NSƯT PHAN NGẠN:
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”
9:18', 17/5/ 2008 (GMT+7)

NSƯT Phan Ngạn là người có vinh dự năm lần được gặp Bác Hồ, trong đó, hai lần ông trực tiếp biểu diễn bài chòi cho Bác xem. Những lần gặp Bác đã để lại trong ông những ấn tượng không thể phai mờ. Trong ngôi nhà của NSƯT Phan Ngạn, ta có thể thấy hình ảnh Bác hiện diện khắp nơi. Từ những tấm ảnh Bác trong album, rồi ảnh Bác treo trên tường, đến bàn thờ Bác Hồ được đặt vị trí trang trọng ngay phòng khách…

 

Đại tướng Chu Huy Mân (bìa trái) và NSƯT Phan Ngạn (bìa phải) trong một lần Đại tướng về thăm tỉnh Nghĩa Bình. Ảnh: T.L

 

* Cùng tiếng hát băng qua lửa đạn

15 tuổi, NSƯT Phan Ngạn bắt đầu gia nhập thiếu sinh quân, làm đội viên Đội Vũ trang Tuyên truyền. 21 tuổi, ông là Tiểu đội trưởng, Tổ trưởng Bài chòi của Đoàn Văn công Quân khu V. 10 năm sau, ông được phân công sang Đội kịch Quân khu IV. Cũng trong giai đoạn này, ông đã thể hiện rất thành công nhiều vai diễn đa tính cách, thuyết phục người xem. NSƯT Phan Ngạn cũng nhanh chóng thể hiện độ “chín” trong sáng tác, với nhiều vở bài chòi được người dân vùng tuyến lửa yêu thích như “Muối Pok Hồ”, “Lúa giống”, “Ngô Mây”, “Tướng ong”…

* Lý do nào đưa ông đến với nghệ thuật bài chòi rồi gia nhập bộ đội?

- Ngay từ nhỏ, tôi đã thấm đẫm trong tâm hồn mình những lời hô, điệu bài chòi. Đang tuổi thiếu niên, tôi đã học hô bài chòi và được người dân trong vùng mến mộ. Hằng ngày, chứng kiến cảnh quê hương bị giặc bắn phá, nỗi căm thù giặc ngày càng lớn trong tôi. Vì vậy, năm 15 tuổi, tôi trốn gia đình tham gia cách mạng. Khi đó, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt, vì lo rằng con mình còn nhỏ, không gánh vác nổi việc nước. Nhưng sau này, mẹ cũng đã yên lòng vì thấy tôi ngày càng trưởng thành...

* Tham gia các đoàn văn công phục vụ chiến trường, khoảng thời gian ấy hẳn đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm?

- Đó là những năm tháng không thể nào quên, nhất là giai đoạn sau năm 1968, anh chị em trong đoàn vừa hành quân liên tục, vừa sáng tác và tập luyện. Bản thân tôi lúc đó phải vừa sáng tác, vừa đạo diễn, rồi làm diễn viên. Hoàn cảnh càng gian khó, ác liệt, thì tình yêu quê hương trong chúng tôi càng mãnh liệt, sáng tạo nghệ thuật càng thanh thoát. Chúng tôi luôn nỗ lực sáng tạo, bằng cả con tim và khối óc, để cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt, nội dung tư tưởng cao, phục vụ bộ đội. Tinh thần chiến đấu, tình cảm đồng đội trong giai đoạn ấy thật không gì tả xiết. Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại, tôi vẫn còn rơi nước mắt…

* Vở diễn nào trong thời kỳ này khiến ông nhớ mãi?

NSƯT Phan Ngạn sinh năm 1931 tại Bình Quang, Vĩnh Thạnh. Ông đã được trao tặng 15 huân chương các loại, 2 huy chương vàng Hội diễn Toàn quốc, 2 Huy hiệu Bác Hồ, 19 Huy hiệu Dũng sĩ… cùng rất nhiều Huy chương Vàng, Bạc Hội diễn Văn nghệ Quần chúng. Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

- Đó là năm 1969, Hội diễn Nghệ thuật Quân khu V sắp diễn ra mà đoàn chúng tôi chưa có kịch bản nào đạt yêu cầu để tham gia. Khi ấy, tôi đang bị sốt rét nặng, nằm liệt trên võng, thì đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Quân ủy Quân khu V, đi ngang qua và hỏi: “Phan Ngạn không nghĩ ra được kịch bản, phải “đầu hàng” à?”. Tôi trả lời: “Đầu hàng sao được” và hứa sẽ sớm có kịch bản. Lúc đó, tôi bỗng nhớ đến tâm sự của đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu V: “Cái quan trọng nhất của con người là đối đầu với thử thách giữa cái chung và cái riêng, giữa cái sướng và cái khổ, giữa sống và chết. Vượt qua ba cửa ải đó, thì người ta sẽ thành anh hùng”. Lấy tâm sự đó làm chủ đề tư tưởng, ngay tối hôm ấy, tôi nghĩ ra bố cục vở “Ba cho con”. Tôi viết một mạch và một tuần sau thì hoàn thành kịch bản. Tôi cũng đóng vai chính trong vở này. Khi biểu diễn, vở diễn rất thành công, được bộ đội và nhân dân ưa thích.

* Khắc ghi lời Bác dạy

* Ấn tượng của ông khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ?

- Đó là một trưa tháng 4 năm 1964, Bộ Tư lệnh Quân khu IV yêu cầu Đoàn Văn công chọn một số tiết mục dân ca khu V để phục vụ “khách đặc biệt”. Khi đến Nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An, chúng tôi mới biết là hát phục vụ Bác. Sàn diễn là nền nhà, khán giả ngồi trên chõng tre. Chúng tôi hát một số làn điệu dân ca khu V như Lý Tang tít, Lý Năm canh, Lý Thương nhau…. Bác khen hay và đề nghị hát dân ca Nam Bộ. Đồng chí Thanh Trúc hát Lý Con sáo. Nghe xong, Bác nhận xét: Giỏi lắm! Nhưng có “điệu” mà chưa có “vị”. Rồi Bác hỏi: “Tại sao lại là Lý Con sáo? Cháu nào biết?”. Quay sang tôi, Bác hỏi: “Ông trùm (đội trưởng) có biết không?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu chưa được nghiên cứu”.

Bác liền giải thích: “Người phụ nữ dưới chế độ phong kiến bị ràng buộc, không được tự do lấy người mình thương, nên phải nhờ con sáo sang sông bày tỏ nỗi lòng với người yêu. Nên muốn hát dân ca hay, ngoài biết hát, các cháu phải tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ thì điệu mới sành, vị mới đượm. Các cháu cũng phải tập hát dân ca nhiều vùng khác nhau, để hôm sau Bác đến thăm, các cháu hát ví dặm cho Bác nghe. Đoàn Văn công biểu diễn, thì ngoài nội dung nghệ thuật hay, cần phải tập nói bằng ngôn ngữ địa phương, thì màu sắc càng đậm đà, nhân dân càng yêu mến”.

Trên con đường nghệ thuật của mình sau này, tôi luôn khắc ghi trong lòng lời Bác dạy.

* Trong số những lần gặp Bác, lần nào khiến ông thấy hạnh phúc nhất?

- Đó là lần tôi được biểu diễn cho Bác xem vào năm 1967. Khi đó, Đoàn Văn công chúng tôi từ khu IV ra Hà Nội tập huấn. Biết đoàn chúng tôi ra, Bác đồng ý xem biểu diễn. Đây là một vinh dự và tình cảm đặc biệt Bác dành cho chúng tôi. Trước đó, đến thăm đoàn, đồng chí Tố Hữu đã dặn chúng tôi cố gắng làm thế nào cho Bác cười, vì dạo đó, tình hình nhiều biến động, nên ít thấy Bác cười. Hôm đoàn biểu diễn tại Phủ Chủ tịch cho Bác và Bộ Chính trị xem, đến tiết mục thứ tư là tam tấu bài chòi “Tướng ong”, kể về anh hùng Nguyễn Văn Tư dạy ong đánh giặc, do tôi sáng tác và biểu diễn cùng các đồng chí Phụng Tiếp, Văn Quyên, ở đoạn giặc Mỹ bị ong đốt, tôi thấy Bác nở nụ cười. Thế là bao ánh mắt đều dồn về phía Bác. Nhiều người đã xúc động đến khóc khi thấy Bác cười. Riêng tôi, lúc đó, niềm hạnh phúc đã trào dâng…

 

Câu lạc bộ Bài chòi cổ Dân gian Bình Định đang diễn một vở bài chòi cổ. Ảnh: T.X

 

* Được cống hiến cho bài chòi là hạnh phúc lớn nhất

Sau năm 1975, NSƯT Phan Ngạn vẫn công tác tại Đoàn Ca múa Quân khu V. Năm 1982, ông về lại quê hương làm trợ lý Ban Tuyên huấn, phụ trách Đội Tuyên truyền Văn hóa Lực lượng Vũ trang tỉnh Nghĩa Bình, rồi tham gia công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Năm 1993, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục có nhiều cống hiến trong công tác gìn giữ, phát triển nghệ thuật bài chòi, đặc biệt là bài chòi cổ.

* Từ tâm nguyện nào mà năm 1998, ông lại thành lập CLB Bài chòi cổ Dân gian Bình Định?

- Tôi mong muốn tập hợp các nghệ nhân bài chòi dân gian trong tỉnh lại để phát huy khả năng của họ vào việc bảo tồn bài chòi cổ. Bởi theo quan điểm của tôi, sự tồn tại của nghệ nhân quyết định sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống. Có nghệ nhân thì mới có nghệ sĩ. Nghệ nhân là nhân chứng, là lịch sử, là khẳng định về mặt học thuật cội nguồn của một bộ môn nghệ thuật. Và thực tế, CLB đã hoạt động hiệu quả, theo cách thức tồn tại của nghệ thuật bài chòi từ bao đời nay, đó là “dân nuôi”. 

NSƯT Phan Ngạn là một trong những nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật bài chòi Bình Định. Không chỉ cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật cách mạng trong kháng chiến, từ sau ngày giải phóng đến nay, ông chưa bao giờ ngừng nghỉ những hoạt động với tâm nguyện bảo tồn, phát triển nghệ thuật bài chòi…

* Thành lập được CLB rồi, nhưng sau này, khi sức khỏe giảm sút, ông lại tiếp tục bỏ ra nhiều năm trời để thực hiện đề tài khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi bài chòi dân gian cổ truyền Bình Định”?

- Tôi muốn đưa ra cái nhìn chuẩn xác hơn về bài chòi cổ thông qua phương pháp khoa học. Qua đó, trình bày rõ lịch sử hình thành, phục hồi lại đánh bài chòi ngày xuân. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu các kịch bản văn học bài chòi cổ. Mong muốn lớn nhất của tôi khi thực hiện đề tài này là sân khấu bài chòi được đưa vào quỹ đạo chung của sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… chứ không nhập chung vào sân khấu dân ca.

* Nhưng có lẽ, đến thời điểm này, tâm nguyện ấy của ông vẫn chưa thành. Ông có khi nào cảm thấy hối tiếc về những gì mình đã làm?

- Được hy sinh, cống hiến cho nghệ thuật bài chòi đối với tôi là hạnh phúc lớn nhất. Hơn hai tháng nay, tôi bị té gãy chân nên phải nằm một chỗ, nhưng khi bình phục lại rồi, làm được gì cho bài chòi thì tôi vẫn sẵn sàng làm. Tuy đã tuổi cao sức yếu, nhưng nhiệt huyết của tôi đối với bài chòi vẫn mãi tươi trẻ như ngày nào…

* Xin cảm ơn ông!

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)
Bài I: Ách tắc ngay từ khâu quản lý tài chính y tế   (14/04/2008)
Tôi mãn nguyện được sống trọn vẹn với lòng mình  (12/04/2008)
Về đất Vua  (07/04/2008)
Tôi muốn góp chút ít công sức của mình với quê nhà  (05/04/2008)