Ẩn dụ Cát Tường
8:13', 23/6/ 2008 (GMT+7)

Hay tin Cát Tường (Phù Cát) là xã duy nhất của tỉnh được Ban Quản lý Làng văn hóa - du lịch Việt Nam chọn để tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, tôi thực sự ngạc nhiên. Bởi tôi đã từng nghĩ, nếu lấy tiêu chí làng đẹp và có bề dày văn hóa thì không đâu bằng làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc (Tuy Phước - quê hương cụ Đào Tấn), còn nếu chọn tiêu chí là nơi có nhiều trầm tích di tích thì phải là xã Nhơn Hậu (An Nhơn). Vậy mà Cát Tường lại được lựa chọn…

 

Chằm nón ngựa.

 

Nếu như làng Vinh Thạnh, nơi có đình làng thờ thành Hoàng, có cổng làng cổ kính, là quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn, hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, nhờ phong cảnh hữu tình với dòng sông uốn lượn ôm lấy đồâng lúa xanh tốt bốn mùa, chợ xép đầu làng có cô hàng xén, nhà nhà có vườn cây cảnh và một truyền thống yêu hát bội từ trong máu thịt của người dân… Và nếu như du khách khoái Nhơn Hậu vì có di tích tháp Cánh Tiên, chùa Nhạn Sơn, chùa Thập Tháp, giếng Hời… cùng làng gốm nổi tiếng ở ngay bên cạnh thị trấn bảy làng nghề – Đập Đá… Thì tính ra, Cát Tường cũng có lắm thứ để kể.

Cát Tường là làng tuồng nổi tiếng. Ngay từ đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, gánh hát lớn bậc nhất ở Phù Cát của ông bầu Đắc đã quy tụ nhiều nghệ sĩ danh tiếng ở Cát Tường như bầu Thủ, kép Tá, kép Bá Lạc Đài, Cửu Phấn, Nhưng Chiện, Nhưng Hoạch, Đào Nha, Đào Chinh… Giờ đây làng tuồng Suối Tre (Cát Tường) vẫn tiếp tục sản sinh các diễn viên xuất sắc như: Công Lễ, Thanh Phúc, Thanh Cường, Thu Hường, Lương Thị Sen… “Bầu cốm Cát Tường” từng là huyền thoại của một thời, rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, làm bạn với bao thế hệ trẻ thơ ở những làng quê nghèo đói cơm lạt muối giờ vẫn chưa dứt hẳn… Rồi thì chõng tre Cát Tường, bánh tráng Cát Tường, nhang Cát Tường và độc đáo là nón ngựa Cát Tường… Và những ngày cuối tháng 6 này, tôi trở về Cát Tường là để lắng nghe điều không bình thường của làng văn hóa – du lịch giữa một làng quê rất đỗi bình dị với đầy đủ núi sông đồng bãi!

 

Nghệ nhân Đỗ Văn Lang với những chiếc nón ngựa chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn – Bình Định.

 

* Làng không chỉ lúa

Thật bất ngờ, Lê Quang Công, người từng dẫn đường cho tôi làm cuộc hành trình “theo dấu trâu lung” ở núi Bà mười một năm trước giờ đã là Phó chủ tịch UBND xã. Lần này, anh lại tiếp tục dẫn đường cho tôi đến thăm các làng nghề.

Thoạt trông, quy hoạch làng của Cát Tường hao hao giống làng mai Háo Đức. Thẳng góc với trục dọc là con đường chính, nhà dân rải theo các đường ngang, hầu hết đều có vườn cây cảnh. Xã có 9 thôn, 3.400 hộ dân với khoảng 18.000 khẩu. Đông dân là thế song diện tích sản xuất cây lúa chỉ chưa tới 1.000 ha cộng thêm một ít diện tích mì, đậu phộng, bắp, mè… Có lẽ thế mà người dân Cát Tường đã không thể trông cậy hoàn toàn vào cây lúa. Từ nhiều năm trước, dân Cát Tường bung đi làm ăn khắp nơi mà đông nhất vẫn là vào thành phố Hồ Chí Minh buôn bán trái cây! Chả thế mà Phó Chủ tịch Lê Quang Công khẳng định: Vào Sài Gòn, muốn gặp dân Cát Tường cứ đến các chợ đầu mối trái cây! Ly hương lắm người phất lên nhờ làm ăn chí thú nhưng cũng không ít gia đình tan nát vì chuyện đi buôn trái lại mang bầu về, làm anh chồng ở quê đắng họng. Có lẽ thế mà thời gian gần đây xu hướng ly hương ở Cát Tường đã giảm đi nhiều và người dân đã tập trung kiếm sống bằng các nghề truyền thống!

 

Ngay cả nhang Cát Tường cũng mang thương hiệu của thành phố Hồ Chí Minh.

 

Lê Quang Công phân tích: Năm 2007 tỉ trọng nông nghiệp của xã là 63%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại – dịch vụ là 37%. Năm nay xã phấn đấu đưa tỉ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 61%, tăng tỉ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại – dịch vụ lên 39%. Là một xã nông thôn ở đồng bằng lại không có quy hoạch khu công nghiệp, cơ cấu kinh tế của Cát Tường chuyển dịch như vậy là quá nhanh! Tuy nhiên nếu đi sâu vào tình hình làm ăn các làng nghề mới thấy sự tính toán của xã là có cơ sở.

* Hàng độc mất thương hiệu

Từ hai năm nay, Cát Tường đã được công nhận có 3 làng nghề: bánh tráng, nhang, nón ngựa. Và có lẽ đây cũng chính là cơ sở để Ban Quản lý Làng văn hóa - du lịch Việt Nam chọn tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam trong tổng số 13 làng được chọn trong cả nước. Với nghề làm bánh tráng, làm nhang nhiều nơi làm được song với nghề làm nón ngựa có lẽ Cát Tường là độc nhất vô nhị!

Chúng tôi đến thôn Phú Gia, nơi tập trung 220 hộ làm nón và 180 hộ làm bánh tráng và cảm nhận sự xôn xao của làng nghề trong không khí chuẩn bị cho hai ngày hội lớn: tham dự Hội chợ thương mại ở Quảng Nam và Festival Tây Sơn – Bình Định! Cả hai hội chợ đều yêu cầu phải có các sản phẩm của các làng nghề để phục vụ khách mua… Không kể mặt hàng nhang (ở hội chợ không thể đem trưng bày hoặc bán), các sản phẩm nón ngựa, bánh tráng đều đặt yêu cầu sản xuất rất nhiều nên làng nghề Phú Gia hoạt động cũng rộn rã hơn.

Tại gia đình của nghệ nhân Đỗ Văn Lang, dẫu đã quá trưa, những người trong gia đình ông vẫn cần mẫn, người bủa nón, chằm nón người thêu lên sườn mê những họa tiết đủ màu sắc! Gia đình ông Đỗ Văn Lang từng 4 đời làm nón ngựa, và cả làng Phú Gia chỉ còn một mình ông là thêu được những họa tiết đẹp và phức tạp kiểu long - lân - quy - phụng, song long, song hổ, ngũ châu… lên sườn mê chiếc nón ngựa. Có lẽ thế mà ông được tôn vinh là nghệ nhân và là thành viên của Hiệp hội làng nghề Bình Định

Ông Lang kể: Không ai biết chiếc nón ngựa Phú Gia ra đời từ bao giờ, từ đời ông bà cao đã biết làm và cứ thế lưu truyền từ đời này sang đời khác. Xét trên bình diện lịch sử, từ thời Quang Trung, chiếc nón ngựa chụp bạc với những họa tiết độc đáo đã được các viên quan tri phủ, tri huyện dùng đội trong các chuyến kinh lý. Một số cụ già ở Cát Tường vẫn còn lưu giữ những cái chụp bằng bạc cổ như một vật lưu niệm cho đời sau.

 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Láng đang chuẩn bị bánh tráng đặc biệt phục vụ Festival Tây Sơn – Bình Định.

 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc nón ngựa Phú Gia giờ không phải chỉ dùng đội đầu che mưa che nắng mà nó đã trở thành hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo dẫu vẫn giữ gần như nguyên vẹn mẫu mã, cốt cách. Chỉ có nguyên liệu có thay đổi chút ít khi chỉ thơm tàu được thay thế bằng tơ sợi ni lon và họa tiết trên mê nón thì biến thiên theo yêu cầu của người đặt. Bởi thế mà giờ đây bên cạnh những họa tiết cũ như long – lân – quy – phụng, song hổ, song long đã có thêm các họa tiết như: Chào mừng Festival Bình Định, Sông Hương – Du lịch Việt Nam…

Có tìm hiểu quy trình sản xuất một chiếc nón ngựa mới thấy nó công phu như thế nào và vì sao nó trở thành hàng độc. Để có chiếc nón ngựa phải trải qua gần chục công đoạn: từ chuẩn bị nguyên vật liệu, đan mê sườn, thắt sườn mê, thêu họa tiết, tỉa dọn, kết vành, kết sòi, bủa nón, chằm nón…

Đã có không ít lần người nước ngoài và cả người ở các thành phố lớn trong nước đến Cát Tường tìm hiểu cách làm chiếc nón ngựa hầu lập xưởng sản xuất hàng hoạt nhưng rồi họ đành bó tay khi biết được ngay cả nguyên liệu làm nên chiếc nón ngựa cũng là “hàng độc”. Bởi họ không dễ tìm ra cây dang (lấy từ rừng nguyên sinh), rễ cây dứa biển (chỉ có ở vùng núi sát biển), lá kè (chỉ có ở rừng nhiệt đới)…

Do làm chiếc nón ngựa phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau nên từ lâu, người dân Cát Tường đã chuyên môn hóa từng công đoạn cho chiếc nón. Bởi thế ở chợ nón Phú Gia người ta có rất nhiều chiếc nón được bán song chỉ mới qua một vài công đoạn…

Mỗi ngày người dân Cát Tường làm ra cả ngàn chiếc nón ngựa song điều đáng buồn là hầu hết nó phải mang thương hiệu hoặc “Sông Hương - Du lịch Việt Nam” hoặc “Nha Trang – Việt Nam”… Tại Festival Huế vừa qua đã có ít nhất vài nghìn chiếc nón ngựa Cát Tường (loại nón lật) mang thương hiệu “Sông Hương – Du lịch Việt Nam” theo du khách về muôn phương…

Nón ngựa giúp Cát Tường trở thành làng văn hóa – du lịch nên nó cần được trở thành món hàng độc của Cát Tường!

Hãy trả nón ngựa về với thương hiệu Cát Tường, chí ít là Bình Định – Việt Nam!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm báo ở Bình Định  (21/06/2008)
Tiếng vọng từ trái tim  (16/06/2008)
Quy Nhơn, những con đường nắng  (09/06/2008)
“Duyên nợ” với titan  (07/06/2008)
Làng lặn hàu  (02/06/2008)
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)
Đất thiêng trên biển  (05/05/2008)