Bất cập mô hình quản lý y tế tuyến cơ sở
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế
10:28', 14/4/ 2008 (GMT+7)

Sau gần 2 năm triển khai quản lý y tế tuyến cơ sở theo Nghị định 172/2004/NĐ-CP và Thông tư 11/2005/TTLT-BYT-BNV, mô hình quản lý y tế tuyến cơ sở với bộ ba: Phòng Y tế - Bệnh viện - Trung tâm Y tế Dự phòng đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước cũng như chỉ đạo tuyến về chuyên môn nghiệp vụ. Trước hết là những ách tắc trong công tác quản lý tài chính.

 

Bác sĩ trạm xá xã Cát Hưng (Phù Cát) khám bệnh, kiểm tra sức khỏe trẻ em. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Điệp khúc “nợ”...

Theo Quyết định 117/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Luật Ngân sách nhà nước, sau khi thành lập phòng y tế, việc quản lý tài chính y tế (bao gồm: nguồn dự phòng, chi thường xuyên và chi hoạt động) của trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) do UBND xã đảm trách. 

Tuy nhiên, 2 huyện không thực hiện theo quy định này là Tuy Phước và Phù Mỹ (kinh phí do phòng y tế quản lý), các khoản kinh phí của trạm từ tiền lương, chế độ trực, công tác phí, tiền may áo công tác cho đến kinh phí hoạt động đều được chi trả kịp thời, đầy đủ nên khá thuận lợi. Ngược lại, 8 huyện, thành phố còn lại, kinh phí được đưa về UBND xã chi trả thì gặp rất nhiều khó khăn và bất cập.

Ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), tiền lương thay vì nhận hàng tháng như trước thì bắt đầu từ năm 2007, phải nhận theo quý. Trạm có 5 biên chế, trong đó, người có thâm niên 32 năm công tác, lương cao nhất khoảng 2,4 triệu đồng/tháng, người có thời gian công tác ít nhất khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi làm công ăn lương mà phải 3 tháng mới được nhận lương thì lấy gì sống?” - một nhân viên y tế trạm bức xúc.

Tiền lương bị nợ, tiền trực đêm (ngày thường 10.000 đồng/đêm, ngày nghỉ 13.000 đồng/đêm) của cán bộ nhân viên ở trạm cũng mới nhận được đến tháng 11.2007. Một số khoản chi khác trong nguồn chi thường xuyên như tiền công tác phí, tiền may áo công tác, UBND xã vẫn chưa chi trả dù đã duyệt chi. Thậm chí, ngay cả tiền hỗ trợ tài liệu, học phí để bác sĩ Nguyễn Công Luận, Trưởng trạm đi học chuyên khoa I cả một học kỳ vẫn chưa thanh toán được. Hay như trường hợp điều dưỡng Lê Hùng Cường đã tốt nghiệp lớp cử nhân điều dưỡng từ cuối năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán các khoản hỗ trợ đi học trong hai năm 2006, 2007.

Việc chậm chi trả các khoản kinh phí cho hoạt động thường xuyên và các chế độ đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cán bộ nhân viên y tế. Y sĩ Đào Thị Hương, Trưởng trạm y tế phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, cho biết: “Năm 2007, chúng tôi phải chờ UBND phường đến 26, 27 Tết mới được nhận đủ các chế độ. Lắm lúc nghĩ lại, trưởng trạm mà suốt ngày phải ngồi ở phường để nhận tiền cũng thấy ngại lắm! Kinh phí chi hoạt động thường xuyên bị chậm trễ nên việc triển khai các hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó phòng Tài chính huyện Hoài Nhơn:

Sau khi nhận được văn bản phân cấp quản lý kinh phí về cấp xã, chúng tôi cũng rất băn khoăn và lúng túng vì các chế độ chính sách liên quan đến sự nghiệp y tế về con người, chế độ đãi ngộ, hoạt động chuyên môn đặc thù, ngay cả bộ phận tài chính cấp huyện còn chưa nắm được huống chi tài chính xã. Trong khi đó, việc bàn giao không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên rất khó thực hiện.

Y sĩ Hương minh chứng, tính đến thời điểm hiện nay, trạm vẫn chưa nhận được văn phòng phẩm của năm 2007. Sổ khám chữa bệnh, sổ theo dõi gần 20 chương trình hoạt động theo biểu mẫu của Bộ Y tế cũng chưa được chi nên trạm đành phải “kêu” với phòng và chọn giải pháp ghi vào vở học sinh rồi sau đó sao chép lại. Hay như đợt phòng chống dịch sốt xuất huyết hồi tháng 7.2007 vừa qua, trưởng trạm phải “năm lần, bảy lượt” xuống phường mới xin được kinh phí để chi trả nhân công.

 

* Tay không làm... quản lý

Trong khi kinh phí được chuyển về cho xã quản lý thì theo Nghị định 172 của Chính phủ và Thông tư 11 của liên bộ, phòng y tế là phòng chuyên môn, trực thuộc sự quản lý của UBND huyện và có chức năng tham mưu cho huyện về công tác y tế, đồng thời, quản lý và phụ trách một phần chuyên môn của các trạm y tế xã trên địa bàn. Theo đó, phòng y tế phải đảm trách rất nhiều chức năng nhiệm vụ như: quản lý về tổ chức, biên chế, chuyên môn. Song thực chất là phòng y tế chỉ có quyền trên danh nghĩa.

Ông Đào Đô My, Trưởng phòng Y tế TP Quy Nhơn, thừa nhận: “Tiếng là phòng y tế quản lý nhà nước đối với trạm y tế nhưng chúng tôi khó mà làm được vì không nắm kinh phí. Anh không cấp lương, cấp kinh phí thì nói ai nghe. Chỉ đạo xuống trạm, họ “dạ” nhưng không làm cũng đành chịu. Không quản lý tài chính nên phòng cũng không thể điều chuyển nhân lực từ trạm này sang trạm khác, còn việc luân chuyển bác sĩ từ xã này sang xã khác hầu như không thể”.

Một trưởng phòng y tế huyện bức xúc: “Theo quy chế, phòng y tế có chức năng quản lý Nhà nước rất đầy đủ và toàn diện. Khen thưởng Trạm y tế cũng hỏi, kỷ luật cũng hỏi, đi học cũng hỏi, thuyên chuyển công tác cũng hỏi… nhưng cuối cùng kinh phí nằm ở xã nên đành bó tay”.

(Còn nữa)                

  • Thu Hiền

  

Trong đợt kiểm tra liên ngành Y tế, Nội vụ, Tài chính tại 6 huyện, thành phố: Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh về thực trạng hệ thống trạm y tế xã vào giữa năm 2007, đã có kết luận: việc chi kinh phí cho hoạt động thường xuyên và các chế độ cho cán bộ y tế xã, thôn giải quyết chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 17-40%. Kinh phí hoạt động thường xuyên (điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm) chưa kịp thời, có trạm bị cắt cả điện thắp sáng, điện thoại vì thanh toán chậm.

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)