Cuộc sống của những trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh như “chỉ mành treo chuông”. Nhưng điều trớ trêu là hầu hết các em lại sinh ra trong cảnh nghèo khó, không có khả năng chữa trị. Giải pháp duy nhất để những trái tim thơ trẻ ấy được tiếp tục sống là khoản kinh phí hỗ trợ ít ỏi của nhà nước và các nhà hảo tâm…
|
Đối với những gia đình nghèo có trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, chi phí vài chục triệu đồng cho một ca mổ là điều vượt quá xa tầm tay.
|
* “Thoi thóp” giành giật sự sống
Khi nghe chúng tôi “động” đến chuyện trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, nói ngay: “Ở đây, mỗi năm khoa tiếp nhận ít nhất 30 cháu mắc bệnh tim bẩm sinh có biến chứng viêm phổi và một số bệnh lý khác thuộc diện nghèo. Nhiều cháu hôm trước ra viện, ngay hôm sau đã vào viện vì không có tiền phẫu thuật. Mới tuần trước đã có 2 cháu được gia đình “gom góp” đủ tiền chuyển vào TP.HCM làm phẫu thuật. Bây giờ, ở khoa còn ba cháu, cháu Trinh giường số 1, cháu Tây giường số 9 và cháu Nhi phòng bên cạnh”.
Đang ngồi nói chuyện cùng bác sĩ Dũng, chúng tôi bắt gặp ánh mắt nửa dò hỏi, nửa cầu cứu của đôi vợ chồng đang dỗ con ngủ ở phòng cấp cứu. Đó là anh Nguyễn Thành Đông và chị Trần Thị Kim Phương, thôn Hiệp Vinh, Canh Vinh, Vân Canh - cha mẹ cháu Nguyễn Phương Tây, 4 tháng tuổi bị tim bẩm sinh. “Hơn 30 tuổi, tôi mới lấy chồng. Sinh con trai đầu lòng, ai cũng mừng. Vậy mà vừa sinh ra, bác sĩ khám bảo cháu bị tim bẩm sinh. Hai vợ chồng “chết điếng”, dành dụm mãi cũng không đủ tiền chữa bệnh cho con. Mới hôm rồi, bác sĩ cũng bảo phải mổ gấp để cứu cháu, ít nhất phải 30-40 triệu đồng chứ nào phải một hai triệu” - chị Phương rơm rớm nước mắt kể.
Bé Tây bị tim bẩm sinh, chứng thông liên thất phần màng, thông liên nhĩ, hở van hai lá 1/4. Ngày 9.4, cháu nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi nặng kèm tiêu chảy. Cơ thể cháu rất yếu, chỉ còn “da bọc xương”.
Chồng làm nông, vợ làm thợ may, thu nhập mỗi ngày chỉ đủ “chạy bữa”. Ngày con nhập viện, hai vợ chồng gom góp tiền bạc và đồ đạc xuống bệnh viện, ròng rã hơn hai tháng trời, thay nhau chăm con. Nhìn con vật vã trên tay, thở từng hơi khó nhọc, chị Phương bật khóc khi nhớ đến khoản tiền phải có để mổ tim cho con.
Trong số 3 cháu bị tim bẩm sinh đang điều trị ở bệnh viện, “thâm niên” nhất và thương tâm nhất là cháu Phan Nguyễn Kiều Trinh. Chào đời vừa được 5 tháng, thì đã hết 3,5 tháng cháu phải nằm viện vì bệnh tim bẩm sinh biến chứng viêm phổi. Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thúy Điểm (sinh năm 1984) và Phan Văn Thu (sinh năm 1980), ở Cồn Chim, Phước Sơn, Tuy Phước, đều là “thợ đụng”, việc làm hôm có hôm không. Từ hôm sinh xong được hơn tháng, cháu Trinh ngày càng yếu, chị Điểm một tay chăm con trong bệnh viện để chồng tranh thủ đi làm. Vậy mà những bữa cơm đối với chị Điểm cứ ngày càng thưa dần, thay vào đó là gói mì tôm và ít… cơm thừa của những người đi nuôi bệnh.
Mấy ngày nay thức khuya liên tục, ăn uống không đủ chất nên chị Điểm không còn sữa cho con bé bú. Đi mua sữa hộp, cũng không đủ tiền. Bà con hai bên nội ngoại xuống thăm cũng nghèo, thỉnh thoảng lại “trợ cấp” khi thì lon sữa, khi thì tã lót cho con bé. Lắm khi, các dì vào thăm cháu lại “dúi” vào tay chị vài chục nghìn đồng.
Chị Điểm nghẹn ngào nói đến bệnh tình của con: “Lần đầu tiên nằm viện, bác sĩ bảo phải có 25, 30 triệu đồng mới mổ tim được cho cháu. Khổ nỗãi, hai bên nội ngoại không ai giúp được. Vay “nóng” bên ngoài họ cũng không dám vì sợ vợ chồng trả không nổi”.
Trong khi đó, chị Đỗ Thị Hà, ở Cát Hải, Phù Cát - mẹ cháu Lê Yến Nhi - ngày nào cũng thắc thỏm lo âu. Vừa bưng hộp cơm, chị Hà vừa nói như nhủ thầm: “Con nhà nghèo lại mắc bệnh nhà giàu. 10 bữa thì hết 9 bữa vào viện. Hai chỉ vàng cưới đã bán rồi. Chỉ còn mỗi cái nhà tạm “trơ trọi” mấy cây cột chắc cũng phải bán. Còn nước, còn tát, phải tìm mọi cách để chữa bệnh cho con”.
|
Cháu Huỳnh Thế Bình trong niềm vui cùng gia đình sau khi đã được phẫu thuật tim.
|
* Lời của trái tim
Dù biết phương cách cứu con mình nhưng số tiền vài chục triệu đồng lại là điều quá xa xôi với hầu hết nông dân. Họ đang chờ đợi một niềm hi vọng, hay nói đúng hơn là một “phép màu” như trường hợp của em Huỳnh Thế Bình, ở khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn.
Bác sĩ Trang Xuân Chi, đang làm việc tại Hội Chữ thập đỏ, biết tôi muốn tìm gia đình Bình, đã tình nguyện dẫn đường cho tôi. Qua mấy ngách đường ở xóm ga Quy Nhơn, chúng tôi mới lần ra được căn nhà của bà ngoại Bình.
Bình bị tim bẩm sinh, tứ chứng Fallot rất nặng. Ngay từ nhỏ, Bình đã rất yếu, tay chân, môi miệng đều tím tái. Biết con phải phẫu thuật sớm, nhưng chị Huỳnh Thị Hương, mẹ cháu Bình, cũng đành “cắn răng” nhìn con sống trong đau đớn vì không “đào” ra số tiền 60 triệu đồng.
“Thằng nhỏ được cứu là nhờ bác Chi đó!” - chị Luận “khoe” với chúng tôi. Đến giờ chị vẫn còn nhớ như in cái ngày chị tìm thấy niềm hi vọng cứu sống đứa cháu kêu mình bằng dì. Bà ngoại cháu tìm đến tận nhà bác sĩ Chi, cứ thế chắp tay vái nhờ “cứu giùm thằng cháu”.
Được bác sĩ Chi bày cách làm đơn và giới thiệu cho bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Chi hội Thiện Tâm, TP.HCM, hai dì cháu khăn gói đi tìm sự sống cho Bình. Hôm đi, “vơ vét” hết cả gia tài “tích cóp” được nhờ tiệm uốn tóc mới được hơn 1 triệu đồng. Vào đó, dì cháu được nhiều người giúp đỡ, nếu không thì trăm thứ lo chẳng biết “xoay” đằng nào. Từ bác Mẫm, các nhà hảo tâm tài trợ chi phí phẫu thuật cho đến mấy bác xe ôm, rồi những người cùng cảnh đi nuôi bệnh. Liên tục mấy tháng trời, hết ngủ nhờ nhà người quen, hành lang bệnh viện, ăn cơm với mắm, cuối cùng cháu Bình cũng được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật.
Chị Luận nhớ lại: “Bây giờ thằng cháu đã khỏe nên mừng. Chứ hồi đó, đưa cháu vào bệnh viện nằm suốt mấy tháng trời, đến nỗi bác sĩ đặt cho cháu danh hiệu “trưởng trại”, rồi đến khi vào phòng mổ mãi cũng chẳng thấy ra, tôi đã chuẩn bị tâm lý đón tin xấu nhất”.
Hôm được xuất viện, Bình là khách mời chính của chương trình truyền hình “Trái tim biết nói” do HTV9 thực hiện. Đến cuối chương trình, Bình “xin” người dẫn chương trình cho thêm một chút thời gian để nói lời cảm ơn: “Vừa rồi cháu được mổ tim, tưởng chừng không còn hi vọng. Cháu rất mừng và biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu cháu cùng Chi hội Thiện Tâm và nhà tài trợ đã mở tấm lòng giúp cháu”.
Bây giờ, sức khỏe của Bình đã ổn định. Chúng tôi hỏi lớn lên thích làm gì, cu cậu cười bẽn lẽn: “Cháu muốn làm bác sĩ mổ tim cho những em nhỏ bị bệnh như cháu!”.
|
Người mẹ trẻ Nguyễn Thị Thúy Điểm nén lòng nhìn con đau đớn.
|
* 300 trái tim hay...?
Huỳnh Thế Bình là một trong số vài chục trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh nghèo, và là một trong số rất ít trường hợp được hỗ trợ hoàn toàn chi phí phẫu thuật.
Khảo sát theo hệ thống Ủy ban DS-GĐ&TE (cũ) từ các địa phương cho thấy, Bình Định có khoảng 300 cháu bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần sự trợ giúp. Mỗi năm, con số này lại nhiều thêm. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cháu mổ tim chủ yếu thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (Quỹ Bảo trợ trẻ em hàng năm có trên dưới 2 tỉ đồng nhưng phải chi cho nhiều chương trình).
Trên thực tế số trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ từ nguồn quỹ này rất ít. Năm 2004, khi chương trình hỗ trợ mổ tim cho trẻ em được triển khai, tỉnh ta chỉ có 2 trường hợp. Năm 2005 có 4 trường hợp. Năm 2006, thông qua sự hỗ trợ của tổ chức Đông-Tây hội ngộ (Mỹ), có 21 em được hỗ trợ phẫu thuật tim và năm 2007 là 69 trường hợp.
Chi phí một ca mổ tim tại Bệnh viện Trung ương Huế 18 - 42 triệu đồng, còn ở TP. HCM chi phí này cao hơn gần gấp đôi. Do đó, Quỹ cũng chỉ hỗ trợ phần nào, còn số trường hợp được hỗ trợ hoàn toàn chi phí chỉ đếm… trên đầu ngón tay.
Ông Phan Thanh Dũng, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cho biết: “Năm 2007, Quỹ còn 307 triệu đồng. Chúng tôi tính năm 2008 sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm một số trẻ bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật. Theo kế hoạch, cuối năm nay, BVĐK tỉnh sẽ phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Huế triển khai phẫu thuật tim ngay tại bệnh viện. Tổ chức Đông-Tây hội ngộ cũng đã hứa tài trợ. Hi vọng lúc đó sẽ có nhiều trẻ em mắc bệnh tim được có một trái tim lành lặn”.
Ngoài con số nói trên, bác sĩ Trang Xuân Chi cũng đưa chúng tôi xem tập hồ sơ trong đó có vài chục đơn xin cứu xét chưa được hỗ trợ chi phí mổ tim của gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định nhận 20-30 đơn như thế nhưng chi phí có được qua sự vận động của Hội chỉ đủ giúp 2-3 trường hợp.
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có động tác sàng lọc trẻ bị bệnh tim ngay từ khi mới sinh ra. Thông thường những trẻ bị tim bẩm sinh vào bệnh viện khi đã có biến chứng kèm theo nhưng nếu khám ở cộng đồng tỉ lệ này rất lớn. Bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nếu để muộn có thể dẫn đến tử vong. Phẫu thuật được một trường hợp là đã cứu sống được một con người. Vì thế, việc ra đời một tổ chức, đơn giản như Chi hội Thiện Tâm ở TP.HCM - tổ chức chuyên kêu gọi, vận động, giúp đỡ cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn - sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều gia đình và nhiều trái tim.
|