Khó có nơi nào mà tiêu chí “xanh” cho đô thị lại nhiều tiềm năng như ở thành phố Quy Nhơn. Bởi phố xá ở đây vừa có thế tựa lưng vào núi xanh, nhìn về biển xanh lại có lắm ao, đầm… Song, hãy khoan nghĩ đến chuyện làm xanh hơn những không gian xanh trời cho ấy, chỉ với việc viền xanh cho đường phố bằng cây xanh vậy mà “vẽ mãi” nét viền vẫn cứ lè tè, loang lổ!
|
Cây xanh thấp, nhỏ là đặc trưng của đường phố Quy Nhơn.
|
Từ vài mươi năm trước, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có dịp về Quy Nhơn đã từng thốt lên “Quy Nhơn ơi, Quy Nhơn, những con đường nắng…” và đưa luôn cảm xúc ấy của mình vào bài hát “Quy Nhơn, thành phố thi ca”. Vài mươi năm đã trôi qua, những ngày mùa hạ này, đi trên đường phố Quy Nhơn lại vẫn thấy những con đường ngập tràn ánh nắng. Sáng nắng, trưa nắng, chiều cũng nắng! Những con đường mới quy hoạch, cây chưa kịp… lớn nắng đã đành, cả trên những tuyến phố mà lịch sử đã lưu dấu cả trăm năm vẫn chẳng có mấy bóng mát!
* Đường không cổ thụ
Nếu tính những con đường “già” của thành phố Quy Nhơn có thể bấm được trên đầu ngón tay. Đó là các con đường: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Tăng Bạt Hổ, Bạch Đằng, Trần Phú… Qua thăng trầm của lịch sử có thể mỗi con đường đã được thay tên đổi họ nhiều lần song nét vẽ trên bản đồ thì vẫn chẳng đổi bao nhiêu. Những con đường ấy cũng đã từng thăng trầm qua những lứa cây. Với thế hệ 6x của tôi, từ khi biết ngước nhìn những vòm lá xanh của đường phố Quy Nhơn để mộng mơ cũng đã không thể nào quên những hàng keo xanh cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ, đường Tăng Bạt Hổ, đường Mai Xuân Thưởng; hay hàng xà cừ cổ thụ trên đường Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Huệ, đường Phan Bội Châu, đường Tăng Bạt Hổ, Trần Quý Cáp. Với đường Trần Phú ấn tượng nhất với chúng tôi vẫn là những gốc phượng già sần sùi với những cánh tay xoãi rộng…
|
Cây keo cổ thụ hiếm hoi còn lại ở góc chùa Long Khánh.
|
Những cây keo cổ thụ ấy chắc chắn từng sống được đến năm, bảy mươi năm bởi lẽ nó từng là ký ức của nhà thơ Xuân Diệu: “Hồi nhỏ tôi thèm ăn trái keo/mặc quần xà loỏng vác khèo nèo…”.
Mùa hạ này, tôi lại dạo một vòng thành phố, đếm lại những cổ thụ ký ức của mình và cũng chỉ còn đủ tròm trèm các ngón trên đôi bàn tay. Keo còn hai cây: một cây ở góc đông nam của chùa Long Khánh, nơi ông Châu đầu bạc vẫn còn chung thủy ngồi sửa vá xe đạp tự ngày đất nước vừa giải phóng; còn một cây đứng đơn độc ở công viên biển, phía đối diện với Khách sạn Quy Nhơn. Xà cừ chỉ còn lại vài cây ở cuối đường Lê Hồng Phong và vài cây ở trước cổng số 2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh! Nếu tính thêm vào cổ thụ thì 5-7 cây sao đen trước cổng và khuôn viên sân của khách sạn Quy Nhơn… là hết!
Hiện ở thành phố Quy Nhơn có khoảng 60.000 cây xanh; diện tích cây xanh khu ở chỉ đạt 2,13 m2/người, bằng 58% so với yêu cầu; công viên rừng chỉ đạt 20% so với yêu cầu; chỉ có 1,5 ha vườn ươm trong khi yêu cầu phải có 35 ha nên cây đưa về trồng nhỏ, tỉ lệ sống thấp. |
Gần chục năm trước tôi từng tiếc ngẩn ngơ khi người ta chặt đi cây phượng già đến 2 người ôm đứng ở góc công viên Quang Trung phía đối diện với Rạp chiếu bóng 31.3 để phục vụ cho công tác quy hoạch thì chỉ mới vài tháng nay thôi tôi lại tiếc cây xà cừ cổ thụ đứng ở gần góc đường Lê Lợi - Phan Bội Châu khi Công ty Công viên cây xanh - Chiếu sáng đô thị (CVCX-CSĐT) đem bán cho một người thợ mộc ở xóm tôi hạ xuống để lấy gỗ vì lý do “cây bị rỗng ruột dễ đổ ngã”!
* Viền khó nên xanh
Tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao một Quy Nhơn có lịch sử từ hơn 400 năm trước lại hiếm hoi cổ thụ trên đường phố đến như vậy, thậm chí đi tìm cây có độ cao hơn mươi thước đã là quá khó, và tôi hiểu ra chuyện “viền xanh cho phố Quy Nhơn” đã và đang gặp phải bao điều cản trở.
Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty CVCX-CSĐT giải thích: “Cây sống phụ thuộc vào đất, nước và khí hậu… Tất cả những thứ đó ở Quy Nhơn đều không ủng hộ cây xanh sống lâu”. Theo ông, đất của thành phố Quy Nhơn phần lớn là đất cát mưa xuống là mềm ra, cây long gốc rất dễ đổ; nguồn nước nuôi dưỡng cho cây lại nhiễm phèn, nhiễm dầu và nhiễm sắt nặng nề… đã thế bão lũ lại thường xuyên xảy ra. Ông tính toán, chỉ qua các cơn bão năm 2000 và 2004 đã có khoảng 6.000 cây xanh ở Quy Nhơn bị đổ, mà cây đổ lại thường là những cây lâu năm có tán rộng.
|
Sau mỗi lần quy hoạch, cây xanh Quy Nhơn lại chịu số phận này.
|
Ấy chỉ mới là sự bất thuận của thiên nhiên còn nhiều bất thuận khác do chính con người làm ra khiến cây xanh ở đường phố Quy Nhơn cứ luôn phải chịu cảnh “chết đi sống lại”. Trước hết là công tác quy hoạch. Cứ mỗi lần mở rộng đường, cùng với việc giải tỏa nhà, là cây xanh trên vỉa hè cũng bị triệt hạ. Song đây là việc chẳng đặng đừng, sự lập lại không nhiều, cây xanh Quy Nhơn còn có biết bao nguy cơ khác rình rập. Vỉa hè vốn được quy hoạch nhỏ, rễ cây tiếp đất không nhiều vậy mà dưới mặt đất phải chen chúc cùng sự đào xới cho cống thoát nước, cho ống cấp nước, cho cáp quang… còn trên đầu nó là chằng chịt các loại dây điện. Ngoài ra, cây xanh còn chết vì một nỗi khác, ấy là khi sự tồn tại của nó ngoài ý muốn của người chủ mà nó đứng trước mặt nhà. Cây đang sống bình yên, bỗng chủ nhà muốn mở ra cơ sở kinh doanh vậy là nó phải chết. Một cán bộ của Công ty CVCX-CSĐT kể: “Một chủ nhà trên đường N.H. muốn mở phòng mạch, vậy là cây gòn cổ thụ đã đứng trước cửa từ lâu bị chủ nhà viết đơn xin chặt. Công ty không đồng ý nhưng mấy tháng sau thì nó tự chết(?)”. Anh giải thích: “Một khi chủ nhà đã không ưng thì cây phải chết. Nếu không vì nước sôi thì axít… Vậy thôi!”
Cây đổ, cây chết phải điền cây khác vào, thành phố lại thiếu đất làm vườn ươm nên cây điền vào, thậm chí nhỏ hơn cây đã chết hàng chục năm tuổi. Thế là đường phố chấp nhận có “cây cao cây thấp cây rập cây rời…”.
* Cao, xanh vẫn còn xa
Một lý thuyết đơn giản, cây xanh chẳng thể thiếu vắng trong cân bằng sinh thái và môi trường. Ở đô thị vai trò này lại càng to lớn hơn bởi lẽ ở đó cần có nó để hấp thu một lượng lớn khí cacbonic do con người và các nhà máy thải ra, bổ sung nguồn ô xy vào môi trường cho sự sống. Cây xanh làm giảm tiếng ồn của xe cộ, làm dịu đi cái nóng oi bức của mùa hạ, chắn đỡ ngọn gió bấc lạnh lẽo của mùa đông… Chẳng thế mà trong yêu cầu xếp loại đô thị, người ta đã phải đưa ra tỉ lệ cây xanh trên một diện tích đất và chẳng thế mà thành phố nào cũng phải có cả một công ty chỉ chuyên làm công việc cây xanh cho đô thị!
|
Gốc xà cừ cổ thụ vừa bị chặt “vì rỗng ruột”.
|
Ở thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, cây xanh và đặc biệt là cổ thụ còn là thứ để con người thưởng lãm nghệ thuật! Bởi đây là một trong những địa phương hiếm hoi của cả nước, người dân sành chơi bonsai, cổ thụ… nên việc tạo ra những đường phố có hàng cây xanh và đẹp là một nhu cầu thực sự của người dân thành phố và cả du khách!
Quy hoạch cây xanh ở một số đường phố chính:
Đường Xuân Diệu: dầu, sao; đường Trần Hưng Đạo: liêm, xẹt; đường Trần Phú: phượng, bằng lăng; đường Phan Bội Châu: sao đen, bằng lăng; đường Hùng Vương: me; đường Đào Tấn: dầu; đường Nguyễn Huệ: me… |
Nhìn những thành phố lớn trong cả nước và cả những thành phố miền Trung có cùng điều kiện tự nhiên với Quy Nhơn như Đà Nẵng, Nha Trang… cây xanh cho đường phố không thấp và loang lổ nhiều như ở thành phố Quy Nhơn. Riêng ở thành phố Đà Nẵng việc quản lý cây xanh đã được thực hiện trên phần mềm vi tính. Nghĩa là họ đã có thể thống kê một cách dễ dàng số lượng, chủng loại cây xanh từng tuyến đường; diện tích độ che phủ; tình trạng sinh trưởng của từng loại cây… để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng kịp thời. Thành phố này cũng đã tính đến chuyện cử người ra nước ngoài để học về quy hoạch cây xanh…
Còn ở thành phố Quy Nhơn, theo chỗ chúng tôi được biết, đến nay vẫn chưa làm quy hoạch tổng thể về công viên cây xanh. Các đường phố chính có được quy hoạch trồng từ 1-2 loại cây tuy nhiên còn rất phụ thuộc vào người dân. Riêng cây hoa sữa sẽ được xử lý theo hướng loại bỏ dần. Theo ông Đỗ Đình Phương, do nhiều cản trở bất lợi cho cây xanh nên Quy Nhơn sẽ không trồng các loại cây cao mà chỉ trồng những loại cây có thể khống chế trong vòng 15m và chấp nhận tuổi thọ của cây là từ 10-20 năm. Nghĩa là luôn trong tư thế sẵn sàng cây để thay thế!
Và như thế cũng có nghĩa là những vòm cao xanh trên đường phố Quy Nhơn vẫn sẽ còn là ước mơ.
|