Hoài Ân - xanh những vườn tiêu
8:28', 15/12/ 2008 (GMT+7)

Mùa mưa. Những nọc tiêu đang ra hoa. Chuỗi hoa tiêu li ti kết thành những chùm trái cũng nhỏ li ti, gắn vào nách lá trông dễ thương đến lạ. Mưa miền Trung cứ như trút nước, vậy mà, tiêu vẫn vươn cao, hứa hẹn một mùa bội thu mới. Người trồng tiêu ở Hoài Ân đã coi tiêu là cây xóa đói giảm nghèo. Nhưng, để được “mở mày mở mặt” với tiêu, để tiêu Hoài Ân vươn được đến những thị trường xa, vẫn là những mơ ước ấp ủ trong lòng người trung du.

 

Ngôi nhà của bà Đoàn Thị Thắm được xây dựng khang trang nhờ vào cây tiêu.

 

* “Vua” hồ tiêu ở Ân Đức

Nói đến cây tiêu, người Hoài Ân đã nhớ ngay đến ông Phạm Thơm- “vua” hồ tiêu ở Ân Đức. Năm 1985, sau những vụ dỡ đất trồng mì, bắp thất bại, ông Thơm đã khuyên vợ bán bò để mua tiêu về trồng. Thời ấy, tiền bán một con bò cũng chỉ đủ cho ông mua được 5 bầu tiêu, mỗi bầu có 3 lóng tiêu con. Ông Thơm đem giống tiêu về trồng rồi chiết lóng mới dăm xuống đất. Cứ thế, ông trồng được 100 nọc tiêu trên đất vườn nhà. 5 năm sau, từ một nọc tiêu ông thu hoạch được 3 kg tiêu khô, bán với giá 60.000đồng/kg. Cả vụ tiêu đầu tiên, ông đã thu được hơn 18 triệu đồng.

Phấn khởi trước kết quả khả quan ấy, ông Thơm đã tiếp tục khai khẩn đất đồi gò, trồng thêm 2 ha tiêu nữa. Bước đầu, ông phát chồi, đào hố, ươm trồng 1.500 cây đậu mương theo từng luống thẳng hàng để làm choái. Vài năm sau, cây đậu mương đã lớn đều, ông xuống giống trồng 1.500 gốc tiêu. 4 năm sau, vườn tiêu đã cho trái bói, mỗi nọc được 1 kg tiêu khô. Từ vụ sau trở đi, năng suất tiêu đã cao hơn với 1,5 kg tiêu khô/nọc. Ông Thơm thu được hơn 2 tấn hạt tiêu khô, thu lãi hơn 30 triệu đồng…

Tiêu đem đến cho người trồng nhiều niềm vui nhưng rồi cũng không tránh khỏi những lúc cay nồng. Năm 2003, giá tiêu trên thị trường bắt đầu hạ thấp… Nhiều hộ dân trồng tiêu trên địa bàn huyện đã phá bỏ cây tiêu… Bà Đoàn Thị Thắm, vợ ông Thơm kể lại: “Năm ấy, giá tiêu rớt thê thảm, chỉ còn 8.000đ/kg nhưng cũng chẳng có ai đến hỏi mua. Tôi cùng đứa con trai lớn chở bao tiêu 50 kg chạy xuống thị trấn Bồng Sơn, đi khắp các chợ hỏi bán nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, xua tay lia lịa… Tôi đã khuyên ông Thơm chặt bỏ cây tiêu nhưng ông một mực không chịu. Vậy là vợ chồng tôi lại “lấy ngắn cắn dài” đêå chăm sóc vườn tiêu…”.

Những năm sau đó, giá tiêu lại tăng cao, 1 kg tiêu khô có lúc bán được giá 50.000 đồng. Trong khi nhiều người trồng tiêu ngậm ngùi vì không còn tiêu để bán thì gia đình ông Thơm lại “trúng đậm” và biệt danh “vua” hồ tiêu cũng bắt nguồn từ đó.

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu nhà ông Thơm, bà Thắm cho biết, ông vừa qua đời vào đầu năm 2008. Vườn tiêu dưới bàn tay chăm sóc của người vợ vẫn xanh um, tuy mình bà không còn đủ sức để mở rộng thêm nữa. Bà Thắm tâm sự: “Ngày ông Thơm còn khỏe mạnh, chỉ riêng việc ươm giống để bán cũng đã đem đến nguồn thu nhập lớn cho gia đình…”. Nói rồi, bà Thắm chỉ vào ngôi nhà khang trang của mình và khoe: “Tất cả tài sản và cả việc lo cho mấy đứa con học nghề, rồi dựng vợ, gả chồng, tạo cơ nghiệp riêng cho mỗi đứa... vợ chồng tui đều nhờ vào cây tiêu. Ngẫm lại chuyện 14 năm vất vả trồng tiêu của gia đình, tôi nghiệm ra rằng, một khi mình đã tin tưởng và hết lòng với cây thì cây cũng không phụ”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Quang nhìn những chuỗi tiêu non sai oằn từng nách lá khấp khởi hy vọng một mùa tiêu mới bội thu.

 

* Cây làm giàu trên đất nghèo

Nghe những người trồng tiêu kể lại, trước năm 1980, nhà nào ở Hoài Ân cũng trồng từ 1- 2 nọc tiêu. Đến mùa thu hoạch, mỗi nhà có từ 1 - 2 lon tiêu khô, để dành dùng quanh năm. Nói đến cây tiêu, dân Hoài Ân vẫn lưu truyền chuyện ông Đỗ Yêm, ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu là người đầu tiên đem giống tiêu mới về trồng tại quê hương. Một lần về thăm quê vợ ở Quảng Bình, ông Yêm nhận thấy giống tiêu ở đây có nhiều ưu điểm hơn giống tiêu truyền thống ở Hoài Ân nên cất công đem vài bầu về quê trồng thử. Mùa thu hoạch đầu tiên, tiêu sai trái đến oằn cả dây, lại thơm và cay. Tiếng lành đồn xa, mọi nhà đổ xô nhau đến vườn ông Yêm xem dây tiêu mới và xin giống về trồng thử.

Cũng vào thời điểm đó, ông già Hồng ở cùng thôn (Trần Minh Hồng, nguyên là Chủ tịch UBND xã Ân Hữu), được ông Yêm cho vài bầu, đã nghĩ ra cách ươm giống bán cho những người có nhu cầu. Giá một bầu tiêu hồi đó là 2.000 đồng- khá đắt- vậy mà, ông ươm giống vẫn không kịp để bán. Nhiều nhà mua được giống rồi, tiếp tục ươm để trồng hoặc bán cho người khác. Dần dần, giống tiêu này đã phủ khắp cả huyện. Rồi, không chỉ trong huyện mà người dân từ nhiều nơi khác cũng đến đất trung du mua giống tiêu và học cách chăm sóc. Cuộc sống của người dân Hoài Ân nhờ cây tiêu mà đã thay đổi từng ngày...

Ngày nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Quang, 68 tuổi, ở xóm 3, thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu đã tìm đến với cây tiêu như duyên nợ. 12 năm “thả” tiêu, ông đã có số vốn “lận lưng” lúc tuổi già là 700 nọc tiêu đang cho thu hoạch. Ông Quang kể: “Cây tiêu rất thích hợp với vùng đất gò đồi ở Hoài Ân nên phát triển khá mạnh. Hiện nay, riêng ở xã Ân Hữu này đã có tới 36 ha đất trồng tiêu. Nhà ít cũng vài chục nọc, nhiều thì hàng trăm. Đã hàng chục năm qua, chưa có cây gì “qua mặt” được cây tiêu. So với cây lúa, tiêu cho giá trị gấp 30- 40 lần. Những năm tiêu rớt giá, thấp nhất cũng hơn các loại cây khác vài lần. Trồng tiêu chẳng tốn mấy chi phí đầu tư, chăm sóc, lại chẳng sợ sâu bệnh”.

Nói rồi, ông Quang dẫn chúng tôi ra vườn tiêu sau nhà. Những dây tiêu xanh mơn mởn đang phủ kín những trụ cây muồng, dừa, mít, cau… được trồng và dựng thành luống như bàn cờ và trải sâu tít tắp lên tận sườn đồi. Ông Quang làm phép tính đơn giản: “Năm nay, với 700 trụ tiêu này, chỉ tính giá ở mức 35.000đ/kg, trừ mọi chi phí, tui có thể thu được 28 triệu đồng...”.

 

Hạt tiêu Hoài Ân chín đỏ, thơm, cay luôn được thương lái tìm mua với giá cao.

 

* Có chăng thương hiệu tiêu Hoài Ân?

Ở tỉnh ta, cây tiêu được trồng chủ yếu ở huyện Hoài Ân với diện tích khoảng 212 ha, năng suất từ 5- 7 tấn/ha. Tiêu được trồng nhiều nhất ở xã Ân Hữu (36 ha), Ân Thạnh (28 ha), Ân Nghĩa (25ha)… Cây tiêu chỉ phù hợp với đất sườn đồi, có đủ nước vào mùa khô và không bị úng ngập vào mùa mưa. Vì vậy, huyện Hoài Ân cũng chưa thể đưa cây tiêu thành loại cây hàng hóa được trồng tập trung với quy mô lớn. Ông Quang cho biết: “Tiêu Hoài Ân hạt to, cay và thơm. Cây tiêu dù được trồng muộn hơn so với những vùng khác (như Phú Quốc- Kiên Giang, Chư Sê - Gia Lai, Vĩnh Linh- Quảng Bình) nhưng chất lượng và sản lượng thì không hề thua kém”.

Theo kế hoạch phát triển hồ tiêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Việt Nam sẽ giữ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 50.000 ha, sản lượng trung bình hàng năm giai đoạn 2005- 2010 đạt từ 100.000 - 120.000 tấn, giá trị xuất khẩu bình quân 130 triệu USD/năm, phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 240 triệu USD, năm 2020 đạt trên 280 triệu USD.

Dù vậy, người trồng tiêu ở Hoài Ân vẫn đang trồng tiêu theo lối tự sản, tự tiêu với giá cả còn hết sức bấp bênh. Hạt tiêu Hoài Ân do đó, vẫn chưa đủ sức vươn ra những thị trường rộng lớn. Ông Trần Đình Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Dù giá cả vẫn còn biến động, nhưng cây tiêu đã có một chỗ đứng khá vững trong bức tranh kinh tế và đời sống nông dân huyện trung du này. Và, huyện cũng đang tạo mọi điều kiện để nông dân nắm bắt kỹ thuật, chủ động nguồn vốn để đầu tư trồng tiêu. Song, điều kiện quan trọng để phát triển cây tiêu ở Hoài Ân là phải tìm được những doanh nghiệp có thể đảm bảo được trách nhiệm về giá cả và đầu ra cho sản phẩm...”.

Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, chiếm gần 50% thị phần trên bản đồ xuất khẩu hồ tiêu. Nhưng, bóng dáng tiêu Hoài Ân được hiện hữu trên tấm bản đồ ấy hay không? Câu hỏi vẫn chưa có lối mở…

  • Yến Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)
Chuyến đi cho tôi hiểu biết thêm về đất nước  (15/11/2008)