Bay lên làng gỡ ba đèo
14:58', 31/3/ 2008 (GMT+7)

13 năm trước, tôi đã gọi Cát Hải (Phù Cát) là “làng cõng ba đèo” theo một tứ thơ của nhà thơ bản địa Khổng Vĩnh Nguyên. Tôi còn nhớ trong cái đoạn mào đầu của bài bút ký ấy tôi đã viết rằng: Cát Hải là xã nghèo nhất của một huyện nghèo nhất tỉnh! 13 năm trôi qua, giờ đây Cát Hải đã vượt lên, bay lên bỏ lại sau lưng không phải chỉ cái vị trí đáy cùng ấy...

Là hành lang của căn cứ kháng chiến Núi Bà, Cát Hải là một xã giàu truyền thống cách mạng. Từ năm 1962, quân và dân địa phương đã nổi dậy phá ấp chiến lược ở  hai thôn Tân Thanh và Vĩnh Hội. Đến cuối tháng 11.1963, cách mạng đã làm chủ hai thôn này về ban đêm, làm bàn đạp giải phóng các địa phương lân cận. Dẫu là địa phương được giải phóng sớm ở Khu Đông song địa bàn Cát Hải luôn bị địch bắn phá, tổ chức lấn chiếm. Nhân dân phải vừa sản xuất vừa tích cực bố phòng.

 

Thôn Vĩnh Hội đang trở thành khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng giàu tiềm năng.

 

Và trong những ngày bám trụ chiến đấu ác liệt với kế hoạch “lật đá núi bắt cộng sản” của địch vào năm 1966, người dân Cát Hải đã khắc ghi vào tâm khảm những cuộc bắn giết tập thể dã man của quân Nam Triều Tiên ở hang đá Bù Dẽ thôn Tân Thanh và thôn Vĩnh Hội làm chết 145 người! Mà giờ đây vào tháng 8, tháng 9 những thôn này lại có hàng loạt đám giỗ trùng ngày để tưởng nhớ cái ngày hãi hùng ấy!

Câu chuyện về những người mẹ áp vú vào mặt con mình để bảo vệ cán bộ cách mạng là câu chuyện thật và xảy ra ngay trên mảnh đất này. Trong cuộc vây ráp khốc liệt của kẻ địch tại hang Hố Nhảy và Hòn Đụn, chị Trần Thị Thừa và Trần Thị Huệ đã nén đau thương bịt miệng những đứa con mới đẻ của mình đến tắt tiếng khóc để cứu đoàn cán bộ...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cát Hải là một trong những địa phương bị kẻ địch xúc tác, dồn dân, chà xát, khủng bố... song dù ở đâu người dân cũng vẫn kiên trì bám địch mà đánh, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Hòa bình lập lại, Cát Hải có 158 người được nhận huân, huy chương các loại; có 107 liệt sĩ, 25 thương binh, 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 65 gia đình có công với cách mạng...

 

* Ba đèo gió, cát

Bước ra khỏi chiến tranh, Cát Hải là một vùng trắng. Dẫu có rừng, có đồng, có biển song rừng lại chỉ là rừng phòng hộ; còn đồng ruộng thì sự khắc nghiệt của địa hình từ núi đổ ra biển có khoảng cách quá ngắn nên đất đai bạc màu; và biển có dọc bờ dài đến 15 km nhưng lại là bãi ngang, tàu thuyền không neo đậu được. Đã thế, khí hậu ở đây lại hết sức khắc nghiệt. Mùa khô thì gió Tây Nam thổi hun hút, ruộng đồng khô cháy; còn mùa mưa lại úng nước kéo dài. Tất cả những khó khăn này khiến Cát Hải từ bao đời chết danh với những thành ngữ chỉ sự nghèo khổ bậc nhất “chó ăn đá gà ăn sỏi”, “khỉ ho cò gáy”...

Mười ba năm trước trong chuyến tháp tùng cùng đoàn với những nhân viên tình nguyện của tổ chức VSA (New Zealand) về Cát Hải, tôi đã được chứng kiến tận mắt nỗi khốn cùng của người dân sống trên vùng đất khó này. Ngay cả việc đưa những tình nguyện viên của tổ chức VSA về đây, tỉnh cũng nhắm vào mục đích chia sẻ phần nào sự khó khăn quá đỗi của một xã nghèo nhất ở một huyện nghèo nhất tỉnh này. Những năm tháng ấy, các tình nguyện viên về Cát Hải với mục đích tuyên truyền giáo dục cho người dân cải thiện sức khỏe qua việc giữ gìn vệ sinh môi trường; chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là đối với trẻ em; cải tạo hệ thống giao thông và thủy lợi... Tuy nhiên với nguồn lực quá thấp, hiệu quả của sự hợp tác mang lại không lớn. Chỉ có sự thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng của người dân là rõ. Còn lại những cầu cống mà tổ chức này giúp đỡ xây dựng đã phải bỏ đi làm lại khi tuyến đường ven biển Quy Nhơn – Nhơn Hội mở ra...

 

Trên cánh đồng chằng chịt dây điện, nông dân Cát Hải đang xuống giống đậu phộng.

 

Sống ở Cát Hải những ngày ấy quả thực là một kỷ niệm khó quên đối với tôi! Tôi thực sự bị ám ảnh bởi hình tượng một làng quê nghèo oằn mình cõng trên lưng ba con đèo, và nắng, và gió. Đó lại chẳng phải là ba con đèo bình thường bởi không ai có thể vượt đèo bằng phương tiện nào khác ngoài đôi chân. Từ Tân Thắng qua Tân Thanh, Vĩnh Hội rồi ngược về, tôi đi bộ cả ngày, hết trèo đèo lại băng qua những trảng cát bỏng. Những người dân ở đây cũng đi lại như tôi, nhưng trên vai họ có củi, có than, có cả những quang gánh dây khoai lang... vượt đèo ngày ngày để sang chợ Cát Tiến bán thu về những đồng bạc ít ỏi! Chính lần đi ấy tôi mới thấm thía câu ca mẹ tôi vẫn hay ru thuở còn nằm nôi:

Anh về em chẳng dám theo

Sợ truông cát nóng sợ đèo đá dăm...

Sự nghèo nàn của Cát Hải đến nỗi anh bạn tôi sinh ra ở đây đã có lần buột miệng hỏi người chú của mình: “Sao ngày xưa ông bà mình lại chọn nơi nghèo khổ này làm quê hương chú nhỉ?”.

 

* Sự đổi thay thần tốc

Tôi trở lại Cát Hải vào những ngày cuối tháng ba này và cảm nhận có một Cát Hải rất khác! Vẫn núi rừng, đồng ruộng và bãi cát song tất cả như bật trào sinh khí mới. Con đường ven biển Quy Nhơn – Tam Quan đã mở ra một lối thoát nghèo cho nhiều xã ven biển nhưng với Cát Hải nó là một sự thay đổi phong thủy bởi đã biến ba con đèo cao ngút, lởm chởm đá dăm trở thành những đường cong mềm mại, tô điểm thêm sự quyến rũ của cảnh quan vốn rất đẹp. Chẳng thế mà giờ đây cả thôn Vĩnh Hội với 240 ha đã trở thành Khu Du lịch Khách sạn và Nghỉ dưỡng do Công ty TNHH Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ đầu tư với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD gồm một quần thể gồm sân golf, khách sạn, resort 5 sao, villa hướng núi, bến du thuyền, trại nuôi ngựa và trung tâm huấn luyện cưỡi ngựa...

Nhưng không chỉ có con đường, trong những năm qua, Cát Hải đã chịu sự tác động của đồng loạt các yếu tố ngoại lực như Chương trình WB, Chương trình 135 (2000-2005) để mỗi năm cho Cát Hải xấp xỉ 1,5 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cộng thêm với vốn từ quỹ đất do quy hoạch khu dân cư sau khi tuyến 639 mở ra... Tất cả đã giúp cho bộ mặt của xã Cát Hải khang trang hẳn lên. Trụ sở UBND xã, Trường THCS, Trạm y tế , Bưu điện văn hóa, hệ thống điện, hệ thống đường bê tông, trụ sở làm việc cho các thôn... sáng trưng trên một vùng quê đầy sức sống!

Cát Hải có một nguồn lực đặc biệt là Con Người! Có lẽ sinh ra từ vùng đất khó và quen chịu đựng khó khăn, người Cát Hải đã trở nên cần cù hơn cả, siêng năng hơn cả. Chính vì thế mà chỉ cần vài tác động từ bên ngoài đời sống của người dân Cát Hải cũng đã khác. Từ một nền sản xuất tự túc tự cấp, bây giờ dân Cát Hải đã biết đến nền sản xuất hàng hóa. Từ chỗ chỉ biết sản xuất ra hạt gạo củ khoai và phó thác cho trời giờ cánh đồng Cát Hải trở thành cánh đồng đặc biệt nhất với chằng chịt dây điện kéo đến từng giếng bơm phục vụ cho từng thửa ruộng. Khai thác mạch nước ngầm phục vụ tưới tiêu cộng với lợi thế chân ruộng cát pha là bài toán giúp Cát Hải nhanh chóng thay đổi cơ cấu cây trồng. Mô hình lúa – đậu phộng – hành, xoay vòng trong năm đã đem lại sự no ấm cho người dân Cát Hải.

Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải tự hào: “Xã có 1.200 ha đất nông nghiệp thì đã có 182 ha cho thu nhập 50 triệu đồng trở lên mỗi năm! Đặc biệt dân Vĩnh Hội trước chỉ biết chặt củi, đốt than giờ đồng đất của họ đã hái ra bạc từ cây hành, cây đậu phộng”.

 

Trẻ em nô đùa bên sân đậu phộng vừa thu hoạch.

 

Từ năm 2006, Cát Hải đã dõng dạc tuyên bố thoát nghèo để thoát khỏi cái Chương trình 135 đầy mặc cảm dẫu người dân vẫn phải vay vốn để sản xuất. Cả xã dư nợ ngân hàng đến hơn 5 tỉ đồng song những đồng vốn vay luôn vận hành đúng hướng. Có lẽ nhờ thế mà tỉ lệ hộ nghèo ở Cát Hải giờ chỉ còn 15,32%!

Rừng ở Cát Hải vẫn là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhưng biển Cát Hải đã khác! 67 chiếc tàu đánh bắt tôm hùm giờ chuyển đổi sang nghề rút vây... góp thêm một phần thu nhập đáng kể cho những hộ gia đình bán nông bán ngư!

Đêm biển Cát Hải thật đẹp, từng tốp thanh thiếu niên mang đèn đi bắt còng và chúng tôi cùng theo anh Đồng Nguyên Khang, Trưởng đài Truyền thanh của xã, làm thành một tốp! Bữa cháo còng ở Cát Hải thật tuyệt vời, khó quên. Bất giác tôi lại nhớ đến đêm ở lại văn phòng VSA đóng ở thôn Tân Thắng 13 năm về trước, chẳng có điện đóm gì, chỉ có gió hú rờn rợn thâu đêm!

Đồng Nguyên Khang nói: “Ngày mai (tức ngày 30.3) Đoàn TNCS của Cảng Quy Nhơn gồm 80 người sẽ ra giao lưu với Đoàn xã Cát Hải và đóng trại trên bãi biển này!” Thật là điều kỳ diệu, Cát Hải đã hội nhập như thế đó!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)
Trên những dặm đường xuân  (12/02/2008)