Thật khó để gọi ông Nguyễn Vĩnh Hảo, chủ nhân Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Champa - Bình Định (số 173, đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), là “nhà” gì, vì từ sở thích sưu tập gốm, đến huấn luyện võ, rồi nhiếp ảnh… lĩnh vực nào cũng thấy ông… “góp mặt”. Hỏi, ông tự nhận mình là “người thừa tự” vốn văn hóa một vùng đất, mà không những ông đã yêu, mà còn gần như mê đắm…
|
Ông Nguyễn Vĩnh Hảo. Ảnh: V.T
|
* Từ ý tưởng đến một thương hiệu lớn
* Lâu nay, nhiều người vẫn biết ông là một nhà sưu tầm gốm cổ. Nhưng ông còn là một HLV võ. Ông có thể tiết lộ đôi chút về duyên nợ với võ?
- Tôi học võ từ năm 12 tuổi, người thầy đầu tiên khai tâm cho tôi là võ sư Hương Kiểm Sát ở thị trấn Phù Mỹ. Tôi lại được một võ sư ở Phù Cát hướng dẫn về ngọn roi chiến. Ông này là học trò một thầy võ ở Đồng Phó, người thầy này vốn lại là một môn sinh của võ sư Hai Hựu. Đến năm 1986, tôi học thêm quyền Anh, rồi có bằng trọng tài; năm 1997, làm HLV Quốc gia ở môn Wushu tham dự SEA Games 19….
* Ngọn roi chiến Bình Định có gì đặc biệt, thưa ông?
- Chẳng là, từ Thảo thi roi của triều Nguyễn với 12 phách của hai bài “Tứ môn” và “Bát quái” (tên bài Thảo roi có ghi trong “Đại Nam hội điển sự lễ”), khi ứng dụng trong thực tiễn chiến đấu vùng Bình Định, các võ sư tiền bối đã đúc kết ra thành ngọn roi chiến Bình Định với 12 phách và 8 tuyệt kỹ. Tôi dự định công bố chúng trên trang web của Bảo tàng trong dịp Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần II sắp tới.
* Duyên nợ với võ hẳn cũng là lý do khiến ông khá tâm huyết với ý tưởng tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam?
- Tôi là người biết võ, lại tham gia hoạt động văn hóa. Bởi vậy, tôi nhận thấy nhu cầu về nguồn, hành hương để tìm về cái nôi của võ cổ truyền dân tộc trong những người học võ là rất lớn. Từ đó, tôi đã góp phần đề xuất ý tưởng tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền. Đầu tiên, tôi bàn với ông Trương Quang Trung, Tổng Thư ký Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam. Ông Trung đề nghị tôi trao đổi với nữ võ sư Hồ Hoa Huệ, người đã có quan hệ rộng với các võ sư, võ sinh võ cổ truyền Việt Nam ở ngoài nước. Sau đó, một số người muốn đưa hoạt động này về Tuần Châu (Quảng Ninh) hay Hà Nội, nhưng không thành. Cuối năm 2005, ông Trung liên lạc lại và đề nghị tôi nối nhịp tổ chức. Tôi đã gặp một số cơ quan liên quan và được nhiều người ủng hộ… Khởi nguồn từ một ý tưởng táo bạo, trong điều kiện gần như bằng không, nhưng Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I đã gặt hái thành công không nhỏ. Những người tổ chức có dịp ngồi lại với nhau, đã gọi đó là việc “tay không bắt giặc”.
|
Ông Nguyễn Vĩnh Hảo (thứ ba, trái qua) đang giới thiệu về các hiện vật gốm Gò Sành với các cán bộ Cục Di sản Văn hóa. Ảnh: V.T
|
* “Thừa tự” một vốn văn hóa
* Mất khá nhiều thời gian cho võ, nhưng nghiệp thì gắn với gốm. Ông mê gốm và học “tiếng nói của gốm” khi nào?
- Gốm thì tôi học trong gia đình từ nhỏ. Nhà tôi mở lò gốm Kim Môn, chuyên sản xuất gốm thương mại, một phần xuất khẩu, tôi lọ mọ trong nhà với ông già, lân la bên cánh thợ, vậy mà học được lắm điều hay. Ông già tôi có con mắt của một người làm nghề, nên tôi được học theo, từ cách nhận diện, đến giá trị các dòng gốm. Bởi vậy, tôi hiểu, rồi mê đắm với gốm hồi nào không hay. Và càng hiểu, càng mê; càng mê càng tìm tòi để hiểu….
* Là võ sư, nhiếp ảnh gia, nhà sưu tầm gốm cổ… Vậy rốt lại, ông là ai?
- Tôi chỉ là kẻ “thừa tự”, với cái nghĩa là tất cả những điều đó đến và gắn với mình như một nhân duyên. Vậy thôi. Và tất cả các hoạt động của tôi đều là muốn góp một chút gì cho quê hương, đúng như tên hai cuộc triển lãm ảnh của tôi “Chút tình quê hương”. Điều căn bản là bởi tôi đã được sinh ra trên mảnh đất này, được thở trong không khí văn hóa nơi đây, và được sống, trong gia đình và bạn bè, giữa những người Bình Định. Chất Bình Định đã chắt chiu nên con người tôi như vậy.
* Là người thừa tự. Nếu nhìn lại, ông nhận được gì?
- Là người Bình Định - đó là cái được lớn nhất. Còn lại, thì như câu thơ trong một bài thơ do một người bạn viết tặng, nay tôi trân trọng lấy làm slogan của Bảo tàng: “Tay cầm tiền kiếp mà không cầm gì”.
Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Champa - Bình Định là một trong hai Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đây là kết quả một nỗ lực khá dài lâu, vừa sưu tập, vừa bảo tồn và phát huy của ông Hảo và các cộng sự.
* Có trong tay một bảo tàng mà tên tuổi đang dần quen với những người mê gốm. Hẳn ông đã thấy tự hào và hài lòng?
- Thật ra, cũng có tự hào, nhưng là tự hào khi được giới thiệu với mọi người về một dòng gốm độc đáo của quê hương mình. Còn hài lòng thì hoàn toàn chưa. Bởi thật ra, mục tiêu của tôi không chỉ dừng lại ở việc lập nên Bảo tàng và được công nhận mà là tiếp tục quảng bá cho gốm Gò Sành và định vị nó trên bản đồ gốm thế giới; đồng thời, làm thế nào để gốm Gò Sành cùng với các tháp Chăm, trở thành hạt nhân trong quần thể di tích Chăm Bình Định, trong hồ sơ để đề nghị công nhận Di sản Văn hóa Thế giới.
Cũng phải mở ngoặc thêm rằng các tháp Chăm, vốn đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới mà đại diện là Khu Di tích Mỹ Sơn. Nhưng Bình Định lại không chỉ có tháp, mà tháp Chăm ở Bình Định nằm trong hệ di tích Chăm, từ di tích quân sự đến dân dụng, như thành, cảng thị, gốm… Trong đó, đặc biệt nhất là gốm Gò Sành. Gốm cổ Gò Sành là một trung tâm lớn với hàng trăm lò tập trung ở nhiều khu lò; trong đó, với 5 khu lò đã khai quật, được xem là trung tâm gốm lớn nhất Việt Nam giai đoạn phong kiến. Với các di chỉ lò, cùng những hiện vật gốm thuộc nhiều loại hình, từ thương mại đến thờ tự, rồi tượng gốm… gốm Gò Sành hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn trong hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích Chăm Bình Định là Di sản Văn hóa Thế giới.
* Liệu ý tưởng đó có khả thi không thưa ông, khi mà đang có “hội chứng” nơi nào cũng muốn đề nghị công nhận Di sản Thế giới?
- Giá trị và tính độc đáo, độc nhất vô nhị của hệ di tích Chăm Bình Định như thế nào, lâu nay, các nhà khoa học đã nói nhiều. Vấn đề bây giờ là bên cạnh giá trị tự thân của di sản, phải làm sao để quảng bá, phát huy, làm cho thế giới biết và công nhận giá trị ấy. Để làm được điều này, hẳn nhiên, cần sự chung sức, từ lãnh đạo tỉnh đến các ngành chức năng. Riêng về phía Bảo tàng, với khả năng của mình, chúng tôi chỉ xin đóng góp bằng những việc làm cụ thể. Trước hết, chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế, quy tụ tiếng nói của các nhà khoa học, về gốm Gò Sành. Từ đó, định vị gốm Gò Sành trên bản đồ gốm cổ thế giới. Thứ nữa là đề xuất xây dựng “Không gian văn hóa Chăm Bình Định” với hai loại hình chính là võ và gốm, nhằm làm sống lại những giá trị văn hóa cổ xưa trong cộng đồng.
Cũng cần nói thêm là hiện nay, văn hóa Chăm Bình Định đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, sưu tầm. Mới đây, TS. Istvan Zelnik, một nhà đầu tư Hungary, đã đến Bình Định tìm hiểu, với ý định sẽ đầu tư xây dựng một bảo tàng cổ vật và đã cùng chúng tôi khảo sát một số địa điểm cũng như làm việc với UBND tỉnh... Với những tín hiệu như vậy, tôi tin tưởng rằng việc đề cử hệ di tích Chăm Bình Định trở thành Di sản Văn hóa Thế giới là khả thi.
|
Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành. Ảnh: V.T
|
* Và góp một chút tình
“Bình Định rất cần những người biết mê đắm văn hóa của miền đất này như ông Hảo”- đó là nhận xét của giám đốc một công ty du lịch. Mà quả thật, từ cái say, cái mê ấy, Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Champa - Bình Định đã ra đời, trở thành một điểm tham quan với du khách một khi muốn hiểu thêm về văn hóa Bình Định. Lâu lâu, lại thấy ông Hảo nảy ra một ý tưởng hay tổ chức một sự kiện, tuy có thể chưa được như mong muốn, nhưng luôn làm người ta giật mình vì cái độc đáo và mới lạ của chúng. Thời gian tới, ông Hảo cũng đang ấp ủ những ý tưởng như vậy. Ông Hảo cho biết:
Lâu nay, Bảo tàng vẫn thường tổ chức các hoạt động. Chẳng hạn, chúng tôi đã tổ chức đêm đối tửu, rồi tọa đàm về gốm cổ Gò Sành… Từ nay đến cuối năm, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức ba hoạt động. Ngoài một đêm đối tửu khác, lần này, tập trung giới thiệu về rượu Hồng đào, sẽ tổ chức triển lãm ảnh về bộ sưu tập cổ vật vàng của người Chăm của TS. Istvan Zelnik. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bảo tàng Phú Yên và nhà sưu tập Nguyễn Thành Hưng, tổ chức triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”. Nếu thuận tiện, chúng tôi sẽ triển khai ba hoạt động này trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Tất cả cũng với mong muốn góp một chút gì tôn vinh những giá trị văn hóa thẳm sâu của miền đất Võ.
* Xin cảm ơn ông.
|