Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng
11:47', 29/3/ 2008 (GMT+7)

Lặng lẽ, người phụ nữ ấy đã góp phần vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân đội ta Tết Mậu Thân năm 1968 và ngày Giải phóng Quy Nhơn 31.3.1975 bằng những hoạt động âm thầm trong lòng địch, hiểm nguy và cam go. Bà là Nguyễn Thị Ái, nguyên là Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Bình Định, Phó bí thư Thị ủy Quy Nhơn…

 

Đoàn Bình Định tham dự “Nhân chứng lịch sử 40 năm tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968” được tổ chức tại Hà Nội ngày 27.2.2008. Bà Nguyễn Thị Ái (người thứ tư, bên phải). Ảnh: H.X

 

* 14 tuổi, bắt đầu đến với cách mạng. 19 tuổi, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong một căn hầm bí mật. Điều gì đã thôi thúc bà sớm chọn con đường đi đúng đắn và trung kiên cho đến tận bây giờ?

-Tôi sớm đi theo cách mạng, bắt đầu từ truyền thống của gia đình. Má tôi sinh 5 người con. Anh Hai, anh Ba đều đi bộ đội (anh Ba đã hy sinh trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào). Còn cha thì làm công tác nông hội, má tham gia hội phụ nữ ở địa phương, gia đình tôi là cơ sở của cách mạng. Bữa ăn nào, cha tôi cũng nhắc: “Đừng thấy giàu sang mà ham, ăn muối mặn mà chắc nghe các con…”. Rồi cha, má bị địch bắt, bị chúng bỏ vào rọ heo treo lên cột, nếm đủ mọi nhục hình nhưng ông nhất quyết không khai các đầu mối, cơ sở của cách mạng. Nhìn hình ảnh cha lúc ấy, lòng tôi đau đớn và căm phẫn vô cùng. Tôi không còn con đường nào khác, không làm cách mạng cũng chết, làm cách mạng nếu có chết cũng thật vẻ vang. Hơn nữa, lúc đó, tuy việc thực hiện những cam kết của “Hiệp định Giơ-ne-vơ” không thành hiện thực nhưng tôi luôn tin tưởng con đường cách mạng nhất định sẽ đi đến thành công...

* Nghe kể, tấm gương quả cảm của bà trong những ngày hoạt động cách mạng và trong lao tù đã được tổ chức viết thành 2 tập sách truyền tay trong anh em mình, để mọi người học tập và làm theo?

- Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, tôi đã 5 lần bị địch bắt tù đày. Lần lâu nhất là 19 tháng, mau nhất cũng mất 6 tháng. Địch đã dùng mọi cực hình tra tấn hết sức dã man như đóng đinh vào 10 đầu ngón tay (bà Ái giơ cho tôi xem đôi bàn tay với 10 ngón đã dị dạng còng queo, co quắp, bằng chứng của những trận đòn thù), tra ghế điện, đổ nước bẩn vào mồm… nhưng tôi vẫn cùng cấp ủy nhà lao lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh chống các chế độ hà khắc với tù nhân.

Trong lần bị bắt năm 1968, bị giam tại Nhà lao Quy Nhơn, lúc đó, tôi đang có mang cháu Ngọc (con trai đầu lòng của bà Ái), người phụ nữ trong tù đã cơ cực trăm bề, khi có mang lại còn khổ ải hơn, nhưng tôi vẫn phải vừa giữ vững khí tiết, vừa gắng sống để bảo vệ con. Tôi sinh con trong tù trong sự đùm bọc cưu mang của những đồng đội, bạn tù.

Ngày được địch thả tự do, con trai tôi lúc đó cũng đã được một tuổi rưỡi. Hai má con dắt nhau bước ra khỏi nhà lao là đi thẳng xuống cơ sở, sắm gánh chuối, rau, ít chục trứng vịt, vừa kiếm sống, vừa nắm tình hình địch, tiếp tục móc nối, xây dựng lực lượng nòng cốt của ta trong nội thị Quy Nhơn chứ đâu dám tìm về “cứ”, vì trong mắt địch, tôi vẫn là một thường dân…  

Trong những năm hoạt động ở Hoài Nhơn và trong lao tù, từ thực tế sống và chiến đấu của tôi, đúng là tổ chức đã cho viết và in 2 tập sách “Chị An” (bà Ái sinh tại thôn Ngọc An) và “Không biết gì” (khí tiết của người cộng sản trong lao tù, dù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng vẫn kiên quyết không khai) để phổ biến trong anh em, noi gương, học tập. Cô hỏi, thì tôi nói, chứ thực ra, thành tích của tôi có đáng kể gì so với anh em, đồng đội…

* 9 năm sống trong lòng địch, luôn phải trực diện với hiểm nguy và có thể hy sinh bất cứ lúc nào, tâm trạng của bà khi đó như thế nào?

- Năm 1967, đang hoạt động “bất hợp pháp’ tại Hoài Ân ( lúc đó bà Ái là Huyện ủy viên, Hội trưởng phụ nữ huyện Hoài Ân, Ủy viên Thường vụ Hội phụ nữ tỉnh), tôi được tổ chức điều về công tác hợp pháp và bán hợp pháp tại thị xã Quy Nhơn. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng cơ sở nòng cốt, cốt cán, hầm công sự, lương thực, thực phẩm, thuốc men, “đường tiến”, “đường rút”… cho bộ đội chuẩn bị tiến vào tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Đêm 30 Tết Mậu Thân, tôi cùng một số chị đã được giao nhiệm vụ dẫn bộ đội vào thị xã chiếm đánh Đài phát thanh và một số điểm trọng yếu của địch; mở đường “máu” cho anh em rút ra ngoài.

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân, bộ đội, chiến sĩ của ta hy sinh khá nhiều, nhiều cơ sở bị lộ. Tôi cũng bị bắt và sau khi ra tù, vẫn tiếp tục hoạt động hợp pháp trong lòng địch- vừa lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận, vừa chuẩn bị “hậu cần” chờ bộ đội tiến vào giải phóng Quy Nhơn. Lúc đó, tôi chỉ biết, đem hết sức mình phục vụ cho cách mạng chứ đâu nghĩ gì đến riêng tư. Có đôi lúc, nghĩ đến cái chết, năm 1968 tôi ra ngoài chụp hình gởi cho chồng 1 cái, cho hội phụ nữ 1 cái để người thân có ảnh mà… thờ. Trước ngày giải phóng Quy Nhơn, bom rơi, đạn nổ ác liệt… tôi cũng chắc nhất định kỳ này mình sẽ hy sinh, nên cũng chụp hình gởi về cho gia đình.

Thú thật, nói không nghĩ gì là không đúng, mình là con người, nhất lại là đàn bà mà, lần này, tôi đã nghĩ đến con, nghĩ đến những ngày nó được sinh ra và bú mớm ở trong tù với nhiều tủi cực, thiệt thòi, tôi hy sinh rồi ai nuôi con mình đây, nghĩ đến mà thương con đứt ruột... Thế rồi, tôi lại kiên định: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Mình có hy sinh, đất nước được một người lính; Đảng có được một đảng viên kiên trung; phụ nữ vinh dự có một người đóng góp; gia đình được thêm một người con trung hiếu… Cứ nghĩ vậy, mà tôi đã vượt qua được tất cả…

Bà Nguyễn Thị Ái, sinh năm 1937, tại thôn Ngọc An, xã Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn. Chính thức tham gia cách mạng từ năm 1954, đến 10.5.1956, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1964, bà là Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân; năm 1967, được Đảng điều về hoạt động hợp pháp tại Thị xã Quy Nhơn và cử giữ nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó bí thư Thị ủy Quy Nhơn (từ 1975- 1985)…

Bà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Độc lập hạng Hai…

* Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà, thời khắc nào còn in đậm nhất trong tâm khảm?

- Đó là lúc Quy Nhơn được giải phóng. Đối với tôi đây là thời khắc ngàn năm có một. Cả Quy Nhơn là một rừng cờ (bà Ái là người đã lãnh đạo quần chúng may cờ Tổ quốc chôn giấu chờ ngày giải phóng), quân ngụy rút chạy đến đâu, nhân dân treo cờ đến đấy. Trong lòng mỗi người đều rạo rực náo nức, lâng lâng khó tả khi bộ đội tiến vào thị xã… ca khúc khải hoàn. Anh em tay bắt, mặt mừng, đồng đội, người thân lâu ngày xa cách gặp nhau, mừng người còn sống, ngậm ngùi cho người đã hy sinh, tất cả mọi cảm xúc dồn nén hàng chục năm qua… vỡ òa, không lời nào có thể tả xiết… 

* Bà đã là Tỉnh ủy viên, Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn… thời gian hoạt động trong lòng địch, nhưng lại phải vào vai một người đi ở, quét chợ, cô phụ hồ, người mua thúng bán bưng, bà có cảm thấy như vậy là không tương xứng?

- Có nhiều người đã từng hỏi tôi câu đó. Nhưng, hồi đó, nếu không gần dân, không bám dân thì làm sao tôi có thể sống, có thể nắm được tình hình, hoàn thành được nhiệm vụ Đảng giao. Tôi được trưởng thành như ngày nay là nhờ học được trong dân nhiều lắm. Và tôi cũng vô cùng hãnh diện vì được dân mến, dân yêu. Sau này, khi đã nghỉ hưu, nhiều người trước là “cơ sở” vẫn nhớ đến tôi mà tìm đến thăm chơi luôn… Bây giờ, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều cán bộ coi mình là “to”, hơn nữa, không gần dân, họ vẫn làm được “ông nọ, bà kia” nên mới tỏ ra quan liêu, xa rời quần chúng…

Sau năm 1985, bà Nguyễn Thị Ái được chuyển qua làm Phó trưởng ban Tổ chức Thị ủy Quy Nhơn cho đến ngày về hưu. Trong những ngày nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe yếu vì ảnh hưởng những đòn tra tấn của địch trong lao tù, bà Ái vẫn “đa-ri-năng” trong các công việc của địa phương như phó trưởng ban liên lạc tù chính trị phường Lê Lợi, tổ trưởng tù chính trị khu vực, tổ trưởng khu dân cư, hội khuyến học… cho đến khi bị tai biến phải nằm một chỗ. Ở giai đoạn cuối của cuộc đời, bà vẫn luôn mong muốn đóng góp được một chút gì đó cho đất nước, quê hương.

  • Quỳnh Hoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)
Trên những dặm đường xuân  (12/02/2008)
Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản  (02/02/2008)