Ế ẩm cây cau An Lão
9:16', 12/5/ 2008 (GMT+7)

Cách đây chỉ hơn nửa năm, cây cau ở An Lão vẫn còn được ca ngợi với khá nhiều danh từ mỹ miều: cau thăng hoa, cây xóa đói giảm nghèo, cây trồng chủ lực… Giờ đây, những vạt cau dọc đường lên các xã vùng cao An Dũng, An Vinh… (An Lão) chín đỏ chót trên lưng trời mà không nhà nào thèm hái. Còn người buôn cau, ôm đống cau khô, khóc ròng…

 

Những vạt cau ven triền núi ở xã An Trung dù trái chín đỏ nhưng không ai hái.

 

* Cau chín đỏ, bỏ không hái

Anh bạn người địa phương phóng chiếc Honđa 67 đưa tôi vượt những con dốc quanh co để lên “tận mục sở thị” những vườn cau của đồng bào dân tộc Hrê ở các xã An Trung, An Dũng, An Vinh… Những vạt cau được trồng ven triền núi, trước cửa nhà hay trên nương rẫy, nơi tiếp tục ra hoa, nơi chín đỏ từng chùm lúc lỉu rồi héo úa trên ngọn cây cao nhưng tuyệt nhiên không ai hái. Cau không được phát dọn nên những mo cau héo hon, đen đúa vẫn còn bám chặt trên thân. Tuy vậy, những tán lá cau vẫn cong cong xanh ngát, những thân cau nhỏ xinh, thẳng đứng, xếp thành từng hàng dọc, ngang như ô bàn cờ vẫn cao vọt lên trên những tán cây rừng tạo một cảm giác thích thú, thân thương đến lạ lùng. Cau vẫn đẹp, cho dù chủ nhân của nó đã hắt hủi, bỏ bê những “đứa con” một thời là niềm hy vọng xóa đói giảm nghèo cho họ.

Khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được anh Đinh Văn Ri, 48 tuổi, người Hrê, ở tổ 4, xã An Dũng. Anh Ri đang làm ruộng cách nhà mình khoảng một “quăng rựa” và tỏ ra chẳng mấy mặn mà gì khi kể chuyện về cây cau. Gợi chuyện hồi lâu, anh mới bắt đầu kể một cách nhát gừng: “Mình chẳng biết cây cau được trồng từ khi nào, thời ông bà mình đã trồng rồi. Sau này, thấy người dưới xuôi lên hỏi mua cau được giá nên mình đã trồng thêm, xen vào các vườn cau cũ và trồng ở rẫy mới. Hiện giờ, nhà mình có 5 rẫy cau, cau đã cao hơn cái trụ điện kia (anh Ri trỏ vào cây trụ điện ven đường). Mỗi rẫy có khoảng 100 cây cau, mình trồng xen lẫn với cây mì, cây thơm…”.  Vào những năm 1994 trở về sau - anh Ri kể - khi trái cau già, mỗi buổi đi rẫy anh hái được vài bao cau tươi về lách ra từng miếng, phơi khô. Mỗi kg cau khô (4 kg cau tươi phơi khô còn lại 1 kg) anh bán được 6.000 đồng/kg. Về sau, cau ngày càng có giá, thương lái lên đến tận vườn mua luôn cau tươi. Mỗi mùa cau, anh Ri bán được 5- 6 triệu đồng… Giờ thì, cau không còn ai mua, có bán được giá cũng rất rẻ, chỉ khoảng 500 đồng/kg. “Rẫy thì ở xa, mình không hái nữa, hái bán không đáng công!”- Trong tiếng nói của anh Ri như đượm thêm nỗi nghẹn ngào vì làm ăn thất bát.

Trên đường xuống xã An Trung, chúng tôi gặp nhiều lò sấy cau bỏ hoang bên vệ đường… Ông Đinh Văn Gin, 60 tuổi, một nông dân người Hrê ở thôn 4, xã An Trung trỏ tay lên triền núi phía xa, cho biết: “Cau mình trồng ở trên đó, không nhiều, chỉ gần trăm cây thôi. Nhưng năm nay bán cau không được, mình cũng bỏ rồi, không phát dọn gì nữa…”. Gia đình ông Gin có 11 nhân khẩu, ông cho biết, có đủ gạo ăn là nhờ làm mấy sào ruộng. Còn tiền mua mắm, muối đều phụ thuộc vào việc bán mấy cây mì, cây thơm trên rẫy. Không bán được cau, gia đình ông cũng mất đi một nguồn thu đáng kể…

 

Một kho chứa cau của gia đình chị Nữ - anh Tâm.

 

* Các lò sấy cau...  khóc ròng

Từ năm 2000 cho đến mùa cau cuối năm ngoái, cây cau ở huyện An Lão đã “lên ngôi” đến bất ngờ. Theo lời kể lại của một số bà con ở xã An Hòa, An Tân, vào thời “hoàng kim” ấy, mỗi ngày có đến vài chục người từ các xã vùng thấp của huyện lũ lượt kéo về các bản làng vùng cao của đồng bào Hrê ở các xã An Dũng, An Vinh, An Hưng, An Quang, An Nghĩa… để mua cau trái. Trái cau được mua nguyên buồng, ngay tại vườn, tại rẫy rồi bẻ trái, dồn vào bao tải vận chuyển về xuôi bằng nhiều phương tiện như gồng gánh, xe máy, xe đạp. Có nơi cau được tập kết về một chỗ rồi vận chuyển về bằng ô tô. Giá cau trái hồi ấy cũng tăng lên liên tục, từ 1.000 đồng, đến 1.500 đồng lên 2.500 đồng… Say cau, nhiều người còn bỏ tiền ra mua cả những rẫy cau chưa ra trái những mong chờ thu hoạch ở vụ sau…

Thị trường cau trái ở An Lão một thời sôi động đã lôi cuốn sự tham gia không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Ở các xã An Hòa, An Tân đã hình thành các lò sấy cau thủ công có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày. Vào thời hoàng kim, huyện An Lão có đến 10 lò sơ chế và sấy cau khô để xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan, mỗi năm, xuất khoảng 150 tấn cau sơ chế.

Cây cau ở An Lão đã “chết” một cách tức tưởi từ cuối năm 2007 khi người bạn hàng lớn Trung Quốc không chịu nhập cau Việt Nam để chế biến loại kẹo cau cay nồng, rất được những người dân nước sở tại ưa thích. Không còn thị trường, các lò sấy cau đều điêu đứng. Hôm chúng tôi đến lò sấy cau của chị Đặng Thị Trinh Nữ ở thôn Tân An, xã An Tân- một trong những lò sấy cau lớn nhất huyện, chị Nữ vẫn đang “khóc đứng, khóc ngồi”, liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi tìm mối hàng tiêu thụ cau khô. Hầu như cả căn nhà 3 gian, rộng chừng hơn 100 m2 của gia đình chị đã biến thành kho chứa cau.

 

Một lò sấy cau bỏ hoang tại xã An Trung.

 

Chị Nữ cho biết, trước đây vào mùa cau, cơ sở của chị phải thuê đến 40 nhân công sơ chế và sấy cau. Dãy nhà làm nơi sơ chế, sấy cau trước kia bây giờ bỏ không, trông thật hoang tàn, chống chếnh. Hiện tại nhà chị Nữ còn tồn đọng 35 tấn cau khô chưa xuất đi được. Không có người mua, cau để lâu rất dễ mốc, ẩm. Hàng ngày, anh Tâm chồng chị phải mở từng bao cau xem xét, bao nào có dấu hiệu ẩm mốc phải đem ra phơi hoặc sấy lại. Vào lúc đỉnh điểm, cau khô có giá 60.000 đồng/kg. Từ tháng 6.2007 cau bắt đầu có dấu hiệu sụt giá và chỉ 2 tháng sau, cau chỉ còn ở giá 15.000 đồng/kg và bây giờ là 5.000 đồng/kg nhưng… không có người mua. Vào lúc cau cao giá, chị Nữ đã phải mua vào đến 13.000 đồng/kg cau tươi (4 kg cau tươi mới sơ chế được 1 kg cau khô). Giờ đây, với 35 tấn cau khô tồn đọng, chị Nữ đã ôm nợ cả bạc tỉ.

Mất thị trường tiêu thụ, những lò sấy cau còn lại ở An Lão cũng cùng chung số phận như gia đình chị Nữ. Hộ chị Nguyễn Thị Hồng ở An Tân còn tồn đọng khoảng 30 tấn cau khô. Cách xử lý duy nhất của gia đình chị là tìm kiếm những bạn hàng nhỏ lẻ tại các chợ, mua cau để bán cho người ăn trầu. Cách này xem ra cũng chẳng bõ bèn gì, vì tiền bán cau chẳng bù được chi phí công vận chuyển…

* Thăng trầm những cây, con

Cau là loại cây dễ trồng, không kén chọn đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư thấp và ít tốn công chăm sóc nên phong trào trồng cau đã phát triển rộng khắp trong toàn huyện. Chỉ trong vài năm gần đây, đã có 12 ha cau được trồng mới rải rác trong các hộ dân, nâng số diện tích cau toàn huyện lên gần 80 ha cau.

 

Cau An Lão được Trung Quốc mua về để chế biến thành kẹo cau.

 

Vào giai đoạn “thăng hoa”, cây cau còn được UBND huyện An Lão khuyến khích trồng và mở rộng diện tích trong dân. Cách đây khoảng gần 1 năm, huyện đã tổ chức những hội thảo chuyên đề về việc phát triển, trồng mới cây cau bản địa tại xã An Vinh, An Dũng với sự tham gia của các hộ trồng cau và các cơ sở chế biến cau xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện: Rất may, huyện cũng mới chỉ dừng lại ở đó chứ chưa có sự đầu tư hay một động thái gì lớn hơn(!).

Để hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại nguồn lợi kinh tế từ việc trồng cau, ông Linh cho rằng, cách duy nhất là hỗ trợ cho dân về giống lúa, giống bắp để bà con trồng trọt, bù đắp vào những thiệt hại và khuyến khích họ trồng thêm một số cây công nghiệp có thị trường ổn định hơn như keo lai, tràm và một số vật nuôi khác…

Vậy là, lại theo “dớp” của những cây quế, cây tiêu, cây điều, cây xoài… cây cau ở An Lão cũng hết hồi “thăng” lại đến hồi “trầm” và đời sống của người nông dân cũng “vật vờ” không kém. Cũng theo ông Linh, huyện đang khảo sát địa bàn, đất đai để chuẩn bị lập dự án đưa cây cao su về trồng trên đất An Lão. Trong tương lai, cây cao su có thể sẽ phát triển mạnh trên vùng đất này và người dân An Lão lại bắt đầu hy vọng…

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)
Bay lên làng gỡ ba đèo   (31/03/2008)