16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn
10:23', 27/12/ 2008 (GMT+7)

16 năm gắn bó với Bảo tàng Quang Trung, trong đó có tới 15 năm làm giám đốc, có thể nói ông Trần Đình Ký là một trong những “nhân chứng” cho sự phát triển nhanh chóng của Bảo tàng. Đầu tháng 12.2008, ông Ký chính thức nghỉ hưu. Nhân dịp này, PV Báo Bình Định đã có cuộc gặp gỡ với “ông Từ” của những di tích Tây Sơn này...

 

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (người mặc áo sậm) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Bảo tàng Quang Trung trong một lần về thăm Bình Định. Ông Trần Đình Ký đứng thứ hai từ trái qua.

 

* Bước chân không mỏi

+ Nhắc đến ông, mọi người thường chỉ nhớ đến cương vị Giám đốc Bảo tàng Quang Trung. Ông có thể nói thêm về phần đời trước đó?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tham gia cách mạng  từ lúc 13 tuổi. Rời quân ngũ, tôi đã là một anh thương binh hạng 4/4. Trước khi về Bảo tàng Quang Trung, tôi đã làm nhiều công việc, chủ yếu là ở ngành văn hóa. Tôi thích đi đây đi đó, thích sự thay đổi, nên làm ở vị trí nào cũng không quá ba năm.

+ Nhưng đến khi vào Bảo tàng Quang Trung, ông lại gắn bó đến 16 năm...

- (Cười). Khi vào Bảo tàng Quang Trung, tôi gắn bó đến lạ. Lúc được chuyển về Bảo tàng (năm 1992), tôi chẳng có chút hình dung nào về công việc mình sẽ làm. Lúc đó, tôi đã tốt nghiệp Cao cấp Chính trị tại Đà Nẵng, nhưng về công tác bảo tồn bảo tàng, tôi hoàn toàn mù tịt. Không trình độ chuyên môn, không thực tế. Tất cả là con số không tròn trĩnh.

+ Và ông đã làm gì để khẳng định mình ở môi trường mới?

- Làm việc, làm việc và làm việc. Tôi đã làm việc với tất cả lòng say mê. Giờ nghĩ lại, mới thấy mình đi khỏe thật. Nghe nói nơi nào có dấu tích Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn là tôi lên đường. Từ những nơi trong tỉnh như vườn cam Nguyễn Huệ, Hang Dơi... đến các tỉnh xa xôi như Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang... tôi đều đã đến. Ngay ở nước ngoài, tôi cũng tìm đến tận nơi để đưa hiện vật về... Sau này, khi đã có tuổi, vì yêu cầu công việc, tôi vẫn thường xuyên đi công tác xa. Quen chân đi nên tuy giờ nghỉ hưu, nhưng ngày nào tôi cũng ra đường, gặp bạn bè, đi đây đi đó...

* Tự hào vì sự lớn mạnh của Bảo tàng

+ Về Bảo tàng năm trước, năm sau ông đã lên làm giám đốc. Thời điểm ấy, Bảo tàng Quang Trung gặp rất nhiều khó khăn. Hẳn ông đã vượt qua không ít thử thách?

- Đúng là đầu thập niên 90, Bảo tàng Quang Trung còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cơ sở hạ tầng của Bảo tàng khi ấy hầu như chẳng có gì, hiện vật chỉ toàn phục chế, chẳng có giá trị lịch sử. Tình hình an ninh trật tự, nội bộ cơ quan cũng không yên ổn. Khi được giao chức vụ giám đốc, tôi đã xác định ngay hai vấn đề lớn cần giải quyết. Đầu tiên là chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, tạo sức mạnh đoàn kết, tăng cường an ninh trật tự cho Bảo tàng. Tiếp đó là phải phát triển hơn nữa công tác sưu tầm hiện vật.

+ Nhìn lại 16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn, ông thấy mình đã làm được gì?

- Cái được đối với cá nhân tôi cũng chính là những thành tựu mà Bảo tàng đã làm được. Cho đến nay, Bảo tàng đã có bước trưởng thành lớn. Đội ngũ cán bộ nhân viên phần lớn có trình độ đại học chuyên ngành bảo tồn bảo tàng, Chi bộ Đảng của Bảo tàng cũng có 14 đảng viên, đội nhạc võ lên đến 15 người. Đặc biệt, Bảo tàng đã có danh tiếng cả trong và ngoài nước. Hằng năm, Bảo tàng thu hút từ 80.000 đến 150.000 lượt khách trong nước, 3.000 đến 5.000 khách quốc tế, có đoàn khách quốc tế đi tàu đến cảng Quy Nhơn, đón xe lên thẳng Bảo tàng, tham quan xong về ngay. Từ một đơn vị yếu kém về kinh tế, đời sống cán bộ nhân viên của Bảo tàng hết sức chật vật, đến nay Bảo tàng đã tự chủ được thu chi, là một đơn vị tự chủ về kinh tế. Công tác sưu tầm hiện vật cũng phát triển không ngừng. Hiện Bảo tàng đã có hơn 11.000 hiện vật gốc; trong đó, có bốn bộ sưu tập quý là sắc phong triều đại Tây Sơn, súng thần công, vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn và bộ sưu tập tiền cổ thời Tây Sơn… Tôi tự hào trước sự lớn mạnh của Bảo tàng.

+ Những người từng tiếp xúc, làm việc với Giám đốc Trần Đình Ký đều có nhận xét chung là ông rất kỹ tính. Đã từng nghe kể những “giai thoại” về cá tính của ông, như việc bắt cánh thợ phải thay gạch lát sàn nhà trưng bày, bắt họ phải làm đi làm lại mấy con rồng trên cột trước Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ông có thấy mình bị trách “oan”?

- Không oan chút nào đâu (cười). Đúng là trong công việc tôi rất nguyên tắc, kỹ lưỡng. Nhiệm vụ nào mình được giao thì cố gắng làm tốt, không được qua loa đại khái. Không riêng gì chuyện đổi gạch lát sàn, làm lại cột trước Điện thờ… mà ngay như hồi làm cụm tượng ba anh em nhà Tây Sơn, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đề nghị làm tượng đứng, tôi thì muốn làm tượng ngồi. Tôi nhờ họa sĩ Nguyễn Khắc Thịnh vẽ phác thảo cả hai mẫu đứng và ngồi. Trong một cuộc họp của lãnh đạo tỉnh và những người có liên quan, tôi thuyết phục được mọi người đồng ý là làm tượng ngồi. Sau khi nhà điêu khắc Lê Đình Bảo hoàn thành cụm tượng, ai cũng công nhận làm tượng ngồi đẹp và trang trọng. Làm giám đốc, phải kiên quyết, phải bảo vệ chính kiến của mình, cái gì đúng thì mình phải làm đến cùng.

+ Mấy năm gần đây, Bảo tàng Quang Trung đã làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng các hạng mục công trình. Có được điều này, phải chăng là nhờ uy tín của người làm Bảo tàng không, thưa ông?

- Năm 1999, từ sự tham mưu của tôi, tỉnh đã tổ chức lễ phát động kêu gọi đóng góp xây dựng Bảo tàng. Sau lễ phát động, nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã vào cuộc. Ông Huỳnh Phi Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh tế Công nghiệp Bình Dương ủng hộ công xây dựng Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt; bà Trần Thị Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu tài trợ kinh phí xây Tượng đài Quang Trung và quảng trường; DNTN xây dựng Nam Ngân đóng góp kinh phí xây dựng đền thờ, phục chế hiện vật… Có được những đóng góp ấy, uy tín của người làm Bảo tàng chỉ là một phần thôi, cái chính vẫn là nhờ ý thức của xã hội, sự thông thoáng của chính sách mới…

 

Ông Trần Đình Ký  tại Lễ kỷ niệm 206 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân.

 

* Làm bảo tàng, phải có sự thành tâm

+ Các nhân viên Bảo tàng vẫn kể, thời gian ông ở Bảo tàng nhiều hơn ở nhà. Khi về hưu, ông có bị “sốc”?

- 16 năm gắn bó với Bảo tàng, tôi đã quen với cuộc sống bận rộn ở đây. Bảo tàng như là nhà thứ hai của tôi. Đùng một cái, về nghỉ hưu, quả thật, tôi hơi bị sốc. Nhưng giờ thì tôi đã quen dần. Hầu như ngày nào, tôi cũng vào Bảo tàng chơi, xem anh em làm việc. Ai có việc gì cần mình góp ý, tôi luôn sẵn sàng. Các công việc lớn của Bảo tàng, tôi đều được mời tham gia. Vì vậy, tuy nói là về hưu, nhưng tôi vẫn chưa xa hẳn Bảo tàng.

+ Và hẳn, vẫn còn những dự định mà ông từng ấp ủ, nhưng chưa thực hiện được?

- Tôi vẫn hằng ấp ủ mong muốn nâng tầm Bảo tàng Quang Trung thành bảo tàng cấp Quốc gia vào năm 2020. Vậy mà, khi về hưu, có nhiều việc tôi vẫn chưa hoàn thành được. Chẳng hạn như xây dựng khu dịch vụ cung cấp các mặt hàng văn hóa, quà lưu niệm, khu ăn uống tiện nghi hơn; rồi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tập hiện vật. Nhưng tôi rất an tâm khi nghĩ rằng, các bạn đồng nghiệp của tôi sẽ tiếp tục với những dự định này.

Ông Trần Đình Ký sinh năm 1948 tại xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Năm 1951 ông tham gia du kích địa phương, năm 1965 nhập ngũ. Năm 1969, ông bị thương, giải ngũ. Sau khi điều trị, ông Ký được cử về công tác tại địa phương, từng giữ nhiều chức vụ như Bí thư Xã Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tường, cán bộ Văn hóa huyện Tây Sơn... Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1971. Tháng 7.1992 ông về công tác tại Bảo tàng Quang Trung, một năm sau lên làm giám đốc. Cuối năm 2008, ông về hưu, hiện đang sống tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

+ Vậy theo ông, đâu là điều quan trọng nhất của người làm bảo tàng?

- Với quan niệm của tôi, một người làm công tác bảo tàng thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu. Không có cái tâm, thì khó mà đi đến nơi đến chốn công việc. Còn nhớ, những ngày đầu đi sưu tầm hiện vật, nhiều gia đình ở miền Bắc có lưu giữ sắc phong, kiên quyết không trao cho Nhà nước dù có được trả cả trăm triệu, vì đó là vật gia bảo. Chỉ có sự thành tâm mới lay chuyển được họ…

+ Xin phép được hỏi ông một câu hỏi khá riêng tư: cuộc sống hiện tại của ông và gia đình thế nào?

- Tôi có ba người con, nhưng chỉ có con trai đầu Trần Trung Thông là theo nghiệp cha (anh Thông đang làm thuyết minh của Bảo tàng). Vợ tôi thì nghỉ mất sức từ lâu. Lúc còn làm việc, tôi không có điều kiện để làm kinh tế thêm phụ giúp gia đình, giờ về hưu cũng chẳng có gì ngoài mấy đồng lương hưu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái sự được mất ở đời, chẳng ai so đo được…

  • Nguyễn Văn Trang (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)
Học sinh ở trường là… “thượng đế”  (22/11/2008)
Kỳ 11: Nối những đôi bờ  (17/11/2008)