Làng lặn hàu
8:11', 2/6/ 2008 (GMT+7)

Xóm Đông Phường hay còn gọi là xóm Câu Thẻo ở đội 7, thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), có nghề truyền thống đánh bắt trên đầm Thị Nại. Hơn chục năm nay, biển ngày một “đói” trong khi con hàu lại có giá, hàng trăm hộ dân nơi đây đã chuyển sang lặn hàu chuyên nghiệp.

 

Quấn dây ngang lưng kéo thau đi lặn hàu.

 

* Kiếm sống dưới đầm

Đang mùa con nước xuống. Làng vắng vì mọi người đã kéo đi làm hàu. Mới 7 giờ sáng, anh Lê Văn Liên cùng 4 bạn thuyền nữa lên ghe, thẳng tiến về hướng phường Đống Đa, Cảng Quy Nhơn. Mỗi người đều cầm theo: găng tay len, búa, đục, lưỡi dao mỏng, kính lặn và một chiếc thau nhựa. Ghe dừng, cách bờ khoảng chục thước, mọi người tản ra. Anh Liên xỏ găng tay len, đeo kính lặn, tròng dây nối thau vào lưng, tay cầm búa, tay cầm chiếc đục nhỏ bắt đầu lặn. Chừng hai phút, anh ngoi lên ném hàu vào thau. Thi thoảng lại bưng lên cục đá đầy hàu bám, dùng mũi de và búa đục ra. Các đồng nghiệp cũng ngụp lặn như anh. Mệt thì tựa thuyền mà nghỉ.

10 giờ, thau hàu đã hơn nửa, cỡ này bán được chừng 40.000- 50.000 đồng. Anh Liên vốn dân sông nước cha truyền con nối trên đầm Thị Nại. Chục năm trở lại đây, cá tôm mỗi ngày một kiệt, anh chuyển sang nghề lặn của vợ, nhưng không bỏ nghề đi lưới.

Đường vào xóm Đông Phường đầy vỏ hàu. Những mảnh hàu bị đâïp vụn chất đầy trước, sau nhà; hoặc đã được vào bao sẵn sàng bán cho làng vôi Trường Úc. Theo chị Võ Thị Bưởi, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ đội 7, thì nghề truyền thống của xóm là lưới cá, bủa câu cá thẻo (cá hố) nên xóm mới có tên là xóm Câu Thẻo; chỉ một số ít phụ nữ chuyên mò, lặn hàu. Thời ấy hàu rẻ rề, chẳng mấy ai mua. Hơn chục năm trở lại đây, cá tôm trong đầm mỗi lúc một kiệt; trong khi hàu đã thành đặc sản trong các nhà hàng, ngày càng có giá nên nhiều người chuyển sang làm hàu. Xóm có khoảng 270 hộ thì có đến 200 hộ kiếm sống bằng nghề lặn hàu. Bản thân chị Bưởi cũng lấy nghề này nuôi mẹ già và con nhỏ.

Bà Trần Thị Bằng, một “đầu nậu” chuyên thu mua hàu trong xóm cho biết, loại hàu vỏ được mua với giá 8.000 -10.000 đồng/kg; hàu thịt (đã lột sẵn) mua từ 15.000 đến 35.000 đồng/kg. Càng lớn hàu càng được giá. Loại hàu thịt nhỏ được ướp lạnh, bán cho các tỉnh phía nam mua về nuôi tôm. Hàu to, loại từ 1 đến 5 lạng/con, bà bán cho một công ty ở Quy Nhơn để cung cấp  cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Một tuần bốn, năm lần bà chở hàu xuống Quy Nhơn giao hàng. Mỗi chuyến giao 150-200 kg hàu, thu được mấy chục triệu đồng. “Xuống đó người ta chà rửa sạch sẽ, cho thở ô xy mấy ngày rồi mới chuyển đi. Tui nghe nói hàu ở đầm Thị Nại là ngon nhất, là món “ông ăn bà khen”; làm đủ món: gỏi, nướng, cháo hàu... Chỉ có dân xóm Đông Phường này mới làm nghề lặn hàu thôi. Tháng 2, tháng 3 âm lịch là lúc hàu ngon nhất. Tháng mưa, hàu ốp rộp, không ngon…”- bà “quảng cáo” thêm.

 

Đục hàu ra khỏi đá.

 

* Đối mặt với hiểm nguy

“Ngày chưa lấy chồng, tôi chưa biết bơi. Gia đình khó khăn, tôi học bơi, học cách lặn hàu đã mười mấy năm rồi. Đây là nghề đổi máu lấy tiền…”- chị Lê Thị Hết, 41 tuổi, một trong số những nữ thợ lặn kỳ cựu của xóm nói như vậy sau khi chìa cho tôi xem đôi bàn tay đầy sẹo, vết xước dài nơi đầu gối, bàn chân vì hàu cứa dù đã đeo bao tay, tất chân.

Phần đông đàn ông và chỉ vài mươi phụ nữ mới “đủ tầm” lặn hàu ở độ sâu cách mặt nước khoảng năm, sáu sải tay. Người yếu sức, không biết lặn thì “lượm khô” ven đầm khi nước xuống. Dẫu không lặn nhưng cũng phải ngâm nước cả buổi, đến khi nước dâng lên tới cổ mới thôi mò. Làm nghề này chỉ được lúc nước xuống, con nước lên, nước chảy xiết, rất mạnh, chẳng ai dám mạo hiểm tính mạng. Làm một tháng, nghỉ nửa tháng. Thợ lặn hàu, tháng làm 12-14 ngày, “lượm khô” thì chỉ được 8-10 ngày. Chuyện “đổ máu” vì hàu cứa bình thường đến mức chẳng ai cần quan tâm vì chẳng thuốc gì sát trùng tốt hơn bằng chính nguồn nước lợ trong đầm.

Nghề theo con nước lên- xuống nên thu nhập cũng bấp bênh. Ngày “ngon cơm” trúng vỉa hàu lớn, họ kiếm vài ba trăm ngàn đồng dễ không. Có lúc chỉ được vài chục ngàn, thậm chí về không. Anh Lê Văn Em, chuyển nghề câu thẻo sang lặn hàu với vợ đã hơn chục năm nay, cho biết: “Mùa này còn dễ chịu. Mùa đông nước ngấm lạnh run đến nỗi lên đến thuyền mới biết mình làm rơi búa, rơi đục…”.

Để có thể kiếm được những chỗ hàu “ngon ăn”, đôi lúc họ liều lĩnh “mò” vào khu vực cấm - nơi tàu lớn đang neo đậu- cạy hàu bám ở đáy, thân tàu. “Ớn” nhất là khi không biết chỗ nào ngoi lên để thở giữa ba bề bốn bên toàn tàu, lại nơm nớp lo bị bảo vệ phát hiện.

Chị Võ Thị Bưởi cho biết thêm, dù lặn hay “lượm khô”, chị em đều ngâm nước quanh năm, thậm chí giai đoạn cần phải nghỉ ngơi trong tháng, họ cũng “liều”, nên hầu hết đều bị viêm nhiễm phụ khoa. Anh Lê Văn Em than thở: “Những lúc ấy, tôi bắt bả nghỉ ở nhà. Nói lắm cũng chỉ một ngày, hôm sau lại mò đi, chữa hết rồi bị lại. Sau lần bị ra máu tai, máu mũi bả đâm nghễnh ngãng, nói to mới nghe”. Vậy nhưng, phụ nữ ở đây lại biện minh “một tháng làm chỉ có mười mấy ngày mà nghỉ mất mấy ngày thì lấy tiền đâu mà chợ búa, gạo mắm. Bởi thế cứ liều, khi nào bị viêm nhiễm thì lại mua thuốc tự chữa hoặc đi khám”. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, 60 tuổi, mẹ chồng chị Hết, vẫn còn sợ khi kể lại đận chết hụt cách đây bốn năm. Lần đó, bà cùng cha con người em ruột đi sõng ra bãi lượm hàu, giữa chừng sõng lật. Cháu gái chết đuối, còn họ “trôi tự do” hàng giờ trước khi được vớt. Nữ trong xóm, ngoài cháu bà Hạnh, còn có chị Nguyễn Thị Tuyết cũng chết vì lật sõng. Chị mất sau chồng mấy tháng, để lại 5 con mồ côi. Đàn ông, cũng đã bỏ mạng 3 người. Không ít người bị áp lực nước làm chảy máu mũi, máu tai, đâm ra nghễnh ngãng.

 

Con nước lên ở nhà, đập lấy thịt hàu.

 

* Thân cò lặn ngụp…

Hôm tôi đến nhà, chị Phạm Thị Chín (ở đội 8) mới cúng 49 ngày cho người chồng quá cố Lưu Văn Hiền. “Trước giờ ảnh làm nghề biển, bạn bên đội 7 rủ đi lặn hàu có tiền hơn nên ảnh theo thử. Xuống cảng Quy Nhơn, mới lặn hơi đầu tiên, thấy mệt, ảnh vội lên ghe nghỉ. Mấy phút sau thì xỉu, đưa vào bệnh viện nhưng không kịp… ”- chị Chín nghẹn ngào. Chồng chị Nguyễn Thị Liệu mất cũng chưa đầy năm, bị “sụp hố” khi đang lặn cùng vợ. Chị Liệu nay bỏ nghề lặn, chuyển sang mua bán cá tôm lặt vặt vì sợ bỏ mạng như chồng, chẳng còn ai nuôi bốn đứa con. Hai đứa con đầu đều bệnh thần kinh, không làm được việc, hai đứa nhỏ còn học tiểu học.

Trong xóm lặn này, ai cũng cám cảnh cho bà Khai  (tên thật là Phạm Thị Lo), một hộ nghèo trong xóm. Dẫu tuổi đã 65, hiếm khi bà dám bỏ một buổi lặn dù đôi lúc người không thật khỏe. Thậm chí nước lớn, thanh niên còn “ngán”, bà vẫn liều. “Bởi nếu không thì lấy tiền đâu mà lo cho mấy đứa nhỏ…”- bà giải thích. “Mấy đứa nhỏ” là hai người con của bà, chị Lê Thị Gái (34 tuổi) và Lê Thị Thứ (22 tuổi) đều bị tâm thần.

Làng này hiếm có trẻ nào học nổi lên cấp ba. Mới cấp một, cấp hai đã bỏ giữa chừng. Một phần, phụ nữ bận làm hàu, không có thời gian lo lắng đến việc học hành của con cái. Phần khác, trẻ từ nhỏ đã theo người lớn đào hàu, sớm kiếm được tiền nên ỷ y. Phương, con gái của chị Hết nghỉ học từ năm lớp 7, nay 16 tuổi đi làm gỗ ở KCN Phú Tài, tâm sự: “Em không thích nghề của mẹ, làm gỗ sướng hơn”. Còn em Võ Xuân Song, 18 tuổi, mới nghỉ học năm ngoái lại tiếc rẻ: “Em muốn học lên nhưng nhà không có điều kiện, nên đi hàu đã hơn năm nay rồi”.

Bà Võ Thị Thủy, 60 tuổi, chuyên “lượm khô” ở xóm trong, ngắm đôi bàn tay sần sùi sẹo do hàu cứa, tâm sự: “Tôi, con dâu và cháu gái đều theo nghề này. Ở đây làm nghề biển, biết lấy gì mà sống khi nguồn tôm cá mỗi ngày một kiệt, may mà còn có nguồn hàu trời cho”. Nhưng rồi bà cũng lại tự đặt câu hỏi: Đầm Thị Nại đang ngày một hẹp dần, liệu hàu có sinh sôi đủ cho dân xóm Đông Phường này khai thác dài dài?

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
Bài II: Chỉ đạo chuyên môn: nhiều cơ quan!   (15/04/2008)