Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2008), báo Bình Định mời bạn “gặp gỡ” và lắng nghe tâm sự của các nhà báo thường trú và đang tác nghiệp ở tỉnh Bình Định.
* XUÂN NHÀN - PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ BÁO LAO ĐỘNG: Nợ nần đất võ
|
Nhà báo Xuân Nhàn |
Nhà báo Quang Khanh gọi điện giao nhiệm vụ: “Ông cho tôi 400 chữ về công việc, buồn vui của một phóng viên thường trú. Quân lệnh như sơn, cấm cãi”. Cãi chi nổi, tôi cảm ơn còn không hết nữa là. Anh Khanh ra cái hạn thênh thang trước ngày báo in, song thú thật, ròng rã mấy hôm, tôi cứ bần thần hoài với câu hỏi: Biết viết gì đây? Cái tôi thường đáng ghét bởi nó vô duyên, khệnh khạng. Chưa hết, ở đất Bình Định này, nơi các đồng nghiệp binh hùng tướng mạnh từng có gần một thập kỷ sâu rễ bền gốc, tờ Lao Động của chúng tôi hãy còn chập chững những bước đầu tiên, ngỡ ngàng, lạ lẫm, có gì mà nói?
Hồi Đặng Trung Kiên, phóng viên khu vực miền Trung – Tây Nguyên của Lao Động ngộ nạn, tôi đã từng chứng kiến vô vàn cánh tay ân nghĩa chìa ra. Có nữ đồng nghiệp ngực còn căng sữa vì con nhỏ vẫn khăng khăng nhào lên đòi được thử máu, tiếp máu. Rồi những em sinh viên, những anh bộ đội, những đoàn viên thanh niên ở Quy Nhơn, Tuy Phước, chỉ sau một lời nhắn, một cú điện thoại đã thấy họ túc trực trước phòng cấp cứu, sẵn sàng san sẻ cho Kiên từng giọt tinh huyết của mình. Có vị bác sĩ già, giữa đêm hôm khuya khoắt vẫn mở rộng cửa nhà, cưu mang, chăm bẵm từng chút cho vợ con, thân nhân của Kiên vốn đang bơ phờ, ngơ ngác sau cuộc hành trình dằng dặc cả ngàn cây số. Từng có hàng chục năm tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, tôi chưa thấy ở đâu, những “người dưng nước lã” lại đối xử với nhau tận tụy, vô tư, hết lòng như thế.
Mùa mưa bão năm ngoái, đoàn cứu trợ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động vượt lũ về xã vùng sâu Phước Nghĩa. Cách Quy Nhơn chỉ vừa tầm chim bay, cái rốn lũ khu đông dường như đã là một thế giới khác. Những gương mặt mệt mỏi, xác xơ trên ốc đảo lóp ngóp sau mấy tháng trời bị nước lũ cô lập. Những đứa trẻ bị gián đoạn đường đến trường, cũng chừng ấy thời gian chưa biết thế nào là nước sạch. Thế nhưng, tại nơi đầu sóng ngọn gió đó, ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tôi vẫn là sự hy sinh cao cả, là cái đẹp của tình người. Một anh bộ đội phục viên, dù không biết bơi, giữa tơi bời mưa gió vẫn xả thân chống chèo giúp đưa vợ bạn đến nhà hộ sinh để rồi bản thân anh một đi không trở lại. Trước những tấm gương, những mất mát, những đớn đau xé lòng đó, chút quà- dù chắt chiu từ ngàn vạn “tấm lòng vàng” bạn đọc- bỗng nhỏ nhoi, ít ỏi làm sao! Chỉ có cảm giác nợ nần là rất lớn, càng ngày càng lớn.
Trong chiến lược phát triển của mình, báo Lao Động chọn Quy Nhơn – Bình Định làm bàn đạp khu vực Nam Trung bộ - Bắc Tây Nguyên để tìm kiếm, mở rộng, neo giữ sự ủng hộ từ bạn đọc đối với tờ báo của giai cấp công nhân. Mục tiêu thì “hoành tráng”, song điểm khởi phát ít nhiều còn khó khăn, trầy trật. Rất may, tờ báo có sự đồng hành “trên từng cây số” của hệ thống công đoàn các cấp, của lãnh đạo, chính quyền tỉnh và các địa phương. Mới đây, UBND tỉnh có văn bản đề nghị cộng đồng doanh nghiệp xem Lao Động như một trong những kênh cung cấp thông tin chính thống và việc tổ chức đọc báo Lao Động cần duy trì thường xuyên như một phần của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Với tờ báo vừa chân ướt chân ráo “cắm” phóng viên thường trú vào địa bàn, đấy là sự hỗ trợ vô cùng lớn lao. Nhìn từ khía cạnh khác, chúng tôi coi đây cũng là một “áp lực”.
Cùng với thời gian, thông tin về Bình Định trên Lao Động đã đầy đặn hơn. Không chỉ ở công sở, văn phòng doanh nghiệp, tờ báo còn từng bước len lỏi xuống vùng sâu, vùng xa. Trong thư từ gửi về phóng viên thường trú, đã thấy những dòng nắn nót viết tận Phước Sơn, Hoài Châu, Canh Hiển… Nhiều thông tin được cơ quan chức năng sớm phản hồi, xử lý rốt ráo. Sự tin cậy gieo được nơi bạn đọc, nơi cơ quan công quyền không gì khác hơn là phần thưởng lớn lao để chúng tôi tiếp tục tiến lên phía trước.
* NGỌC TOÀN - TRƯỞNG VPĐD BÁO THANH NIÊN: Chúng tôi đã đến, và ở lại...
Mới đó mà đã tròn 5 năm báo Thanh Niên được in và phát hành tại Bình Định. 5 năm qua, những người làm báo Thanh Niên luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên của quý cấp lãnh đạo, các đơn vị, địa phương, anh chị em đồng nghiệp và đặc biệt là sự đồng hành, chia sẻ của bạn đọc. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành về sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu ấy.
|
Nhà báo Ngọc Toàn bên hoa hậu Mai Phương Thúy ở Singapore.
|
Còn nhớ năm 2003, khi mới in ở Quy Nhơn, số lượng phát hành báo Thanh Niên hàng ngày còn rất khiêm tốn. Vậy mà đến nay, Thanh Niên là tờ báo có số lượng in và phát hành khá lớn tại Bình Định và các tỉnh trong khu vực. (Bằng chứng là năm 2007, Báo Thanh Niên đã trả tiền công in cho Công ty In Bình Định gần 15 tỉ đồng. Năm 2008, dự kiến sẽ gần 20 tỉ đồng vì in thêm ấn phẩm Thanh Niên thể thao). Có được thành quả đó là nhờ sự ủng hộ rất lớn của bạn đọc. Điều này cho thấy quyết định của Ban Biên tập Báo Thanh Niên quả không sai khi chọn Quy Nhơn – Bình Định để mở Văn phòng đại diện tại khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên nhằm tổ chức nội dung, in ấn và phát hành báo đi các tỉnh thuộc khu vực này.
Một sự kiện đáng nhớ nữa, vào năm 2005, Vòng chung kết Giải bóng đá quốc gia U.21 tranh Cúp Báo Thanh Niên lần thứ 9 được tổ chức tại Quy Nhơn – Bình Định. Thành công hơn mong đợi đã đưa mùa giải này vượt xa về tầm vóc so với 8 mùa giải trước đó. Lãnh đạo tỉnh Bình Định, TP Quy Nhơn và người dân miền đất võ mến khách đã làm nức lòng khán giả truyền hình cả nước. Từ thành công đó, năm nay, Liên đoàn Bóng đá VN và Báo Thanh Niên lại chọn Bình Định (trong hàng loạt tỉnh đăng cai) để tổ chức Vòng chung kết Giải bóng đá trẻ U.21 quốc gia lần thứ 12. Quyết định này cho thấy Bình Định đã là “thương hiệu” để Ban tổ chức “gởi trọn niềm tin” về một giải đấu “xanh – sạch – đẹp”.
Riêng đối với chúng tôi - những người làm báo Thanh Niên đã chọn mảnh đất này làm nơi lạc nghiệp – đều có chung một tâm niệm rằng: Quy Nhơn – Bình Định đã, đang và sẽ mãi mãi là nơi hội tụ những tấm lòng nghĩa hiệp. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đến, và ở lại nơi này...!
* BẢO TRUNG - TRƯỞNG VPĐD BÁO TUỔI TRẺ: Góp phần tạo nên “Buffet thông tin” mỗi sáng
|
Nhà báo Bảo Trung |
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt tờ báo chọn Quy Nhơn đặt Văn phòng đại diện, Văn phòng thường trú đã làm Bình Định trở nên sôi động hơn, phong phú hơn trên các trang báo trong nước mỗi ngày. Thầm lặng nhưng ráo riết, các phóng viên lao vào cuộc chạy đua thông tin, dồn mọi nỗ lực cho tờ báo mình luôn “nóng”, luôn hấp dẫn để số lượng phát hành không ngừng tăng lên hàng quý, hàng năm.
Công nghệ in ấn, phân phối hiện đại đã mang tờ báo hàng ngày còn thơm mùi giấy mới, mùi mực in đến tay bạn đọc trước giờ đi làm mỗi sáng, bên ly cà phê sớm cùng bạn bè. Vậy là không chỉ báo Bình Định mà nhiều tờ báo khác như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Đời sống& Pháp luật… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người đọc Bình Định.
Tất cả đã góp phần làm nên bữa tiệc “buffet thông tin” vô cùng phong phú mỗi sáng cho người Quy Nhơn, chẳng kém mấy so với Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng. Các cuộc họp báo được tổ chức nhiều hơn, lịch giao ban với báo chí cũng dày hơn, từ hàng quý rút ngắn còn hàng tháng và có thể sắp tới sẽ hàng tuần mỗi lần.
Khu vực tác nghiệp của các VPĐD là Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên nhưng Bình Định vẫn là nơi được ưu tiên thông tin nhiều nhất. Các chương trình hoạt động xã hội cũng thế. Những mùa lũ kinh hoàng đi qua, những mùa thi đại học cho thấy các báo hoạt động xã hội mạnh mẽ ở Bình Định. Và bây giờ, không chỉ người dân Quy Nhơn mà bà con nông dân các vùng sâu, vùng xa, vùng rốn lũ, trẻ em nghèo, học trò nghèo, bệnh nhân nghèo đã dành tình cảm nhiều hơn cho các tờ báo khác cùng với tờ Bình Định tỉnh nhà.
Với riêng tôi, Bình Định là quê nhà. Thời sung mãn nhất tuổi thanh niên lang bạt Tây Nguyên, bỏ lại mẹ già quanh năm lặn ngụp trên đồng, xúc tép mò cua. Bây giờ trên nhánh sông Côn chảy qua làng đã mọc lên những cây cầu bê tông sừng sững, lòng rưng rưng bởi hoài niệm và ngổn ngang mặc cảm nợ nần… |