Về đất Vua
7:16', 7/4/ 2008 (GMT+7)

Trong không khí chộn rộn của những ngày chuẩn bị cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, tôi lại về thăm làng Kiên Mỹ, quê hương của 3 anh em Nhà Tây Sơn- những người đã mang lại cho lịch sử dân tộc những trang hùng ca bất tử và mang lại cho mảnh đất quê hiền hòa này những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian.

 

Bến Trường Trầu đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986.

 

* “Cây me cũ, bến Trầu xưa...”

Nước sông Kôn vẫn mải miết trôi về hạ nguồn. Đứng bên bờ nam cầu Kiên Mỹ (cầu cũ), anh Hòa, cán bộ phòng Văn hóa- Thông tin- Thể thao huyện Tây Sơn khoát tay chỉ cho tôi khu vực mang địa danh bến Trường Trầu xưa. Đó là một bến sông thấp thoáng sau những rặng tre, nằm giữa cầu Kiên Mỹ cũ và mới. Anh Hòa kể: Theo sử sách, bến Trường Trầu đã có từ rất lâu và tồn tại cho đến đầu thế kỷ 19, song song với tục ăn trầu của người Việt Nam. Vào thời điểm đó, làng Kiên Mỹ là vùng đất chuyển giao giữa miền xuôi và miền ngược, tức là giữa vùng Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo. Con sông Kôn gần như là con đường giao thông chính giữa hai vùng đất: trên thượng nguồn, giàu có với những sản vật như trầm hương, trầu nguồn, mật sáp, ngà voi… bên dưới là đồng bằng no đầy lúa gạo và hàng hóa tiêu dùng các loại. Đoạn sông thuộc làng Kiên Mỹ là điểm lý tưởng để tập trung trao đổi các mặt hàng của thương nhân hai miền Tây Sơn thượng và hạ. Việc trao đổi thông qua bến sông này nhiều nhất là trầu, trầu đã góp phần làm nên phồn thịnh cho chợ Kiên Mỹ. Tên gọi bến Trường Trầu ra đời là vì thế…

Mải chuyện, chúng tôi đã đến bến Trường Trầu (xóm Hưng Hòa) từ lúc nào. Từ năm 1986, bến Trường Trầu được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Tấm bia di tích hiện nằm trong khuôn viên của Tịnh xá Ngọc Bình. Anh Hòa bảo, hiện tỉnh đang quy hoạch mở rộng Bảo tàng Quang Trung, xây dựng công viên và khôi phục lại chợ Trầu và bến Trường Trầu xưa. 33 hộ dân ở khu vực này đang thực hiện di dời, giải tỏa và tái định cư tại nơi ở mới.

Cụ Trần Kia, 76 tuổi, cho biết, gia đình cụ đã trải qua nhiều thế hệ sống tại bến sông này. Nghe ông nội cụ kể lại: bến Trường Trầu gắn với chuyện buôn trầu của “Anh Hai Trầu”- Nguyễn Nhạc. Anh Hai Trầu đi mua trầu cau của đồng bào Thượng rồi dùng thuyền xuôi sông Kôn đem xuống bán ở bến Trầu. Cũng nhờ buôn trầu mà Nguyễn Nhạc và anh em Nhà Tây Sơn có điều kiện giao lưu với nhiều vùng, nhiều tầng lớp xã hội. Ông thường qua lại vùng Thượng đạo, quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người Tây Nguyên và giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Từ đó, ông thấu hiểu nỗi bất bình thống khổ của các tầng lớp nhân dân và có điều kiện liên kết các lực lượng nổi dậy khởi nghĩa...

Cũng theo sử sách, bến Trường Trầu xưa nước sâu thăm thẳm, thuyền ghe có thể ghé sát bờ chuyên chở hàng hóa một cách dễ dàng. Giờ đây, mấy trăm năm đã trôi qua, sông Kôn đã bao lần đổi dòng, lòng sông nhiều chỗ đã bị bồi lấp thành những vùng cát trắng. Tôi cố mường tượng ra quang cảnh buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền khi xưa đã đi vào lịch sử cùng với sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trên mảnh đất quê hương, xứ sở mến yêu này.

 

Bến Trường Trầu giờ chỉ còn là một bến sông thấp thoáng sau những rặng tre giữa cầu Kiên Mỹ cũ và mới.

 

* ...và những xóm nghề

Kiên Mỹ được hình thành từ bao giờ không rõ. Nhờ có vị trí thuận lợi nên kinh tế Kiên Mỹ sớm phát triển theo hướng đa ngành. Vẫn là nông nghiệp làm gốc, nhưng các nghề thủ công và buôn bán ở đây đã được mở mang với các xóm cổ mang chính tên nghề truyền thống: Xóm Rèn (Hưng Nguyên), chuyên rèn dao, cuốc, thuổng và các dụng cụ bằng sắt để trao đổi với đồng bào Thượng; xóm Trầu (Hưng Hòa) với nghề buôn trầu gắn liền với địa danh bến Trường Trầu bên sông Kôn. Xóm Đậu với nghề trồng đậu nành và sản phẩm đậu miếng nổi tiếng thơm ngon, được các phụ nữ đem đi bán khắp các chợ; xóm Bún (Hưng Bửu) với hơn 50% số hộ dân đang làm nghề bún, bánh hỏi, bánh tráng. Từ năm 1977, cùng với việc quy hoạch thôn xóm và lập Bảo tàng Quang Trung, dân xóm Chợ ở Kiên Mỹ đã chuyển vào xóm Mới; còn xóm Ươm (Hưng Hóa) có nghề trồng dâu, nuôi tằm; xóm Mía (Hưng Thạnh) với nghề trồng mía, nấu đường… Ngoài ra, ở Kiên Mỹ còn phải kể đến những miếng võ Tây Sơn cổ truyền đã trở thành phong trào quần chúng và làm nên tinh thần thượng võ của những người con đất Vua.

Trong kế hoạch tổ chức Festival Tây Sơn- Bình Định, những xóm nghề truyền thống ở Kiên Mỹ cũng sẽ là những điểm đến cho du khách tham quan. Anh Hòa dẫn tôi vào xóm Đậu (tổ 6, khối I). Xóm có 110 hộ thì đã có đến 85% số hộ làm nghề đậu khuôn. Thấy chúng tôi đến, ông Lê Văn Hùng,
63 tuổi ở tổ 6, xóm I đang cởi trần trùng trục, giữa trưa nắng, đập đậu nành ngoài sân, dừng tay cho biết: “Nghề làm đậu khuôn ở đây đã có từ rất lâu và đã trở thành nghề phụ đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Những người làm đậu gốc ở đây phải kể đến bà Ba Ghè, bà Năm Trúc, bà Chánh Đàn Khanh… Những người phụ nữ nông dân với đôi tay khéo léo và bản tính đảm đang hay lam hay làm đã tạo ra một thứ đặc sản bình dân nhưng hết sức thơm ngon, mịn dẻo. Cắt miếng đậu nóng (chỉ khoảng 2.000 đồng) ăn với đường hay xì dầu, nước mắm ớt tỏi, đảm bảo đủ 4 yêu cầu: ngon-bổ-rẻ-no. Vợ chồng ông Hùng cũng nhờ mấy khuôn đậu quê này mà nuôi được 8 người con ăn học nên người...

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Sơn và chị Trương Thị Ngọc Bích. Cuộc sống của gia đình anh chị cũng gắn liền với nghề làm đậu khuôn. Mỗi ngày, hai vợ chồng làm được 6 khuôn đậu (khoảng 40 kg đậu tương). Sau đó, chị trực tiếp chở đậu đi bán, vừa sỉ, vừa lẻ tại chợ Phú Phong, chợ Phú An. Nghề làm đậu cũng là nghề cha truyền, con nối của gia đình. Hai người anh của anh Sơn cũng theo nghề này mà tạo nên sự đông vui của xóm Đậu. Ông Hùng và anh Sơn tỏ ra rất vui với ý tưởng tạo ra những “tua” du lịch Bảo tàng Quang Trung kết hợp tham quan những xóm nghề thủ công truyền thống làng Kiên Mỹ. 

 

33 hộ dân ở khu vực bến Trường Trầu xưa đã được tái định cư, đang xây cất nhà cửa, chuẩn bị cho cuộc sống mới.

 

* Ăn lộc Vua

Cụ Trần Kia đang bận coi thợ làm nhà. Ngôi nhà cũ của cụ đã có từ thời ông bà, nhỏ bé và xuống cấp nằm trước mặt Bảo tàng Quang Trung. Khu đất này xưa kia là một gò hoang đầy mồ mả và mọc chi chít xương rồng. Cách đây 10 năm, khi Nhà nước mở con đường Gò Găng- Kiên Mỹ (tỉnh lộ 636), gia đình cụ bị mất một phần đất nhưng bù vào đó, giá trị của đất đai đã tăng lên gấp hàng chục lần. Bây giờ, tỉnh lại khôi phục bến Trường Trầu. Cụ được Nhà nước tái định cư tại khu vực phía đông Bảo tàng Quang Trung. Cụ Kia cho biết: “Nhà nước mua “đứt” nhà và đất của gia đình tui được hơn 1 tỉ đồng và bán cho 2 lô đất mới (120m2/lô) với giá khoảng 400 triệu đồng. Vợ chồng tui định cất nhà khoảng 200 triệu đồng, còn 400 triệu đồng chia cho lũ con làm ăn và giữ lại chút ít để dưỡng già”.

Anh Lê Văn Trường, một thanh niên đã có vợ và 2 con gái cũng ở trong diện nhà phải giải tỏa để khôi phục bến Trường Trầu cho biết, gia đình anh vừa dọn về nhà mới từ trước Tết Mậu Tý. Nhà mới nằm ngay trên tỉnh lộ 636, bên hông Bảo tàng Quang Trung. Anh Trường cho biết, do khu dân cư mới chưa hoàn thiện nên hiện tại, anh mở quán nước này để buôn bán qua ngày, chớ tương lai, anh đã dự định khôi phục lại nghề in. “Một khi, Bảo tàng Quang Trung tiếp tục được mở mang với những hạng mục mới, du lịch nhất định sẽ phát triển và nghề in sẽ có đất sống!”- Anh Trường khẳng định chắc nịch.

Bảo tàng Quang Trung chiếm khoảng 1/6 diện tích làng Kiên Mỹ. Từ khi khách thập phương ghé đến thăm Bảo tàng ngày càng đông, người dân Kiên Mỹ đã có thêm những ngành, nghề, dịch vụ mới... Nói chi xa, ngay từ việc quy hoạch đất làm đường, khôi phục các di tích lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nhiều người dân Kiên Mỹ đã thực sự đổi đời. Không ai nói với ai, nhưng trong lòng mỗi người đều có chút tự hào, mình là con cháu Vua (Quang Trung- Nguyễn Huệ), được “ăn” lộc Vua. Chia tay tôi, cụ Kia còn nói với theo: “Tương lai con cháu mình nhất định sẽ được phát triển cùng thời đại!”.

***

Kiên Mỹ bây giờ là Khối 1 và Khối 1A của thị trấn Phú Phong với 837 hộ dân cư. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong cho biết: Chuẩn bị cho Festival Tây Sơn, không chỉ chính quyền và các ngành chức năng đang chộn rộn với những kế hoạch chỉnh trang đô thị, quảng bá, tuyên truyền… mà mỗi người dân Kiên Mỹ nói riêng và dân Tây Sơn nói chung đều ý thức rất rõ về sự kiện lớn sẽ diễn ra trên quê hương mình với lòng tự hào và những hy vọng riêng tư. Họ đang sửa sang nhà cửa, làm “xanh- sạch- đẹp” các con đường và hình thành những ý tưởng kinh doanh, dịch vụ độc đáo, vừa là “ăn theo” sự kiện, tạo thêm thu nhập cho gia đình vừa “tiếp thị” cho đất Vua.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)