“Tổng giám đốc” Hợp tác xã
10:38', 20/12/ 2008 (GMT+7)

Bạn bè và các đối tác kinh doanh thường gọi đùa ông Nguyễn Từ Mẫn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Bình Minh (HTXVTBM), là “tổng giám đốc”. Vâng, tên gọi này cũng không có gì quá đáng bởi HTXVTBM đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới với nhiều doanh nghiệp trực thuộc và sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Từ Mẫn (bên trái) đại diện HTXVTBM đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, từ năm 1977 đến năm 1982 Nguyễn Từ Mẫn tham gia quân đội. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông thi đậu vào khoa kinh tế Đại học Đà Nẵng; tốt nghiệp năm 1988 và về công tác tại Xí nghiệp Nhạc cụ thuộc Sở VHTT tỉnh. Năm 1995 ông chuyển sang HTXVTBM. Qua các lần Đại hội xã viên, ông luôn được tín nhiệm và được bầu giữ chức Chủ nhiệm HTX. Tính cách nhẹ nhàng, hòa nhã, từ tốn nhưng rất kiên quyết trong công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gần 15 năm gắn với lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), ông đã góp phần cùng với Ban quản trị HTXVTBM đưa HTX vượt khó đi lên, trở thành một trong những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực HTXVT nói riêng, lĩnh vực KTTT ở tỉnh ta nói chung.

* Hành trình vượt khó

* Lĩnh vực kinh tế tập thể lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn; đang làm trưởng phòng kế hoạch của một doanh nghiệp nhà nước, ông lại xin chuyển sang HTXVT Bình Minh. Sao ông lại “tự làm khó mình” như vậy?

- So với các đơn vị vận tải trên địa bàn thì HTXVTBM thuộc vào loại “sinh sau đẻ muộn” (thành lập năm 1994) với nhiều khó khăn ban đầu. Chuyển sang công tác mới không phải vì tôi... liều. Trước hết, đó là vì tuổi trẻ nên muốn lao vào những thử thách. Hơn nữa, lúc ấy tôi cũng đã có chút ít vốn liếng kinh nghiệm trong SXKD nên muốn thử sức mình ở công việc mới. Bản chất người lính không cho phép chúng tôi e ngại trước khó khăn, thử thách nào…

* Thế rồi ông bắt đầu cùng với những người có tâm huyết của HTXVTBM lao vào hành trình vượt khó?

- Thời gian đầu quả là đầy gian nan, xuất phát điểm của HTX hầu như không có gì. HTX chỉ làm dịch vụ cho khoảng 20 chiếc xe khách của xã viên chạy tuyến TP Hồ Chí Minh. Vượt qua nhiều khó khăn, đến năm 1998, Ban quản trị HTX quyết định mở thêm các dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải theo hợp đồng, mở thêm các luồng tuyến mới… với trên 400 đầu xe của xã viên tham gia. HTX chăm lo quyền lợi cho xã viên nên bà con gắn bó với HTX.

Song công tác quản lý xã viên cũng khó. Đồng thời không thể mãi làm công cho xã viên mà phải có tích lũy để đầu tư mở rộng SXKD, nên HTX chỉ giữ lại một số xã viên tâm huyết và chuyển sang hoạt động theo hình thức quản lý tập trung, SXKD các ngành nghề trọng tâm, tăng cường thêm nhiều dịch vụ mới. Nhờ đó, đến năm 2003, HTX đã có trong tay một “lưng vốn” kha khá; và cơ chế KTTT ngày càng thông thoáng hơn nên HTX có cơ sở phát triển như hiện nay. Đó chính là công lao của cả tập thể HTXVTBM.

 

Một góc trạm kho bãi Nhơn Phú.

 

Bên cạnh dịch vụ xe buýt, kho bãi, sửa chữa cơ khí, vận chuyển hành khách… vận chuyển hàng hóa cũng là một thế mạnh của HTX. Trước đây, HTX chủ yếu dựa vào đội xe của xã viên, thường bị động trong kế hoạch SXKD. Trong năm 2006 HTX đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trạm kho bãi Nhơn Phú, trang bị đầy đủ nhân lực và phương tiện, như đội bốc xếp, cẩu hàng, cân điện tử… Đồng thời HTX đã đầu tư đội xe tải gồm 30 chiếc (sở hữu HTX) nên hoàn toàn chủ động được kế hoạch khai thác, vận chuyển hàng hóa, được khách hàng tin cậy, tạo được uy tín thương hiệu…

* Đi theo mô hình HTX kiểu mới

* Nhiều “người trong cuộc” cho rằng HTXVTBM đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, ông có quan niệm như vậy không?

- Chúng tôi không quan tâm đến tên gọi “kiểu cũ” hay “kiểu mới”. Song cần phải bám chắc vào pháp luật hiện hành để bung ra đa dạng hóa các ngành nghề SXKD phù hợp với điều kiện và năng lực của đơn vị thì mới có thể phát triển được.

HTXVTBM hiện có 5 đơn vị trực thuộc, gồm: Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn; Trạm xe khách Nhơn Phú; Trạm kho bãi Nhơn Phú; Xưởng sửa chữa cơ khí Bình Minh; đội xe tải; hoạt động 9 dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải, cùng với dịch vụ thương mại tổng hợp. Tại văn phòng HTX có phòng kế toán, phòng kinh doanh; phòng kỹ thuật. HTX còn có 2 đơn vị liên doanh là: Công ty TNHH Xe buýt Bình Định và Công ty TNHH Kho vận Tân Bình Minh.

HTXVTBM có bộ máy quản lý mạnh, cùng với đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; hoạt động khá nhịp nhàng, đồng bộ, có hiệu quả; cơ chế quản lý, điều hành rất chặt chẽ. Nhờ SXKD theo hình thức tập trung, khép kín các hoạt động vận tải; nắm vững các nguyên tắc của Luật HTX và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của đơn vị, SXKD của HTX luôn ổn định và phát triển; có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn khó khăn là thiếu vốn để mở rộng hoạt động SXKD; thiếu mặt bằng làm bến bãi xe buýt và mở rộng xưởng sửa chữa cơ khí ô tô…

 

Dịch vụ xe buýt của HTXVTBM.

 

* Được biết, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt của HTX rất thành công; ông đánh giá về hoạt động này ?

- Đầu năm 2003, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, HTXVTBM khai trương dịch vụ xe buýt với 12 đầu xe chạy trên 3 tuyến nội - ngoại thành Quy Nhơn. Đến nay, sau 6 năm hoạt động đã phát triển lên 54 đầu xe, hoạt động trên 9 tuyến nội thành và liên huyện; có cả tuyến ngoài tỉnh (Quy Nhơn - Sông Cầu - Tuy An (Phú Yên)).

Hoạt động xe buýt của HTX và các đơn vị bạn đã góp phần giảm số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, nhất là trên các tuyến tỉnh lộ có xe buýt hoạt động. Nhờ chạy đúng giờ, giá rẻ, an toàn, phục vụ tận tình… dịch vụ xe buýt của HTXVTBM ngày càng được hành khách tin cậy, số lượng khách sử dụng phương tiện xe buýt ngày càng đông. So với năm 2007, kế hoạch doanh thu và lượng hành khách vận chuyển của Xí nghiệp Xe buýt Quy Nhơn tăng gần 50% (gần 30 tỉ đồng; 4,8 triệu lượt hành khách).

HTXVTBM có đầy đủ các tổ chức đoàn thể: Chi bộ đảng với 20 đảng viên; Đoàn cơ sở gồm 5 chi đoàn với trên 200 đoàn viên; Công đoàn cơ sở. Vốn điều lệ của HTX trên 7,2 tỉ đồng; vốn kinh doanh 73 tỉ đồng. Không kể các xã viên bên ngoài, HTX hiện có 436 cán bộ, nhân viên hưởng lương trực tiếp; thu nhập bình quân trong năm 2008 là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu năm 2008 của HTX đạt trên 60 tỉ đồng, tăng gần 25% so với năm 2007; nộp ngân sách 1,3 tỉ đồng. Nhiều năm liền HTX được tuyên dương là doanh nghiệp chấp hành tốt việc nộp thuế.

Có thể nói, dịch vụ xe buýt đã tạo thuận lợi rất nhiều cho nhu cầu đi lại của hành khách ở TP Quy Nhơn và các địa phương lân cận, đặc biệt là giới công nhân, học sinh. Thông qua dịch vụ này, HTX đã tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho trên 350 lao động. HTXVTBM còn liên doanh với một số HTXVT trên địa bàn tỉnh thành lập Công ty TNHH Xe buýt Bình Định nhằm ổn định công tác quản lý, điều hành, mở rộng địa bàn hoạt động và phục vụ hành khách tốt hơn.

* Bây giờ, tình hình SXKD của đơn vị đã mạnh lên rất nhiều, liệu ông và Ban quản trị HTXVTBM có muốn thoát khỏi “chiếc áo chật” đó?

- Cũng có một số người cho rằng tại sao chúng tôi không xin phép chuyển đổi HTX thành doanh nghiệp để có nhiều điều kiện hoạt động tốt hơn. Có thể thấy rằng, tuy lĩnh vực KTTT còn nhiều khó khăn, song tập thể Ban quản trị và tất cả cán bộ, nhân viên HTX luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, SXKD có hiệu quả, để góp phần chứng minh rằng: Cho dù ở thành phần kinh tế nào, nếu hoạt động đúng hướng; có kế hoạch SXKD phù hợp; có đội ngũ nhân lực năng động, biết phát huy nội lực; không ngừng đổi mới, phát huy được sức mạnh của tập thể… thì sẽ thành công. Đây chính là niềm tự hào của chúng tôi. Vả lại, hiện nay mô hình hoạt động của chúng tôi cũng đâu có khác gì một doanh nghiệp với đầy đủ ý nghĩa của nó.

* Xin cảm ơn ông!

  • Thúy Vi (Thực hiện)

Ảnh trong bài do HTXVTBM cung cấp.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)
Trái cây rong trên đất Sài Gòn  (17/11/2008)