn còn có ích cho nhiều người. Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng mà, ai cho đi thì sẽ được nhận về…
Tốt nghiệp ra trường hè năm 2008 với tấm bằng khá, Thúy còn đang loay hoay “kiếm việc” thì thật bất ngờ, cô được nhận về dạy tại trường cũ: Trường THPT Hoài Ân.
* Thúy có kỷ niệm nào với học sinh mình đang phụ trách không?
- Với tôi, mỗi ngày lên lớp là một một niềm vui, không thấy gương mặt của học trò, lại thấy thiếu và trống vắng thế nào ấy. Các em cũng rất quý mến tôi. Tính tôi thích đùa, và tuổi đời còn trẻ nên có lẽ vì vậy cô trò dễ đồng cảm với nhau. Có em học sinh nói chuyện nhiều trong lớp, tôi gọi em lên và nói: “Khi cô là em, cô sẽ cố gắng là học trò ngoan, chấp hành nội quy của lớp. Em hãy giữ vai trò mới thật tốt nhé”. Học sinh ấy đứng khựng một lúc rồi bước xuống chỗ tôi ngồi, vòng tay xin lỗi. Cảm động lắm mỗi khi tôi thấy các em học sinh chẳng quản đường xa lặn lội đến nhà thăm cô giáo.
|
Thúy (đứng thứ 2 từ trái qua, hàng giữa) và các em học sinh của lớp học miễn phí ở chùa Long Khánh.
|
* Cho đến giờ, những gì đã cố gắng, phấn đấu đều đã như ý nguyện, Thúy còn có mơ ước nào nữa không?
- Em gái kề tôi đang học ở Trường CĐSP Bình Định, em nữa ôn thi đại học. Hai em nhỏ đang học lớp 11 và lớp 7. Mơ ước lớn nhất của tôi là phụ cha mẹ nuôi các em ăn học đến nơi chốn, tính ra còn đến 6 năm nữa lận. Tôi cũng đang ấp ủ muốn học lên cao nữa nhưng chưa biết thế nào.
* Nếu tóm lược những gì mình đã trải qua, Thúy sẽ nói điều gì?
- Phải có ý chí, nghị lực và sự thương mến, giúp đỡ của mọi người.
***
Dù vẻ ngoài đầy nghị lực và tự tin, nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác, thẳm sâu trong Thúy vẫn có sự mặc cảm, tự ti thường thấy của người bị khuyết tật hình thể. Chính vì vậy mà Thúy đã không dám nộp hồ sơ thi tuyển công chức năm nay. Chợt chúng tôi bỗng nhớ đến hai câu hát trong bài “Đường đến đỉnh vinh quang” của ca sĩ Trần Lập: “Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Cũng xin lấy đó làm tựa đề cho bài viết này.
|