Đến tìm ông Đinh Văn Nháo, 75 tuổi, già làng có uy tín ở thôn 3, xã An Quang, huyện An Lão chúng tôi được mách, phải đến buổi tối. Nhưng, tối tìm đến ông, vợ ông cho biết, ông đã xuống thôn vận động bà con nuôi heo nhốt chuồng rồi; xuống thôn, người dân chỉ ông đã qua nhà ông Quý, xuống nhà ông Quý, ông vừa ngược lên nhà bà Đúp. Tại nhà bà Đúp, chúng tôi mới gặp được ông. Ông đang thuyết phục gia đình bà về lợi ích của việc làm cầu tiêu để giữ gìn vệ sinh môi trường…
|
Ông Nháo vận động gia đình bà Đinh Thị Đúp làm cầu tiêu để giữ gìn vệ sinh môi trường.
|
- Ông đã từng đi báo cáo điển hình tại Hà Nội về làm kinh tế giỏi- tôi hỏi?
+ Ừ, cách đây 6-7 năm rồi, Hội Nông dân tỉnh đã cử “ông già” (ông Nháo tự xưng mình là ông già) đại diện cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đi báo cáo điển hình tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất giỏi ở Hà Nội. Sau chiến tranh, cũng như nhiều hộ bà con khác, gia đình ông già còn khăn lắm, ăn bữa nay phải lo bữa mai. Vợ chồng già tuy ăn lương sĩ quan (ông Nháo nguyên là Phó Công an huyện An Lão nghỉ hưu) nhưng đồng lương thấp lắm, cũng không đủ sống. Ông già đã bàn với vợ, phát rẫy trồng thơm, trồng chuối, trồng mì, nuôi heo… “tích tiểu thành đại” rồi mua bò, trồng rừng… Giờ thì, mỗi năm già bán được 2-3 con bò, bán cây keo lai, sầu đâu, đào … mỗi năm thu nhập trên 25 triệu đồng. Cứ thế, vừa tiết kiệm vừa tích cực làm ăn, ông già xác định, làm kinh tế không chỉ xóa đói giảm nghèo cho mình, mà còn làm gương cho bà con, từ đó, vận động, tuyên truyền bà con làm theo mình cũng dễ dàng hơn.
- Vậy, những năm qua, ông đã vận động, tuyên truyền bà con người H’rê mình làm được những điều gì?
+ Bà con người dân tộc H’rê mình làm ruộng không bón phân, không nhổ cỏ, không phun thuốc trừ sâu cho cây lúa nên nó cho năng suất rất thấp. 1 ha chỉ được 25 tạ lúa thôi. Ông già đã cùng với khuyến nông và các đoàn thể vận động bà con trồng lúa 2 vụ, làm lúa nước, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng lúa và hoa màu… nhờ đó, năng suất lúa hiện nay của bà con đã lên đến 42 tạ/ha. Những chân ruộng không có nước, ông già vận động bà con trồng bắp, trồng đậu xanh… để tăng thêm thu nhập…
Mình còn vận động bà con nuôi heo phải nhốt chuồng, nuôi bò phải chăn dắt, gia đình phải có hố xí, người làng phải thực hiện tốt quy ước thôn, không được ỷ lại vào nhà nước, phải biết tự lực cánh sinh thì mới hết khổ, hết nghèo được…
- Thời gian gần đây, tệ nạn nghi cầm đồ thuốc độc ở An Lão có chiều hướng gia tăng, riêng ở xã An Quang lại giảm. Ông già có công lớn trong việc này thì phải?
+ Ờ! Ông già thấy rằng, trong đồng bào dân tộc mình còn tồn tại nhiều hủ tục cần phải loại bỏ, trong đó có việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, gây ra những cái chết đau lòng và làm mất ổn định trật tự trong thôn xóm. Già nhớ có trường hợp trước đây, vợ chồng Đinh Văn Tiêm và Đinh Thị Nhớ được mùa lúa rẫy đã mời bà con đến nhà uống rượu đến khuya. Bà Đinh Thị Gay, cũng ở trong làng được mời đến uống rượu đã say nên đòi vợ chồng Tiêm mua rượu uống tiếp. Bà Gay nói: “nếu mày không mua thì khi chết tao cho một con bò, 10 lít rượu để mọi người đi đám uống cho no say”. Sau đó, Đinh Văn Tiêm đau nặng. Một số người có mâu thuẫn đã đến đánh đập bà Gay và đòi đuổi bà ra khỏi làng vì nghi cầm đồ thuốc độc… Già đã đến nhà các đối tượng, vận động họ không nên nghi kỵ như vậy, vì không có hành động thực tế… nhiều đối tượng đã hiểu ra. Trước đây, mỗi năm, thôn 3 xảy ra đến 5-10 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc như vậy. Bây giờ, giảm hẳn rồi, mỗi năm, già đã hòa giải thành công ít nhất là 5 vụ. Riêng từ đầu năm 2008 đến nay, thôn 3 chưa có vụ nghi cầm đồ thuốc độc nào xảy ra. Chỉ thỉnh thoảng, trong thôn vẫn còn để xảy ra vài vụ uống rượu say, quậy phá, đánh nhau, ăn cắp vặt… Già đã can thiệp và giáo dục đối tượng thực hiện tốt nếp sống văn minh, quy ước của làng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
Năm 1986, từ cương vị Phó công an huyện An Lão, ông Đinh Văn Nháo nghỉ hưu, về xã lần lượt làm bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn 3, chủ tịch hội nông dân xã, chủ tịch mặt trận xã, hội thẩm nhân dân huyện, chủ tịch HĐND xã… và đã được bà con trong thôn bầu làm già làng có uy tín với số phiếu bầu rất cao. Ông Đinh Văn Nháo đã luôn thể hiện sự gương mẫu trong cộng đồng dân cư.
- Với vai trò của “Già làng có uy tín” khiến ông luôn luôn bận rộn?
+ Trước đây, khi chưa được bà con tín nhiệm bầu làm già làng có uy tín, ông già cũng đã rất bận rộn rồi. Mình là đảng viên mà, đảng viên phải đi trước, làng nước mới theo sau. Bà con dân tộc mình còn nghèo, cuộc sống còn lạc hậu lắm. Mình nhờ được Đảng, được Bác Hồ cho đi theo con đường của cách mạng nên mới được mở rộng tầm nhìn, mới hiểu biết được nhiều điều hay ngoài thôn, làng của mình. Do đó, mình phải có trách nhiệm tuyên truyền cho bà con hiểu và cùng làm theo mình để bà con dân tộc mình có cuộc sống no ấm hơn, sống văn minh hơn, tiến bộ hơn.
|
Ông Nháo bàn việc làng với Bí thư chi bộ thôn Đinh Văn Lý.
|
- Vừa rồi, ông đã bỏ mấy chục ngàn đồng để mua một đầu đạn của một nhóm học sinh. Ông nghĩ sao mà lại làm như vậy?
+ Lũ nhỏ đó đào được quả pháo loại nhỏ, định khiêng đi bán lấy tiền mua cà-rem ăn. Nếu quả pháo ấy mà nổ thì rất nguy hiểm. Ông già mà không thu lại, để nó nổ thì thật vô trách nhiệm… Nghĩ vậy, nên ông già đã quyết định mua lại quả pháo ấy với giá 40.000 đồng. Sau đó, ông già gọi điện cho Huyện đội xuống thu về. Sau này, mấy đồng chí trên huyện nói ông già viết giấy để huyện trả lại 40.000 đồng. Nhưng ông già thấy, mình làm được việc đúng là tốt rồi, mấy chục ngàn đồng đối với người dân tộc mình cũng lớn thật đó, nhưng mình không thấy tiếc so với việc mình làm được.
- Hiện nay, tình trạng phát rừng làm rẫy ở huyện An Lão vẫn còn diễn ra khá phổ biến, riêng thôn 3, xã An Quang thì rất ít những trường hợp xảy ra. Ông già đã tuyên truyền thế nào mà bà con làm theo răm rắp như vậy?
+ Một mình ông già thì làm không nổi đâu, phải có sự kết hợp của kiểm lâm, chính quyền và các đoàn thể. Mình phải đến trực tiếp từng hộ gia đình, nói cho bà con hiểu, nếu cứ phát rừng làm rẫy thì sẽ gây ra thiên tai, bão lũ, cũng giống như mình tự chặt cái tay của mình, con cháu mình vậy. Ông già hiểu, chỉ vì cuộc sống còn khó khăn nên bà con mới phát rừng, làm rẫy mong trồng được cái cây, nuôi cái con tốt hơn. Nhưng, làm như vậy là sai. Ông già cứ thực hiện phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, lần này nói bà con chưa hiểu, ông già lại tiếp tục đến nói lần sau….đến khi nào bà con nghe ra thì thôi.
- Vận động bà con dân tộc H’rê mình làm được điều đúng, điều tốt thật không dễ dàng, phải không ông?
+ Ừ! Bà con người dân tộc mình tư tưởng bảo thủ còn lớn lắm. Trình độ văn hóa thấp, người mù chữ còn nhiều, muốn chứng thực việc gì đều phải lăn tay đấy. Kinh nghiệm của ông già, cứ phải nhiệt tình, kiên trì, gần gũi với dân và nhất là không được tự ái. Bà con người dân tộc thiểu số rất hay tự ái, nếu mình mà cũng tự ái thì hỏng việc ngay (già Nháo cười) thì làm sao tuyên truyền có kết quả được.
Thôn 3, xã An Quang đã được công nhận là thôn văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm, trong đó có nhiều gia đình thoát nghèo, đã vươn lên làm ăn có “của ăn của để”… Trong những cái làm tốt, ngày càng lớn của làng đã luôn gắn với hình ảnh: già Nháo tay cầm đèn pin, tay cầm một cuốn sổ ghi chép, cần mẫn xuyên màn đêm, đi hết nhà này đến nhà khác, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, tạo dựng cuộc sống ấm no… Ông Nháo cho rằng: Chỉ khi nào chết ông mới thôi không tuyên truyền, vận động bà con!
|