Mở đường cho Kon Trú
7:57', 26/5/ 2008 (GMT+7)

Ngày 1.8.2006, làng Kon Trú thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh được sáp nhập từ xã Bok Tới (huyện Hoài Ân). Hiện nay, làng Kon Trú là một trong hai làng của huyện Vĩnh Thạnh chưa có đường lớn để ô tô có thể đi đến nơi. Giao thông đi lại khó khăn cộng với địa hình chủ yếu là đồi núi cao khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám bà con nơi đây.

Một con đường với số vốn đầu tư (giai đoạn 1) trị giá trên 6 tỉ đồng sẽ hoàn tất vào tháng 8 này đang mở ra cho Kon Trú một hướng thoát nghèo.

 

Một góc làng Kon Trú.

 

* Vượt ngàn lên Kon Trú

Chiếc xe U-oát của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đưa chúng tôi lên xã Vĩnh Kim để đến làng Kon Trú. Sau 1 tiếng đồng hồ, chiếc xe phải “rú” ga leo mấy cái dốc, “uốn mình” qua biết bao cái cua khúc khuỷu, rồi cũng bỏ chúng tôi ở cuối làng O5. Mỗi người chỉ mang theo một ba lô cá nhân. Còn những cái gì hơi nặng và những món quà miền xuôi, chúng tôi đều để lại cho dân làng Kon Trú xuống cõng lên. Hai tiếng đồng hồ đi bộ, qua 8 lần nghỉ chân dọc đường, cái làng nhỏ bé dưới chân núi cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ trên sườn đồi cao nhìn xuống, những mái nhà sàn bạc màu theo thời gian, giống như những cây nấm rừng mọc giữa màu xanh đại ngàn. Đặt chân lên mảnh đất làng ai cũng mừng, may quá vắt rừng không “hỏi thăm”! Nếu đến đây vào mùa mưa, ai giẫm lên đống lá khô, vắt rừng sẽ bám vào chân ngay.

Làng Kon Trú có 22 hộ với 93 nhân khẩu. Trước chiến tranh chống Mỹ làng thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Sau ngày giải phóng, Kon Trú lại thuộc về làng T3, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân). Ngày 1.8.2006, theo nguyện vọng của nhân dân và sự thống nhất của hai huyện Hoài Ân và Vĩnh Thạnh, làng Kon Trú được sáp nhập thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Hiện nay, làng Kon Trú là một trong hai làng của huyện Vĩnh Thạnh chưa có đường ô tô đi đến nơi. Cuộc sống bà con dân làng nơi đây còn bao khó khăn, vất vả. Thấy cán bộ ở xuôi lên, dân làng mừng lắm. Bok Tuyên, 80 tuổi, tâm sự: Lâu lắm, làng mình mới có cán bộ lên đó. Mỗi năm, chỉ có 3-4 đoàn công tác của huyện lên thôi!

 

Mở đường từ làng O5 đến Kon Trú.

 

* Khó khăn Kon Trú

Cuộc sống của dân làng Kon Trú hôm nay có nhiều đổi thay hơn trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và bao điều trăn trở. Hiện nay, toàn làng có 4,7 ha ruộng lúa nước, sản xuất được 2 vụ, năng suất đạt 15-20 tạ/ha. Để giải quyết nhu cầu cấp thiết cho bà con làng Kon Trú, năm ngoái xã Vĩnh Kim đã hỗ trợ cho làng 1 bình phun thuốc sâu từ Chương trình 135 của Chính phủ. Giờ đây, bà con đã biết phun thuốc trừ sâu sau khi sạ 2-3 ngày.

Ngoài ra, bà con nơi đây còn trồng 10 ha lúa rẫy, 1 ha chuối và 1 ha đậu xanh.  Điều kiện đất đai và khí hậu ở đây rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng bà con trong làng không quan tâm. Vì nuôi nhiều không bán được, đường đi lại khó khăn. Nếu tiểu thương lên đây mua cũng ép giá, bán không được bao nhiêu tiền. Có nuôi gia súc, chủ yếu bà con cũng chỉ để ăn thịt. Đàn bò của làng chỉ có 79 con, heo 25 con, trâu 59 con. Yă Nến, 70 tuổi, đang vừa cho heo ăn vừa nói với tôi: “ Yă nuôi con heo này lớn để ăn thịt, nuôi 5 con bò để đám cưới, hai con gà để cúng thôi. Nuôi nhiều, yă biết bán cho ai, có bán cũng rẻ lắm, không nhiều tiền đâu”.

Bên cạnh đó, bà con còn nhận quản lý chăm sóc và bảo vệ gần 340 ha rừng với mức khoán 50.000 đồng/ha/năm. Mặc dù vậy nhưng tình hình lâm tặc phá rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Bà con trong làng không ngăn cản nổi vì người giữ rừng thì ít mà lâm tặc thì nhiều và hình thức khai thác gỗ lại quá tinh vi. Ông Đinh Văn Ngơ – công an viên của làng Kon Trú nói : “Lâm tặc phá rừng này chủ yếu ở Hoài Ân qua. Chúng đi ngang qua làng nhưng bà con đâu dám nói vì sợ chúng trả thù”.

Buổi chiều, làng Kon Trú yên ắng lạ thường. Những tia nắng yếu ớt trải dài trên đường mòn của làng. Thỉnh thoảng chỉ có vài người già và trẻ con cầm can nhựa đi lấy nước ở con suối giữa làng để nấu ăn. Đây cũng là nguồn nước bà con vẫn tắm rửa hàng ngày. Chính vì vậy mà hàng năm số người bị đau mắt, đường tiêu hóa, bệnh phụ khoa ở phụ nữ chiếm tỉ lệ khá cao.

Thỉnh thoảng, có tiếng đọc bài với giọng phát âm còn chưa rõ của học sinh người dân tộc thiểu số trong lớp học vang vọng từ mái trường làng. Nói là trường học nhưng chỉ là một phòng học tạm bợ. Có 13 em học tại làng từ lớp 1 đến lớp 4. Ngoài ra, có 11 em học cấp II tại trường bán trú xã Vĩnh Kim. Thầy giáo Nguyễn Văn Bảo - một trong hai thầy giáo dạy ở đây tâm sự: “Bà con nơi đây đã có ý thức nên đều cho con em mình đi học.” Nhìn nơi ăn chốn ở của hai thầy giáo này, tôi mới thấy tình cảm của họ dành cho bà con bản làng thật sâu đậm. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ họ đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình âm thầm miệt mài cõng chữ lên với học sinh Kon Trú. Thầy giáo Lê Văn Hùng cho biết: “Mỗi tuần mình về nhà một lần để cõng mắm muối lên ăn cả tuần. Có lần, vừa đem thức ăn lên hai anh em vô ý để con mèo ăn mất. Cả tuần đó cả hai phải ăn toàn nước mắm với rau”.

Lo cái ăn, cái mặc còn chưa xong nên đời sống tinh thần cũng hết sức giản đơn. Năm 2002, huyện Hoài Ân cho Kon Trú máy điện chạy bằng dầu diezen và cái ti vi bỏ ở nhà rông làm vui con mắt dân làng từng đêm. Mỗi quý huyện Hoài Ân cấp cho làng 305 lít dầu để chạy máy điện. Nhưng hiện nay, cái máy điện này không còn dầu để chạy nữa. Ông Đinh Văn Dé - Trưởng thôn nói: “Từ khi nhập về xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh đã cấp dầu cho làng 3 lần được 705 lít. Dầu hết rồi! Bà con không nhìn thấy điện đã hơn hai tháng rồi!”.

 

Bà con đã biết phun thuốc trừ sâu bảo vệ mùa màng.

 

* Tìm hướng thoát nghèo

Đi theo những khó khăn đó là dân trí thấp và lạc hậu. Nhận thức được điều này và để giúp cho đồng bào Bana làng Kon Trú xóa đói, giảm nghèo, huyện Vĩnh Thạnh đã tiến hành thi công đoạn đường từ làng O5 đến làng Kon Trú giai đoạn I theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Công trình có chiều dài hơn 5,3km, rộng 4m, đắp bằng đất cấp phối. Tổng giá trị công trình trên 6 tỉ đồng từ nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác. Công trình do Công ty TNHH xây dựng Tấn Thành thi công, dự kiến đến tháng 8.2008 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Sau khi con đường hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy giao lưu kinh tế- xã hội vùng thượng du với các địa phương trong huyện. Con đường sẽ mở ra thời cơ, vận hội mới cho Kon Trú, tạo điều kiện cho đồng bào Bana nơi đây khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng cuộc sống bản làng ngày càng ấm no hơn, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh.

Ông Đinh Đôi- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim nói: “Trong thời gian đến, mong sao huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nước sạch, điện, trường học, đầu tư xây dựng kênh mương để nhân dân làng Kon Trú có điều kiện sản xuất hàng hóa, thoát khỏi tự cung tự cấp tại chỗ như hiện nay tiến đến không còn là làng đói nghèo nữa mà trở thành một trong những làng phát triển nhất hoặc nhì của xã”.

Hy vọng một ngày không xa, với con đường và những công trình được quan tâm, đồng bào Bana làng Kon Trú sẽ vượt qua khó khăn, loại bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu; nắm bắt thời cơ mới cùng với các làng trong huyện ra sức xây dựng đời sống mới để tạo nên những bước tiến vững chắc trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo.

  • Long Vũ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)
Thổ cẩm Hoài Ân   (14/04/2008)