Gửi hồn vào chất liệu đồng quê
9:49', 5/7/ 2008 (GMT+7)

Tuy đã ở vào tuổi bát tuần, sức khỏe suy giảm, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và niềm đam mê với nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ chất liệu đồng quê vẫn vẹn nguyên như thuở ông mới “bén duyên” với nghệ thuật này. Ông tên là Nguyễn Minh Châu, nhưng bà con ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) vẫn quen gọi là ông “Châu tôm” hay ông “Châu tranh nổi”… theo những tác phẩm của ông.

 

Ông Nguyễn Minh Châu bên những tác phẩm của mình. Ảnh: N.T

 

Ông Nguyễn Minh Châu sinh ra và lớn lên trong một xóm nhỏ của xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, một miền quê yên bình và trù phú. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã đam mê và rất có năng khiếu về hội họa. Những lúc phụ giúp cha mẹ chăn trâu, ông không nô đùa với bạn bè mà thường tìm đến gốc cây tập vẽ những con vật hoặc cảnh trí thiên nhiên... mà hàng ngày mình đã chứng kiến. Lúc đó, vì thích vẽ nên ông cứ vẽ chứ cũng không nghĩ rằng niềm đam mê này sẽ theo mình suốt đời.

* Ông có thể cho biết ông đến với công việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ khi nào?

- Năm 19-20 tuổi, trong lúc vất vả mưu sinh, tôi lại nhớ đến câu nói của người xưa “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Tôi thầm nghĩ, mình sinh ra ở miền quê, nơi có nhiều vật liệu hữu dụng, nhất là tre, bẹ chuối, rơm rạ.... nên nung nấu một ước muốn phải làm những sản phẩm mỹ nghệ gì từ chất liệu nói trên để tạo nên nét riêng so với những sản phẩm mà lâu nay người ta thường làm. Từ ý tưởng đó, tôi đi tìm những thứ mà người ta bỏ đi mang về cưa xẻ, đục đẽo, lắp ghép thành những bức tranh nổi do mình tưởng tượng ra.

Bà con chòm xóm và những người trong gia đình thấy tôi cứ tối ngày đục đẽo, loay hoay với những thứ mà chẳng ai “thèm” nên cũng lo ngại cho tôi. Quả thật, lúc mới tập tành với nghệ thuật này, nhìn những tác phẩm của mình chẳng ra hình dáng gì cả, tôi cũng nản lắm. Nhưng nhờ niềm đam mê đã ăn sâu trong tiềm thức, tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được ý tưởng của mình. Nhiều đêm tôi trăn trở: Cái chỗ này đáng lý ra phải làm như thế này, phải tạo dáng như thế kia mới phù hợp. Còn với con vật này thì cái đầu phải cao, cái chân phải to mới đúng…. Những câu hỏi đó được tôi giải mã qua các tác phẩm mình làm ra ở những lần sau, nên “tay nghề” cũng như khả năng tư duy nghệ thuật của mình dần dần được nâng lên.

* Và từ khi đó những tác phẩm nghệ thuật của ông được nhiều người đón nhận?

- Không đơn giản như vậy đâu. Những bức tranh nổi đầu tiên mà tôi làm ra chỉ để treo trong nhà và tặng bạn bè treo chơi chứ chưa thể bán ngay được. Từ những tác phẩm đầu tay này và qua sự góp ý của nhiều người tôi mới tiếp tục “sáng tác”. Cũng phải mất mấy năm trời, khi những tác phẩm của tôi được nhiều người biết đến và nhiều người tìm đến nhờ làm tôi mới mạnh dạn làm và gởi đi các nơi để bán. Ban đầu cũng ít người mua, nhưng tôi đã kiên trì, nhẫn nại nên cuối cùng đã thành công. Khi tác phẩm mình làm ra được nhiều người đón nhận, tôi dành toàn tâm toàn ý cho công việc này. Từ đó, những bức tranh về làng quê, chùa chiền, đền đài… với những nét giản dị và mộc mạc; những con tôm, con cua, chim chóc… với hình dáng như thật do tôi sáng tác liên tiếp ra đời.

Với chừng 60 năm gắn bó với nghệ thuật này, ông Châu đã tạo ra không biết bao nhiêu mặt hàng mỹ nghệ như tranh nổi, tôm, cua, chim chóc từ nguyên liệu tre, bẹ chuối, rơm… cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước. Những sản phẩm ấy đều được ông “gửi hồn mình vào trong đó”, qua sự rung động của con tim và đôi bàn tay tài hoa, cần cù.

 

Ông Nguyễn Minh Châu trao đổi về nghề với người con trai mà ông đang chuyển giao sự nghiệp. Ảnh: N.T

 

* Thưa ông, để sáng tác một sản phẩm mới ông có mất nhiều thời gian không?

- Những tác phẩm của tôi đều dựa trên những hình ảnh chân thật, chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Bởi thế, để cho ra đời một sản phẩm mới, tôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Để có những con tôm tre được nhiều người đón nhận như hôm nay, tôi đã phải mất cả mấy tháng trời nghiên cứu và làm đi làm lại nhiều lần. Ngoài xem hình ảnh các tranh vẽ, tôi còn mua hẳn một con tôm hùm về thả trong lồng kính cho nó bơi mà ngắm nhìn để có cơ sở sáng tác.

Công việc này tuy thấy đơn giản, chỉ lặp đi lặp lại nhưng đòi hỏi sự chính xác cao. Tôi xin kể một câu chuyện có thật như thế này: Một lần sau khi làm xong một bức tranh chọi trâu, tôi vui sướng treo trước hiên nhà để ngắm, thì tình cờ có 2 cậu bé đi ngang qua và cũng đứng lại ngắm bức tranh. Một cậu nói với cậu kia: “Bức tranh này làm không thật”. Lúc đó tôi rất bực mình, bởi mình rất tâm huyết với bức tranh này và mất rất nhiều thời gian với nó nhưng lại bị 2 đứa trẻ con chê. Tôi gọi 2 cậu bé đó lại và hỏi ngay là bức tranh không thật ở điểm nào. Một cậu bảo rằng: “trâu chọi thua thì phải chạy ngay đuôi chứ không bao giờ cong đuôi cả”. Nghe thế, tôi nghĩ lại cảnh chọi trâu hồi nhỏ mà mình thường chứng kiến nên đã tháo bức tranh ra để làm lại.

* Bây giờ ông có dự định sáng tạo thêm mặt hàng mới với những chất liệu mới?

- Tôi đã ở vào tuổi bát tuần, sức khỏe yếu nên đang chuyển giao “sự nghiệp” của mình lại cho đứa con trai út. Từ khi gắn bó với nghề này cho đến nay, tôi đã làm ra không dưới 20 sản phẩm các loại, từ tranh ảnh đến chim chóc, tôm, cua, lân, rồng... với nhiều mẫu mã và kích cỡ, giá bán từ 50.000 đồng cho đến vài triệu đồng/sản phẩm. Trong đó, sản phẩm tôm, cua bán rất chạy, nhất là ở các cửa hàng quà lưu niệm tại TP Hồ Chí Minh, được nhiều khách nước ngoài mua.

Tuy nhiên, tôi luôn căn dặn con cháu mình, trong quá trình sản xuất phải hướng đến sự sáng tạo chứ không dừng lại ở những sản phẩm dù đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường. May mắn cho tôi, đứa con mà tôi chuyển giao “sự nghiệp” rất có năng khiếu và cũng đã gắn bó với nghề của cha từ khi tóc còn để chỏm. Bởi thế, ngoài những gì mà tôi truyền lại, con tôi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm những sản phẩm mới.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thân tình này !

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đau lắm, da cam…  (30/06/2008)
Lời cảm ơn cuộc sống  (28/06/2008)
Ẩn dụ Cát Tường  (23/06/2008)
Làm báo ở Bình Định  (21/06/2008)
Tiếng vọng từ trái tim  (16/06/2008)
Quy Nhơn, những con đường nắng  (09/06/2008)
“Duyên nợ” với titan  (07/06/2008)
Làng lặn hàu  (02/06/2008)
Mở đường cho Kon Trú  (26/05/2008)
“Tôi không thể chuyển hết cảm xúc của mình về Bác”  (24/05/2008)
Già làng Đinh Văn Nháo: "Còn sống, tôi còn tuyên truyền, vận động bà con…"  (22/05/2008)
Tài nguyên núi Bà đang bị xâm hại  (19/05/2008)
“Mãi khắc ghi trong tim lời Bác dạy”  (17/05/2008)
Ế ẩm cây cau An Lão  (12/05/2008)
Vì những chuyến tàu hạnh phúc  (10/05/2008)