“Duyên nợ” với titan
8:33', 7/6/ 2008 (GMT+7)

Qua tiếp xúc, trò chuyện với ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Khoáng sản Bình Định Việt Nam - Malaysia (BIMAL), ấn tượng mà vị TGĐ này để lại trong tôi không phải là những danh hiệu, tặng thưởng, giải thưởng này nọ của đơn vị hay bản thân ông, mà là kiến thức uyên thâm, những kinh nghiệm quý về ngành công nghiệp khai khoáng titan. Ông gắn bó với lĩnh vực này 24 năm, và đến hôm nay titan đã đi vào máu, vào thịt…

 

Tổng Giám đốc Huỳnh Ngọc Châu nhận giải đặc biệt Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I (1998-1999). 

 

Tháng 3 năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội với tấm bằng kỹ sư mỏ-địa chất, Huỳnh Ngọc Châu trở về Quy Nhơn tìm việc làm. Trong một lần lang thang trên đường phố, ông tình cờ bắt gặp một tấm bảng ghi dòng chữ: “Xí nghiệp Titan Quy Nhơn” nằm khiêm tốn bên đường Bạch Đằng. Tuy gọi là xí nghiệp, nhưng nơi đây chỉ có khoảng chục con người đang làm công việc đãi thủ công lấy titan để bán cho các công ty, xí nghiệp làm vỏ bọc que hàn ở TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, với tấm bằng kỹ sư, nhiều người không thèm để ý đến cái xí nghiệp nhỏ bé ấy, nhưng ông đã quyết định xin vào làm việc ở đây. Quyết định của ông khiến không ít bạn bè, người thân và ngay cả những người lãnh đạo xí nghiệp hết sức ngạc nhiên.

* Vào thời điểm lúc bấy giờ, một kỹ sư trẻ như ông có thể xin vào làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị khá danh giá, vậy lý do vì sao ông quyết định xin vào làm việc ở Xí nghiệp Titan Quy Nhơn ?

- Quan điểm của tôi hơi khác với nhiều người. Tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề mình làm việc ở đâu, cơ quan nào, mà chú trọng đến việc mình làm ở nơi nào để có thể phát huy tốt những kiến thức đã được trang bị ở ghế nhà trường. Nếu như ai cũng hướng vào làm việc ở những cơ quan, đơn vị có danh giá, có quy mô lớn thì ai sẽ làm việc ở những đơn vị nhỏ luôn rất cần những con người có kiến thức, năng lực để đưa nó phát triển đi lên.

Xưởng tuyển quặng thô di động đoạt giải đặc biệt Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I.

Thú thật, lúc đầu vào làm việc ở Xí nghiệp Titan Quy Nhơn, tôi đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Công trường khai thác quá nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Đã thế, có một thời gian dài sản phẩm không bán được, đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản... Những khó khăn này đã thôi thúc tôi phải nỗ lực làm việc hết mình để duy trì sản xuất, đưa xí nghiệp phát triển đi lên. Tôi đã mạnh dạn đề xuất với ban giám đốc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả thiết thực. Và tháng 12.1990, tôi được đề bạt làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, nên có thêm điều kiện để thực hiện các giải pháp cải tiến kỹ thuật, góp phần cho sự phát triển của đơn vị.

* Ông có thể kể ra một vài công trình cải tiến kỹ thuật của mình mang lại hiệu quả cao trong hoạt động khai thác, tuyển chọn sa khoáng titan ?

- Trong quá trình phát triển, Xí nghiệp Titan Quy Nhơn đã mở rộng sản xuất và dần thay thế việc đãi thủ công bằng các thiết bị hiện đại hơn, như máy tuyển từ mua về từ Viện Luyện kim Hà Nội. Các thiết bị mới này khi đưa vào sản xuất không phù hợp, nhưng không thể mua ở đâu được, tôi buộc phải nghĩ cách tự làm. Thế là giải pháp “thiết kế chế tạo máy tuyển từ đa năng trục quay” ra đời.

Hiệu quả của chiếc máy này mang lại là sản lượng khai thác tăng cao, hàm lượng TiO2 trong Ilmenite nâng từ 48% lên 51%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vào năm 1990, xí nghiệp đã xuất khẩu được 2.000 tấn Ilmenite sang Nhật Bản, và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu Ilmenite. Thành công này đã tạo đà cho sự phát triển của ngành titan Việt Nam.

Từ năm 1995, khi được điều sang làm TGĐ Công ty BIMAL, tôi cũng đã có nhiều công trình cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả tích cực, như: Lát đá chẻ trên cát để làm đường vận chuyển trên mỏ; tuyển quặng thô không thu hồi lưu nước; thiết kế chế tạo vít xoắn tuyển quặng; chế tạo xưởng tuyển quặng thô di động... Trong đó, công trình “Xưởng tuyển quặng thô di động” (đoạt giải đặc biệt trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I năm 1998-1999) là sự đột phá mới về thiết bị và công nghệ tuyển quặng sa khoáng ở Việt Nam. Trước khi giải pháp này ra đời, các công ty khoáng sản trong nước đều sử dụng vít xoắn Trung Quốc để tuyển. Tuyển kiểu này năng suất thấp, công nhân làm việc nặng nhọc, tổn thất quặng lớn, khó khăn cho công việc hoàn thổ sau khai thác. Chính xưởng tuyển quặng thô di động đã khắc phục những hạn chế này, nên sau đó nhiều công ty khoáng sản lớn trong nước đặt mua thiết bị của đơn vị.

Trong quá trình công tác, bằng vào kinh nghiệm và uy tín, ông được bầu làm Ủy viên thường trực Hiệp hội Titan Việt Nam. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1999, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 2000; 8 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. Ngoài ra, ông còn được Bộ Công nghiệp, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý khác. Mới đây, ông đã vinh hạnh được bình chọn và trao tặng Cúp “Lãnh đạo doanh nghiệp (DN) xuất sắc” lần I, năm 2008.

 

Hệ thống tuyển quặng của Công ty BIMAL.

 

* Ông có thể cho biết đôi nét về Cúp “Lãnh đạo DN xuất sắc” lần I, năm 2008 mà ông vừa nhận ?

- Cúp “Lãnh đạo DN xuất sắc” lần I, năm 2008 do Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc, Liên minh HTX Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trao tặng. Mục đích của việc trao tặng này là nhằm tôn vinh các DN, doanh nhân lãnh đạo DN xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và những cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Trong những năm qua, Công ty BIMAL luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực tham gia hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, trạm xá, trường học…. cho các địa phương trong tỉnh. Trung bình mỗi năm đơn vị nộp ngân sách hàng chục tỉ đồng, riêng trong năm 2007 là 17 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2008 là 20 tỉ đồng. Ngoài ra, mỗi năm đơn vị cũng dành khoảng 1 tỉ đồng cho công tác xã hội.

* Ông có suy nghĩ gì về ngành khai khoáng titan Bình Định hiện nay ?

- Lâu nay các DN khai thác titan ở tỉnh ta chủ yếu đầu tư vào công tác tuyển quặng thô, chưa quan tâm đầu tư các dự án chế biến sâu, đã làm lãng phí nguồn tài nguyên tuy dồi dào nhưng không phải là vô tận. Hiện nay, titan ở tỉnh ta đã nghèo đi rất nhiều, nên các DN khai thác titan cần phải chú ý đến việc khai thác sao đạt hiệu quả cao, không gây lãng phí nguồn tài nguyên. Ngoài ra, các DN cũng cần xúc tiến nhanh các dự án hậu titan để nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên quý giá này và phải chú trọng đến vấn đề phục hồi môi trường sau khai thác, tuyển chọn.

* Xin cảm ơn ông !

  • Ngọc Thái (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng lặn hàu  (02/06/2008)
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)
“Nổ tung” cùng Vũ  (28/04/2008)
Tôi sống hết mình với phần còn lại…  (26/04/2008)
Cá Nhơn Lý   (21/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)