Tôi sống hết mình với phần còn lại…
9:49', 26/4/ 2008 (GMT+7)

Có gặp anh mới thấy cuộc sống của một người khuyết tật vất vả, khó khăn như thế nào. Nhìn anh lao động mới thấy nghị lực vươn lên đầy quyết tâm, đầy khát khao của người thương binh  hạng 1/4.  Anh là Huỳnh Xuân Hảo, 49 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn.

 

Vợ chồng họ lúc nào cũng bên nhau. Ảnh: Q.H

 

* Nhập ngũ và được điều qua làm nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Rồi đạn pháo địch làm cho bị thương, vết thương phá hủy cột sống, cơ thể anh biến dạng, hai chân teo tóp… Năm ấy, anh vẫn còn ở tuổi 20?

- Chiến trường lúc ấy khốc liệt quá, các chiến sĩ cùng đơn vị lớp hy sinh, lớp bị thương rất nhiều trong đó nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Rơi vào trường hợp ấy, một người lính mới trải qua vài trận đánh như tôi, không khỏi có những đau khổ, nuối tiếc, thậm chí bi quan… nhưng rồi, tôi đều cố gắng vượt qua. Sau khi bị thương, tôi được đưa về nước, được điều trị vết thương và an dưỡng tại nhiều nơi. Cuối cùng, tôi được chuyển về sống tại Khu điều dưỡng thương binh nặng Kim Châu (An Nhơn, Bình Định) và sống ở đó hơn 10 năm.

Ở đây, tôi được hưởng chế độ thương bệnh binh cao nhất, mỗi tháng được nhận lương 44 đồng (thương binh ¼, vết thương đặc biệt). Vào thời đó, Khu điều dưỡng thương binh nặng Kim Châu có đến 200 thương binh- thuộc đủ các thế hệ, tình trạng thương tật cũng đa dạng lắm. Cuộc sống ở trại, ban đầu còn buồn tẻ, tôi thường đẩy xe ra ngoài nhà dân chơi cho khuây khỏa. Sau rồi, lãnh đạo trại triển khai dạy nghề đan mây xuất khẩu cho trại viên. Tùy theo tình trạng bệnh tật, trại viên có thể tham gia học nghề và làm ra sản phẩm. Có việc làm, tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hẳn lên.

Tuy là thương binh nặng, nhưng mỗi ngày tôi đều cố gắng đan cho được 1 cái rổ mây, được hưởng thù lao 5 đồng/cái (lúc đó, tương đương với nửa kg gạo). Tôi vui lắm, vì  thấy mình không còn là “đồ bỏ”,  chưa giúp được gì cho xã hội mà ít ra cũng đã tự sống được và giúp được phần nào cho vợ, cho con…

* Anh đã có một gia đình hạnh phúc. Nhưng để có hạnh phúc, đối với anh cũng thật gian truân?

- Tôi lấy vợ trước khi vào quân ngũ. Cưới nhau được ít ngày thì lên đường ra trận. Khi tàn phế trở về thì con gái đã cất tiếng khóc chào đời. Nhìn người vợ trẻ còn hơ hớ tuổi xuân (chị Phạm Thị Sương, lúc đó mới 20 tuổi) và đứa con thơ đỏ hỏn… tôi thật hạnh phúc, nhưng đau xót lắm! Tàn phế thế này, làm sao có thể giúp được gì cho vợ, con. Rồi lại làm cho họ thêm gánh nặng. Sĩ diện của thằng đàn ông khiến tôi cứ nghĩ quẩn như vậy nên quyết định… chia tay vợ. Những lần cô ấy lên thăm, tôi đều nói phải quấy với cô ấy, cố phân tích cho cô ấy hiểu, gắn bó đời mình với kẻ tàn phế như tôi, cô ấy sẽ khổ suốt đời…

Nhưng, cô ấy nhất định không chịu “bỏ”. Sau đó, tôi đã phải “vào vai” một anh chồng vũ phu, vờ như chán đời, bi quan, bất mãn luôn chửi mắng, cục cằn với vợ. Gia đình, hàng xóm, họ hàng…  đều khuyên can cô ấy cắt đứt với người chồng đã phế nhân lại mất hết tình người ấy đi, nhưng cô ấy nhất định không nghe, cứ một mực “có chết cùng chết, có khổ cùng khổ. Có chồng thương binh còn hơn bất nghĩa với chồng…”. Cuối cùng thì tôi đành chịu thua!

Năm 1984, chúng tôi xin Ủy ban xã cấp đất, Hợp tác xã giúp gạch ngói, anh em, hàng xóm giúp công, cất được mái nhà riêng khoảng 20 m2. Năm 1990, khi Nhà nước có chính sách cho thương binh nặng về với gia đình, tôi đã quyết định về chung sống cùng “bà xã”.

 

Sức khỏe giảm sút, anh Hảo lại chuyển qua nghề cắt, sửa cây cảnh. Ảnh: Q.H

 

Kể lại thì khó nói hết được, nhưng có những giai đoạn cuộc sống của chúng tôi đã hết sức khó khăn. Vợ tôi vừa làm ruộng, vừa tranh thủ lúc nông nhàn đi lấy củi, làm công cho người ta… Nhìn vợ tất tả “nửa đêm, gà gáy” tôi xót xa lắm. Tôi sắm tủ thuốc lá ngồi bán. Mua sách về học chăn nuôi. Có chút ít kiến thức về nghề sửa máy may, máy vắt sổ, tôi quyết định hành nghề…

Công việc sửa máy may khá nặng. Đối với người phải nằm trên xe đẩy như tôi, để xoay trở, tháo, lắp từng cái ốc, con vít, cân chỉ cho chính xác thật không dễ dàng chút nào. Không xoay trở, đi lại được, tôi phải tập thuận cả hai tay, nhờ thế mà, một lúc mở được luôn cả hai con vít…

Anh Hảo khoe, nghề sửa máy may của anh rất “đắt hàng”. Mỗi ngày, đêm (do vợ đổ bệnh, anh đã cố gắng làm cả ban đêm để có tiền thuốc thang cho vợ) anh kiếm được 16.000 đồng. Hồi đó, số tiền này là lớn lắm. Thế nhưng, tiền thuốc của vợ anh lại mất đến 25.000 đồng/ngày…

* Hình như “ông trời” muốn đưa anh đến tận cùng khổ đau để thử lòng can đảm?

- Tôi cũng đã nghĩ như vậy! Vợ tôi bị bệnh khớp, rồi chuyển qua tim, thần kinh, đau thận… phải nằm một chỗ. Con gái tôi, học hết lớp 6, phải bỏ học giữa chừng. Cuộc sống lúc đó thật bi đát. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng đêm nào tôi cũng phải làm việc đến tận nửa đêm, đặng còn canh chừng cho vợ. Tôi cột sợi dây vào chân cô con gái, lúc nào thấy vợ ngớp ngớp, khó thở là giật dây, đánh thức con gái dậy để nó chạy đi kêu y tá đến chích thuốc cho má... Giai đoạn này, do phải lao động cật lực, sức khỏe của tôi xuống rất nhanh. Thời gian sau, thấy không còn đủ sự tinh anh để đeo đuổi nghề sửa máy may, đòi hỏi phải có kỹ thuật và tính chính xác, tôi chuyển qua làm nghề đúc chậu và sửa cây kiểng...

Trong vườn nhà anh Hảo có đến vài chục chậu sanh, ít chục chậu mai, me, khế, bồ đề… Nhiều chậu cây có thâm niên dễ đến trên 20 năm, gốc to, thế đẹp nhưng đều có một điểm chung là dáng lùn hoặc trung. Khi chúng tôi nhận xét về đặc điểm này, anh Hảo cười: Chủ của cây chăm sóc nó trong tư thế nằm, ngồi thì làm sao nó có thể cao lên được…

* Thất vọng ngay ở tuổi 20, nhưng rồi gần 50 tuổi, anh lại trở thành một ông chủ (ít ra cũng là chủ của một vườn cây cảnh mà theo anh nói, buổi sáng có người vào đòi mua 3 cây sanh với giá 36 triệu đồng, nhưng anh chưa muốn bán) và có một gia đình thật đầm ấm, hạnh phúc. Anh có thể nghiệm ra điều gì từ cuộc đời của mình?

- Tôi đã sống cho ra sống bằng chính phần còn lại của cơ thể mình. Khi còn làm nghề sửa máy may, không đi được, tôi khắc phục khiếm khuyết bằng kỹ thuật, bằng sự cẩn thận, uy tín nên khi đã nghỉ nghề rồi, nhiều người vẫn còn tìm đến tôi. Người lành lặn làm việc gì đó mất một giờ, tôi phải bỏ ra thời gian gấp 5-7 lần, chứ không có nghĩa là không làm được. Cái nào đã mất, thì sẽ không lấy lại được. Ta phải sống với phần còn lại của mình. Sức đến đâu, làm đến đó! Chính với suy nghĩ ấy, tôi đã nỗ lực vươn lên, bằng nghị lực và niềm tin phải sống có ích, sống cho có ý nghĩa (cười). Và, khi đã làm việc thì không còn thời gian đâu để suy nghĩ vẩn vơ, bi quan, than thân trách phận…

 

Họ đã rất vui khi được xem lại ảnh mình. Ảnh: Q.H

 

* Người đời thường nói, “có tật có tài”, hình như anh cũng ở trong trường hợp đó?

- Hoàn cảnh rèn luyện con người đó thôi, chứ có “tật” mà không chịu làm thì có “tài” sao được. Trong lao động, tôi đã lấy khiếm khuyết để bổ khuyết cho mình, làm riết rồi quen tay. Nghề này bổ sung cho nghề kia. Giỏi một nghề, biết nhiều nghề cũng từ chịu khó lao động, rèn luyện mà ra cả…

Chiều chiều. Chị Sương lại đẩy xe đưa chồng ra vườn sửa sang, chăm sóc cây. Nhìn anh dồn hết chút lực tàn, oằn mình, chồm lên cắt tỉa từng nhánh cây trong nỗi đớn đau của thể xác, chúng tôi hiểu hơn ý nghĩa của câu nói “tàn nhưng không phế!”. Vợ chồng họ thật hạnh phúc. Chồng làm, vợ phụ, lúc nào cũng bên nhau…

* Anh còn điều gì ước ao cuối cuộc đời?

- Tôi chẳng mong ước gì hơn. Vợ bớt bệnh. Con gái đã lấy chồng. Các cháu ngoại chăm ngoan, học giỏi. Kinh tế gia đình tương đối thoải mái, hạnh phúc đủ đầy. Với một người khuyết tật như tôi, thật quá tuyệt vời!

* Cám ơn anh, chị về cuộc trò chuyện thật chân tình !

  • Quỳnh Hoa- Hải Yến

(Thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)
Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay  (28/03/2008)
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)