Mười ngày dập dềnh trên sóng nước, sống bằng một nhịp sinh học khác, theo hiệu lệnh và sinh hoạt của quân đội cùng điệp khúc lên boong xuống buồng… để được đặt chân lên 3 đảo nổi, 3 đảo chìm (trong tổng số 21 đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa đang được Việt Nam đóng giữ) và nhà giàn DK1, tôi mới cảm nhận được phần nào những gian khó, hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió…
|
Một góc Trường Sa Lớn. |
Đảo Trường Sa Lớn ở tọa độ 8O38’30’’ độ vĩ Bắc, 111O55’55’’ độ kinh Đông, ngang khoảng vĩ độ với mũi Cà Mau. Đảo nằm ở trung tâm quần đảo cách Cam Ranh khoảng 450 km, cách Vũng Tàu hơn 500 km, có hình dáng gần giống một tam giác vuông. Đây là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Xung quanh đảo có thềm san hô rộng lớn với nhiều loài cá quý có sản lượng lớn như cá ngừ, cá thu, cá mú, tôm hùm và nhiều loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. |
Kỳ 1: Chuyện ghi từ “thủ phủ” Trường Sa
Vậy là bàn chân của tôi đã đặt lên huyện đảo Trường Sa, vùng đất phên giậu đầy sóng gió ở miền cực đông Tổ quốc, sau hai ngày lênh đênh trên biển bằng chiếc tàu kéo của quân chủng Hải quân mang số hiệu HQ 957. Thật khó diễn tả cái cảm giác sung sướng và xúc động sau cuộc hải trình dài trên biển, lăn lóc cùng cơn say sóng, bỗng phát hiện một vệt mỏng nhô lên mặt biển, sáng dần cùng ánh mặt trời và rồi cái sải chân đầu tiên chạm vào mặt đất… Trường Sa! Vâng, chỉ với hai tiếng “Trường Sa” đủ để dâng trào bao cảm xúc trong lòng mỗi người con đất Việt!
Chẳng thế mà những năm gần đây, mỗi năm có hơn chục chuyến tàu mang theo cả nghìn người “tạm biệt” cuộc sống bình thường, vượt qua sóng gió của xấp xỉ nghìn hải lý để đến với các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.
Hạ tuần tháng 4 này, tôi đã ghi tên mình trong số non vạn người đã đến với Trường Sa.
* Rộn rã Trường Sa Lớn
Mang cảm xúc dạt dào như thế, đoàn công tác gồm 61 người của 4 đoàn: Đắc Lắc, Đồng Nai, Cần Thơ và đoàn nhà báo đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn trong niềm vui khôn xiết của quân và dân nơi đây. Riêng đoàn Đắc Lắc mang theo đội văn nghệ 16 người gồm phần lớn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc và hai ca sĩ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng…
Kể từ sau Nghị định 65/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đảo Trường Sa Lớn được nâng lên thành thị trấn huyện lỵ và chính thức trở thành “thủ phủ” của huyện đảo Trường Sa cùng với 2 xã Song Tử Tây và Sinh Tồn. Chào đón đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo, ngoài những nghi thức của hải quân diễn ra ngay trên cầu tàu, đảo Trường Sa Lớn rộn rã hơn với những băng rôn, cờ chuối và sân khấu biểu diễn văn nghệ được chuẩn bị ngay bên sân cột mốc chủ quyền. Trường Sa Lớn chiêu đãi đoàn bữa cơm chiều nên các chiến sĩ hải quân càng rộn ràng hơn với việc lo mổ heo, làm bếp…
|
Tác giả bên cây phong ba trên đảo.
|
Thượng tá Nguyễn Đại Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa báo cáo tình hình công tác xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà nhiệm vụ chính là tổ chức huấn luyện; quan sát máy bay, tàu thủy nước ngoài xâm nhập lãnh hải; tăng gia sản xuất cải thiện đời sống và giúp đỡ các tàu cá đánh bắt xa bờ của dân... Bản báo cáo được trình bày nhanh để sau đó mạnh ai nấy làm những phần việc đã hoạch định của mình. Đoàn văn công triển khai việc giao lưu với các chiến sĩ; các đoàn lo tặng quà, thăm hỏi. Riêng đoàn nhà báo tranh thủ đi một vòng quanh đảo và tìm ra những nhân vật của mình.
Khác với hình dung của tôi, khi còn ở đất liền, đảo Trường Sa Lớn rợp bóng cây xanh dẫu dưới mặt đất, san hô là thành phần chủ yếu. Tôi vốn đam mê cổ thụ song hình như những cổ thụ đẹp, có giá cả trăm triệu đồng ở đất liền mà tôi nhìn thấy chẳng thể sánh cùng vẻ đẹp của nhiều cây phong ba ở quanh đảo. Có lẽ sự oằn mình chịu đựng nắng nôi, sóng gió trong điều kiện dinh dưỡng khắc nghiệt được chắt ra từ đất san hô và nước mặn đã làm nên vẻ đẹp khác thường của những cây phong ba. Ở Trường Sa Lớn, tôi đã bắt gặp những chủng loại cây rất lạ ngoài cây phong ba mà tôi vẫn thường nghe qua lời các bài hát về Trường Sa, như: cây bão táp, cây bàng vuông, cây tra, cây mù u… Những loài cây bóng mát này che chắn cho cuộc sống luôn rộn ràng trên đảo cùng với những bầu, chuối, bí, mướp, rau cải, rau dền, đu đủ, mồng tơi… tạo ra sự cân bằng trong đời sống con người bên cạnh sự xuất hiện của đàn heo; đàn gà, vịt, ngan, ngỗng…
Trung tá Phạm Tuấn Hải, Phân đội trưởng phân đội 2 trong số 3 phân đội hải quân ở Trường Sa Lớn cho biết cuộc sống vật chất ở Trường Sa Lớn giờ đã tốt hơn lên rất nhiều. Các chiến sĩ ngoài thời gian huấn luyện và làm nhiệm vụ đã tăng gia sản xuất trồng rau quả và chăn nuôi gia cầm. Mỗi ngày, Trường Sa Lớn được thắp sáng bằng điện máy nổ từ 18 giờ 30 đến 22 giờ. Các phân đôïi và cả nhà dân đều có TV bắt được sóng của VTV. Vừa qua, đoàn đại biểu của TP Hồ Chí Minh ra thăm đã tặng cho Trường Sa Lớn 3 chiếc quạt gió làm phong điện và 2 pin sử dụng năng lượng mặt trời… Nguồn điện ở đây rồi sẽ được cải thiện!
Ngoài ra, qua các chuyến viếng thăm, các địa phương ở đất liền cũng đã tặng cho Trường Sa Lớn một số dàn karaoke, phòng tập đa năng với đủ các thiết bị…
* Người Bình Định ở Trường Sa
Chẳng phải chỉ có ở Trường Sa Lớn, mà trong suốt hành trình thăm đảo, hễ đặt chân đến bất cứ đâu, câu hỏi không thể thiếu của tôi với các chỉ huy đảo là có ai là người Bình Định sống trên đảo này không? Ở Trường Sa Lớn tôi đã nhận cái lắc đầu của Chủ tịch thị trấn Nguyễn Đại Dương vậy mà cuối cùng tôi đã tìm thấy ở đây một chiến sĩ và một tổ ấm gia đình là dân Bình Định gốc. Người lính hải quân ấy là binh nhì Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1987 ở Phân đội 3. Tôi tình cờ gặp Huy trong lúc lang thang ngắm cảnh trên đường băng và Huy nhận ra tôi qua giọng nẫu! Huy bảo: “Mẹ em họ Văn, một giòng họ lớn ở Phù Mỹ. Tên đầy đủ của bà là Văn Thị Bè. Ba là tài xế xe tải, sau khi cưới đã mang mẹ về Cam Thịnh Đông thuộc huyện Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp và từ đó quê ngoại của em chỉ còn là những chuyến về thăm… Nhưng em vẫn luôn tự hào là con dân Bình Định”.
|
Gia đình Võ Văn Trường.
|
Huy đang học ngành cơ khí của Trường trung học kỹ thuật Nha Trang thì xung phong vào bộ đội hải quân và sau thời gian huấn luyện ba tháng anh đã được điều về Trường Sa từ đầu năm 2008. “Lúc đầu em thấy rất buồn vì nhớ nhà, nhớ quê nhưng giờ thì đã quen. Nhờ mạng Viettel phủ sóng qua đảo, thỉnh thoảng ba mẹ và các anh chị vẫn điện ra thăm hỏi, động viên em nỗ lực phấn đấu”, Huy tâm sự.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi với vợ chồng Võ Văn Trường và Nguyễn Thị Hạnh quả như một cơ duyên. Buổi tối ở bãi sân cột mốc chủ quyền, khi Đoàn văn công Đắc Lắc đang chuẩn bị giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Trường Sa thì tôi gặp đôi vợ chồng cùng 2 đứa con của Trường khi họ đang loay hoay kiếm chỗ ngồi thuận tiện. Tôi mở miệng hỏi chuyện thì Trường đã bật nói: “Em là dân Bình Định đây, vợ em cũng là dân Bình Định nữa!”.
Chúng tôi kéo nhau về nhà Trường. Gia đình Trường là một trong những hộ cư dân ở Trường Sa. Trường cho biết, năm nay anh 35 tuổi là con ông Võ Đông Sơ thường gọi là ông Ba Phổ ở thôn Thuận Truyền, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, mẹ là bà Dương Thị Trượng ở Phù Mỹ. Còn vợ Trường, Nguyễn Thị Hạnh, là con ông Nguyễn Vĩnh Tường và bà Huỳnh Thị Thiện ở xã Hoài Xuân, Hoài Nhơn. Chị Hạnh kể, ngày chưa lấy chồng chị vẫn hay về Hoài Xuân thăm quê và ở nhà người bác ruột của mình là ông Nguyễn Văn Thừa.
Từng có 3 năm sống trong quân ngũ, trở thành cư dân của đảo Trường Sa, Trường vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc!
Trường tâm sự: “Trước mắt em tình nguyện làm công dân của huyện đảo Trường Sa 5 năm. Em có mẹ và bà nội đang bệnh tật, già yếu. Chắc rằng mẹ và bà không còn có thể nhìn thấy gia đình em ngày trở về đất liền nhưng lòng bọn em đã quyết. Nếu bà hoặc mẹ có mất thì cũng giống như hoàn cảnh của Trung tá Nguyễn Xuân Phùng, Phó chủ tịch thị trấn, em sẽ gạt nước mắt, thắp nén hương với bình hoa ngồng cải lạy bà, lạy mẹ trước bàn thờ trên đảo này! Em hiểu nơi đầu sóng ngọn gió này còn lắm kẻ thù nên cả vợ em, con em đều luôn trong tư thế sẵn sàng cùng với bộ đội trên đảo chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo!”.
Trước lúc chia tay, Trường dặn đi dặn lại, nếu anh viết báo thì nhắn với người thân của em ở Tây Sơn, Bình Định hãy yên lòng, Võ Văn Trường sẽ sống xứng đáng là người dân nơi tuyến đầu Tổ quốc!...
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo |