FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008:
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa
8:26', 19/4/ 2008 (GMT+7)

Trong thời điểm công tác chuẩn bị cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đang được tiến hành hết sức khẩn trương, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định về những vấn đề xung quanh Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.

 

Một trong những công việc đang được tiến hành khẩn trương hiện nay là chỉnh trang đô thị Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Thưa Phó Chủ tịch, có một thực tế là hiện nay rất nhiều địa phương trong cả nước tổ chức Festival. Vậy Bình Định tổ chức Festival đơn thuần là theo phong trào hay xuất phát từ mục đích tự thân?

- Đúng là có một thực tế hiện nay nhiều địa phương tổ chức Festival. Tất nhiên, mỗi lễ hội đều có một mục đích riêng. Với Bình Định, tỉnh đã có mong muốn làm Festival từ những năm trước chứ không phải đến nay, thấy nhiều địa phương khác làm thì Bình Định mới làm. Tổ chức Festival, mục tiêu của Bình Định là giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, những thế mạnh của Bình Định để bạn bè trong và ngoài nước hiểu, biết đến Bình Định; qua đó, sẽ có những bước tiến mới trong hợp tác phát triển kinh tế, trong phát triển du lịch; đặc biệt là giới thiệu về văn hóa, về đất nước và con người Bình Định đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Như tôi đã nói, trước đây, Bình Định đã mong muốn tổ chức Festival, nhưng khi đó, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh tế, cũng như khả năng tổ chức lễ hội lớn chưa đảm bảo, nên cần có thêm thời gian để chuẩn bị. Năm 2006 vừa rồi, Bình Định đã tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ I. Đây được xem như một “tiền Festival” nhằm tìm hiểu khả năng thu hút của Bình Định như thế nào. Kết quả là “phép thử” đó đã rất thành công.

Trên cơ sở đó, cộng với việc đã có một thời gian chuẩn bị khá dài, nhận thấy đã đủ khả năng, nên năm 2008 này, Bình Định quyết tâm tổ chức Festival Tây Sơn- Bình Định 2008. Như vậy, Festival Tây Sơn - Bình Định tổ chức lần này là đáp ứng mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định; qua đó, thể hiện khát vọng hội nhập của Bình Định, đúng như chủ đề của Festival là “Hội tụ và phát triển”. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới thiệu về Bình Định, hiện đã được đưa vào Vùng Trọng điểm kinh tế miền Trung và tuyến du lịch trọng điểm quốc gia; đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Những thế mạnh đó, nếu không giới thiệu, không quảng bá, thì sẽ rất khó trong thu hút đầu tư, cũng như khó để bạn bè biết đến Bình Định.

* Như vậy, đâu là nét riêng của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 so với các Festival khác trong nước, thưa Phó Chủ tịch? 

- Festival lần này sẽ mang đậm dấu ấn riêng của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa. Đó là những trầm tích văn hóa kết tụ trong tuồng, võ, rồi văn hóa Chăm trên đất Bình Định...

Phải nói rằng, màu sắc văn hóa của Bình Định là rất phong phú. Chúng tôi đã xác định là nếu Bình Định làm Festival mà không dựa trên nền tảng văn hóa, thì Festival Bình Định sẽ không có nét đặc sắc và riêng biệt, nhất là khi so với các Festival của Nha Trang hay Vũng Tàu...

* Điều nhiều người rất tâm đắc chính là chủ đề của Festival lần này là “Hội tụ và phát triển”. Hội tụ chứ không phải là hội nhập. Phó Chủ tịch có thể nói thêm điều gì về chủ đề này?

- Khi tìm chủ đề cho Festival, chúng tôi cũng thấy rất trăn trở. Và rồi, xuất phát từ mục đích tổ chức Festival, cũng như nhận thấy đây là cơ hội để mời gọi bạn bè trong nước, quốc tế đến với Bình Định; để vừa giới thiệu được mình, vừa tìm hiểu, nghiên cứu những kinh nghiệm của bạn bè để hợp tác, phát triển, nên chúng tôi quyết định chọn chủ đề của Festival năm nay là “Hội tụ và phát triển”.

Cũng cần nói thêm là khi chọn chủ đề này, chúng tôi đã được gợi ý từ hai chữ Quy Nhơn và Nhơn Hội, cả hai đều mang nét nghĩa của sự quy tụ con người. Trong hội tụ như vậy là đã có hội nhập, và hội tụ mới có sự phát triển nhanh hơn. Ngay Hoàng đế Quang Trung cũng có buổi đầu tụ nghĩa để phát triển phong trào là vậy. Bởi vậy, khi vừa đề ra, ý tưởng này đã được chọn ngay và qua tham khảo ý kiến, người dân cũng rất đồng tình với chủ đề này.   

* Một điều rất đặc sắc của Festival lần này là kinh phí tổ chức gần như được xã hội hóa. Đây có lẽ là một trong những Festival lớn, nhưng công tác xã hội hóa lại rất hiệu quả, các doanh nghiệp đóng góp với kinh phí rất lớn. Nếu có một bí quyết nào trong việc vận động các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch có thể chia sẻ?

- Chúng tôi quan niệm, đã là lễ hội thì phải có sự tham gia của cộng đồng. Một lễ hội mà cộng đồng tham gia nhiều, họ thấy đây là công việc của họ, họ thấy có họ trong đó và họ cùng chung tay, thì sẽ là một lễ hội thành công. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đã công khai mục đích, nội dung, kịch bản Festival và hướng đến những người có khả năng. Và bước đầu, công tác vận động đã gặt hái thành công. Đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã hứa sẽ đóng góp 18 tỉ đồng; một số doanh nhân là người Bình Định nay đang sống ở các địa phương khác cũng hứa tài trợ với kinh phí lớn. Mà không chỉ hỗ trợ về vật chất, một số đơn vị cũng có những hình thức đóng góp khác, đa dạng, cả về tinh thần lẫn vật chất…

Có lẽ, việc vận động đạt hiệu quả như vậy là bởi Festival được tổ chức với mục đích rõ ràng và mục đích đó được người dân Bình Định đồng tình; nội dung của Festival phong phú và hấp dẫn. Các doanh nghiệp thấy họ có lợi ích chung trong đó, tức là được thể hiện, được có những cơ hội tiếp xúc. Bản thân họ cũng tự hào mình là người Bình Định, nên rất muốn đóng góp vào thành công chung. Ngoài ra, ngay những người con quê Bình Định nay thành đạt ở nơi khác, nhưng cũng đã rất gắn bó và tự hào với quê hương, nên khi được giới thiệu về Festival, họ sẵn sàng tham gia đóng góp.

* Đến nay, công tác chuẩn bị cho Festival vẫn còn điều gì khiến Phó Chủ tịch và Ban tổ chức lưu tâm nhất? 

- Rất nhiều công việc trong công tác chuẩn bị vẫn còn rất bề bộn. Đáng lưu ý là tiến độ các công trình phục vụ Festival. Vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã chỉ đạo là các công trình này phải hoàn thành trước ngày 15.7. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, tuyên truyền về Festival. Ngoài ra, vẫn phải tiếp tục hoàn chỉnh các kịch bản, chuẩn bị tập luyện các chương trình.

Cũng nói thêm là thời gian tập luyện cho các chương trình biểu diễn trong Festival rơi vào dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên, nên việc huy động lực lượng có lẽ sẽ khó khăn. Một vấn đề khác cần chuẩn bị là chỗ lưu trú cho du khách. Festival lần này dự kiến là sẽ có rất đông du khách về tham dự, trong khi số chỗ lưu trú hiện có chưa đáp ứng đủ, nên sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động thêm nguồn lực này ở cả các đơn vị và cá nhân… 

* Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)