NHÀ VĂN NGUYỄN MỸ NỮ:
Lời cảm ơn cuộc sống
8:46', 28/6/ 2008 (GMT+7)

Năm 2007, Nguyễn Mỹ Nữ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam; giữa năm 2008, chị ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Những câu kinh chấp chới” (NXB. Văn nghệ). Một cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ về những vui - buồn với nghề viết…

 

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ ký tặng tập truyện ngắn “Những câu kinh chấp chới” vừa ấn hành. Ảnh: V.T

 

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày tháng được xem là cơ cực nhất của cuộc đời chị, cũng là ngày chị quyết định dấn thân vào nghề viết…

- Đó là vào tháng 5.1996, khi tôi bị tai nạn khiến liệt đôi chân phải nằm một chỗ. Trước đó, tôi đã làm đủ nghề để sống và ngay thời điểm ấy thì bán phở tại nhà mẹ ruột (quán phở Hà Nội nằm trên đường Tăng Bạt Hổ). Chồng tôi, hùn vốn khai thác đá granite đã mấy năm, nhưng thất bại liên tiếp, khiến nợ nần chồng chất. Tình cảnh quá bi đát, tuyệt vọng, tôi đã thủ sẵn dần thuốc ngủ, tính tự tử. Nhưng rồi nhận ra mình đã hèn nhát biết bao!

Rất nhiều câu hỏi quẫy đạp trong lòng: Tại sao tôi buông xuôi? Tại sao tôi không cùng chồng làm lụng cật lực và trang trải nợ nần? Tôi đã sống rất đàng hoàng trong cả những cảnh ngộ tồi tệ nhất của cuộc đời mình, tại sao lại có thể chết như một cách trốn chạy như thế… Tôi nghĩ rất nhiều. Rưng rức tình thương mẹ, những người thân… Và lóe bừng cùng tràn ngập hết cả cõi lòng tôi là nỗi khao khát cháy bỏng: được viết. Mãnh liệt vô cùng là nỗi thèm muốn được cầm bút. Chưa viết văn thì chưa thể chết. Có thể nói tôi đã vào nghề ngay khi chưa thể ngồi dậy. Vào nghề bằng vô vàn phác thảo, chi tiết, nhân vật, ý tưởng… chứa chất trong tâm hồn ngay trên giường bệnh.

Khi có thể là tôi viết ngay. Viết và gửi đủ hết các báo và tạp chí, mà cả năm trời không nơi nào chịu đăng. Đến khi, tưởng đã bỏ cuộc, tôi quyết định gửi truyện ngắn “Buổi trưa” đến báo Văn nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam với ý định là nếu bị từ chối tiếp thì nghỉ hẳn. Thật may, người biên tập văn xuôi của báo hồi đó là chị  Phạm Thị Minh Thư, đã không vứt bản thảo vào sọt rác. “Buổi trưa” được in trên báo Văn nghệ vào tháng 7.1997. Cũng trong tháng đó, một bài báo của tôi cũng xuất hiện trên Tuổi trẻ Chủ nhật. Tôi vui lắm! Vậy là nghề viết đã chấp nhận mình.

* Nhìn lại, 12 năm ấy, điều gì là quan trọng nhất mà nghề viết đem lại cho chị?

- Rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là bởi nhờ viết văn mà tựa như tôi được sống với rất nhiều cuộc đời. Nghe thì có vẻ trừu tượng vậy, nhưng trong 12 năm cầm bút tính từ những trang viết đầu tiên, tôi có cảm giác mình đã sống rất nhiều, dài hơn khoảng thời gian vật lý ấy. Lại nữa, nghề viết đã đem lại cho tôi cách gần gụi, lắng nghe và chia sẻ…. với con người hơn.

* Còn “Thứ hạnh phúc bé mọn mà lấp lánh của một người viết văn” như tự bạch của chị trong “Những câu kinh chấp chới” thì sao?

- Cũng rất nhiều. Và phần lớn đều đồng tình, cũng có một số là phản ứng. Có nhiều đóng góp chân tình, chứ không chỉ là những lời khen. Chẳng hạn như, có người thấy tiếc vì truyện không đi sâu khai thác chi tiết này, hay đẩy nhân vật kia ác hơn một tí... Nói thật lòng, tôi thích được nghe những ý kiến góp ý chân tình đến vậy. 

* Trở lại với những trắc trở mà chị gặp trong đời, điều gì đã giúp chị vượt qua tất cả và đứng lên, bằng trang viết?

- Trong tất cả những trắc trở của cuộc đời, tôi nghĩ, mình đã có được sự dũng cảm. Những dũng cảm cần cho một sự vượt qua và tồn tại. Còn với nghề viết, để được chọn và có thể đeo đuổi, cái cần nhất là năng khiếu và đam mê. Bên cạnh đó là tâm huyết, sự tận tụy. Giờ thì không những tôi đã có thể đứng lên bằng trang viết mà còn có thể gặt hái được nhiều thành quả từ đó nữa ấy chứ! Báo chí và văn chương đã cho tôi nhiều. Nhiều hơn rất nhiều lần tôi có thể nghĩ tới, khi mới bước vào nghề. Được nhiều người biết đến, chẳng hạn. Có hẳn một tài sản quý báu từ mấy đầu sách đã in, trên trăm cái tản văn, tạp bút… và vô vàn là những bài báo ở nhiều dạng. Có thu nhập, chẳng hạn. Sắm sửa được thứ này, thứ khác từ những giải thưởng, chẳng hạn. Và thích lắm khi mỗi ngày mình được sử dụng. Đấy! Đây! Tôi đang tiếp chuyện với anh trên bộ bàn ghế sắm được từ tiền  thưởng cuộc thi “Ơn thầy” của báo Tuổi trẻ (cười).

Nhà văn Quế Hương nhận xét: “Đọc Nguyễn Mỹ Nữ thấy cái thương chật lòng. Thương mà thành ra truyện, đọc truyện sao mà thương”.

* Nhiều người đã ngạc nhiên, rằng tại sao, sau bao nhiêu những va vấp, mà chị vẫn nhìn cuộc sống và con người bằng cái nhìn hồn hậu, ấm áp đến vậy?

- Cũng phải học cách để hóa giải đấy thôi! Cuộc sống thì cần như vậy và tôi đã làm được. Cái chính vẫn là từ cái tâm của mình. Thật ra có nhiều va vấp trong đời, nghĩ lại, cũng hay! Mình có nhiều cơ hội để đến với nhiều cảnh đời, nhiều thân phận. Có nhiều thời gian để lắng nghe từ người khác và chân thành sẻ chia. Văn chương tôi, nếu có được sự thành công, chính là từ cái tâm của tôi trong sự chân thành… khiến lay động trái tim người đọc.

Tôi đã rất thương cho những nhân vật ở trong truyện của mình dẫu họ khác mình về đủ thứ… Có thương thật lòng tôi mới đủ năng lực để mà đau đáu trăn trở… Để làm sao đó nói hộ đúng tiếng nói của họ, âu sầu đúng âu sầu của họ, thấu nhận đúng thấu nhận của họ. Do vậy, tôi rất mất thời gian để bắt đầu một truyện. Đã không ít lần, tôi phải dừng lại giữa chừng, vì cảm thấy vẫn chưa hiểu thấu, chưa sống đúng với cuộc đời họ. Còn khi đã cảm, đã thương, thì cái cảm cái thương đó dẫn dắt mình đi và tôi viết rất nhanh, câu chữ như đuổi theo bàn tay bấm phím. Có những chi tiết, những cảnh tượng… tôi viết mà chỉ muốn khóc. Như trong “Những câu kinh chấp chới”, “Một nơi về rất cũ”, “Mẹ không… ế”… Nếu bảo rằng tôi có một tí ti tài năng nào đấy, thì ắt hẳn cái tài này phải đi sau cái tình. Cũng cái tình, cái thương mà tôi mới viết được cả truyện cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn.

Nhiều độc giả nói rằng, đọc truyện của Nguyễn Mỹ Nữ, nhiều khi chả thấy có gì hết, vậy mà vẫn đọc một mạch. Chính cảm xúc được nuôi dưỡng lâu dài trong trang viết, đã tạo thành điểm tựa cho bút lực.

* Nhưng có khi nào chị cảm thấy, chính vì bị dẫn dắt bởi cái cảm, cái thương như vậy, mà trang văn của chị có lúc, chưa đủ độ chín về tư duy nghệ thuật, chưa có nghề?

- Quả là khi viết, tôi luôn bị giằng xé giữa chuyên nghiệp và không chuyên, có nghề và không có nghề. Tôi cũng thích là mình sẽ viết có nghề hơn, nhưng có khi, viết một truyện rất kỹ thuật rất chuyên nghiệp, tôi lại phải delete nó, vì không thấy trong đó cái thương yêu, cái cay đắng, cái ngọt ngào… mà mình muốn chuyển tải đến bạn đọc. Nên bây giờ, ai đó nói tôi viết có nghề hơn, chưa hẳn tôi đã thấy vui. Bồi hồi, rạo rực, đắm đuối… là những cảm xúc tuyệt vời nhất mà tôi luôn có khi viết. Và giả như bởi đó mà tôi viết có non tay hơn, không thể sắc sảo hơn thì tôi cũng vẫn cứ phải là thế! Tôi không thể khác tôi được, khi sống và viết.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ quê ở Hà Nam, sinh năm 1955 tại Quảng Ngãi, lập nghiệp ở Bình Định. Vậy mà đọc truyện của chị, từ văn phong, ngôn từ, chi tiết, đều đậm chất Bình Định như một người xứ Nẫu gốc. Đem chuyện này ra trao đổi, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ cười:     

- Nhiều bạn văn, bạn đọc của tôi thương mến gọi tôi là nhà văn Bình Định. Tôi rất hạnh phúc vì được gọi như vậy. Quê tôi ở Hà Nam, nhưng tôi sống ở đây mấy chục năm. Lại làm dâu xứ này. Thì quê nội của chồng tôi ở Tam Quan (Hoài Nhơn) và quê ngoại của anh ấy ở Khánh Lộc (Phù Cát) mà. Tôi đã thương mảnh đất này và thương thêm Bình Định bằng tình yêu với một người. Thương yêu, gắn bó khiến văn phong của tôi như một người Bình Định cũng là phải thôi.

* Chị có thể tiết lộ đôi chút về dự định sắp tới của mình? 

- Tôi còn nợ tủ sách “Tuổi mới lớn” một tập truyện, đã hứa sẽ đưa in năm 2006. Đã viết được già nửa rồi. Hiện nay, tôi lại hứng thú với tiểu thuyết, viết về chính cuộc đời mình. Tôi nghĩ, chỉ cần bập vào viết được một, hai chương đầu là có đà để viết tiếp. Tiếc là tôi vẫn chưa thể bắt đầu vì thời gian luôn bị chẻ nhỏ bởi chuyện nhà, rồi cả viết báo để kiếm sống nữa bởi đó vẫn là thu nhập chính của vợ chồng tôi. Còn nếu đi dự trại sáng tác thì lại càng khó thu xếp.

* Xin cảm ơn nhà văn.

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ẩn dụ Cát Tường  (23/06/2008)
Làm báo ở Bình Định  (21/06/2008)
Tiếng vọng từ trái tim  (16/06/2008)
Quy Nhơn, những con đường nắng  (09/06/2008)
“Duyên nợ” với titan  (07/06/2008)
Làng lặn hàu  (02/06/2008)
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)
Kỳ 2: Tâm tình lính đảo  (06/05/2008)