CHUYÊN GIA TIN HỌC LÊ HỒNG ĐỨC:
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà
9:17', 5/4/ 2008 (GMT+7)

Chuyên gia tin học Lê Hồng Đức - một người Bình Định hiện đang sinh sống tại Long Khánh (Đồng Nai) - là người đã nhiều lần tặng phần mềm quản trị bán hàng (QTBH) và tư vấn sử dụng cho các doanh nghiệp (DN) Bình Định. Tâm sự với PV Báo Bình Định, ông Lê Hồng Đức cho biết: “Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà”.

 

Ông Lê Hồng Đức đang hướng dẫn kỹ thuật viên của Báo Bình Định điện tử cài đặt phần mềm QTBH phiên bản mới nhất. Ảnh: Nguyễn Phúc

 

* Những phần mềm theo đơn đặt hàng

* Được biết, ông là một cử nhân Luật, cơ duyên nào khiến ông “bén duyên” với CNTT?

- Tôi sinh ra tại Hoài Ân, lớn lên vào TP Hồ Chí Minh học rồi về làm việc và sinh sống tại Long Khánh (Đồng Nai) cho đến nay. Tôi đến với CNTT rất ngẫu nhiên, ban đầu do thực hiện nhiệm vụ của cơ quan giao đi học “xóa mù vi tính”, và sau đó là để đỡ đần cho “bà xã”õ bớt nhọc nhằn trong công việc, dần dần đâm ra “say” lúc nào cũng không rõ.

Sản phẩm đầu tiên của tôi là một ứng dụng nhỏ phục vụ cho việc sắp xếp tiếng Việt trong Microsoft Excel, không phải là sản phẩm thương mại, mà là quà tặng quý thầy - cô giáo trong ngành giáo dục huyện Xuân Lộc (tiền thân của thị xã Long Khánh bây giờ) và tặng cộng đồng như lòng biết ơn thầy - cô đã khai tâm tin học cho mình. Kế đó là một vài phần mềm nho nhỏ viết theo đơn đặt hàng của các DN trong huyện. Mãi đến năm 1999 phần mềm QTBH mới ra đời theo đơn đặt hàng của khách hàng.

Hiện nay, phần mềm QTBH của tôi mỗi tháng cũng bán được vài trăm đĩa tại TP. Hồ Chí Minh. Phần mềm QTBH phiên bản mới nhất được thiết kế theo định hướng: Thay thế các thao tác ghi chứng từ và tính toán bằng tay. Thay vào đó, chỉ cần nhập chi tiết chứng từ vào máy trên cơ sở các danh mục đã được lập sẵn, việc tính toán sẽ do chương trình tự thực hiện rồi xuất kết quả theo yêu cầu của người sử dụng. Người sử dụng chỉ cần biết bật tắt máy tính và biết gõ phím tiếng Việt là đã có thể sử dụng tốt chương trình sau khi đọc tài liệu hướng dẫn và thao tác thử vài lần.

* Từ khi nào ông nhận thấy nhu cầu sử dụng phần mềm QTBH đối với các DN ở Bình Định?

- Qua một số bạn bè ở Quy Nhơn, tôi được biết các DN Bình Định cũng đang rất cần những sản phẩm phần mềm như QTBH. Vì vậy, thông qua Báo Bình Định điện tử, tôi đã gửi tặng nhiều đĩa CD phần mềm QTBH để DN nào có nhu cầu thì có thể liên hệ. Từ đó, qua việc tiếp xúc, tư vấn cho các DN trong tỉnh, tôi nhận thấy nhu cầu của các DN vẫn còn nhiều và những khó khăn của họ trong việc ứng dụng CNTT cũng rất lớn.

* Có khách hàng yêu cầu hỗ trợ là tôi đến

* Ông đã đi nhiều nơi để hỗ trợ và tư vấn cho các khách hàng về phần mềm QTBH, qua đó ông nhận thấy các DN gặp khó khăn như thế nào trong việc ứng dụng CNTT? 

- Vấn đề này tôi chỉ xin nói riêng về các DN nhỏ (DNN), là đối tượng phục vụ chủ yếu của tôi hiện nay. DNN mà tôi muốn đề cập ở đây là tất cả các DN có chung đặc điểm là các chủ DNN đa phần đều không được chuẩn bị trước một cách căn bản các kiến thức quản trị DN để bước vào nghiệp kinh doanh. Do vậy với CNTT, hay nói một cách chính xác là với việc ứng dụng CNTT vào công việc quản trị, họ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đến từ cả 2 phía: từ bản thân của chủ DN và từ các yếu tố bên ngoài.

Bản thân chủ DNN lúng túng trong bước đi, không biết nên bắt đầu từ đâu và phải bắt đầu như thế nào cho có hiệu quả. Mặt khác, họ còn chịu sức ép lớn về việc khó tìm nhân sự đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT phù hợp với đặc điểm và khả năng trả lương của DNN.

Các yếu tố bên ngoài chính là vai trò của các DN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực CNTT đối với DNN (như người thụ hưởng sản phẩm của các DN CNTT). Chỉ riêng ở phạm vi nhỏ là TP. Quy Nhơn, theo nhận xét của tôi, các DN CNTT chưa thật sự biết rõ DNN đang lúng túng những gì, đang cần gì ở mình. Hay nói cách khác, có một độ chênh nhất định giữa người cung cấp các sản phẩm CNTT và người sử dụng chúng (là các DNN). Vì vậy, mặc dù nhận biết được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng vì không có được sự tư vấn phù hợp, kịp thời, nên nhiều DN sau một thời gian ứng dụng CNTT thì… nản. Điều này dẫn đến việc ứng dụng CNTT của các DNN chưa thật sự hiệu quả.

* Vậy để khắc phục tình trạng này, các DN cần phải làm gì? Ông có lời khuyên nào dành cho các DN ở Bình Định trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN?

- Muốn ứng dụng CNTT có hiệu quả, chủ DN phải biết rõ ngay từ đầu khi chuẩn bị mua chiếc máy tính đầu tiên là mình cần gì ở chiếc máy tính sẽ mua? Trả lời được câu hỏi này thì sẽ biết phải mua những gì và sẽ phải làm những gì sau khi mua máy. Ứng dụng CNTT phải từ sáng kiến của người chủ DN, đó phải là sự thôi thúc của chính chủ DN do nhu cầu cần nâng cao hiệu quả quản lý DN. Nếu chừng nào chủ DN chưa có sự thôi thúc đó mà đầu tư vào CNTT cho có với người ta, sẽ chỉ gánh về sự bực mình, mất thời gian và thất vọng.

Vì CNTT là ngành kỹ thuật, nên DN cần sự hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị chuyên ngành. Để ứng dụng CNTT có hiệu quả, DN cần có sự liên kết mật thiết với các DN CNTT. Các DN CNTT cần phải biết rõ DN đang cần những gì khi ứng dụng CNTT và đang thiếu những gì để ứng dụng CNTT có hiệu quả. Để cùng đồng hành với DN, ngay từ những bước đầu tiên, DN CNTT phải mang đến cho DN những ý kiến tư vấn phù hợp và có hiệu quả nhất trong ứng dụng CNTT (phù hợp với khả năng hiện có của DN xét trên cả 3 mặt: kiến thức, nhân lực, khả năng tài chính). DN CNTT phải giúp DN vạch ra lộ trình ứng dụng CNTT phù hợp, hiệu quả, bước từng bước nhỏ nhưng liên tục và vững chắc trong ứng dụng CNTT. Và DN CNTT phải sóng bước cùng DN trên từng bước đường ấy. Tôi nhận thấy, tiềm năng ứng dụng CNTT ở tỉnh ta rất lớn, tuy nhiên các DN CNTT chưa biết khai thác một cách hiệu quả tiềm năng này.

Sản phẩm của DN CNTT mang đến cho DN phải là “những giải pháp trọn vẹn” chứ không chỉ là những cái máy tính cụ thể, cũng không phải là những phần mềm cụ thể. Mà chính là tất cả những gì cần thiết để cho những chiếc máy và phần mềm đó mang lại hiệu quả cho DN, gia tăng khả năng thành công của DN. Cũng chính vì quan niệm như vậy nên từ khi phần mềm QTBH được ứng dụng đến nay, tôi đã tư vấn và hỗ trợ cho rất nhiều DN, cứ có khách hàng yêu cầu hỗ trợ, tư vấn là tôi đến. Nhiều người nói tôi làm việc bao đồng, cứ bán phần mềm xong là được, nhưng tôi lại nghĩ khác. Niềm hạnh phúc của người viết ra phần mềm là thấy sản phẩm của mình phát huy hết tiện ích của nó, trở thành công cụ đắc lực cho người sử dụng.

 

Chuyên gia tin học Lê Hồng Đức - tác giả của phần mềm QTBH. Ảnh: H.X

 

* Tôi vẫn luôn hướng về quê hương

* Ngoài việc cung cấp miễn phí phần mềm QTBH, trên trang web giới thiệu và hỗ trợ khách hàng về phần mềm này có in dòng chữ “Hướng về quê hương” với lời nhắn gửi “Đây là phiên bản cao nhất của phần mềm QTBH dành tặng riêng cho các DN có trụ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định, sử dụng miễn phí hoàn toàn”. Có lẽ ông muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương?

- Trang Web “Quản trị bán hàng” (địa chỉ http://quantribanhang.googlepages.com) tồn tại nhằm mục đích hỗ trợ cho khách hàng sử dụng phần mềm QTBH, tại đây các DN Bình Định có thể tìm thấy các thông tin cập nhật của phần mềm, tải xuống các bản cập nhật hoặc cài đặt mới các phiên bản của phần mềm, tham khảo ý kiến trao đổi của những người đang sử dụng hoặc có quan tâm đến phần mềm QTBH hoặc trực tiếp tham gia trao đổi.

Nếu phần mềm QTBH và những cố gắng của tôi có đem lại hiệu quả cho công việc của các DNN ở quê nhà, nhờ vậy mà các DNN có điều kiện phát triển lớn hơn, tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn cho bà con, đó chính là hạnh phúc lớn lao mà quê hương đã cho tôi rồi. Trong khả năng có thể, tôi luôn muốn đóng góp chút ít công sức của mình với quê nhà.

* Và có lẽ những điều ông dành cho quê hương không chỉ dừng lại ở đây?

- Hiện nay tôi vẫn thường xuyên về Bình Định. Nhờ có phần mềm QTBH tôi đã có thêm nhiều người bạn tâm giao ở quê nhà. Đây là niềm hạnh phúc lớn đối với những người con xa quê như tôi. Ngoài việc hỗ trợ và tư vấn miễn phí cho các DN trong tỉnh, tôi cũng đang thực hiện việc chuyển dần mã nguồn của phần mềm QTBH về quê hương, với mục tiêu: bảo đảm an toàn cho các DN đang sử dụng phần mềm QTBH ở mức cao và ổn định nhất.

Đồng thời tôi muốn góp phần cùng với các đồng nghiệp CNTT ở quê nhà có thêm điều kiện phục vụ tốt các DN đang và sẽ sử dụng phần mềm QTBH tại địa bàn. Tôi cũng đang tiến hành việc hướng dẫn cho nhân viên của các DN về CNTT, tất nhiên chỉ là những vấn đề có liên quan nhằm làm tăng hiệu quả ứng dụng CNTT tại từng DN. Tất cả cũng hoàn toàn miễn phí.

* Xin cảm ơn ông!

  • Mai Hồng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)