Hoa Nam ký sự
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh
10:29', 9/12/ 2008 (GMT+7)

Từ Quảng Châu, chúng tôi lên máy bay đến Nam Ninh mất 1 giờ 30 phút cho quãng đường gần 900 km. Đặt chân đến Nam Ninh đã quá nửa đêm, trời se lạnh, nhưng mọi người trong đoàn đều thấy ấm lòng khi đại diện Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh ra tận chân cầu thang máy bay đón đoàn.

 

TP Nam Ninh về đêm. (Ảnh: CH)

 

Nam Ninh là thủ phủ của Khu Tự trị Quảng Tây. Vùng đất này thuộc về Trung Quốc từ năm 214 trước công nguyên, khi quân đội nhà Tần xâm chiếm hầu hết Trung Hoa ngày nay. Tên gọi Quảng Tây bắt nguồn từ thời nhà Tống, khi khu vực này tổ chức thành một lộ, gọi là Quảng Nam Tây Lộ. Vào cuối đời nhà Nguyên, vùng này được tổ chức thành một tỉnh với tên gọi được rút gọn thành Quảng Tây. Trong sáu thế kỷ tiếp theo, Quảng Tây vẫn là một tỉnh của Trung Quốc cho đến khi được Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chuyển thành khu tự trị dành cho dân tộc thiểu số đông đảo ở đây - người Choang (1958). Vào cuối đời nhà Thanh, ở huyện Quế Bình, miền Đông Quảng Tây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Kim Điền (1851), khởi đầu phong trào khởi nghĩa nông dân vĩ đại Thái Bình Thiên Quốc. Cửa ải trấn Nam quan (ngày nay là Hữu nghị quan, biên giới với Việt Nam cũng là nơi diễn ra trận đánh Trấn Nam Quốc nổi tiếng vào ngày 23.3.1885 trong chiến tranh Pháp - Thanh. Trong trận đánh này, mũi tấn công của quân Pháp đã bị lực lượng Trung Quốc của tướng Phùng Tử Tài đánh bại, một sự kiện lịch sử rất được người Trung Quốc yêu nước ca tụng. Quảng Tây giáp với các tỉnh: Vân Nam ở phía tây, Quí Châu phía bắc, Hồ Nam phía đông bắc và Quảng Đông phía nam. Nó cũng có biên giới với Việt Nam ở phía tây nam (với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh và Vịnh Bắc bộ phía nam.

Mặc dù có sự phát triển của công nghiệp nặng diễn ra trong suốt hai thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, Quảng Tây vẫn còn giữ được những danh lam thắng cảnh du lịch hấp dẫn du khách khắp thế giới như thành phố Quế Lâm bên bờ Li Giang và thị trấn Dương Sóc gần đó. Mức tăng trưởng vũ bão của miền đông nam Trung Quốc hơn 3 thập kỷ gần đây dường như làm Quảng Tây tụt lại phía sau. Tuy nhiên, những năm gần đây Quảng Tây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm và thương mại, dịch vụ. Giao dịch thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng đường bộ tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây chủ yếu thông qua các cửa khẩu của các tỉnh phía bắc Việt Nam với Quảng Tây.

Năm 2007, Liên Hợp quốc bình chọn Nam Ninh là "thành phố cư trú tốt nhất hành tinh". Thành phố tỉnh lỵ của Quảng Tây với 1 triệu dân này như một minh chứng sinh động nhất cho quan điểm rõ ràng và nhất quán trên mọi lĩnh vực văn hoá - xã hội của Trung Quốc. "Nếu không làm tốt hơn và tốt nhất, hãy để đấy, đừng làm!". Để đấy, tức là để lại cho thế hệ sau sẽ làm tốt hơn. Cũng theo tiêu chí đó, gần 30 năm trước, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã dừng lại công tác khai quật còn dở dang khu lăng mộ Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng, khi mới mon men trước cánh cổng của khu di tích. Và đến nay, đó vẫn còn là điều bí ẩn. Tương tự, với hơn 10 ngàn km bờ biển, Trung Quốc có trữ lượng lớn sa khoáng ti tan, loại "nguyên liệu quan trọng của tương lai" (không thể thiếu trong công nghiệp thuỷ tinh, gốm sứ, luyện kim và sản xuất tàu vũ trụ...), nhưng Trung Quốc vẫn cấm khai thác nội địa và phải đi mua của nước ngoài, trong đó có Bình Định. Dầu mỏ cũng vậy, đó là những tài nguyên không phải vô tận. Họ biết vậy nên để dành cho con cháu họ. Trở lại với Nam Ninh, thành phố này được xây dựng sau chuỗi đô thị phía đông nên đã loại bỏ được những khiếm khuyết trước đó.

Ấn tượng lớn nhất ở đây là thành phố này có rất nhiều công viên, vườn hoa và đường rất rộng.  Mấy cán bộ ở Cục Nông Khẩn kể cho tôi nghe một câu chuyện thật mà như đùa. Rằng có 2 cán bộ cùng cơ quan, cùng ở trên một tuyến đường, nhà đối diện nhà nhau mà vẫn vô tình không biết. Vì những trục đường chính của thành phố này rộng cả trăm mét, ở giữa có vườn hoa và mỗi bên đều là đường một chiều.

Các công trình hạ tầng của Nam Ninh đều khá đẹp. Với phương châm hướng đầu tư dần sang hướng tây theo hướng càng về sau thì càng phải tối ưu, mà trước hết là Quảng Tây, Chính phủ Trung Quốc xem trọng vai trò của Nam Ninh với mối liên kết, hợp tác cùng có lợi của quốc gia này với Việt Nam và các nước ASEAN và xem đây là cửa ngõ thông thương với ASEAN của Trung Quốc. Do vậy họ đầu tư xây dựng ở đây một trung tâm hội chợ ASEAN với qui mô rất lớn và tổ chức hội chợ thường niên rất lớn. Đây thực sự là một trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc và 11 quốc gia ASEAN. Tuyến đường cao tốc từ sân bay quốc tế Nam Ninh về trung tâm thành phố được đặt tên là đường ASEAN và ở giữa 2 làn đường có đủ  quốc kỳ của 11 quốc gia ASEAN. Và Quốc kỳ Việt Nam được đặt ngay ở vị trí đầu tiên gần cổng sân bay. Bạn sẽ làm gì khác hơn là nỗi xúc động trào dâng khi đang ở xa Tổ quốc mà lại nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng thân yêu được đặt ở một vị trí trang nghiêm như thế?

Những ngày ở Quảng Tây, chúng tôi đã đến thăm một số đối tác trong đó có Cục Nông Khẩn. Đây là một đối tác đầu tư tiềm năng hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt và nụ cười thân thiện. Các cuộc làm việc giữa hai bên đều diễn ra trong không khí hiểu biết, thân thiện và đầy thiện chí hợp tác. Các tài liệu, catalogue in màu rất đẹp đều đủ 2 thứ tiếng Hoa và Việt. Những nhà đầu tư ở Nam Ninh đã chuẩn bị cho những khởi động đầu tiên cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Quảng Tây và Bình Định tại KKT Nhơn Hội trong một tương lai rất gần.

Ngày khởi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp B KKT Nhơn Hội, những nhà đầu tư đến từ vùng Hoa Nam - Trung Quốc đã thành tâm góp gần tỷ đồng cho quỹ xoá nhà ở đơn sơ, hỗ trợ những bệnh nhân nghèo mổ tim tìm lại sự sống...Nhưng cũng như những cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bình Định, trong mối quan hệ hợp tác bền chặt và lâu dài này, cả người Hoa Nam và người Bình Định đều còn muốn làm được một điều gì đó hơn thế rất nhiều. Tôi tin rằng một ngày nào đó người dân quê tôi, những làng chài nghèo vùng Hội Lộc, Hội Bình bên bán đảo Phương mai đầy nắng và gió cát và bao vùng quê nghèo quê tôi sẽ vươn mình như Thẩm Quyến, Phố Đông.

  • Cát Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)
Kỳ 10: Những người “đếm” phù sa, “đo” nước sông Côn  (11/11/2008)
Thợ giày đặc chủng  (10/11/2008)