Thổ cẩm Hoài Ân
11:17', 14/4/ 2008 (GMT+7)

Nói đến những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Bana ở Hoài Ân người ta thường nhắc đến các lễ hội dân gian mang đậm tính cộng đồng; các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ cồng chiêng, hương men rượu cần làm say đắm lòng người dưới ánh lửa bập bùng, kiến trúc nhà Rông có mái cong như hình chiếc rìu tạc vào trời xanh và đặc biệt không quên nhắc đến những trang phục thổ cẩm lung linh sắc màu làm ra từ nghề dệt thủ công truyền thống ở địa phương.

Hoài Ân là huyện trung du có 3 dân tộc Kinh, Bana, H’re sinh sống từ lâu đời. Trong đó, người Bana có 694 hộ với 2.831 người sinh sống ở 2 xã vùng cao là Bok Tới và Đak Mang. Trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển,  người Bana ở Hoài Ân đã tạo dựng nên những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa rất đáng tự hào, nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một trong những nét đặc sắc ấy là nghề dệt thủ công truyền thống. Sản phẩm làm ra chủ yếu là chăn đắp, khăn địu con,… và đặc biệt là những bộ trang phục nam, nữ với những họa tiết, hoa văn mang đậm dấu ấn đặc trưng của người Bana.

 

Phụ nữ Bana Hoài Ân thi dệt thổ cẩm.

 

* Nghề kỳ công

Người Bana dệt vải rất kỳ công và tỉ mỉ từ việc tìm sợi, tìm vật liệu tạo màu đến việc ngồi dệt hoàn toàn theo một lộ trình thủ công bằng tay và theo óc tưởng tượng. Để dệt thành một tấm vải, một bộ xiêm, khố, váy, áo… họ cần phải thực hiện 3 công đoạn chính đó là: tìm sợi, nhuộm màu và dệt.

Trước đây, người Bana Hoài Ân lấy sợi từ các loại vỏ cây trong rừng như cây k’đôn, k’pông, cây sui, cây khung mang đem ngâm nước cho tơi, xốp, đập dập rồi tước sợi nhỏ, se chỉ bằng một xa quay đơn giản làm từ cây và dây rừng. Sau này họ đã biết trồng cây bông, cây đay để lấy sợi. Sợi được nhuộm bằng nhựa, lá, rễ, vỏ cây rừng.

Màu đen thường là màu nền của mỗi tấm vải, của bộ trang phục do họ quan niệm đó là màu của đất, của độ che phủ cây rừng mà suốt đời con người gắn bó. Màu đen được nhuộm từ nhựa cây k’cham và lá cây mô. Màu xanh biểu hiện cho màu của trời, của cây lá rừng được nhuộm bằng nhựa cây truông chây, cây k’pai. Màu đỏ biểu hiện cho màu của máu, của lửa, của sự khát vọng vươn lên được nhuộm bằng nhựa cây k’sang. Màu vàng biểu hiện của ánh sáng mặt trời, kết hợp sự hài hòa giữa thiên nhiên đất trời với cuộc sống con người. Màu này được nhuộm từ vỏ cây k’mết… Công đoạn nhuộm màu cho chỉ cũng là kỳ công. Muốn cho chỉ có màu tươi sáng, ngoài việc tìm các loại nhựa cây, lá cây phù hợp thì việc nấu màu với chỉ ở một nhiệt độ đủ độ chín thích hợp và đem chỉ phơi ngoài trời nắng với thời gian nhất định là việc làm rất khó đối với những người chưa có kinh nghiệm.

Ngày nay, việc tìm sợi, nhuộm màu không còn vất vả, mất nhiều thời gian như trước nữa, vì có sợi làm bằng chỉ tổng hợp, màu tươi sáng, mua từ dưới xuôi lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người tự làm sợi để dệt vì theo họ sản phẩm làm ra từ sợi tự làm đẹp và bền hơn.

Bộ khung dệt vải của người Bana khá đơn giản: hai ống nứa dài khoảng 0,6m đến 1m có chức năng căng sợi dọc của thảm vải. Một thanh gỗ có bản rộng từ 10cm đến 20cm, một đầu vát nhọn, có nhiệm vụ luồn sợi đan ngang và hai cạnh được làm tròn nhẵn thành mép mỏng để dập cho sợi ngang khít chặt vào sợi dọc. Một miếng gỗ đẽo cong, ôm sau eo lưng người dệt và nối chặt với các ống nứa căng sợi dọc. Công đoạn dệt tiến hành công phu và rất tỉ mỉ, đòi hỏi người dệt phải có sáng tạo, tinh tế trong việc tạo ra các hoa văn, phân bố màu sắc.

Nếu được nhìn họ dệt, thấy những sản phẩm họ làm ra với những hoa văn, họa tiết như hình chữ chi, hình quả trám, hình hoa lá, hình chim thú, hình mặt trời cách điệu… với màu sắc hài hòa nổi lên trên nền vải giữa những sợi dọc sợi ngang thật sắc sảo thì việc nói những người dệt thổ cẩm “vừa là thợ dệt vừa là thợ thêu đầy tài năng” không có gì là quá đáng.

 

Chị Đinh Mí Sơn - người dệt vải giỏi ở Bok Tới

 

* Nghề “mẹ truyền con nối”

Nghề dệt thổ cẩm của người Bana là nghề “mẹ truyền con nối”. Người con gái Bana lớn lên được mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt chồng” phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết, ngày hội của làng. Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang, và sẽ được nhiều chàng trai để mắt. Đó là thước đo về mặt giá trị tinh thần mà trước đây người con gái Bana luôn phấn đấu.

Chị Đinh Thị Nhàn, 21 tuổi, ở làng 06 (Đak Mang) tự hào: “Em biết dệt vải khi 17 tuổi, do mẹ dạy. Lúc đầu nhìn mẹ dệt vải thấy thích, hơn nữa mẹ hay bảo con lớn rồi phải học dệt vải thôi, thế là em học và đến nay thạo nghề rồi”. Học dệt vải không khó, nhưng để có một tấm vải đẹp dùng làm váy, áo thì khó đấy. Chị Đinh Mí Khanh, 28 tuổi, ở T2 (BokTới) cho biết: “Khó nhất là lúc phân bố màu sắc ở hàng sợi dọc, sợi ngang và tạo họa tiết hoa văn, nhất là các hoa văn hình nổi, hình cách điệu”. Điều đặc biệt là, khi dệt các hoa văn, họ chỉ dệt theo trí tưởng tượng chứ không thực hiện theo một bản vẽ mẫu cụ thể nào.

Theo số liệu điều tra về ngành nghề truyền thống ở xã Bok Tới và Đak Mang thì hầu hết phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đều biết dệt thổ cẩm, nhiều chị làm nghề thường xuyên, có tay nghề cao đã truyền dạy cho nhiều con em biết nghề và thạo nghề. Chính các chị là thế hệ làm nhiệm vụ nối truyền nghề dệt thổ cẩm trong làng bản giúp giá trị văn hóa “mặc” truyền thống của dân tộc Bana được duy trì.

 

* Duy trì, phát triển được không?

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống khó bỏ vì trang phục truyền thống của người Bana khó có loại vải khác thay thế. Song hiện nay, do hàng hóa, vải vóc, quần áo may sẵn từ dưới xuôi mang lên, đẹp, thuận tiện, buôn bán trao đổi dễ dàng; mặt khác nếu bỏ tiền mua một tấm vải rồi đem may thành váy, thành áo để mặc thì rẻ hơn 2 đến 3 lần số tiền công ngồi dệt một sản phẩm truyền thống. Bởi lẽ đó mà  nhiều người không mặn mà nghề dệt, nhiều em gái lớn lên không muốn học dệt vải.

Hiện nay, trên địa bàn 2 xã đồng bào dân tộc Bana ở Hoài Ân còn khoảng 80 hộ có người biết dệt và có dụng cụ dệt thổ cẩm, tập trung nhiều nhất ở làng văn hóa T2 (Bok Tới) và làng văn hóa O6 (Đak Mang). Trong số đó có nhiều chị làm được sản phẩm không những phục vụ cho nhu cầu gia đình, bà con trong làng mà còn đem bán, trao đổi với các vùng khác được tín nhiệm như chị Đinh Thị Sơn, Đinh Thị Kép, Đinh Mí Vườn ở Bok Tới; chị Đinh Thị Nhét, Đinh Mí Đường ở Đak Mang… Theo các chị, dệt hoàn thành 1 bộ váy áo bằng sợi chỉ truyền thống mất 10 đến 15 ngày (không kể công tìm sợi nhuộm màu), bán ra với giá từ 450.000đ đến 500.000đ; còn nếu dùng sợi chỉ tổng hợp thì có giá chỉ từ 300.000đ đến 350.000đ. Việc sản xuất chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình nhỏ lẻ, nơi tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên việc phát triển nghề dệt thổ cẩm ở đây rất khó khăn, thiếu tính bền vững.

Trong những năm qua, huyện Hoài Ân đã có những động thái tích cực nhằm khuyến khích khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số như tổ chức hội thi khéo tay trong các ngày hội VHTT miền núi, ngày hội của từng làng, khuyến khích chị em mặc trang phục trong các ngày lễ, tết… Song, việc đó chỉ dừng ở mức tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tạm thời để giữ nghề chứ chưa có định hướng cụ thể cho sự phát triển của nghề.

Thiết nghĩ, sản phẩm làm ra từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh nói chung và của người Bana Hoài Ân nói riêng không  chỉ có giá trị về mặt bảo tồn văn hóa mà còn có giá trị kinh tế cần được xem là một loại hàng hóa đặc sắc, để có chính sách bảo trợ, tạo điều kiện để người làm ra sản phẩm bán được sản phẩm và có thu nhập.

Được biết, hiện nay các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh đang đầu tư xây dựng tổ, nhóm dệt và dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số; sản phẩm họ làm ra có nơi bao tiêu, buôn bán trao đổi thuận lợi; mong sao ở vùng đồng bào Bana Hoài Ân cũng sớm có được mô hình tương tự để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo công ăn việc làm, góp phần cho phụ nữ các xã vùng cao phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

  • Võ Chí Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)