Mới đây, trong chuyến du xuân chùa Ông Núi, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có rủ tôi lại quán đặc sản biển của người cháu ở “Ngã ba Đông Dương” (Cát Tiến) ăn cá. Ông bảo, cá Vũng (Nhơn Lý) qua, ngon lắm. Tôi “ô-kê”â nhưng cười cười nghĩ bụng, cái ông này yêu quê đến cọng rác cũng yêu. Nhưng, khi đã được ăn con mú ngon… chưa từng gặp, tôi “tâm phục, khẩu phục”! Vì sao cá Nhơn Lý ngon đến vậy?
|
Biển Nhơn Lý nhiều gành, nhiều đảo là nơi cư trú của vô vàn cá loài nhỏ ăn các thứ rong, tảo. Ảnh: L.H.L |
Cá Vũng đã có thương hiệu lâu lắm rồi, có thể, ngay từ đầu thế kỷ 19, khi “trời” lấp cửa Cách Thử. Cái thời sinh mạng ngư dân chỉ mỏng manh như cái nan tre, thời ghe chèo, ghe buồm đi từ đảo Triều Châu vô Quy Nhơn phải mất 5- 10 giờ. Ngay thời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ bến đò Khe Đá (Nhơn Hội) chèo vào cũng ngần ấy thời gian, huống chi từ Phước Hải, Phước Châu vào. Núi cát nối Nhơn Lý với Phù Cát là “con đường tơ lụa” cho vận chuyển cá thuận lợi nhất. Dĩ nhiên, chỉ bằng cách gánh bộ suốt đêm để kịp sáng ngày cá có mặt ở các chợ Cát Chánh, Phù Cát, Tuy Phước rồi lên tận Bình Định, An Thái…
Nhơn Lý bấy giờ có nhiều lò kho (kiểu cá trụng bây giờ). Thời này, chưa có đá ướp lạnh. Trừ vài loại đặc biệt, hầu hết cá trụng lúc ấy, đều cắt bỏ đầu cho gánh được nhiều. Người buôn cá chủ yếu là các nghệ sĩ hát bội. Họ qua hát Vũng được ăn ngon, tiền thưởng cao lại thầu cá trụng, thuê người gánh về các chợ xa bán kiếm lời. Tin nhau lắm, cứ gánh bán mươi bữa, nửa tháng rồi gom tiền trả. Những nghệ sĩ hát bội không quên mang theo nhiều rượu An Thái (Bàu Đá bây giờ) qua trao đổi, dân Vũng ghiền loại rượu là thứ “chất đốt” đúng nghĩa này. Nhất cử lưỡng… tam tiện nên hát Vũng, cá Vũng luôn song hành và từ lâu nổi tiếng.
Cá trụng Nhơn Lý còn theo xe, vượt đèo An Khê, ngược xa về miền cao. Cái tiếng cá Vũng thời này ngon hương vị đã đành, nó còn nổi tiếng chủ yếu là thuận đường và đến được nhiều nơi. Sau này khi có ghe máy, cá gánh bộ qua núi cát đã thay bằng đường thủy, nhanh chóng cập bến Quy Nhơn. Dù luôn có cá Nhơn Hải, Khu 2, Bãi Xép… cá Vũng vẫn cứ được dùng làm câu mời chào của mấy bà bán cá các chợ. Bởi nó vẫn thực sự ngon hơn.
* “Mua đi, cá Vũng ngon lắm!”
Chị Hường, ở số 6, đường Nguyễn Biểu, TP Quy Nhơn- người con dâu Nhơn Lý chuyên mua cá Vũng. Chị đã thành bạn hàng quen thuộc, uy tín của các chị Phương, chị Phúc- 2 người bán cá Nhơn Lý ở chợ Sân Bay. Cá tươi rói, nhưng của địa bàn khác bao giờ cũng thấp giá hơn. Người sành ăn, thời đời sống đã khá lên bây giờ luôn sẵn lòng mua con cá mắc hơn năm, ba ngàn, miễn ngon. Những người bán cá Vũng thường giữ uy tín với khách hàng quen. Thỉnh thoảng các hàng bên cạnh gửi cá qua để bán được nhanh hơn (phần cao giá người được nhờ bán hưởng). Nhưng gặp khách quen, uy tín (không hề mặc cả), các chị này khẽ ra dấu kín đáo rằng đây là cá “dỏm”, dù rất tươi. Thương hiệu cá đã kèm theo thương hiệu… người bán cá!
Cá Nhơn Lý chỉ có ở các chợ: chợ Đầm, chợ Sân Bay và chợ Lớn trước đây. Vì giá cao nên cá ngon này chỉ tập trung ở các chợ lắm người mua giàu có. Muốn mua được cá Nhơn Lý, không nên đi chợ sau 8-9 giờ. Khi cầu Thị Nại xây xong, 6 giờ rưỡi sáng đã có cá ngon. Nhiều khi con Mú, con Hồng câu đêm, hay con Dò, con Dìa đóng lưới giấc rạng đông còn ngáp ngáp. “Mua đi chị, cá Vũng ngon lắm!” Không cần lời mời chào này, nhìn những con cá gành tươi rói đã bảo đảm cho chất lượng cá.
|
Cá Nhơn Lý được bán ở chợ Sân Bay. Ảnh: L.H.L |
* Nghề đánh bắt cá gành
Từ lâu mọi người đều biết, cũng một loài cá nhưng vùng biển này ngon hơn vùng biển kia. Bình Định có những vùng biển cá ngon như Đề Gi, An Dũ… Cá Nhơn Lý cũng vậy. Đặc điểm của vùng biển này là có nhiều đảo: hòn Sẹo, hòn Cỏ, hòn Cân, nhiều rạng biển. Những rạng đá ngầm luôn là nơi cư trú của vô vàn cá loài nhỏ ăn các thứ rong, tảo. Mùa tháng 7 biển yên, bạn thử lặn xuống nhìn các rạng ngầm sẽ thấy hàng vạn con cá nhỏ quẩn quanh trên bạt ngàn rong xanh dập dờn theo sóng. Nhẹ như ngút ngát xanh rừng.
Những mớ cá Sơn thịt dày, đặc, vớt về nấu ngổ và mấy lát thơm là món ngon tuyệt hảo, người sành ăn không thể bỏ qua. Mùa có rong mứt, cá Sơn thịt càng ngon. Cá Vũng ngon trước hết phải nhờ từ nguồn thức ăn đầy dưỡng chất và phong phú của hệ thống rạng đá. Từ vũng Nồm ra đến hòn Sẹo gần như là mạch đá ngầm tiếp nối, chỉ có ghe nhỏ lại qua. Xa hơn, từ Sẹo ra Cân ra Cỏ cũng nối tiếp và có luồng đứt gãy vỉa ngầm. Điều kiện tự nhiên này khiến cá gành luôn đông đúc và ngon, nhiều chủng loại. Có thể kể tên những danh ngư: cá Tà ma, cá Mú bông, Mú đỏ, cá Hồng, cá Mím, cá Dò, cá Dìa, cá Phèn sa, cá Chìa…
Theo anh Võ Ngọc Công (Lý Chánh, Nhơn Lý)- chuyên gia đánh bắt cá gành- khai thác loài cá chỉ quẩn quanh bên các rạng đá không dễ. Anh là người thông thạo từng hang hóc ngầm, từng vùng riêng của các loài. Muốn ngày mai làm giỗ món hấp, hay nướng, hay kho, anh chọn từng nơi để thả lưới. Thường là lưới 3 màn, có thể bắt được cá từ nửa lạng đến 5- 7 ký. Năm giờ chiều đã bủa xong lưới, dằn đá cách rạng một vài mét. Tới giờ, cá có thể bơi xa ra ngoài hang hốc chút đỉnh là mắc lưới. Dĩ nhiên, phải trả giá là lưới thường mắc đá ngầm, vì sóng dạt và rách nhiều hơn đánh vùng cát. 5 giờ sáng ra thu lưới, lên xe vào tới Quy Nhơn cá vẫn còn tươi xanh là cái chắc.
Anh Ngô Đình Nhi, người chuyên đánh cá gành cho biết: “Mỗi chuyến phí tổn cả lưới là 50.000 đồng. Thu bình quân, từ mùa yên đến mùa động là 300 ngàn đồng mỗi tối ra nghề. Cũng là khá. Nên nhiều ngư bạn làm nghề xa bờ nhiều rủi ro đã trở về sắm nghề làm cá gành…”.
* Thương hiệu cá Nhơn Lý- sao không?
Cần nhắc lại rằng, cá Nhơn Lý ngon chủ yếu là cá gành với những “địa lợi” đã nêu trên. Cá gành thường đánh được không nhiều nên càng có giá trị. Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay: khi mà “cây cầu thế kỷ” nối vùng biển đảo với Quy Nhơn chỉ mấy chục phút đi xe máy; khi mà vùng bán đảo nối dài đến các khu du lịch Cát Tiến, Cát Hải; khi cơ hội để các nhà đầu tư và du khách quan tâm đến Quy Nhơn- Bình Định ngày càng nhiều… sao chúng ta không bắt đầu xây dựng và quảng bá thương hiệu vốn đã có là cá Nhơn Lý? Phú Yên có ghẹ Sông Cầu, cá Ngựa, cua Huỳnh Đế… Quảng Ngãi khiêm tốn cũng có được cá bống Sông Trà… Chúng ta quá đủ niềm tin để tự hào xây dựng thương hiệu cá Nhơn Lý! Cách làm thế nào cho hiệu quả xin dành những chuyên gia chức năng.
* Thay lời kết
Hiện nay, cá hòn Cỏ, hòn Cân đang bị đánh bắt trộm bằng thuốc nổ, thuốc mê… bởi những người từ Nhơn Hải, Phú Yên, Khánh Hòa tới. Đồn biên phòng 320, đội Bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm du kích và một vài ngư dân của UBND xã chưa thể hạn chế nổi những cuộc “đột kích” chuyên nghiệp của những “ngư tặc” từ xa này. Bí thư chi bộ thôn Lý Chánh- ông Võ Ngọc Thành- bất lực bảo: “Dù địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng luôn… thất bại, nên vùng tài nguyên quý giá này vẫn đang… bỏ ngỏ”…
Mong sao các ngành chức năng vào cuộc để có những giải pháp hữu hiệu hơn bảo vệ nguồn lợi, không chỉ có ý nghĩa kinh tế này!
|