Với thâm niên 23 năm làm báo, trên đất nước mình, tôi đã từng có mặt ở vùng cực bắc Đồng Đăng (Lạng Sơn), vùng cực nam Ngọc Hiển (Cà Mau) và từng có 2 chuyến sang Lào, 1 chuyến sang Thái song chẳng có chuyến đi nào để lại trong tôi nhiều xúc cảm như chuyến đi về Trường Sa vào 10 ngày cuối tháng trước; dẫu rằng cũng chẳng có chuyến đi nào khiến tôi mệt nhọc đến như thế!
|
Thả đèn, hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở các nhà giàn khu Tư Chính.
|
* Đất nước rộng dài
Là dân Bình Định, “trấn thủ” giữa khúc ruột miền Trung, thỉnh thoảng được ra Hà Nội hội họp, tập huấn, phải đi tàu lửa, nhanh nhất cũng mất gần trọn ngày đêm. Nằm trên tàu mệt mỏi, tôi vẫn thường lẩm bẩm “dài quá đất nước ơi!”. Thực sự não trạng tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện đất nước mình hẹp bề ngang lại dài bề dọc. Và có lẽ đến giờ vẫn còn không ít người đang nghĩ về đất nước như tôi: theo một lối mòn không tính đến phần “nước”.
Hải trình Trường Sa của tôi bắt đầu từ Bến Nhà Rồng, 8 giờ sáng ngày 20.4. Tàu HQ 957 không đủ giường cho đoàn công tác 61 con người nên buồng số 13 (nằm dưới đáy tàu, phía mũi) của tôi có 3 giường phải chứa 6 người. 3 người nằm trên giường thì 3 người phải chen chúc dưới sàn tàu, vừa ngột ngạt lại vừa chịu tác động của sóng dội vào mạn tàu mạnh nhất. Chính vì vậy tôi đã chọn boong tàu làm nơi ở trong suốt hành trình. Vượt qua 300 hải lý, tàu mới thả neo lần đầu trước đảo Trường Sa Lớn lúc 6 giờ sáng ngày 22.4!
Trong hành trình 2 ngày 2 đêm không ngừng nghỉ ấy, tôi đã hiểu ra đất nước mình rộng lớn hơn nhiều so với sự hình dung trước đó. Vượt qua hàng trăm hải lý, con tàu đi giữa mênh mông biển cả. Có khi đi gần cả ngày trời nhìn ra bốn hướng cũng chỉ thấy nước và nước, chẳng có một vật cản nào trong suốt tầm nhìn. Ngoài những quan hệ, sinh hoạt trên tàu, con người chỉ có sóng, gió, nắng mưa làm nỗi bận tâm. Sống giữa trùng khơi bỗng phát hiện ra lắm điều hay. Bởi chỉ có đứng trên mặt biển mênh mông mới thấy được một lúc cả 5-6 cơn mưa giăng bủa không gian ba chiều; mới thấy được phía trên khoảng mưa giăng còn là ánh sáng chói chang của mặt trời; mới thấy được mặt trời thật gần, mọc trên biển rồi lại lặn xuống biển và mới thấy được sóng biển cũng như khuôn mặt người có biết bao là trạng thái...
Với tôi, dẫu nhiều lúc sóng làm cho say ngất ngư vẫn thấy biển đẹp, biển đáng yêu vô cùng! Biển cả của quê hương! Những ngày dập dềnh trên sóng nước, tôi đã tận mục sở thị từng đàn cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước, những chú hải âu hung hãn săn mồi và từng đàn cá heo lúc lao theo tàu, lúc lại chạy trước mũi xuồng như dẫn đường đưa đoàn công tác vào thăm các đảo...
Thỉnh thoảng tàu lại được thả neo với thời gian dài lúc rạng đông hoặc hoàng hôn, đội phục vụ tàu lại vung cước câu cá. Với những lưỡi câu nhỏ mồi móc là một đoạn mực tươi còn với lưỡi câu lớn hơn mồi móc lại là cả một chú cá chuồn. Những lần câu như thế tàu lại bắt thêm mớ cá hồng, cá mú, cá sọc dưa... Duy chỉ có một lần dừng tàu bên đảo Núi Le, đã câu được con cá mú to đến 25 kg khiến cả tàu rộn ràng và đoàn văn công Đăk Lăk lại châm mồi cho cuộc nhảy múa tưng bừng quanh chú cá...
Nhưng Trường Sa đâu chỉ là những nơi tôi đã đi qua...
Theo bản đồ hải trình của đoàn công tác trên tàu HQ 957, 7 địa điểm mà chúng tôi dừng chân ghé thăm chỉ là một bộ phận của phía nam huyện đảo Trường Sa. Không kể những nhà giàn dựng cách mặt nước biển 15-20 mét tập trung ở vùng Tư Chính nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và quan sát chống xâm nhập, hiện Việt Nam đang đóng giữ 21 đảo nổi và bãi đá ngầm. Tuy nhiên vùng biển đảo giàu tài nguyên này của chúng ta vẫn luôn phải đối mặt trước nguy cơ xâm lấn của nước ngoài...
|
Đảo nổi Trường Sa Đông.
|
* “Đầu sóng ngọn gió”
Dùng câu thành ngữ này để nói về Trường Sa sẽ đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở vùng phên giậu cực đông của Tổ quốc này, trong nhiều năm qua, vẫn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng xâm nhập của tàu cá, tàu thăm dò, thậm chí là máy bay thám thính của nước ngoài. Chính con tàu HQ 957 chở chúng tôi ra Trường Sa, cũng đã từng nhiều lần đứng trong hàng ngũ chống xâm nhập làm nhiệm vụ đẩy đuổi những chiếc tàu không mang quốc tịch Việt Nam ra ngoài lãnh hải và từng húc nhau đến móp méo...
Trường Sa vẫn luôn phải cảnh giác với âm mưu gây hấn và bởi thế các chiến sĩ Trường Sa vẫn phải luôn làm nhiệm vụ ở tuyến đầu! Để có được chủ quyền, trong quá khứ đã có nhiều chiến sĩ hy sinh vì Trường Sa và hiện tại các chiến sĩ đều trong tư thế sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương. Ở đảo Trường Sa Đông, đoàn công tác chúng tôi đã nghiêng mình tưởng niệm trước anh linh các liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, Vương Viết Mão, Nguyễn Văn Thi, các anh đã ngã xuống vì sóng gió trên đường tuần tra. Còn với nhà giàn DK1 ở Tư Chính, đoàn công tác đã trang trọng tổ chức buổi lễ thả đèn, thả vòng hoa tưởng niệm hơn chục liệt sĩ vì không rời nhiệm vụ cả trong điều kiện gió bão gây sụp đổ nhà giàn... Bài phát biểu của Đại tá Nguyễn Hữu Vinh, Phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân tại buổi lễ đã nêu những tấm gương về lòng yêu nước, về những hành động anh hùng của các chiến sĩ chốt giữ nhà giàn trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên gây xúc động mạnh trong lòng mỗi người dự lễ!...
* Trường Sa trong mỗi con người
61 con người trên chuyến tàu HQ 957 đến với Trường Sa vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua là một đoàn công tác trong số hơn chục đoàn công tác đã đến với Trường Sa vào mùa được coi là “sóng yên biển lặng” này. Mỗi đoàn công tác đến với Trường Sa đều có quà của địa phương, quà của đất liền. Quà của đoàn công tác chúng tôi gồm 2 tỉnh Đồng Nai, Đăk Lăk và thành phố Cần Thơ cộng lại là 1.122 triệu đồng, chưa kể hiện vật. Những món quà thiết thực đã giúp cải thiện đời sống của chiến sĩ, cải thiện điều kiện làm việc của chiến sĩ. Song cái mà các chiến sĩ Trường Sa cần hơn cả vẫn là tình cảm của đất liền. Trong đoàn công tác của chúng tôi có những vị là lãnh đạo cấp cao của các tỉnh, thành phố; có người trên 60 tuổi và có những cô ca sĩ, diễn viên múa xinh đẹp chỉ quen với ánh đèn sân khấu, với cuộc sống tiện nghi... Vậy mà họ đã tình nguyện đến với Trường Sa! Chỉ việc ghi tên mình vào danh sách đi Trường Sa cũng có nghĩa là đã chấp nhận sự gian khó có thể đoán biết trước.
Có lẽ vậy mà các cô ca sĩ, diễn viên múa của văn công Đăk Lăk khi ở trên tàu thì say sóng nằm la liệt, thậm chí húp cháo cũng không vào... nhưng khi tàu vừa neo đậu là vùng dậy, tươi tỉnh; và khi bước lên đảo là say sưa hát, say sưa múa... không tiếc cả những nụ hôn dành cho các chiến sĩ trẻ vốn thiếu thốn “hơi thở đất liền”!
Với tôi, chuyến đi Trường Sa đã cho tôi một hình hài cụ thể hơn về lòng yêu nước! Đất nước mình không thể sống tách rời khỏi Trường Sa. Đó là “bầu sữa” cho con cháu mai sau; là “phên giậu” ngăn bước quân thù!
|