Đi đến đảo nào vị Đại tá Phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng đoàn công tác đi trên chuyến tàu HQ 957 đợt này, cũng nhắc lại mệnh lệnh: Tất cả các chiến sĩ ở Trường Sa đều phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc!
Có biết bao nhiêu là khó khăn khi phải sống cách biệt giữa muôn trùng sóng nước vậy mà cánh lính đảo chỉ chọn có “hơi thở đất liền” để kiến nghị, đề đạt với thủ trưởng của mình và với “đất liền”...
|
Đảo Đá Tây giao lưu với Đoàn văn công Đăk Lăk. Ảnh: Q.K
|
Trên sơ đồ vẽ hải trình mà đoàn công tác của chúng tôi đi qua có 8 chặng dừng tàu để thăm 3 đảo nổi là Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh và đảo đá chìm là Đá Lát, Đá Tây, Núi Le và nhà giàn DK1 với hải trình tổng cộng hơn 1.100 hải lý. Ngoại trừ “thủ phủ” Trường Sa Lớn cuộc sống có vẻ rộn ràng và “trù phú” nhờ các ưu thế về giếng nước ngọt, đất rộng và được “bồi đắp” nhiều từ đất liền, các công trình đang được xây dựng... các đảo còn lại ở quá xa nhau và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các đảo ở gần nhau nhất cũng có khoảng cách đến 18 hải lý; có đảo ở cách xa đảo cạnh mình đến cả trăm hải lý, chính sự xa cách khiến cho sự hỗ trợ cho nhau cũng chẳng dễ dàng. Tuy nhiên, cái khó chung nhất ở các đảo vẫn là đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, độ mặn của nước biển cao, thiếu thốn nước ngọt dẫn đến thiếu thốn rau xanh nên bữa ăn chính vẫn thường kéo dài trong điệp khúc đồ hộp... Trừ hai đảo nổi Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông được Viettel phủ sóng điện thoại di động, các đảo khác mà chúng tôi đi qua đều chỉ kết nối được với đất liền qua những cánh thư. Có lẽ thế mà mỗi khi cánh nhà báo chúng tôi dừng chân ở đảo nào lại được các chiến sĩ “quá giang” cho một xấp thư để gửi nhanh hơn về đất liền...
Điều mà lúc ở đất liền tôi không thể lường được là ở mỗi đảo mà đoàn công tác dừng chân, chúng tôi có quá ít thời gian để tiếp xúc, trò chuyện với các chiến sĩ. Nơi tôi được dừng chân lâu nhất là Trường Sa Lớn cũng chỉ chừng 8 giờ đồng hồ; các đảo khác chỉ được dừng chân chừng vài mươi phút, phần vì phải bảo đảm theo kế hoạch của hải trình phần phụ thuộc vào thủy triều và sóng gió biển khơi. Trong những chớp nhoáng tiếp xúc ấy, chúng tôi đã ghi lại được những câu chuyện cảm động từ cánh lính đảo...
* Chỉ mong được đón “hơi thở đất liền”
Đó là câu nói của Thượng úy Nguyễn Đức Dân, Đảo trưởng bãi đá chìm Núi Le khi anh được Đại tá Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng đoàn công tác hỏi đảo có kiến nghị gì không? Ở các đảo khác, tuy cánh lính đảo không nói thẳng ra bằng lời như vậy song cứ nhìn vào mắt, vào những cử chỉ mừng vui của họ khi đón đoàn đại biểu đất liền ra thăm cũng sẽ hiểu được họ đã mong mỏi hơi thở của đất liền biết bao nhiêu!
Ở đảo Đá Lát, Đảo trưởng Thượng úy Nguyễn Ngọc Vĩ cho biết, qua đài quan sát chúng tôi đã nhìn thấy tàu của mình từ lúc 1 giờ sáng. Đến 2 giờ chúng tôi đã báo thức và cho anh em treo băng rôn, khẩu hiệu và chuẩn bị mọi thứ để đón đoàn. Tuy nhiên xúc động nhất vẫn là lúc chúng tôi ghé thăm nhà giàn DK1 ở khu Tư Chính.
Sáng hôm ấy đột ngột biển dâng sóng lừng, chúng tôi đã rất cố găéng để xuống xuồng máy và đã tiếp cận đến chân cầu thang nhà giàn. Các chiến sĩ đã y phục chỉnh tề xếp hàng chào đón. Vậy mà những con sóng quá to đã luôn đánh bật điểm tiếp xúc giữa xuồng máy và chiếc cầu thang của nhà giàn... Để bảo đảm an toàn cho cuộc hành trình, Đại tá trưởng đoàn Nguyễn Hữu Vinh đành cho xuồng chở đoàn người về tàu trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của các chiến sĩ. Ngay lúc đó tôi đã nhìn thấy một số chiến sĩ đứng trên nhà giàn bưng mặt khóc... Cả chuyến xuồng của chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Chị Nguyễn Thị Sâm, Chủ tịch công đoàn ngành GTVT của tỉnh Đồng Nai ngồi chung xuồng với tôi đã khóc rưng rức. Trước tình cảm lưu luyến ấy, Đại tá Nguyễn Hữu Vinh đành cho neo tàu thêm vài giờ nữa, chờ biển lặng hơn để thực hiện cho được cuộc giao lưu với các chiến sĩ ở nhà giàn. Ông bảo: “Ở nhà giàn khắêc nghiệt như vậy đấy! Năm ngoái có đoàn ra thăm nhưng vì sóng gió quá to, không tiếp cận được với nhà giàn đành ở trên tàu bắc loa giao lưu, rồi ca hát và tạm biệt...”.
|
Chăm sóc rau ở đảo. Ảnh: Quang Khanh
|
* Để con khóc qua điện thoại nghe cho sướng
Ở Trường Sa Đông, tôi gặp Trung úy Lê Bá Sáu, 31 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Anh Sáu gia nhập quân đội từ tháng 2.1995, công tác ở Đoàn tăng - thiết giáp và từng đóng quân qua các đảo Song Tử, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, An Bang và bây giờ là Trường Sa Đông. Năm 2005, trong một chuyến về phép, gia đình đã chọn vợ cho anh là người cùng huyện và đầu năm này vợ đã sinh con cho anh, anh đặt tên con là Lê Bá Hoàng Hải cũng chỉ vì muốn gắn tên con với biển! Sáu tâm sự: “Kỳ nghỉ phép năm ngoái, sau khi biết chắc vợ đã mang bầu thì tôi trả phép. Vợ sinh con đã 4 tháng rồi mà tôi vẫn chưa biết mặt. May mà Trường Sa Đông đã phủ sóng điện thoại nên thỉnh thoảng lại điện về bảo vợ để con khóc qua điện thoại nghe cho sướng!...”.
Cũng trong tâm trạng ấy, bác sĩ quân y Trung úy Trần Văn Phúc ở đảo Núi Le cũng rất nhớ đứa con tên Trần Thảo Nguyên mới 7 tháng tuổi của mình. Phúc sinh năm 1975, tốt nghiệp Học viện Quân y, lấy vợ cùng ngành y đang công tác ở Viện Nhi Trung ương. “Em tình nguyện đi Trường Sa là muốn mình được thử thách. Dẫu công việc chuyên môn ở đây rất ít nhưng mỗi lần được chữa trị cho các chiến sĩ, cho ngư dân mình em rất vui và tự hào. Đã trụ được ở Trường Sa thì khi trở về phục vụ ở đất liền, dẫu khó khăn cách gì mình cũng sẽ vượt qua được...”, Phúc tâm sự. Rồi chàng bác sĩ trẻ này kể, mới đây anh đã chữa trị cho hai ngư dân bị bệnh ngặt nghèo của tàu đánh bắt xa bờ ở đảo Phú Quý mang số hiệu 8812 là anh Bình bị đau thần kinh tọa và chú Huynh, chủ tàu, bị eczêma... Phúc bảo cho em nhắn với những ngư dân đánh bắt xa bờ, hãy yên tâm ra khơi. Nếu ốm đau thì đảo nào cũng có bác sĩ quân y để lo cứu chữa cho bà con.
Ở đảo Đá Lát tôi lại được nghe kể về cuộc tình lãng mạn của Thiếu úy Vũ Hồng Phương quê Ninh Bình. Sinh năm 1978, song Phương đã có thâm niên làm lính đảo. Từng ở đảo Sinh Tồn 2 năm, đảo Sơn Ca 12 tháng, sang Đá Thị, Đá Đông và giờ về Đá Lát. Qua những cánh thư, tìm bạn, Phương đang yêu một cô gái tên Liên quê ở Hà Tĩnh đã tốt nghiệp trường Cao đẳng du lịch Nha Trang và đang chờ việc. Tuần nào Vũ Hồng Phương cũng viết ít nhất là hai lá thư cho bạn gái dẫu có khi 4-5 tháng mới gởi được một lần!
Với binh nhì Trần Văn Chính quê ở Hải Hậu, Nam Định đang công tác ở Trường Sa Lớn thì việc phục vụ ở đảo Trường Sa là điều đáng tự hào. Tháng 7 này Chính ra quân và sẽ thi vào đại học. Những ngày tháng trong quân ngũ ở Trường Sa ngoài làm nhiệm vụ của một người lính, Chính đã nỗ lực tự ôn tập để luyện thi đại học... Và cũng giống như Trần Văn Chính, binh nhì Trần Đức Huy ở Cam Ranh, Khánh Hòa lại nghĩ về ngày ra quân với việc học nghề sửa chữa điện thoại di động...
Mỗi người lính giữ đảo Trường Sa có một hoàn cảnh, một cuộc đời, một ước mơ... song ở họ có chung một niềm tự hào được đứng nơi tuyến đầu của Tổ quốc làm nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương!
“Đất liền hãy yên tâm và tin tưởng chúng tôi! Chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc là mệnh lệnh!” – Đó là thông điệp chung của người lính đảo dẫu trong cuộc sống đời thường họ vẫn khóc, cười, nhung nhớ...
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa |