BẤT CẬP MÔ HÌNH QUẢN LÝ Y TẾ TUYẾN CƠ SỞ
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!
8:50', 15/4/ 2008 (GMT+7)

Phòng y tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, thậm chí UBND xã đều “nhìn nhau” để chỉ đạo, kết quả trạm y tế lãnh đủ.

* Chỉ đạo chuyên môn: bốn cơ quan!

Quay trở lại huyện Tây Sơn, địa phương này có đặc thù là sự cần thiết phải thành lập BVĐK Khu vực Phú Phong để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân một số huyện phụ cận và các tỉnh Tây Nguyên. Cũng vì lý do này, Tây Sơn là huyện duy nhất trong tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ mô hình quản lý y tế tuyến cơ sở theo Nghị định 172 và Thông tư 11, bao gồm: Phòng Y tế huyện Tây Sơn, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, BVĐK Khu vực Phú Phong và UBND các xã. Ngay lập tức, trạm y tế xã chịu sự lãnh đạo của bốn cơ quan.

 

Sau khi tách ra mô hình, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Tây Sơn thiếu thốn cả về nhân lực... Ảnh: Thu Hiền
 

Thực chất, quan hệ giữa trạm y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng và bệnh viện là phối hợp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mối quan hệ này chưa chặt chẽ và nhất quán. Trước đây, khi chưa chia tách, trung tâm y tế là một khối thống nhất, trong đó có sự chỉ đạo và thực hiện các mảng: điều trị, dự phòng, quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Các khoa, phòng, đội, trạm đều thuộc trung tâm nên có sự phối hợp nhịp nhàng trong công việc và sự tăng cường, hỗ trợ về chuyên môn, nhân lực. Còn bây giờ, các đơn vị đứng độc lập, lại do biên chế có hạn nên việc hỗ trợ nhau rất khó, nhất là đội ngũ bác sĩ. Trung tâm Y tế Dự phòng huyện muốn chỉ đạo chuyên môn xuống các trạm y tế xã thì buộc phải thông qua Phòng Y tế, thậm chí là UBND xã nên rất phiền hà. 60-70% khối lượng công việc do trung tâm phối hợp với trạm y tế thực hiện nhưng trên thực tế, vai trò thể hiện bị hạn chế nên không thể đầu tư nhiều xuống tuyến y tế cơ sở được. Trong khi đó, bệnh viện tuyến huyện phần thiếu nhân lực nên cũng bắt đầu xao lãng nhiệm vụ chỉ đạo tuyến.

Chỉ riêng việc báo cáo hoạt động hàng tháng của trạm hay thực hiện các chương trình, chiến dịch, trước kia trạm chỉ báo cáo cho một đầu mối là Trung tâm Y tế huyện, còn nay phải chia ra làm bốn, đến nỗi một nhân viên y tế lắc đầu “chưa có năm nào mà công văn, giấy tờ nhiều như năm 2007 và báo cáo thì đúng là kính thưa các loại…”. Tất nhiên, các báo cáo của trạm lên lãnh đạo cấp trên cũng rơi vào tình trạng chậm chạp, trễ nãi.

Còn chuyện đơn giản nhưng cũng khôi hài nhất là đi họp. Phòng Y tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế Dự phòng và UBND xã cùng phát giấy mời một lúc. Vậy là, nhân viên của trạm phải chia nhau đi họp, kết quả, trạm y tế đóng cửa vì… không có người trực.

 

* “Nhìn nhau” chỉ đạo

Dù lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng, dù phòng hay bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng đều cùng một “mẹ” tách ra nên việc phối hợp không có gì vướng mắc nhưng thực tế, hoạt động trong thời gian qua của trạm y tế xã đã bộc lộ nhiều rối rắm.

Khi có bất kỳ một văn bản chỉ đạo chuyên môn của Sở Y tế ban hành xuống thì cả phòng y tế lẫn bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng đều “nhìn nhau”, không biết ông nào chỉ đạo ông nào, đặc biệt với mảng dự phòng.

“Theo quy chế, phòng có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chuyên môn của tuyến xã nhưng lại không có con người, ngược lại trung tâm y tế có con người nhưng không có chức năng chỉ đạo mà chỉ là phối hợp nên buộc phải thông qua phòng và UBND xã. Nghĩa là muốn chỉ đạo trạm y tế xã làm gì, các đơn vị phối hợp lại phải chịu khó chạy đường vòng” - bác sĩ Châu Thị Bích Lộc, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Nhơn, cho biết.

Thế mới có chuyện cười ra nước mắt, khi cán bộ y tế trung tâm y tế huyện xuống cơ sở để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh liền bị nhân viên y tế của trạm “đế” ngay một câu chơi khó: “Tui là “lính” của phòng y tế, muốn chỉ đạo phải có ý kiến chỉ đạo mới làm việc được”.

Chính cách chỉ đạo “nhìn nhau” này, nhiều trạm y tế xã phải “tự bơi” để cập nhật các thông tin liên quan đến chuyên môn hoạt động, cản trở đến hoạt động chuyên môn chung. Y sĩ Huỳnh Hồng Vân, phụ trách mảng dược ở trạm y tế phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, kể lại: “Trước đây, còn ở trung tâm y tế, mỗi lần có sự thay đổi trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trung tâm thông báo rất đều đặn. Nhưng từ ngày chia tách, chúng tôi phải tự nghe “lóm”, mày mò, lâu lâu phải tạt qua trung tâm nắm bắt các thông tin nên thường bị lạc hậu. Đơn cử, cuối năm 2007, trong đợt kiểm tra công tác dược, danh mục thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế không có gì thay đổi nên chúng tôi cứ thế thực hiện. Đùng một cái, đầu năm 2008, danh mục này bị thay đổi mà chúng tôi vẫn chưa được cập nhật”.

Trạm y tế xã là cơ quan y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cơ quan chỉ đạo mà không có quy chế phối hợp cụ thể nên các hoạt động của trạm y tế cũng bị ảnh hưởng. Một số trạm hoạt động theo kiểu làm đến đâu hay đến đấy, nhiều chỉ tiêu, chương trình không đạt mục tiêu.

(Còn nữa)

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)