BÀ NGUYỄN THỊ KIM CÚC:
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình
8:16', 12/4/ 2008 (GMT+7)

Cả thời tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng, từng nhiều năm chịu cảnh tù đày; sau ngày giải phóng, lại tiếp tục cống hiến bằng cả tâm huyết của mình cho những công việc xã hội đầy khó khăn. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh (TTGDLĐXH).

 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của TTGDLĐXH. Ảnh: T.X

 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc sinh năm 1954, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Vừa chào đời chưa được bao lâu, cha bà đã cùng anh trai tập kết ra Bắc; mẹ cũng tham gia hoạt động cách mạng, nên bà sống với bà ngoại. 9 tuổi, bà Cúc đã nhiều lần lén lấy cắp lựu đạn của bọn địch lúc chúng ngủ sau mỗi đợt đi càn, đem về cho du kích địa phương. 12 tuổi, Kim Cúc được mẹ dẫn ra vùng cách mạng để cho học nghề y tá và dự định sẽ gởi ra Bắc để tiếp tục học tập. Nhưng bà Cúc đã trốn mẹ, trở về quê nhà, gia nhập đội du kích xã, vừa làm y tá, vừa trực tiếp chiến đấu. Năm 15 tuổi, Kim Cúc bị địch bắt trong một trận tập kích, bắt đầu trải qua khoảng thời gian tù đày kéo dài sáu năm ở khắp các nhà lao Quy Nhơn, Phú Yên, Thủ Đức, Côn Đảo, Biên Hòa. 

* Tại sao bà lại bị chuyển đi giam giữ qua nhiều nhà lao như thế?

- Khi bị bắt, tôi cương quyết giữ vững lập trường, không khai nhận điều gì, nên bọn địch dùng nhiều biện pháp tra tấn rất tàn độc. Chúng đánh tôi đến móp cả đầu, máu chảy lênh láng, may mà không chết (vừa nói, bà Cúc vừa vén tóc chỉ cho tôi dấu vết tra tấn vẫn còn trên da đầu). Cuối cùng, chúng chịu thua, đưa tôi vào diện tù chính trị loại “con nhà nòi” và biệt giam ba tháng tại Nhà lao Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Sau đó, tiếp tục chuyển tôi giam ở Nhà tù Phú Yên. Ở đây, tôi đã gia nhập đội đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, nên bị đày tiếp ra Côn Đảo. Khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi mới được chuyển về Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) để chờ trao trả tù binh. Ở đây, tôi tiếp tục tham gia đấu tranh nên bị đày ra Côn Đảo lần nữa. Đến ngày 22.3.1974, tôi mới chính thức được trả tự do.

* Vậy thời gian nào trong sáu năm bị giam ở các nhà lao của địch khiến bà nhớ nhất?

- Đó là lúc tham gia đấu tranh ở Nhà tù Côn Đảo. Khi ấy, tôi mới 16 tuổi, được xem là tù nhân trẻ nhất ở đó lúc bấy giờ. Tôi ở trại 5, nơi giam giữ khoảng 300 nữ tù chính trị thuộc loại “cứng đầu” nhất. Ở đây, tôi đã được học hỏi, bồi đắp thêm nhiều về tinh thần cách mạng, tinh thần đoàn kết, đấu tranh chống lại sự đàn áp của kẻ thù. Tôi đặc biệt tự hào về những phụ nữ Bình Định ở đây. Nhớ nhất là cô Tuyết, quê ở Bình Nghi, Tây Sơn, người đã dạy võ cho chị em tù nhân, để đánh lại bọn lính nếu chúng xông vào phòng giam đàn áp. Chính vì vậy, bọn lính canh tù luôn kháo nhau: tù nhân nữ Bình Định ai cũng có võ, nên rất kiêng dè.

Khi bà Cúc ra tù (21 tuổi), hai chân bị liệt, lại thêm bệnh đau dạ dày không ăn uống gì được, đầu thì thường xuyên lên cơn đau dữ dội nên bà hay bị ngất… Đó là chưa kể mảnh đạn M19 dính phải trong trận tập kích của địch, vẫn còn nằm trong người (mảnh đạn nằm ở vị trí nguy hiểm nên đến tận bây giờ, bà Cúc vẫn chưa lấy ra được). Vậy mà chỉ sau một năm ra Bắc học tập, bà Cúc đã quyết định trở về quê hương. Năm 1977, bà nhận công tác ở Phòng Chính sách Người có công cách mạng thuộc Ty Thương binh Nghĩa Bình. Khi TTGDLĐXH được thành lập năm 1995 (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh), với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chữa bệnh, cai nghiện và dạy nghề cho đối tượng mại dâm, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS; bà Cúc được điều về công tác ở đây, được giao trọng trách Phó Giám đốc, rồi Giám đốc TTGDLĐXH cho đến nay. 

 

Vườn xoài trĩu quả trong TTGDLĐXH là một trong những sáng kiến thiết thực của bà Cúc. Ảnh: Hoài Thu

 

* Vừa từ miền Bắc trở về, có điều kiện để tìm những việc nhẹ nhàng, sao bà lại xin vào làm ở Phòng Chính sách Người có công cách mạng?

- Thực ra, tôi cũng đã được gợi ý cho nhiều công việc nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng, tôi quyết định về làm ở Phòng Chính sách Người có công với cách mạng. Tôi nghĩ mình là người trong cuộc, nên có thể chia sẻ, giúp đỡ những trường hợp thiệt thòi khác.

* Sau 18 năm tận tụy với công việc này, vì đâu bà lại đồng ý nhận nhiệm vụ mới, với nhiều thử thách, khó khăn ở TTGDLĐXH ?

- Nói thật, lúc đó tôi không hề muốn lên làm việc ở nơi xa xôi như vậy, mà chỉ muốn làm việc thêm vài năm nữa rồi nghỉ. Nhưng rồi giám đốc sở động viên, bảo tôi tính tình dịu dàng, năng động, dễ thuyết phục các đối tượng, nên cứ đảm nhận công việc chỉ một năm thôi rồi về. 

* Nhưng bà đã trụ lại, không chỉ một năm?

- Lúc mới lên Trung tâm, nhìn khung cảnh hoang vu nơi đây, nói thật là tôi cảm thấy ngao ngán. Công việc nặng nề, lại thêm áp lực gia đình. Đứa con gái lúc đó đang học lớp 10 cứ khóc hoài vì lo sợ mẹ làm công việc nguy hiểm, khiến tôi đau lòng lắm. Nhưng rồi tôi cố gắng nén tình cảm riêng tư lại, tiếp tục đảm đương công việc. Thời gian trôi qua, gia đình, người thân dần thấu hiểu và sẻ chia. Điều quan trọng nhất là tôi ngày càng nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công việc mình đang làm, để từ đó, luôn tâm huyết và hết mình vì nó. Đến nay, tôi đã làm ở đây được 14 năm rồi.   

* Hẳn đã có lúc, bà cảm thấy lo sợ và muốn từ bỏ công việc của mình?

- Đó là lần đánh nhau giữa hai học viên nam nhiễm HIV. Tôi vào can ngăn thì bị họ đánh bể đầu, máu chảy ướt áo, phải khâu mấy mũi. Lần đó, tôi sợ và hoang mang lắm. Nhưng rồi cũng chính những học viên nữ bị nhiễm HIV lại động viên tôi. Các em nói tôi là chỗ dựa tinh thần và năn nỉ tôi đừng bỏ rơi họ. Vậy nên tôi quyết định ở lại, tiếp tục gánh vác công việc.

Dưới sự lãnh đạo của bà Cúc, TTGDLĐXH đã gặt hái được nhiều thành tích. Bản thân bà Cúc và TTGDLĐXH đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế… cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh.

* Làm công việc quản lý ở TTGDLĐXH quả không đơn giản. Bà có “bí quyết” nào chăng ? 

- TTGDLĐXH có nhiều thành phần phức tạp, nên rất khó quản lý nếu không biết cách. Với họ, mình phải mềm dẻo, nhẹ nhàng; nhưng có lúc phải cương quyết. Trên thực tế, với tình cảm chân thành, cán bộ trung tâm sẽ cảm hóa được các học viên.

* Nhưng cũng đã có trường hợp học viên bỏ trốn. Nghe nói, bà đã có nhiều cuộc tìm kiếm khá ngoạn mục?

 

Các học viên TTGDLĐXH thường xuyên được tạo cơ hội giao lưu, tập huấn. Ảnh: T.X

 

- Cũng đã có một số học viên vì các lý do khác nhau bỏ trốn, nhưng chỉ là số ít. Tôi nhớ nhất là năm 2005, hai học viên nữ lợi dụng lúc ăn cơm xong rửa chén để trốn. Tôi và một cán bộ trẻ mới về “phục” ở Nghĩa trang Long Mỹ. Hai cô cháu núp trong mấy ngôi mộ từ năm giờ chiều đến gần tám giờ tối, mới thấy hai cái đầu lấp ló trong đêm. Bỏ lại cậu cán bộ trẻ đang run cầm cập, tôi tức tốc bỏ giày ra, chạy bộ một đoạn dài trong nghĩa trang mới đuổi kịp….Hay vụ có bốn học viên nam rủ nhau bỏ trốn. Chiều đó, tôi tổ chức tìm. Nhưng mãi đến gần ba giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới phát hiện các học viên này đang đi xe máy ở Diêu Trì. Tôi vừa phải vận động, vừa bày tỏ thái độ cương quyết với họ. Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được họ về lại trung tâm lúc mờ sáng.

* Chỉ còn một năm nữa, bà đến tuổi nghỉ hưu. Nhìn lại quãng đời cống hiến cho công việc của mình, bà có cảm thấy hối tiếc với những sự lựa chọn của mình?

- Cho đến giờ, tôi chưa bao giờ hối tiếc về những gì mình đã chọn. Xét về sự cống hiến chung, tôi nghĩ mình cũng chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông. Nhưng về cá nhân, tôi nghĩ mình đã làm được nhiều điều thiện, việc có ích cho đời. Tôi thấy mình được rất nhiều, không phải vật chất, mà chính là tấm lòng của tôi đối với mọi người. Được sống trọn vẹn với lòng mình là điều khiến tôi mãn nguyện.

* Xin cảm ơn bà.

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)