Vì những chuyến tàu hạnh phúc
9:20', 10/5/ 2008 (GMT+7)

Ông Phạm Trọng Nhân (quê ở xã Phước Hưng - Tuy Phước), gắn bó với công việc tuần đường suốt 32 năm qua. Ông bước vào nghề ngày 1.12.1976, khi vừa tròn 20 tuổi và hôm nay đã ở vào tuổi 52. Cùng vào công tác với ông lúc bấy giờ tại Xí nghiệp Đường sắt Nghĩa Bình (nay là Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình) và cũng làm nghề tuần tra như ông có đến hơn 50 người, nhưng đến nay chỉ có 4 người trụ được với nghề...

 

Ông Nhân cẩn thận siết lại những con ốc trên đường ray. Ảnh: N.T

 

* Nếu nói một cách ngắn gọn về công việc mà mình đang đảm nhận, ông sẽ nói gì ?

- Khó kiếm được công việc nào cô độc và nhẫn nại đến mức nhàm chán như tuần đường. Đây là nghề phải bán mặt cho... đường sắt, bán lưng cho trời. Dù nắng, dù mưa gió bão bùng… vẫn cứ phải hướng đường ray mà đi để thực hiện nhiệm vụ của mình: kiểm tra kỹ lưỡng, phát hiện và sửa chữa những hư hỏng nhỏ trên đường ray; kịp thời phát hiện và nhanh chóng giữ tàu khi có sự cố uy hiếp đến an toàn chạy tàu... Nói tóm lại, tuần đường là nghề khá vất vả và chịu nhiều áp lực về trách nhiệm công việc. Trong ngành đường sắt, mọi sai số chỉ cho phép tính bằng milimét. Bởi chỉ cần sơ sẩy một tí, một thanh ray nghiêng quá mức cho phép, một lập lay (đoạn nối giữa hai thanh ray) bị gãy cũng có thể gây lật tàu. Trong khi đó, mỗi một đoàn tàu chạy qua đều mang trong lòng nó biết bao sinh mạng con người.

* Với đặc thù công việc như vậy, người làm công tác tuần đường phải đảm bảo những yêu cầu gì, thưa ông ?

- Để được làm công tác tuần đường, người công nhân phải có tay nghề (chứng chỉ tuần đường do các cơ quan có chức năng đào tạo và cấp), sức khỏe phải đảm bảo và khả năng xử lý công việc nhanh chóng, linh hoạt. Bên cạnh đó, người làm công tác tuần đường phải thông hiểu và biết vận dụng những điều liên quan đến tín hiệu chạy tàu; nắm vững lịch trình và biểu đồ chạy tàu. Ngoài ra, người tuần đường còn phải làm tốt những công việc, như cấm người ngồi trên đường sắt, cấm thả súc vật trên đường sắt, cấm mở đường dân sinh qua đường sắt...; làm công tác dân vận (vận động nhân dân ở 2 bên đường sắt chấp hành tốt các quy định về việc bảo vệ đường sắt, không ném đất đá lên tàu…).

Không những thế, người làm công tác tuần đường còn phải biết vượt qua những mặt cảm tự ti, bởi còn nhiều người nhìn người công nhân tuần đường như là người “cu ly” trong xã hội… Rất nhiều cái “phải” mà người làm công việc tuần đường cần phải có để tập trung cao độ vào công việc, nên từ trước đến nay nhiều người đã không bám trụ được với nghề.

Hơn 32 năm làm công tác tuần đường, bước chân của ông đã quá quen với những thanh tà vẹt, những đoạn đường sắt quanh co và cả những bụi cây, bụi cỏ ven đường. Ông không nhớ rõ, thật ra là không tính nổi mình đã đi được bao nhiêu km để góp phần đem lại sự bình yên cho những chuyến tàu. Nhưng điều mà ông biết là mỗi ngày mình phải đi bộ 8 tiếng đồng hồ trên cung đường với chiều dài 18 km, từ km 1081 (thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu - An Nhơn) đến km 1090 (xã Phước Lộc - Tuy Phước) do cung đường Bình Định đảm nhận. Lao động thầm lặng của ông đã được ngành Đường sắt ghi nhận và động viên với những danh hiệu, như: chiến sĩ thi đua nhiều năm liền và năm 2006 ông được chọn tham dự Đại hội thi đua của ngành Đường sắt…

* Trong thời gian công tác của mình, những kỷ niệm buồn vui nào đã theo ông?

- Trong suốt 32 năm tuần đường, vui buồn tôi đều nếm trải. Vui vì mình hoàn thành nhiệm vụ, tàu qua an toàn. Vui vì tình cảm của bà con hai bên đường ray, tuy không quen biết nhưng đối xử với mình rất thân tình. Họ đã không ngại khó, ngại khổ và những liên lụy đến bản thân để giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Còn nhớ, năm 1998 do trời mưa lớn, kéo dài, tại km 1088 + 800 (thuộc địa bàn xã Phước Lộc), núi đá đổ xuống chắn ngang đường ray, sau khi phát hiện, người dân đã hỗ trợ mình trong việc dừng tàu kịp thời, nhờ đó đã tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra. Hay như nhiều người đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn những kẻ xấu tháo lấy cắp vật tư ngành đường sắt, góp phần bảo vệ tuyến đường sắt để những chuyến tàu đi lại an toàn.

 

Đón chuyến tàu qua. Ảnh: N.T

 

Buồn vì trong suốt quá trình công việc cứ phải thui thủi một mình. Khác với các nghề khác, lễ, Tết, mưa bão được nghỉ hay ít ra thì cũng được giãn việc bớt, nhưng với nghề tuần đường thì ngược lại, càng đến gần Tết, ngày lễ, mùa mưa bão lại càng phải tăng cường đi tuần. Đi tuần đường những lúc mưa bão, cây đổ, sạt lở nền đường… rất nguy hiểm. Vừa đi, vừa phải để mắt đến mọi hư hỏng dọc đường, vừa chống chọi với gió bão, khi qua cầu hay gặp gió lớn phải bò sát thanh ray mà đi. Bởi vậy, mỗi ca làm việc lúc này là một cuộc chiến đấu với chính bản thân mình. Còn khái niệm nghỉ Tết, dường như không có trong đầu của người tuần đường. Có những đêm 30 Tết, tôi vừa đi tuần vừa chảy nước mắt, bởi lẽ giờ này mọi người đang đoàn tụ cùng gia đình, còn mình thì lầm lũi một mình giữa đêm khuya vắng lặng…

* Và ông có thông điệp gì muốn gửi đến mọi người để cùng nhau tạo nên sự bình yên cho những chuyến tàu ?

- Vẫn biết, nhiều năm nhiều tháng không có chuyện gì xảy đối với những chuyến tàu, nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ, như thanh ray bị vênh, vài ba con ốc bị tháo trộm, một hòn đá lăn ra trên đường, một đứa trẻ chơi đùa thiếu ý thức… là tai nạn có thể ập đến. Mà tai nạn đường sắt thì khủng khiếp vô cùng. Bởi vậy, tôi muốn gửi đến anh em đồng nghiệp một lời nhắn nhủ: phải thật sự nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao; và tôi mong muốn sẽ ngày càng nhận thêm được sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, của xã hội và của một số cấp ngành liên quan trong việc bảo vệ, gìn giữ sự bình yên cho những chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam mãi mãi là những chuyến tàu hạnh phúc.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thân tình này. Chúc ông tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)
Tôi chết, đất nước được một người lính anh dũng  (29/03/2008)