Đau lắm, da cam…
8:57', 30/6/ 2008 (GMT+7)

33 năm trôi qua, kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, đại bộ phận nhân dân đang được hưởng cuộc sống ngày một tươi đẹp, ấm no thì “nỗi đau da cam” vẫn đeo bám những số phận, những mảnh đời các nạn nhân bị phơi nhiễm da cam-dioxin một cách dai dẳng, đau đớn và tàn nhẫn đến khôn cùng… Sắp đến ngày kỷ niệm 10 năm Da cam Việt Nam (10.8), chúng tôi đã tìm đến những “chứng nhân” bất hạnh tột cùng của chiến tranh để được thêm một lần đánh động vào nỗi đau, sự cảm thông và sẻ chia của mỗi con người.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình (bên phải) thăm nạn nhân nghi nhiễm da cam ở huyện Tây Sơn. Ảnh: T.X.C

 

* Những số phận nghiệt ngã

Với tỉnh Bình Định, sân bay Phù Cát- nguyên là một căn cứ quân sự cũ, được lấy làm kho và nơi nạp dioxin của quân đội Mỹ trước đây, được xem là một trong những điểm nóng về chất độc dioxin với những nạn nhân da cam và nghi da cam cao một cách bất thường so với các địa phương khác. Vào một buổi sáng mùa hè gay gắt nắng, tôi đã tìm đến nhà cháu Nguyễn Lê Duẩn, 15 tuổi ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn)- một vùng quê nằm ở phía tây nam sân bay Phù Cát.

Duẩn đang ngồi viết bài. Cả đôi chân và đôi tay với 2 bàn chân, 2 bàn tay co quắp, dị dạng của cháu đang cố gắng vừa ghì, vừa đỡ, vừa giữ cây bút mực nhỏ xíu, bắt nó nhả ra từng dòng chữ một cách khó nhọc. Với cơ thể dị tật bẩm sinh, để sống được đã là khó, là quý lắm rồi, nhưng với Duẩn, sống vẫn chưa đủ, cháu còn muốn được làm người- một con người có chữ để biết yêu và biết sống có ích như bao người bình thường khác. Duẩn tâm sự: “Hết hè này con vào lớp 9 nên phải cố gắng học. Học để được trở thành họa sĩ và kỹ sư tin học…”.

Duẩn cho tôi xem tập tranh của em với những nét vẽ đơn sơ nhưng toát lên ước mơ cháy bỏng được tung tăng cắp sách đến trường, được chơi đùa, chạy nhảy như bao bạn nhỏ bình thường khác… Tôi đề nghị Duẩn mở máy vi tính (Duẩn hiện có 1 máy vi tính để bàn và 1 laptop từ bạn đọc báo Thanh niên gởi tặng) và gõ cho tôi xem một câu thơ… Bàn chân trái còng queo của em đưa lên mở máy, di chuyển con chuột, và mỏm cụt bàn chân phải bắt đầu gõ tí tách trên bàn phím… “Lúc mới tập sử dụng máy, con đau đớn lắm, nhưng bây giờ thì quen rồi. Con sắp thi lấy bằng A tin học rồi đấy!”. Nghe Duẩn khoe mà tôi chảy nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Dưỡng, 37 tuổi, ba của Duẩn với vẻ mặt buồn rầu cho biết: “Con sinh ra tật nguyền, bậc sinh thành như tôi đau đớn và khổ cực trăm bề. Vậy mà, so với nhóm bạn xưa sống cùng chòm nhà gần sát khu vực sân bay, cũng sinh con bằng hoặc nhỏ hơn tuổi thằng Duẩn, nhưng ngơ ngác, ngẩn ngơ, không biết gì, tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc chán…”.

 

Vợ chồng ông bà Nishimura - Yoxhi với em Đoàn  Khánh Dương (ở xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) bị u xơ thần kinh. Ảnh: T.X.C

 

Theo chỉ dẫn của anh Dưỡng, chúng tôi tìm đến cháu Quẹo (Nguyễn Văn Trung), 10 tuổi, bị bại não, con anh Nguyễn Minh ở cùng thôn. Ám ảnh bởi nỗi đau dai dẳng và cảnh sống khó khăn không lối thoát, ba mẹ cháu Quẹo đã bỏ đi, để Quẹo lại cho bà nội Nguyễn Thị Trạn, 58 tuổi, nuôi dưỡng. Khi tôi đến, cháu Trung vừa “ị” đùn, phân tri trét đầy giường… Người đàn bà khốn khổ quắp cháu ra giếng rửa ráy, thay quần áo… Nỗi khổ đau triền miên làm cho bà trông già hơn cả chục tuổi. Bà kể: “Cháu mình mình nuôi, chớ khổ lắm các chị à! Suốt ngày nó chỉ nằm một chỗ, mắt trợn ngược, miệng ê a những câu vô nghĩa, rồi ỉa đó, đái đó, bà mà lơ đễnh một chút là lại bốc phân lên ăn, tội nghiệp lắm!”.

Một đứa con thỉnh thoảng không nghe lời đã khiến cho cha, mẹ, người thân bực bội, cáu gắt, huống gì, đó là một đứa trẻ bệnh tật phải sống đời sống thực vật. Đói chúng không biết khóc, đau chúng không biết kêu… Chúng khổ sở đã đành, mà những người thân bên chúng cũng phải sống dở, chết dở và đối mặt dai dẳng với muôn vàn khó khăn, bất hạnh của một phận người, phận đời, thậm chí còn gieo rắc đau thương đến những thế hệ tiếp theo.

Một ngày vòng quanh ngoại vi sân bay Phù Cát, tôi còn được chứng kiến khá nhiều những mảnh đời bất hạnh - nạn nhân di chứng chất độc da cam rất điển hình như Đào Văn Đông, 19 tuổi, ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, bị u xơ thần kinh rối loạn nhiễm sắc thể với hai mông khổng lồ, đầy những đám hạt xanh đen xạm...; gặp 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Rầu (73 tuổi)- một gia đình có đến 4 người bị nghi phơi nhiễm chất độc da cam ở thôn Tiên Hòa, xã Nhơn Hưng. Cuộc sống của họ cũng đang là “địa ngục” với bệnh tật và khốn khó. Cả mấy mẹ con đều mắc chứng đa u xơ thần kinh, trên cơ thể họ nổi lên hàng trăm cái hạch lớn, bé chi chít, chen chúc. Riêng anh Hồ Ngọc Hùng, 40 tuổi, con trai bà Rầu còn bị thêm một khối u dị dạng trên mặt. Khối u ngày càng to, khiến anh phải đau đớn, vật vã khi nuốt từng thìa cơm…

* “Bố Chi” của những người bất hạnh

Bác sĩ Trang Xuân Chi và cháu Võ Ngọc Anh (thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, Tuy Phước) sau khi được cắt khối u cân nặng 29,3 kg ở cánh tay phải.

Gặp những nạn nhân và thân nhân những người nghi phơi nhiễm da cam, tôi đều nghe họ nhắc đến “bố Chi” (bác sĩ Trang Xuân Chi) như một vị cứu tinh đối với họ, gia đình họ. 10 năm qua, BS Chi và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đến với hàng trăm nạn nhân da cam, khuyết tật nghèo bất hạnh, làm cầu nối giữa họ với những tấm lòng hảo tâm, nghĩa hiệp của các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội để tìm cách cứu họ. Bước chân của ông đã đến với mọi vùng, miền đất trong tỉnh và đã giúp được rất nhiều người vơi đi phần nào nỗi đau da cam.

Trong câu chuyện với ông, những mảng sáng- tối của da cam ẩn hiện như một phần cuộc đời ông và vẫn đang ám ảnh ông từng ngày, từng giờ với nỗi mong mỏi và khát khao làm thế nào để giúp họ, cứu họ tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa. “Gia tài da cam” của BS Trang Xuân Chi là hàng trăm bức ảnh, hàng trăm bài báo ông viết gởi đi khắp nơi kêu gọi mọi người hãy hướng về nạn nhân chất độc da cam. Ông thuộc từng cái tên, quê quán và hoàn cảnh của mỗi nạn nhân như thuộc lòng những người thân của mình mà không cần sổ sách, ghi chép.

Ông luôn miệng nhắc với tôi về hoàn cảnh của người này, người khác, nếu không bị nỗi đau da cam giằng xé có lẽ cuộc đời của họ, gia đình họ đã đi theo một hướng khác, tươi đẹp và hạnh phúc hơn rất nhiều…

Cháu Nguyễn Lê Duẩn

Ông luôn ngợi ca tấm lòng của người khác đã vì nạn nhân da cam như chị Lý Thu Linh (TP Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Thế Hội, TS Bùi Đức Phú, TS Ánh Hồng, BS Huỳnh Tấn Mẫm và những Việt kiều ở Anh, Mỹ, Úc, Pháp... Trong đó, có vợ chồng người Nhật Y.Nishimura đã bỏ thời gian, công sức và tiền bạc đi khắp đất nước Việt Nam để thu thập những tấm ảnh, những số phận da cam làm bằng chứng kêu gọi bạn bè, các tổ chức nhân đạo hãy cứu giúp họ… 

* Hãy hành động vì da cam!

Trong 10 năm, Hội Chữ thập đỏ Bình Định đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ “người khuyết tật nghèo và nạn nhân nghi nhiễm chất độc da cam-dioxin”, trong đó, đáng kể nhất là dự án da cam do Mỹ tài trợ (hỗ trợ được 1.290 người/ 402 hộ thuộc 17 xã của 3 huyện An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn với kinh phí thực hiện cả 2 giai đoạn trên 1,2 tỉ đồng). Dự án đã giúp các nạn nhân chữa bệnh, cải thiện đời sống, mua sắm phương tiện làm nghề, sửa chữa và xây dựng nhà ở, học chữ, học nghề… Ngoài ra, liên quan đến người khuyết tật và nạn nhân da cam, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức “Trả lại nụ cười trẻ thơ” của Mỹ, Tổ chức phi chính phủ AIFO của Ý… đã giúp cho các nạn nhân làm hàng ngàn chi giả, hỗ trợ xe lăn và giúp phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng… Tuy vậy, vẫn là “muối bỏ biển”.

Cháu Nguyễn Thành Tật - nạn nhân phơi nhiễm da cam bẩm sinh ở xã Nhơn Khánh, An Nhơn. Ảnh: T.X.C

Ông Đào Duy Chấp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Đối tượng da cam hiện nay đang cực kỳ khó khăn về đời sống, sức khỏe, việc làm, kể cả sự sẻ chia của xã hội cũng vẫn còn quá ít; nhu cầu cần giúp đỡ của họ quá lớn, trong khi các nguồn lực giúp đỡ còn rất hạn chế; chính sách của Nhà nước để công nhận nạn nhân da cam và hỗ trợ họ hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi và kịp thời; nhận thức của toàn xã hội về người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức…”.

33 năm sau chiến tranh, chỉ có một số rất ít những nạn nhân là con em những người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ của Nhà nước, còn rất nhiều đối tượng là con em nhân dân, kể cả những người trước kia ở bên kia chiến tuyến vẫn đang phải sống trong vô vọng. Hình ảnh của 2 chị em ruột Trần Thị Mai, 26 tuổi và Trần Văn Trâm, 21 tuổi ở thôn An Sơn, xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) đang phải sống đời sống thực vật, nằm co cứng một chỗ với tấm thân còi kiệt, đầu to, tứ chi teo tóp. Đau thương lắm, khi cha mẹ mải mê lo toan cuộc sống, Trâm nằm ở nhà đã bị chó cắn cụt mất “chim” sát gốc niệu đạo; hình ảnh của chị em Phạm Thị Nguyệt, 24 tuổi và Phạm Văn Khải, 12 tuổi ở thôn Kiều An, xã Cát Tân (Phù Cát) bị 2 khối u hạch trên cổ chèn ép, ăn uống vô cùng khó khăn nhưng không có tiền để mổ... cứ “đi” theo tôi trong suốt những ngày qua. Hãy hành động vì nạn nhân chất độc da cam!

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lời cảm ơn cuộc sống  (28/06/2008)
Ẩn dụ Cát Tường  (23/06/2008)
Làm báo ở Bình Định  (21/06/2008)
Tiếng vọng từ trái tim  (16/06/2008)
Quy Nhơn, những con đường nắng  (09/06/2008)
“Duyên nợ” với titan  (07/06/2008)
Làng lặn hàu  (02/06/2008)
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)
Kỳ cuối: Dọc đường Trường Sa  (07/05/2008)