Lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhiều người dân đã đến khu vực núi Bà (Phù Cát) khai thác đá, chặt phá cây trái phép nhằm thu lợi bất chính. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua khiến tài nguyên thiên nhiên (TNTN) ở đây ngày càng bị cạn kiệt; quần thể di tích (QTDT) lịch sử ở núi Bà bị xâm hại nghiêm trọng.
|
Cây lộc vừng hàng chục năm tuổi đã được UBND xã Cát Hải bán đấu giá sung vào công quỹ.
|
* Khai thác đá trái phép
Những ngày giữa tháng 5 này, chúng tôi đã đến các “điểm nóng” về khai thác đá, đào cây cảnh trái phép ở núi Bà. Dừng chân tại khu vực Hang Đá Chẹt, một di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia, thuộc địa bàn xã Cát Tiến, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy cảnh hoang tàn tại quần thể di tích lịch sử này. Nơi đây có tấm bảng di tích ghi rõ quy định nghiêm cấm hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên thiên nhiên..., nhưng nội dung đề trên tấm bảng đã bị phai mờ, bảng bị che khuất bởi cây gai. Và thật khó tin, những khối đá to ở khu vực này đã bị chẻ nát gần hết.
Nhầm tưởng chúng tôi là người đi mua đá xây dựng, một người dân địa phương hướng dẫn: “Các anh muốn mua đá thì leo lên triền núi mà xem rồi đặt mua. Nếu có leo lên trên đó thì phải cẩn thận kẻo họ vô tình lăn đá xuống trúng phải thì khổ”. Phải mất nhiều thời gian vượt qua những dốc đá trơn trợt, chúng tôi mới tiếp cận được điểm khai thác đá phía trên Hang Đá Chẹt.
Trước mắt chúng tôi là hai người đàn ông đang hì hục đục đá. Thấy có người lạ đến, một người cầm búa đứng phắt dậy hất hàm hỏi: “Hết chỗ chơi rồi hay sao mà mấy ông mò lên đây?”. Tôi trả lời ngay: “Chúng tôi làm ở ngành Du lịch, đang làm công tác khảo sát thực tế khu vực này”. Thấy họ không còn nghi ngờ, chúng tôi bắt chuyện: “Sao các anh không khai thác đá ở dưới chân núi cho đỡ vất vả?”. Một người cho biết: “Ở dưới đó hết đá đẹp mới lên đây. Với lại làm ở trên này khó bị phát hiện”. Trò chuyện hồi lâu chúng tôi được biết hai người nói trên tên Phát và Tuấn, đều ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), làm nghề khai thác đá tại núi Bà đã nhiều năm nay.
Ở gần Hang Đá Chẹt còn có một “công trường” khai thác đá khá lớn, đất đá ngổn ngang, với hàng chục người đang đục đá. Phát hiện có người lạ, họ dừng tay, rồi tụm ba tụm bảy bàn tán với nhau chuyện gì đó; có người vác đồ nghề rời khỏi điểm khai thác đá. Sau đó, thấy chúng tôi bỏ đi, họ lại tiếp tục hoạt động bình thường.
Tại khu vực núi Bà thuộc các xã Cát Nhơn, Cát Hưng… tình trạng khai thác đá trái phép cũng diễn ra phổ biến. Riêng tại Cát Nhơn, người dân trong và ngoài xã đã khai thác đá trái phép để bán cho các doanh nghiệp (DN) cũng đang hoạt động khai thác đá ở núi Bà. Một số người còn thuê phương tiện của các DN để khai thác đá, chặt phá cây trồng của người dân để vận chuyển đá.
Theo ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, ngoài 4 DN được tỉnh cấp phép, đang hoạt động khai thác đá ở khu vực núi Bà thuộc địa bàn xã Cát Nhơn, hiện có trên 300 người đang hành nghề khai thác đá trái phép ở khu vực núi Bà. Mỗi ngày núi Bà bị “rút ruột” hàng trăm m3 khối đá.
|
Phương tiện vận chuyển đá từ núi Bà đi tiêu thụ chủ yếu là xe độ chế.
|
* Chặt phá cây rừng
Ở khu vực núi Bà thuộc địa phận xã Cát Hải, mỗi ngày có hàng chục người săn lùng gỗ trắc và cây cảnh để bán. Họ thường đi từng tốp, mỗi tốp từ 3 đến 5 người, nếu tìm gặp được cây trắc thì chặt bỏ cành lá, cưa ra thành nhiều khúc chừng 1-1,2 mét rồi giấu vào hốc đá hoặc gửi các nhà dân sống gần núi, đến thời điểm thích hợp thì đưa gỗ đi tiêu thụ. Nếu khai thác được cây cảnh, họ cũng giấu vào nơi kín đáo, chờ trời tối vận chuyển ra khỏi núi. Cây nhỏ sẽ được đưa vào bao tải vận chuyển bằng xe máy; cây lớn thì thuê xe độ chế để vận chuyển. Việc vận chuyển gỗ và cây cảnh thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 19 giờ tối cho đến 4 giờ sáng hôm sau.
Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: “Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ trắc và cây cảnh ở núi Bà thuộc địa bàn xã diễn ra khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an xã và xã đội đã phát hiện nhiều đối tượng lên khu vực núi Cấm thuộc thôn Chánh Oai khai thác và vận chuyển gỗ trắc, cây cảnh. Phần lớn các đối tượng khai thác gỗ và cây cảnh đều là người dân từ các địa phương khác. Lực lượng chức năng của xã đã thu giữ nhiều khúc gỗ trắc. Mới đây nhất, đêm 11.5, tổ bảo vệ rừng của xã đã phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển 1 cây lộc vừng hàng chục năm tuổi từ trên núi xuống để tiêu thụ, và đã thu giữ tang vật”.
Hôm chúng tôi đến, UBND xã Cát Hải đã tổ chức bán đấu giá cây lộc vừng nói trên và đã có người mua với giá 2,7 triệu đồng.
* Những hệ lụy
Nghề chẻ đá cho thu nhập khá cao (bình quân 100.000đ/người/ngày), nhưng rất cực nhọc và nguy hiểm; nếu không cẩn thận là bị đá văng vào người gây thương tích; đá đè gây chết người, rồi bệnh bụi phổi... Đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra ở các khu vực khai thác đá tại núi Bà. Mặc dù tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật luôn rình rập với những người làm nghề chẻ đá, nhưng hầu như họ không quan tâm mấy đến vấn đề bảo hộ lao động.
Điều đáng nói là hoạt động khai thác, vận chuyển đá trái phép còn đe dọa tính mạng của nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi Bà. Bà Đoàn Thị Bốn, ở thôn Phương Thái, xã Cát Tiến, cho biết: “Tháng 10 năm trước, do khai thác đá ở trên núi, đất đá lăn xuống làm sập phần sau ngôi nhà của tôi. Rất may lúc đó là cả nhà đều đang tập trung ở gian nhà trên. Cứ để cho mấy ông khai thác đá bừa bãi như hiện nay, thì mùa mưa tới nhân dân chúng tôi lãnh đủ. Cát, đá bồi lấp ruộng vườn, mồ mả, nhà cửa, thiệt hại đến tính mạng người dân thì ai chịu trách nhiệm?”.
Hiện sau nhà bà Bốn còn có một hòn đá lớn dựng đứng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Bà Bốn đã nhiều lần năn nỉ những người khai thác đá chẻ giùm hòn đá này, nhưng họ không làm vì bà Bốn chưa “bồi dưỡng” cho họ. Ngoài gia đình bà Bốn còn có 50 hộ dân khác ở các thôn Chánh Đạt, Phương Phi, Phương Thái (xã Cát Tiến) sinh sống dưới chân núi Bà luôn lo sợ tai họa do đá lăn. Bởi vậy, mỗi khi có mưa bão lớn, xã Cát Tiến phải lên kế hoạch di dời các hộ dân này đến nơi an toàn.
|
Thiếu bàn tay chăm sóc của con người, tấm bảng di tích núi Bà thuộc địa phận thôn Phương Thái, xã Cát Tiến đã bị xuống cấp.
|
* Công tác quản lý, bảo vệ còn bất cập
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương của huyện Phù Cát tăng cường công tác quản lý, bảo vệ TNTN và QTDT lịch sử núi Bà. Tuy vậy, do cách làm thiếu kiên quyết của chính quyền sở tại nên không mang lại hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Từ Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến: Khu vực núi Bà trên địa bàn xã có khoảng 70 người đang hành nghề khai thác đá và bốc đá từ các bãi đá lên xe. Họ tranh thủ lúc nông nhàn lên núi khai thác đá kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì thực tế số người khai thác đá trái phép còn nhiều hơn, phần lớn họ là những người khai thác đá chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Từ Thiện cũng cho rằng: “Trên địa bàn xã có nhiều điểm khai thác đá, các điểm này ở rải rác nhiều nơi nên công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển đá trái phép gặp rất nhiều khó khăn. Xã cũng đã tổ chức đi kiểm tra tình trạng khai thác đá rồi, nhưng chúng tôi đến thì họ bỏ đi, chúng tôi đi họ lại tiếp tục khai thác. Năm 2007, huyện phối hợp với xã đi kiểm tra mới bắt và xử lý được 2 đối tượng khai thác đá trái phép”.
Theo ông Đặng Văn Hà, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Cát Hải đang gặp nhiều khó khăn bởi diện tích rừng trên địa bàn xã lớn (2.500 ha), trong khi lực lượng bảo vệ rừng mỏng, nên không kiểm tra, giám sát hết được. Mặt khác, hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ và cây cảnh chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên rất khó truy bắt, xử lý được lâm tặc.
Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý bảo vệ TNTN và QTDT ở núi Bà, ông Lương Ngọc Anh thừa nhận: “Sở dĩ TNTN và di tích lịch sử ở núi Bà bị xâm hại là do thời gian qua UBND huyện và các địa phương chưa kiên quyết trong chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác đá, gỗ và cây cảnh trái phép. Một số địa phương còn thả nổi cho các đối tượng khai thác đá hoạt động... Trong thời gian đến UBND huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ TNTN và QTDT núi Bà. Bên cạnh nỗ lực của địa phương, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng trong tỉnh quy hoạch cụ thể các điểm khai thác đá ở núi Bà nhằm đáp ứng yêu cầu đá xây dựng cho người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương quản lý tốt TNTN và QTDT tại khu vực núi Bà”.
|